(Baothanhhoa.vn) - Bằng nhiều hình thức liên kết, phối hợp, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh đã tạo được mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, giúp nhà trường vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) sau khi tốt nghiệp.

Liên kết đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Bằng nhiều hình thức liên kết, phối hợp, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh đã tạo được mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, giúp nhà trường vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) sau khi tốt nghiệp.

Liên kết đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làmSinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa trong giờ thực hành nghề công nghệ ô tô.

Toàn tỉnh hiện có 56 cơ sở GDNN, gồm 11 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 31 trung tâm GDNN. Ngoài ra còn có 32 cơ sở khác hoạt động trong lĩnh vực GDNN. Các cơ sở GDNN đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, biên soạn giáo trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Nhiều cơ sở GDNN, đặc biệt là các trường cao đẳng, trung cấp đã phối hợp tốt với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động do nhà trường đào tạo, tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp đối với người lao động về kiến thức chuyên môn, về kỹ năng nghề... Từ đó có những điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp. Đồng thời mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo.

Trong những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Nghi Sơn đã thực hiện liên kết với các doanh nghiệp bằng các hình thức như: Phối hợp trong xây dựng chương trình đào tạo; sử dụng thiết bị của doanh nghiệp để dạy thực hành; hỗ trợ giáo viên là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề tham gia giảng dạy tại trường, hướng dẫn HSSV thực tập tại doanh nghiệp; thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp... Điều này đã giúp nhà trường vừa nâng cao được chất lượng đào tạo, đồng thời giải quyết việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động đặt hàng và đồng hành với nhà trường ngay trong chương trình đào tạo từ lý thuyết tới thực hành để sát với yêu cầu thực tiễn về công nghệ.

Ông Ngô Quang Thuật, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Việc làm (Trường Cao đẳng Nghề Nghi Sơn), cho biết: Sự gắn kết hoạt động đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp đã duy trì từ nhiều năm nay và ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút được nhiều doanh nghiệp đồng hành phát triển. Hiện nhà trường hợp tác với 25 doanh nghiệp trên cả nước để mở rộng mô hình phối hợp vừa đào tạo tại nhà trường vừa đào tạo tại doanh nghiệp.

Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, Trường Cao đẳng Nghề Nghi Sơn đã hợp tác ký kết với Nhà máy May xuất khẩu Như Thanh đào tạo nghề may thời trang cho 184 học viên; nghề sửa chữa thiết bị may cho 32 học viên. Ký kết với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tổ chức đào tạo nghề điện dân dụng cho 12 học viên. Ký kết với Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đào tạo nghề điện công nghiệp cho 25 học viên; nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí cho 30 học viên; nghề hàn cho 23 học viên. Sau đào tạo, 100% học viên được doanh nghiệp bố trí việc làm với mức thu nhập từ 6,5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng...

Tương tự, Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn cũng luôn xác định đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là rất quan trọng, không thể thiếu trong quá trình phát triển của nhà trường. Đây cũng là nhu cầu, mối quan tâm hàng đầu của học sinh, học viên (HSHV) nhà trường. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, nhà trường đã chủ động mời các doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, cung cấp cho HSHV cơ sở thực tập và giám sát quá trình đào tạo của trường với mục đích cuối cùng là doanh nghiệp sẽ tuyển dụng được nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tổ chức đào tạo theo địa chỉ. Do được tăng cơ hội thực hành nên đa số người học nghề theo mô hình liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp đều có việc làm. Hằng năm, 100% HSSV của trường đều được giới thiệu việc làm. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn Hứa Xuân Hương, cho biết: Với phương châm “tuyển sinh là tuyển dụng”, dù trường có số lượng tuyển sinh đầu vào đông nhưng đầu ra vẫn đảm bảo hơn 97% HSHV tốt nghiệp; 100% HSHV có việc làm sau khi tốt nghiệp, với thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng/người/tháng. Hiện có một số doanh nghiệp đặt vấn đề đào tạo và nhận vào làm luôn như: Công ty Xi măng Long Sơn, Nhà máy Ô tô VEAM, Công ty CP Tiên Sơn Thanh Hóa, Công ty TNHH Y.S VINA, Công ty TNHH Huệ Anh, Công ty CP Xí nghiệp may Bỉm Sơn... Đặc biệt, thời gian qua nhà trường đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng với hơn 20 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho HSHV sau khi tốt nghiệp càng khẳng định được uy tín của nhà trường đối với các doanh nghiệp và Nhân dân trong, ngoài tỉnh.

Tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa, việc liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Theo đó, nhà trường đã đào tạo và cung ứng lao động có chất lượng theo đơn đặt hàng của rất nhiều doanh nghiệp. Điển hình là Công ty CP LILAMA 18; Công ty CP LILAMA 69-1; Công ty CP LILAMA 5; Công ty CP COMA 17... với các nghề: điện công nghiệp, điện lạnh, công nghệ ô tô, hàn, tiện, cắt gọt kim loại. Mức thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 8 - 12 triệu đồng/tháng.

Đến nay, hầu hết các cơ sở GDNN đã liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp. Nhiều cơ sở GDNN trong tỉnh đã tạo được mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, giúp nhà trường vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa giải quyết việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển dịch nhân lực trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, lĩnh vực GDNN cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]