(Baothanhhoa.vn) - Đối với người khuyết tật (NKT), việc tham gia lao động, sản xuất không chỉ tạo nguồn thu nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn là cơ hội để họ khẳng định mình và hòa nhập cộng đồng. Sau 8 năm triển khai Dự án “Hỗ trợ sinh kế bền vững cho NKT” mặc dù là một dự án nhỏ nhưng đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với người thụ hưởng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hỗ trợ sinh kế: Cơ hội thoát nghèo cho người khuyết tật

Đối với người khuyết tật (NKT), việc tham gia lao động, sản xuất không chỉ tạo nguồn thu nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn là cơ hội để họ khẳng định mình và hòa nhập cộng đồng. Sau 8 năm triển khai Dự án “Hỗ trợ sinh kế bền vững cho NKT” mặc dù là một dự án nhỏ nhưng đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với người thụ hưởng.

Đại diện Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi cùng các nhà tài trợ trao học bổng cho sinh viên khuyết tật Trường Đại học Hồng Đức.

Khơi dậy ý chí vươn lên

Là đối tượng được hưởng lợi từ dự án, anh Nguyễn Văn Thu, làng Kim Phú, xã Trường Sơn (Nông Cống) được hỗ trợ 7 triệu đồng, cùng với sự trợ giúp của gia đình và dòng họ, anh Thu đã mua 1 con bò sinh sản trị giá trên 10 triệu đồng. Nhờ chăm sóc tốt nên bò của anh sinh trưởng, phát triển tốt và đã cho ra đời 3 con bê (mỗi con bán được 7 triệu đồng). Từ số tiền này, anh đã đầu tư mua thêm 1 trâu cái vừa lấy sức kéo vừa sinh sản, hiện trâu mẹ cũng đã sinh sản. Như vậy, với số vốn ban đầu tuy không nhiều nhưng việc chăn nuôi trâu, bò đã mang lại nguồn thu cho gia đình anh. Anh Thu cho biết: Nếu như không có nguồn hỗ trợ của Nhà nước thì những người yếu thế như tôi không biết đến bao giờ mới thoát được nghèo.

Làm nón lá đã khó, làm nón bằng đôi tay tật nguyền lại càng khó khăn hơn, nhưng với sự kiên trì, nhẫn nại chị Lê Thị Lại, làng Thành Liên và chị Lê Thị Thắng làng Yên Trung, xã Trường Sơn (Nông Cống) đã có thêm thu nhập từ nghề này. Chị Thắng chia sẻ: “Được sự quan tâm của chính quyền địa phương tôi được hỗ trợ tham gia lớp học nghề khâu nón lá. Ban đầu công việc rất khó khăn khiến không ít lần tôi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Đôi tay run rẩy cầm kim không chặt, kim nhọn đâm vào da thịt tứa máu là chuyện bình thường”. Việc gì làm nhiều, cố gắng làm sẽ thành thói quen và kỹ năng. Nghề may nón là nghề của chữ “nhẫn” – chị Thắng đúc rút kinh nghiệm như vậy. Và sự cố gắng của các chị đã được đền đáp xứng đáng, đến nay hàng tháng các chị đã có thêm thu nhập từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng từ nghề khâu nón.

Gia đình bà Trịnh Thị Phấn, thôn 2, xã Quý Lộc (Yên Định) trước đây là hộ nghèo, bản thân bà lại là người tàn tật, không có vốn để phát triển chăn nuôi. Năm 2013, bà được hỗ trợ một con lợn giống từ Dự án “Hỗ trợ sinh kế bền vững cho NKT” để “làm vốn”, đến nay lợn đã sinh sản được 10 lứa, một con lợn giống khác được nhân thêm cũng đã cho sinh sản được 2 lứa, mỗi lứa bán được từ 3 đến 4 triệu đồng. Từ năm 2012 đến nay gia đình bà Phấn đã thoát nghèo, cuộc sống của gia đình bà cũng đã tươm tất hơn nhiều so với trước đây.

