(Baothanhhoa.vn) - Trong đời sống văn hóa của đồng bào Mông, bên cạnh những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc thì cũng còn không ít những hủ tục liên quan đến việc cưới xin, ma chay. Những nghi lễ rườm rà, tốn kém đã gây ra nhiều hệ lụy xấu từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên những năm gần đây, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên người Mông, những hủ tục này đã và đang dần được xóa bỏ…

Đổi thay nơi bản làng đồng bào người Mông Quan Sơn (Bài 2): Cuộc “cách mạng” loại bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang

Trong đời sống văn hóa của đồng bào Mông, bên cạnh những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc thì cũng còn không ít những hủ tục liên quan đến việc cưới xin, ma chay. Những nghi lễ rườm rà, tốn kém đã gây ra nhiều hệ lụy xấu từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên những năm gần đây, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên người Mông, những hủ tục này đã và đang dần được xóa bỏ…

Đổi thay nơi bản làng đồng bào người Mông Quan Sơn (Bài 2): Cuộc “cách mạng” loại bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tangNgười Mông ở Quan Sơn đang nỗ lực xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới.

Tin liên quan:
  • Đổi thay nơi bản làng đồng bào người Mông Quan Sơn (Bài 2): Cuộc “cách mạng” loại bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang
    Đổi thay nơi bản làng đồng bào người Mông Quan Sơn (Bài 1): Gian nan hành trình ...

    Vào những năm 1989, đồng bào dân tộc Mông (chủ yếu ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) di cư đến huyện Quan Sơn, hình thành nên 3 bản người Mông là Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) và Ché Lầu (xã Na Mèo). Cũng giống như các huyện vùng cao khác của xứ Thanh, Quan Sơn có địa hình chia cắt, núi cao, suối sâu, nhiều hủ tục ăn sâu bén rễ vào nếp nghĩ… đã ghìm níu sự phát triển. Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của chính những người Mông tiên phong đổi mới, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở Quan Sơn đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ .

“Cuộc chiến” đưa người chết vào quan tài…

Cũng giống như cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam, ma chay là một trong những nghi lễ quan trọng của đời người, của dòng họ và cộng đồng. Với người Mông, do gắn với đời sống di cư nên trong quá trình đi nơi này đến nơi khác, khi có người chết không tổ chức tang lễ được chu toàn, do đó, đồng bào đưa lên cáng rồi quàng vào các gốc cây, hang đá. Qua hàng trăm năm, kiểu an táng người chết ấy đã trở thành tập tục của cộng đồng.

Theo người già trong bản người Mông kể rằng: Trước kia đồng bào Mông có tục lệ không đưa thi thể người chết vào quan tài mà giữ thi thể người chết ở trong nhà nhiều ngày. Có những gia đình 7 - 9 ngày, thậm chí có những gia đình để chục ngày để chọn ngày chôn cất người mất không cho trùng vào những ngày mất của ông, bà, bố, mẹ… Chính vì để dài ngày, không được khâm liệm nên không tránh khỏi thi thể bốc mùi hôi thối, đặc biệt là những ngày nắng nóng, mùi bốc lên rất khó chịu.

Cùng với việc giữ người chết lâu ngày, thì một trong những hủ tục tồn tại từ bao đời nay của người Mông, đó là trong suốt thời gian tang lễ, để thể hiện lòng hiếu nghĩa, các gia đình có người chết sẽ giết mổ nhiều trâu, bò, lợn, gia cầm phục vụ cho lễ cúng. Người Mông có tục lệ, khi bố hoặc mẹ mất thì mỗi người con trai tương ứng sẽ phải mổ một con bò. Nhà nào có càng nhiều con trai thì mổ càng nhiều bò, cùng với đó là giết thêm gia súc, gia cầm phục vụ cho tang ma. Nhà nào cũng phải thực hiện đúng tục lệ của bản, vì lý do đó mà cuộc sống đã nghèo ngày càng khánh kiệt hơn, thậm chí có những người đến đời cháu mới trả hết được món nợ này.

“Xác định đây là hủ tục cần phải xóa bỏ, nhưng làm thế nào để xóa bỏ được là cả hành trình đầy gian nan. Vì đây là vấn đề liên quan đến tâm linh đã ăn sâu vào tiềm thức qua nhiều thế hệ. Để làm được điều đó thì công tác tuyên truyền là quan trọng nhất. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt phải phát huy vai trò nêu gương của chính những đảng viên người Mông trong việc vận động người thân, gia đình, dòng họ “đi trước, làm trước” trong việc đưa người chết vào quan tài. Từ đó từng bước tạo sự đồng thuận trong Nhân dân làm theo”, ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn khẳng định.

