(Baothanhhoa.vn) - “Về xã Lũng Niêm mà xem những đổi thay của vùng đất này!” – lời gợi mở của anh Trịnh Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Bá Thước khiến tôi không khỏi tò mò. Một Lũng Niêm nghèo khó mà tôi từng biết của 6 năm về trước, giờ đã thay đổi như thế nào?...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lũng Niêm thức giấc...

“Về xã Lũng Niêm mà xem những đổi thay của vùng đất này!” – lời gợi mở của anh Trịnh Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Bá Thước khiến tôi không khỏi tò mò. Một Lũng Niêm nghèo khó mà tôi từng biết của 6 năm về trước, giờ đã thay đổi như thế nào?...

Lũng Niêm thức giấc...

Một góc của xã Lũng Niêm hôm nay.

Suốt cả chặng hành trình dài hơn 14 km từ thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) vào xã Lũng Niêm, anh Dũng kể cho tôi nghe về một Lũng Niêm đổi thay. “Chuyển mình từ những con đường đất đỏ đã được bê tông hóa, các loại hình kinh doanh dịch vụ đã hình thành và phát triển; nhiều hộ gia đình nhạy bén trong làm ăn nên mua được ô tô, xây dựng nhà cửa khang trang... Tôi trầm tư hồi tưởng lại bức tranh Lũng Niêm nghèo khó của 6 năm về trước. Một Lũng Niêm không cửa hàng, cửa hiệu. Ngoài hiên mỗi căn nhà gỗ nhỏ, từng tốp phụ nữ mải miết thêu những họa tiết hoa văn lên từng chiếc váy thổ cẩm một cách nhẫn nại... Theo lãnh đạo xã cho biết, người dân địa phương thời điểm đó chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trình độ thâm canh thấp, vụ đông chưa trở thành vụ sản xuất chính. Tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ manh mún, nhỏ lẻ, ngành nghề trong nông thôn chưa được phát triển. Chất lượng giáo dục kém, cơ sở vật chất nhà trường nghèo nàn. Hủ tục: Ma chay, cưới hỏi, chữa bệnh... bủa vây, bám riết lấy cuộc sống của người dân. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã lên đến 70%.

Dòng suy nghĩ trong tôi ngưng lại, thay thế bằng sự ngỡ ngàng khi chiếc xe máy của anh Dũng lăn những vòng quay bánh xe đầu tiên vào địa giới hành chính của xã Lũng Niêm. Quán xá đã bắt đầu được “điểm tô” dọc trục đường 521B. Những ngôi nhà sàn lụp xụp xưa kia thưa dần, những mái ngói, mái tôn mọc lên thay mái cọ. Nhạc remix được bật to trong mấy cửa hàng kinh doanh điện thoại làm sôi động cả một góc phố Đòn. Cuộc sống nơi đây đã có nhiều đổi thay, đủ đầy no ấm hiện hữu trên từng viên ngói, từng chiếc ô, từng tấm áo, trong nhịp sống của lớp trẻ...

Đi tìm câu trả lời, tôi gặp anh Hà Văn Long, Chủ tịch UBND xã Lũng Niêm và được anh chia sẻ: Những năm gần đây, Lũng Niêm luôn đi đầu trong phát triển kinh tế của cụm Quốc Thành: Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Lũng Cao và Lũng Niêm. Sản xuất vụ đông của Lũng Niêm đứng đầu trong các xã của huyện Bá Thước với diện tích trồng ngô trung bình trên 70 ha, trong đó ngô trồng trên đất 2 lúa là 60 ha. Phát triển mạnh trong chăn nuôi, nâng cao thương hiệu vịt Cổ Lũng, từ đó cung cấp giống cho các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15,71%. Thu nhập bình quân của người dân đạt trên 26 triệu đồng/người. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, 100% hệ thống trường, lớp học của xã đã đầu tư xây mới; 100% con em đến trường đúng độ tuổi...

Vậy động lực nào để Lũng Niêm có được bước chuyển mình như ngày hôm nay? Tôi hỏi anh Long. Gương mặt như giãn ra, anh cười: “Đó là nhờ ơn Đảng, Nhà nước. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình dự án, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, việc phố Đòn được chọn để xây dựng trung tâm cụm xã đã mang đến hơi thở, sức sống mới cho Lũng Niêm. Kể từ đây Lũng Niêm có điều kiện vươn lên”. Không để đứt mạch câu chuyện, anh Long tiếp tục: Những năm qua, nền kinh tế của Lũng Niêm chuyển dần từ thuần nông sang kết hợp nông nghiệp gắn liền với các loại hình thương mại - dịch vụ. Đường xá thông thoáng giúp cho việc lưu thông hàng hóa phát triển mạnh mẽ hơn, nhu cầu của người dân được đáp ứng, kinh tế chuyển từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa...

Đổi thay của Lũng Niêm không chỉ làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương mà còn tác động tích cực đến đời sống của từng người dân. Chị Hà Thị Dung, 45 tuổi, người khu phố Đòn chính là một minh chứng điển hình. Khoảng 10 năm về trước, chị Dung với tấm bằng y chuyên ngành điều dưỡng trong tay đã chọn cho mình một công việc, mà theo tôi là nhẹ nhàng – nhân viên y tế xã. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy kinh tế - xã hội của địa phương có nhiều đổi thay, nắm bắt đó là cơ hội mới để cải thiện cuộc sống, chị Dung đã dốc toàn bộ vốn liếng mở một cửa hàng kinh doanh váy, áo, chăn ga, gối thổ cẩm đối diện chợ phố Đòn. Quyết đoán hơn, chị mạnh dạn đầu tư máy móc, nguyên liệu dệt cho bà con hai xã Ban Công và Lũng Niêm. Tiếp theo, chị độc quyền mua lại toàn bộ sản phẩm của bà con, đưa đi tiêu thụ ở khắp trong và ngoài tỉnh. “Có đường, có chợ, các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa chắc chắn sẽ trở nên sôi nổi, nhộn nhịp hơn. Đây chính là cơ hội để các sản phẩm truyền thống của cụm dân cư Quốc Thành nói chung, Lũng Niêm nói riêng được nhiều người biết đến” - chị Dung chia sẻ. Hiện nay, cơ sở kinh doanh của chị Dung đang không ngừng được mở rộng, nâng tầm về quy mô lẫn chất lượng.

Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng một Lũng Niêm nghèo khó đang lùi dần vào quá khứ, thay vào đó, bầu không khí khấp khởi của những đổi thay đang hiện hữu từng ngày. Tôi mừng thầm trong ý nghĩ, nhịp phát triển kinh tế của tỉnh, giờ đây, không chỉ nằm ở những khu đô thị loại I, loại II, những khu kinh tế mang những con đường, những nhà máy nối tiếp nhau mọc lên, mà nhịp phát triển còn tìm về với những xã nghèo nơi vùng cao xa xôi, cách trở... Lũng Niêm - một minh chứng điển hình.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường


Bài Và Ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]