Trên đây chỉ là 4 trong số hàng trăm NKT được hỗ trợ sinh kế từ dự án. Chính nhờ sự động viên kịp thời đã tạo thêm niềm vui, niềm phấn khởi giúp họ có thêm nghị lực sống và khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

“Chìa khóa” xóa đói, giảm nghèo

Theo khảo sát của Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi (BTNTT&TMC), hiện toàn tỉnh có gần 40% trong tổng số 247.000 NKT có việc làm nhưng thu nhập không cao, công việc không ổn định, số còn lại sống dựa vào gia đình, người thân và nguồn trợ cấp xã hội. Điều này chứng tỏ việc làm và sinh kế cho NKT đang là một vấn đề nan giải. Trước thực trạng đó, năm 2011, Hội BTNTT&TMC Việt Nam đã triển khai dự án “Hỗ trợ sinh kế bền vững cho NKT” tại 2 xã Trường Sơn (Nông Cống) và Quý Lộc (Yên Định).

Tại các xã tham gia dự án, các cấp hội BTNTT&TMC tập trung vào những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, chưa tìm ra cách thoát nghèo do thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn làm ăn để triển khai các hoạt động, như: Hỗ trợ vốn chăn nuôi bò sinh sản, nuôi lợn thịt, dạy nghề nón lá, nghề thủ công mỹ nghệ, công trình vệ sinh, nước sạch, hỗ trợ xe lăn, xe đạp, phẫu thuật mắt, phẫu thuật chỉnh hình... Được thụ hưởng dự án, NKT đã chủ động tham gia, không trông chờ hay ỷ lại, vì vậy các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế, giúp họ có được việc làm và cuộc sống ổn định. Được hội họp, giao lưu chia sẻ, được học tập cùng những người đồng cảnh ngộ đã giúp NKT phấn khởi, vơi đi tư tưởng nặng nề về bệnh tật, tâm lý mặc cảm, tự ty. Sau 8 năm triển khai dự án, đã có trên 3.000 NKT được hỗ trợ sinh kế; trong đó có trên 90% hộ gia đình là NKT tham gia mô hình sinh kế đã thoát nghèo. Qua triển khai mô hình, tất cả hộ tham gia đều nắm bắt được đầy đủ các quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho gia đình. Dù nguồn vốn hỗ trợ chưa nhiều nhưng đã góp phần động viên tinh thần cho những hoàn cảnh khó khăn. Đây là nền tảng ban đầu để các hộ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư có hiệu quả và tiến đến giảm nghèo bền vững. Không chỉ giúp NKT vốn, kiến thức để làm ăn, dự án còn hỗ trợ xe lăn, máy trợ thính... tạo điều kiện cho NKT thuận lợi đi lại, giao tiếp.

Là người đồng hành với hoạt động của hội từ những ngày đầu dự án được triển khai, ông Lê Hồng Lương, Chủ tịch Hội BTNTT&TMC tỉnh, cho biết: Xác định mục tiêu chỉ hỗ trợ cho NKT “cần câu” chứ không hỗ trợ “con cá” mới hy vọng họ sẽ thoát nghèo bền vững. Vì thế, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của bản thân và gia đình những NKT, dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực. Phần lớn NKT được hỗ trợ đều vươn lên làm kinh tế ổn định, tạo nguồn thu cải thiện cuộc sống. Đây thực sự là một trong những hướng trợ giúp thoát nghèo hiệu quả và bền vững. Và hơn thế nữa, dự án còn góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức của những người xung quanh trong việc giúp đỡ, động viên NKT, từ đó tình yêu thương NKT trong xã hội cũng được cải thiện hơn. “Nếu tặng NKT một khoản tiền thì chỉ có thể giải quyết nhu cầu trước mắt cho họ. Giúp họ có công việc phù hợp với khả năng sẽ là “chìa khóa” giải quyết vấn đề việc làm, đồng thời tạo nguồn sinh kế bền vững, lâu dài”. Ông Lương chia sẻ.

Có thể khẳng định, hỗ trợ sinh kế cho NKT là dự án mang tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng được sự mong đợi của NKT nghèo. Mong rằng dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương, để ngày càng có nhiều NKT vượt lên số phận, xóa bỏ mặc cảm, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]