Một trong những đảng viên đầu tiên tuyên truyền, thuyết phục thành công người nhà thực hiện việc đưa người chết vào quan tài tại bản Ché Lầu đó là Thao Văn Dính. Nhớ về quãng thời gian đó, anh Dính chia sẻ: “Vào tháng 5-2018, khi nhận tin cháu ruột là Thao Trọng Văn không may qua đời, lúc này mọi người đang chuẩn bị cáng tre để treo thi thể cháu lên vách nhà theo tục lệ. Thấy vậy, tôi đã cố gắng thuyết phục những người thân trong gia đình, dòng họ, đưa xác người chết vào quan tài giống như đồng bào các dân tộc khác thường làm. Nhiều người phản đối kịch liệt và cho rằng như vậy là đi ngược với đám ma lâu nay của người Mông. Dù vấp phải sự phản đối đó nhưng tôi và cán bộ vẫn kiên trì giải thích, bởi tôi nghĩ bản thân mình là đảng viên, có thực hiện tốt thì dân mới theo. Mất hơn nửa ngày để tuyên truyền, vận động, mọi người mới đồng ý để cho vào quan tài và tổ chức đám tang gọn nhẹ với đầy đủ các nghi thức truyền thống dưới sự chứng kiến của người dân trong bản. Đó là điều thắng lợi nhất trong cuộc đời tôi”.

Cũng từ sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong đám ma các gia đình tại các bản Mùa Xuân và Xía Nọi (xã Sơn Thủy) đã có những chuyển biến tích cực. Tại bản Mùa Xuân, anh Thao Văn Dia, nguyên bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Mùa Xuân, cho biết: “Những hủ tục lạc hậu đó đã ăn sâu vào suy nghĩ, thói quen của đồng bào, làm cho đời sống của bà con vốn đã khó khăn, ngày càng khó khăn hơn. Tâm lý của phần đông đồng bào dân tộc Mông là chỉ tin vào những điều mắt thấy, tai nghe”.

Chia sẻ về cách làm, anh Dia cho biết: Chính sự nêu gương của đảng viên, già làng, trưởng bản, người uy tín đối với việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng văn hóa mới sẽ có giá trị thuyết phục to lớn trong vận động bà con làm theo. Trong quá trình triển khai làm, anh Dính mạnh dạn đề xuất thành lập tổ tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu của bản và xung phong nhận nhiệm vụ tổ trưởng. Không chỉ tuyên truyền, vận động, anh cũng là một trong những người đầu tiên của bản thực hiện tuyên truyền thành công để mọi gia đình trong dòng họ mình đưa người chết vào quan tài. Cứ thế “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, các đám tang của người Mông trong bản đều được thực hiện theo nếp sống mới.

Khẳng định rằng, trong những năm qua, từ những chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt với Đề án: “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ của đồng bào Mông, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2181/QĐ-UBND ngày 25-6-2013 được đánh giá là cuộc “cách mạng” nhằm thay đổi nhận thức của đại đa số đồng bào Mông ở Thanh Hóa nói chung và ở huyện Quan Sơn nói riêng. Với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, cơ quan đoàn thể; sự đồng thuận của đồng bào dân tộc người Mông sống trên địa bàn, đến nay 100% đồng bào Mông không còn bắn súng để thông báo có người chết; người chết được đưa vào quan tài, không để trong nhà dài ngày và được chôn cất ở nghĩa trang tập trung. Các nghi lễ được rút ngắn và thực hiện theo nếp sống văn hóa mới, tiết kiệm, giảm chi phí trong tang lễ…

Không còn tục “bắt vợ”…

Cùng với việc xóa bỏ những hủ tục trong tang ma, những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con người Mông cũng đã và đang có những chuyển biến đáng kể trong đám cưới. Viêc tổ chức đám cưới trong?? còn gánh nặng của nhiều gia đình mà thay vào đó là cưới đơn giản, gọn nhẹ và vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của người dân tộc Mông. Khi được hỏi về tục “bắt vợ” đã ăn sâu bén rễ bao đời nay của bà con người Mông, ông Sung Văn Cấu, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy kể rằng, thực ra “bắt vợ” được biến tấu từ tục lệ “kéo dâu” - một phong tục tốt đẹp và nhân văn từ bao đời nay của người Mông. Xuất phát từ nguyên nhân, đám cưới của người Mông trước kia thường gồm nhiều nghi lễ với thời gian kéo dài nên rất tốn kém, nhiều gia đình nhà trai không thể đáp ứng được do gia cảnh khó khăn, từ đó tục “bắt vợ” ra đời nhằm giảm bớt các nghi lễ. Thực ra tục “bắt vợ” được đồng thuận từ cả hai phía, khi nam nữ đều có tình cảm với nhau và trao cho nhau những kỷ vật. Sau đó họ cùng hẹn nhau ở một địa điểm với sự chứng kiến của bạn bè, cô gái giả vờ chống lại, còn chàng trai nắm tay lôi kéo.

