(Baothanhhoa.vn) - Huyện Mường Lát có diện tích tự nhiên hơn 81 nghìn ha, địa hình bị chia cắt bởi nhiều đồi núi và sông suối. Do vậy, ảnh hưởng của thiên tai là rất lớn, nhất là vào mùa mưa lũ, tình trạng lũ lớn, sạt lở đất, đá đe dọa tài sản và tính mạng của người dân. Những năm qua, chính quyền các cấp trong huyện đã có nhiều biện pháp tích cực để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân, nhất là những hộ đồng bào sinh sống ở ven sông, suối, vùng chân núi có nguy cơ sạt lở cao.

Huyện Mường Lát bảo đảm an toàn cho người dân vùng nguy cơ sạt lở

Huyện Mường Lát có diện tích tự nhiên hơn 81 nghìn ha, địa hình bị chia cắt bởi nhiều đồi núi và sông suối. Do vậy, ảnh hưởng của thiên tai là rất lớn, nhất là vào mùa mưa lũ, tình trạng lũ lớn, sạt lở đất, đá đe dọa tài sản và tính mạng của người dân. Những năm qua, chính quyền các cấp trong huyện đã có nhiều biện pháp tích cực để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân, nhất là những hộ đồng bào sinh sống ở ven sông, suối, vùng chân núi có nguy cơ sạt lở cao.

Huyện Mường Lát bảo đảm an toàn cho người dân vùng nguy cơ sạt lởToàn cảnh khu tái định cư mới bản Qua, xã Quang Chiểu.

Ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, chia sẻ với chúng tôi: Pù Nhi có con suối Poong chảy dọc theo chiều dài của xã, có nhiều hệ thống suối nhỏ với độ dốc lớn cùng hợp thủy về, trong khi đó hệ thống rừng tự nhiên phòng hộ bảo vệ môi trường đã bị tàn phá nặng nề làm giảm khả năng giữ nước, giữ đất mỗi khi có mưa, bão xảy ra. Qua khảo sát, trên địa bàn xã đã xác định được các điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét tại các điểm, như: Suối Pù Ngùa, suối Cá Nọi, suối Cơm, suối Cá Tớp, hợp thành suối Poong đổ ra sông Mã. Các điểm có nguy cơ sạt lở đất đá trên địa bàn đang có người dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, như các bản: Cơm, Pù Ngùa, Pù Toong, Đông Ban, Hạ Sơn - đây là những bản nằm dọc theo Quốc lộ 15C luôn có nguy cơ và thường xuyên sạt lở đất, đá khi có mưa kéo dài.

Để bảo đảm an toàn cho người dân trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, ngay từ đầu năm, địa phương đã rà soát những vùng trọng điểm có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá và xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), xã bám sát các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh, huyện để triển khai. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân về các nguy cơ sạt lở, để chủ động phòng tránh; đồng thời xã hướng dẫn bà con giằng néo cây trồng, chằng chống nhà cửa, chuồng trại... để giảm thiểu nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trao đổi với chúng tôi về công tác bảo đảm an toàn cho người dân vùng nguy cơ sạt lở trên địa bàn, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự huyện Mường Lát, cho biết: Là huyện miền núi cao, có địa hình chia cắt, nhiều khe suối, giao thông khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện chủ yếu sinh sống trên các sườn núi treo leo, qua quá trình biến đổi khí hậu, lũ quét, sạt trượt đất thường xuyên xảy ra, nên nhiều điểm bản, nhóm dân cư sinh sống trong tình thế không an toàn. Do đó, để bảo đảm an toàn và hạn chế nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm huyện Mường Lát đã kiện toàn ban chỉ huy, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng, bảo đảm lực lượng, phương tiện ứng cứu theo phương án “4 tại chỗ”. Trong đó, huy động dân quân tự vệ, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tham gia công tác PCTT&TKCN. Tiến hành kiểm tra, rà soát, xác định những khu vực có nguy cơ về lũ, lũ quét, sạt lở đất... để xây dựng phương án PCTT&TKCN sát với tình hình của từng xã, từng đơn vị, nhằm xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống có thể xảy ra.

Hàng năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, từ đó xây dựng phương án sơ tán dân vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Tuy nhiên, việc bố trí và sắp xếp dân cư gặp không ít khó khăn bởi địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, lưu vực sông suối nhiều, việc tạo mặt bằng xây dựng các khu tái định cư (TĐC) là bài toán khó.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, ổn định đời sống cho người dân, huyện Mường Lát đang tập trung mọi biện pháp nhanh chóng di dời những hộ dân nằm trong vùng sung yếu có nguy cơ sạt lở và lũ ống, lũ quét đến nơi ở mới an toàn. Qua rà soát, toàn huyện có khoảng 700 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu nằm trong diện cần di dời do nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất và lũ quyét cao, tập trung tại 8 xã, thị trấn. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế, địa hình dốc, bị chia cắt mạnh, nên việc bố trí quỹ đất của các xã còn nhiều khó khăn nên đến nay các hộ dân này vẫn chưa thể di dời. Trước thực trạng trên, huyện Mường Lát đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động rà soát những điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, bị ngập úng, lũ quét, các đập, ngầm qua suối để xây dựng phương án bảo vệ, di dời khi cần thiết. Đối với những điểm có nguy cơ sạt lở, huyện chỉ đạo các xã cắm biển cảnh báo, thông báo cho Nhân dân biết phạm vi ảnh hưởng của sạt lở để chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai an toàn, hiệu quả. Chuẩn bị thuốc men, khử trùng vệ sinh môi trường, xử lý và phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai cũng đã được lên kế hoạch cụ thể, chi tiết.

Trong khi chờ đợi nguồn lực và quỹ đất để TĐC cho người dân vùng có nguy cơ sạt lở; trước mắt, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, huyện Mường Lát chú trọng đến công tác dự báo thiên tai; xây dựng sẵn phương án đảm bảo an toàn cho các hộ trong vùng sạt lở; tuyên truyền, cảnh báo cho người dân chủ động ứng phó với thiên tai nói chung và hiện tượng sạt lở đất nói riêng; chuẩn bị, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” khi mưa lũ xảy ra.

Bài và ảnh: Tiến Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]