(Baothanhhoa.vn) - Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Quảng Xương có vốn phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, tạo việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững.

Hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm

Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Quảng Xương có vốn phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, tạo việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững.

Hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làmTừ nguồn vốn vay kết hợp vốn sẵn có, gia đình ông Lê Thiên Tư ở thị trấn Tân Phong đầu tư mô hình nuôi cá giống mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình vốn có truyền thống làm nông nghiệp, nhận thấy trồng lúa hiệu quả không cao, trong khi ốc phát triển nhanh ở môi trường nước, thị trường lại đang có nhu cầu tiêu thụ ốc, nên anh Lê Văn Tăng ở thôn 6, xã Quảng Hòa quyết định đầu tư mô hình nuôi ốc. Do nguồn vốn hạn hẹp, gom góp cũng chỉ được 40 triệu đồng, mới đủ tiền kè ao, gia đình anh Tăng vay thêm 60 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua ốc giống. Sau gần 1 năm vay vốn, gia đình anh đã thu hoạch được 2 vụ ốc và mở rộng thêm ao để nhân giống, bán ốc giống. Hiện gia đình tạo việc làm thường xuyên cho 1 lao động.

Với nguồn vốn tự có trên 220 triệu đồng, gia đình anh Lê Thiên Tư ở tổ dân phố Dục Tú, thị trấn Tân Phong mạnh dạn vay thêm 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư vào mô hình nuôi cá - ốc thương phẩm. Từ số tiền trên, anh Tư thuê nhân công kè 160m2 ao, mua 3 vạn cá giống và 20kg ốc về nuôi. Sau 6 tháng vay vốn, gia đình đã thu hoạch được sản phẩm, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình và 1 lao động địa phương.

Cũng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm cùng số tiền chắt chiu dành dụm của gia đình, anh Đào Duy Lực ở tổ dân phố Phong Lượng, thị trấn Tân Phong mua lợn sinh sản về chăn nuôi. Anh Lực chia sẻ: “Nhờ có nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội mà gia đình tôi mở rộng được mô hình chăn nuôi lợn giống. Từ buổi đầu chỉ có 3 con lợn, đến nay trong chuồng thường xuyên có trên 30 con”. Nuôi lợn sinh sản cần nhiều công chăm sóc, gia đình anh thuê thêm 1 lao động để hỗ trợ việc chăn nuôi.

Còn rất nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn huyện Quảng Xương được vay vốn và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả đã làm thay đổi cuộc sống. Những hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, hộ có kinh tế có thêm điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa kinh tế huyện vào diện khá của tỉnh và được công nhận huyện nông thôn mới trong năm 2019.

Ông Lê Xuân Hải, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Xương, cho biết: Tính đến hết tháng 3-2022, tổng nguồn vốn tín dụng của đơn vị đạt 495,8 tỷ đồng, tăng 30,5 tỷ đồng so với đầu năm. Từ nguồn vốn này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay 32,9 tỷ đồng, doanh số thu nợ 27,6 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 480,1 tỷ đồng, tăng 14,8 tỷ đồng so với đầu năm với 13 chương trình tín dụng đang thực hiện cho vay trên địa bàn. Dư nợ bình quân trên hộ đạt 39,2 triệu đồng (12.258 hộ). Cho vay hộ nghèo 17,3 tỷ đồng, tăng 745 triệu đồng so với đầu năm; hộ cận nghèo 198,4 tỷ đồng, tăng 2,414 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 74,676 tỷ đồng, tăng 6,723 tỷ đồng; nước sạch 134,3 tỷ đồng, tăng 2,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Xương còn tạo điều kiện để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với 107 người lao động bị ngừng việc với số tiền gần 381 triệu đồng. Thực hiện cho vay theo Phương án số 198 của UBND tỉnh, ngân hàng đã giải ngân cho 113 lao động vay với số tiền 8,3 tỷ đồng.

Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình quan trọng, giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mong cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm cân đối nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho ngân hàng để cho vay giải quyết việc làm, tạo điều kiện để các hộ phát triển sản xuất. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, UBND các xã, thị trấn và các tổ chức hội nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền những chủ trương, chính sách mới về tín dụng chính sách. Đặc biệt là các chương trình cho vay mới theo Nghị quyết 11 của Quốc hội để người dân nắm bắt, tiếp cận nguồn vốn thuận lợi. Thực hiện giải ngân nhanh, chính xác đến đúng đối tượng thụ hưởng...

Bài và ảnh: Vân Sơn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]