Tuy nhiên, theo thời gian, tục lệ này đã bị biến tướng, bị những kẻ xấu lợi dụng nhằm chiếm đoạt những cô gái mà bản thân thấy ưng ý để về làm vợ. Chàng trai đó khi gặp một người con gái ưng ý muốn lấy về làm vợ thì sẽ bí mật tìm đến nhà rồi lẻn vào phòng của cô gái trộm một vài vật dụng cá nhân để làm kỷ vật và anh ta cũng bí mật để lại một vật dụng của anh ta ở đó. Sau đó chàng trai sẽ mai phục trước cửa và bắt người con gái đó đem về làm vợ. Trong quá trình này, nếu phía nhà gái phản ứng thì chàng trai sẽ lấy lý lo cả hai đã tìm hiểu và yêu nhau, cũng đã trao kỷ vật cho nhau để làm chứng. Đến lúc đó, dù cô gái phản đối thì cũng vô ích.

“Nhiều năm trước đây, bản thân tôi cũng đã phải chứng kiến rất nhiều trường hợp cũng vì tục “bắt vợ” không xuất phát từ tình cảm hai phía nên trong quá trình sinh sống vợ chồng không hạnh phúc. Thậm chí có những trường hợp đôi nam nữ yêu nhau, không đến được với nhau do tục “bắt vợ” đã có những hành động dại dột như ăn lá ngón và thắt cổ để tự tử rất thương tâm. Với vai trò, trách nhiệm của mình được “Đảng cử - dân tin”, trong các buổi sinh hoạt chi bộ, tôi cùng ban chi ủy đã đề ra nhiều giải pháp, cách làm nhằm xóa bỏ những hủ tục, trong đó nhấn mạnh đến vai trò nêu gương của đảng viên người Mông” - ông Sung Văn Cấu chia sẻ.

Cũng với cách làm đó, không chỉ bản Mùa Xuân mà tại các bản Xía Nọi (Sơn Thủy) và bản Ché Lầu (Na Mèo), bà con người Mông đều có ý thức trong việc xóa bỏ những hủ tục trong đám cưới. Anh Thao Văn Lâu, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Ché Lầu, chia sẻ: “Bây giờ trong đám cưới của lớp trẻ, các thủ tục đơn giản hơn rất nhiều. Tìm hiểu, yêu nhau rồi mới đến kết hôn. Không còn tục “bắt vợ” nữa đâu, còn trong việc cưới thì không tổ chức dài ngày với nhiều nghi lễ rườm rà như xưa, tốn kém lắm. Các gia đình chủ yếu là tổ chức trong ngày thôi”.

Cũng liên quan đến vấn đề hôn nhân, trước kia người Mông cũng có một tập tục lạc hậu, đó là khi người chồng chết thì chị dâu phải lấy em chồng. Bởi người Mông quan niệm, con dâu trong nhà là do ma nhà chồng quản lý, không được đi lấy người khác, mà phải lấy những người trong gia đình chồng. Bên cạnh đó tình trạng hôn nhân cận huyết trước đây cũng từng phổ biến trong đồng bào Mông. Người Mông có nguyên tắc nếu cùng một họ, sẽ không được lấy nhau, nhưng ngược lại nếu chỉ cần khác họ sẽ được phép lấy nhau. Vì vậy đã xảy ra nhiều trường hợp lấy nhau dù chỉ cách một đời...

Xuất phát từ tình trạng đó, với mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thực hiện chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa, huyện Quan Hóa đã tập trung triển khai sâu rộng Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”… Thông qua công tác tuyên truyền, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện còn phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, trưởng bản, người có uy tín để làm “hạt nhân” tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức trong mỗi người dân, đến nay cùng với tục “bắt vợ” không còn, trường hợp hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn đã và đang được bà con dần xóa bỏ, xây dựng cuộc sống mới với những đổi thay mới…

Bài và ảnh: Thu Thủy

Bài cuối: Kỳ vọng về cuộc sống mới.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]