(Baothanhhoa.vn) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không những tạo việc làm cho lao động nông thôn mà còn góp phần hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tại huyện Mường Lát, những năm gần đây có hàng trăm gia đình có con em đi XKLĐ không những thoát nghèo mà còn có điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng.

Khởi sắc từ phong trào xuất khẩu lao động tại Mường Lát

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không những tạo việc làm cho lao động nông thôn mà còn góp phần hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tại huyện Mường Lát, những năm gần đây có hàng trăm gia đình có con em đi XKLĐ không những thoát nghèo mà còn có điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng.

Khởi sắc từ phong trào xuất khẩu lao động tại Mường LátNhờ XKLĐ nhiều hộ gia đình tại bản Pùng, xã Quang Chiểu đã xây được nhà cửa khang trang.

Quang Chiểu là một trong những địa phương được đánh giá có phong trào đi XKLĐ sôi nổi nhất huyện Mường Lát. Đồng chí Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2022, trên địa bàn xã có khoảng 100 người đi XKLĐ, trong đó thị trường Đài Loan chiếm nhiều nhất (trên 40 lao động), tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên bang Nga. XKLĐ không chỉ giúp các hộ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, tích cực tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của thôn, xã mà còn góp phần giải quyết việc làm, thực hiện hiệu quả chuyển dịch cơ cấu lao động nông - lâm - ngư nghiệp sang công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; xóa đói giảm nghèo. Vì vậy chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia XKLĐ. Nhờ XKLĐ nhiều gia đình đã thoát nghèo, trở thành những hộ khá giả ở địa phương. Điển hình như gia đình anh Lò Văn Liệu, ở bản Pùng, dù có hoàn cảnh hết sức éo le, bản thân anh Liệu thuộc đối tượng hưởng chế độ tàn tật, không có khả năng lao động. Những tưởng gia đình anh sẽ mãi là hộ nghèo, nhưng sau khi được tư vấn của cán bộ ngân hàng về các chương trình tín dụng, hai vợ chồng anh mạnh dạn vay 52 triệu đồng cùng với vốn vay từ anh em người nhà, chị Pẹn (vợ anh Liệu) đi XKLĐ sang Đài Loan. Chia sẻ với chúng tôi, anh Liệu cho biết: “Lúc chưa đi XKLĐ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, phải nuôi 2 con nhỏ và bố mẹ già yếu nên cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Cho con đi học thì phải chạy vạy vay mượn khắp nơi mới có tiền đóng học phí, do đó các cháu đi học cũng bấp bênh. Năm 2020, tham gia lớp tư vấn XKLĐ do UBND xã Quang Chiểu tổ chức, nhận thấy đây là cơ hội tốt để gia đình có thể thoát nghèo, tôi đã đồng ý để vợ đi làm giúp việc nhà ở Đài Loan. Sau hơn 1 năm tham gia XKLĐ, vợ tôi đã gửi tiền về cho bố con tôi trả hết nợ ngân hàng và có thêm chút vốn liếng để sau này phát triển kinh tế”.

Xác định XKLĐ là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo bền vững, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Mường Lát đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch XKLĐ hàng năm; đồng thời giao chỉ tiêu XKLĐ cho các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về thị trường XKLĐ; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ XKLĐ cũng như lồng ghép các chính sách hỗ trợ việc làm để khuyến khích XKLĐ. Phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có chức năng, uy tín được Sở Lao động - Thương binh và xã hội giới thiệu về các xã, thị trấn tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn và tuyển dụng XKLĐ. Đồng thời có trách nhiệm phối hợp giải quyết kịp thời các vướng mắc, rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động cũng như quan tâm bồi dưỡng kiến thức, đào tạo nghề và ngoại ngữ cho người lao động; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện để người lao động được vay vốn khi tham gia XKLĐ...

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mỗi lao động sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng. Ngoài ra, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 24 tháng, tính từ ngày thoát nghèo), hộ cận nghèo và hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số khi đi XKLĐ sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong vòng 24 tháng. Gần đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 4-3-2022 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, hướng dẫn các mức hỗ trợ cụ thể, như: đào tạo ngoại ngữ hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo 50 nghìn đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo 400 nghìn đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...) với mức 600 nghìn đồng/người. Ngoài ra, người dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ tiền đi lại (1 lượt đi và về) khi tham gia đào tạo với mức 200 nghìn đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên; mức 300 nghìn đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên; chi phí khám sức khỏe trước khi đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ tối đa là 750 nghìn đồng/người.

Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số khi đi làm việc ở nước ngoài còn được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 6-9-2022 hướng dẫn thực hiện nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Theo đó, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, các thủ tục khi đi nước ngoài làm việc...

Ông Trương Văn Bình, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Mường Lát cho biết: XKLĐ được xem là một trong những hướng đi hiệu quả trong công tác giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi huyện Mường Lát. Do làm tốt công tác tuyên truyền cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2022 toàn huyện đã đưa được trên 200 lao động đi xuất khẩu. Thời gian tới, để đẩy mạnh chương trình XKLĐ, ngoài việc tập trung nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động XKLĐ, huyện cũng sẽ tích cực hơn nữa trong việc chủ động đấu mối, phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực XKLĐ để người dân có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp, nâng cao hiệu quả trong công tác XKLĐ.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]