(Baothanhhoa.vn) - Giữa cái nắng như thiêu đốt hay trời mưa tầm tã, những người lao động như: cửu vạn, bán hàng rong, xe ôm, người mua phế liệu... vẫn cần mẫn mưu sinh để kiếm thêm thu nhập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Muôn nẻo mưu sinh

Giữa cái nắng như thiêu đốt hay trời mưa tầm tã, những người lao động như: cửu vạn, bán hàng rong, xe ôm, người mua phế liệu... vẫn cần mẫn mưu sinh để kiếm thêm thu nhập.

Muôn nẻo mưu sinh

Dù trời mưa hay nắng, những người lao động tự do vẫn lặng lẽ mưu sinh để kiếm thêm thu nhập.

Nhiều năm nay, anh Hoàng Văn Thành, quê ở huyện Thọ Xuân đã gắn bó với những công việc chân tay nặng nhọc. Đặt bao hàng lên xe, quệt ngang những giọt mồ hôi còn nhễ nhại trên mặt sạm đen vì nắng gió, anh Thành cho biết: “Ngày nào cũng vậy, anh em chúng tôi thường tập trung ở các ngã ba, ngã tư của TP Thanh Hóa, đợi có ai thuê gì làm nấy. Hôm thì khuân vác hàng, hôm thì xúc đất, cũng có khi là dọn dẹp công trình... làm gì cũng được, miễn là có thu nhập. Những người lao động như chúng tôi, sợ nhất là bị thất nghiệp. Bởi không có ai thuê, đồng nghĩa với việc gánh nặng cơm áo càng đè nặng lên vai vợ con của mình”.

Cũng như anh Thành, bao năm qua, chị Nguyễn Thị Nga, ở huyện Quảng Xương đã quá quen thuộc với từng góc phố, từng con ngõ trong lòng thành phố. Hằng ngày, không kể mưa hay nắng, trên chiếc xe đạp cà tàng, chị rong ruổi khắp các ngõ ngách, phố phường, thi thoảng cất tiếng rao mua phế liệu mà không biết mình đạp xe bao nhiêu cây số mỗi ngày, chỉ biết rằng đi từ nhà vào đến trung tâm thành phố khoảng hơn 10 km. Cứ thế sáng đi tối về, buổi trưa ăn vội ổ bánh mỳ, uống tạm ngụm nước, người chưa ráo mồ hôi lại miệt mài “đổ bóng” dưới cái nắng đầu hè mưu sinh.

Đang cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong đống rác thải công trình vừa đổ xuống, chị Nga bộc bạch: “Với tôi, ngày nào cũng như ngày nào. Chỉ trừ những lúc ốm đau mới phải nghỉ ở nhà. Bởi không đi làm, nghĩa là hôm đó các con không có một bữa ăn tử tế. Nắng tầm này chưa là gì đâu, chờ một chút vào giờ trưa mới cảm nhận được cái nóng như thế nào. Nhưng tôi đi nắng cả ngày suốt cũng quen rồi nên cảm thấy bình thường lắm. Sợ nhất là những ngày mưa thôi”, chị Nga chia sẻ.

Góp mặt vào đội ngũ những người đi bán dạo khắp TP Thanh Hóa, đối với chị Hoàng Thị Nhung, huyện Hoằng Hóa dường như đã đi mòn hết các ngõ phố bởi hàng ngày, với gánh hàng hoa quả tươi, chị phải đi bộ hàng chục cây số, hết phố này sang phố khác để bán hàng. Nặng trĩu với gánh hoa quả trên vai, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Nhung chưa một lần nghĩ đến ngày nghỉ.

Theo chị Nhung, nếu nghỉ một ngày, đồng nghĩa với không có mấy chục nghìn để lo cho ba đứa con đang tuổi ăn học. Có những hôm may mắn thì hết hàng sớm, những ngày như thế, đối với chị Nhung, gánh nặng trên vai dường như được trút bỏ. Nhưng cũng có nhiều ngày, đi hết phố này sang phố kia, hết người này cầm lên ngó nghiêng một hồi rồi lắc đầu... cho đến có những cô, cậu thanh niên đòi nếm thử quả nọ, quả kia rồi không mua... khiến gánh hoa quả của chị từ sáng đến chiều tối vẫn nặng trĩu. Chị Nhung bộc bạch: “Hoa quả có ăn trừ bữa được đâu, những ngày như thế, lỗ 100.000 – 200.000 đồng là bình thường”.

Trên chiếc xe máy lỉnh kỉnh nào là nồi cơm điện, ga trải giường, bình giữ nhiệt..., trong lúc chờ khách đi làm về để giao hàng, chị Đặng Thị Hoa (TP Thanh Hóa) cho biết: “Trước đây, tôi làm công nhân, nhưng sau khi thấy một số người bạn bán hàng online cũng thấy hay hay nên tôi đã mày mò tìm “mối hàng” rồi chuyển sang nghề này luôn. Nghề này cũng khá vất vả, trời mát còn đỡ, khổ nhất là những hôm mưa gió, hay những ngày nắng nóng gay gắt. Bởi vào giờ trưa hay chiều tối muộn mọi người mới đi làm về nên giờ đó cũng mới đi đưa hàng được”...

Dù vất vả, khó nhọc là thế, nhưng thu nhập của những người làm nghề tự do này không nhiều, hôm nào may mắn thì được 100.000 - 200.000 đồng, cũng có khi hơn nhưng những hôm vắng khách thì chẳng được đồng nào.

Hầu hết, những người này đều ở độ tuổi quá tuổi tuyển dụng của các nhà máy, xí nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Có những người xuất thân và nhiều năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp nên chưa được qua đào tạo nghề, thậm chí không có một nghề nào trong tay. Do đó, khi có nhu cầu xin việc ở một doanh nghiệp nào đó, họ ít có cơ hội lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng. Vì vậy, con đường tìm kiếm việc làm đối với họ càng trở nên khó khăn hơn. Để có thu nhập nuôi sống gia đình, họ chỉ còn biết tìm ra thành phố, chọn vỉa hè hay bất cứ một ngành nghề nào đó để mưu sinh.

Dẫu phải chịu biết bao vất vả, nhọc nhằn nhưng hạnh phúc lớn nhất của họ là con cái được vui vẻ đến trường, cha mẹ già cũng có những bữa ăn tươm tất!.

Bài và ảnh: Hoài Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]