(Baothanhhoa.vn) - Trời giá rét, một buổi sáng như mọi ngày, chị Tư, ở huyện Nông Cống vẫn vượt chặng đường xa để chở đứa con trai 4 tuổi đến Khoa Thần kinh – Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để cháu được đi học với các cô giáo dạy trẻ đặc biệt ở đơn nguyên tâm bệnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đừng để trẻ em “nghiện” công nghệ số

Trời giá rét, một buổi sáng như mọi ngày, chị Tư, ở huyện Nông Cống vẫn vượt chặng đường xa để chở đứa con trai 4 tuổi đến Khoa Thần kinh – Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để cháu được đi học với các cô giáo dạy trẻ đặc biệt ở đơn nguyên tâm bệnh.

Đừng để trẻ em “nghiện” công nghệ sốMột hoạt động trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tại đơn nguyên tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Cháu Q. bị chậm nói nên đến đây, cháu được các cô giáo dạy các kỹ năng tạo chú ý, lắng nghe, bắt chước, giao tiếp phát âm... nên cũng ngày một tiến bộ hơn. Chị nhớ lại thời điểm khi Q. hơn 2 tuổi, chị mang thai đứa thứ ba, công việc bận rộn nên ít có thời gian trò chuyện với Q. Để bé ngoan ngoãn trong nhà, chị thường mở tivi, điện thoại cho Q. xem các chương trình trên youtube rồi dần hình thành cho con thói quen là cứ hễ ở nhà là lại gắn liền với màn hình ti vi, điện thoại, ăn cho xem, nghịch cho xem, khóc cũng mở điện thoại, tivi để dỗ dành... Dần dần, cháu ít chú ý đến những thứ xung quanh mà chỉ chăm chú vào màn hình công nghệ, cháu cũng không nói theo những lời mẹ dạy mà chỉ nhại theo những câu tiếng nước ngoài lặp đi lặp lại trong các video trên mạng. Hồi đó, cứ nghĩ việc cho trẻ xem tivi, điện thoại là chuyện bình thường như nhiều gia đình khác, nhưng khi để ý con nhiều hơn, phát hiện cháu có biểu hiện khác thường, chị Tư đưa con đi khám và được bác sĩ chẩn đoán Q. bị chậm phát triển ngôn ngữ, giảm giao tiếp, giảm chú ý... Quá trình “đồng hành” cùng con trị liệu, chị Tư cảm thấy hối hận khi biết rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và kém trong giao tiếp chính là việc để cho trẻ dành quá nhiều thời gian xem tivi, điện thoại...

Trong thời đại công nghệ số, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ “dính” lấy điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi... Những chương trình trò chơi hấp dẫn, những ứng dụng nổi bật, bắt mắt được cài đặt trên các thiết bị công nghệ luôn có sức lôi cuốn đối với trẻ nhỏ, khiến chúng tập trung vào màn hình hàng tiếng đồng hồ mà quên đi thế giới bên ngoài. Và việc trải qua nhiều giờ liên tục sử dụng các thiết bị công nghệ như thế sẽ làm ảnh hưởng đến mắt, não và làm rối loạn hành vi.

Bác sĩ CKI Trần Thị Minh Anh, Phó Trưởng Khoa Thần kinh – Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết: Khoa Thần kinh – Tâm bệnh có đơn nguyên tâm bệnh. Đơn nguyên có chức năng chủ yếu là khám, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, tư vấn tự kỷ, đồng thời còn tiếp nhận khám, điều trị, tư vấn các rối loạn thường gặp ở trẻ nhỏ, như: chậm nói/chậm phát triển ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, rối loạn giấc ngủ, rối loạn Tic, chậm phát triển tâm thần... Lưu lượng khám tại đơn nguyên tâm bệnh từ 400 - 500 trẻ/tháng, mỗi ngày đơn nguyên tiếp nhận và điều trị ngoại trú cho khoảng 90 - 100 trẻ có các chứng rối loạn khác nhau, trong đó có nhiều trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ.

Bác sĩ CKI Trần Thị Minh Anh nhấn mạnh: Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn phổ tự kỷ vẫn chưa được biết rõ, tuy nhiên các yếu tố tâm lý xã hội như: gia đình ít quan tâm, ít dành thời gian dạy trẻ, cho trẻ xem nhiều tivi, điện thoại, ít cho trẻ tiếp xúc và chơi với những trẻ khác... là những yếu tố thuận lợi làm cho mức độ tự kỷ và các rối loạn khác ở trẻ nặng hơn. Vì vậy, đối với trẻ em, không nên cho trẻ dành quá nhiều thời gian xem tivi, điện thoại, máy tính bảng bởi việc trải qua nhiều giờ liên tục sử dụng các thiết bị công nghệ sẽ làm ảnh hưởng đến não và làm rối loạn nhận thức, vận động, rối loạn khả năng chú ý... Về lâu dài, trẻ dễ bị “nghiện” công nghệ, xuất hiện triệu chứng rối loạn như: Mất ngủ, chán ăn, ăn ít, lười biếng trong sinh hoạt, học tập, ngại tiếp xúc, dễ cáu gắt... Cách phòng ngừa để trẻ nhỏ không bị “nghiện” thiết bị công nghệ, đó là cần thực hiện nguyên tắc về quản lý thời gian xem ti vi, chơi các thiết bị điện tử của trẻ nhỏ, không nên cho trẻ xem quá 1 giờ đồng hồ/ngày, không nên cho trẻ ngủ muộn (sau 22h đêm). Không nên sử dụng điện thoại, ipad, máy tính sau 22h đêm bởi việc này sẽ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, dần dần sẽ gây rối loạn giấc ngủ và dễ phát sinh rối loạn khác kèm theo, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian cho trẻ, hiểu, tương tác và dạy trẻ phù hợp với lứa tuổi, dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi bằng đồ vật thật, đồ chơi, tranh ảnh, biểu tượng... Quan sát cách chơi, cách sinh hoạt của trẻ để kịp thời phát hiện vấn đề bất thường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho trẻ được chơi đùa, thư giãn tại các khu vui chơi, các công viên có khoảng không gian rộng lớn, nhiều cây xanh, tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao... Tất cả hoạt động này giúp trẻ có cơ hội vận động, giải tỏa căng thẳng và làm trẻ năng động, nhanh nhẹn hơn rất nhiều.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]