(Baothanhhoa.vn) - Hằng năm vào những ngày nông nhàn, khi cây lúa lên xanh tốt, cũng là lúc bà con trong bản người Thái, từ người già cho đến trẻ nhỏ quần tụ tại lán thờ chung của bản để cùng nhau làm mâm cỗ cúng dâng lên thần bản, thần mường (linh hồn những người có công khai phá, tạo dựng bản mường). Đây là dịp để người dân trong bản ôn lại truyền thống lịch sử bản mường, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong cộng đồng, củng cố niềm tin, tạo đà phấn khởi bước vào cuộc sống mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Độc đáo tục xên bản, xên mường của người Thái

Độc đáo tục xên bản, xên mường của người Thái

Thầy mo trong trang phục truyền thống của người Thái huyện Lang Chánh đại diện cho dân bản nói chuyện với thần linh.

Hằng năm vào những ngày nông nhàn, khi cây lúa lên xanh tốt, cũng là lúc bà con trong bản người Thái, từ người già cho đến trẻ nhỏ quần tụ tại lán thờ chung của bản để cùng nhau làm mâm cỗ cúng dâng lên thần bản, thần mường (linh hồn những người có công khai phá, tạo dựng bản mường). Đây là dịp để người dân trong bản ôn lại truyền thống lịch sử bản mường, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong cộng đồng, củng cố niềm tin, tạo đà phấn khởi bước vào cuộc sống mới.

Lễ tạ ơn và cầu an

Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dân tộc Thái là dân tộc có lượng cư dân đông đúc, sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi, như: Thường Xuân, Như Xuân, Lang Chánh, Như Thanh, Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát... Họ là một trong số ít dân tộc còn giữ được nhiều nét riêng, những đặc trưng văn hóa của tổ tiên truyền lại, từ tục thờ cúng tổ tiên đến tục xên (cúng) mường, xên bản.

Cách trung tâm TP Thanh Hóa gần 200 km, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa (Mường Le cũ) là nơi định cư lâu dài của 1.807 người Thái, nằm rải rác ở các bản Sậy, Tang, Chiềng, Cá, Tiếng Thắng, Tân Lập. Người Thái ở đây sống cần cù, hòa hợp với thiên nhiên nên họ hình thành tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” tức là bất kỳ con vật, sinh vật nào cũng có linh hồn. Đồng bào Thái tin rằng: Mường trời (mường then) là nơi ở của các vị tổ tiên, thần linh, cai quản trời đất, loài người và vạn vật. Ở trần gian, nơi đâu cũng có các ma cai quản. Muốn lập bản, làm ruộng, làm nương, bắt cá, nuôi con vật, đều phải xin phép các ma... Những đấng siêu nhiên này có một vị trí quan trọng trong tâm thức của đồng bào, là lực lượng phù hộ độ trì, bảo vệ và cũng có thể làm hại đến những người đang sống.

Tuy nhiên, lối canh tác phát nương làm rẫy, săn bắt, hái lượm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái nên để xoa dịu các vị thần và cũng để trấn an mình, hàng năm, bà con trong bản tổ chức cúng thần bản, thần mường cầu xin sự phù hộ độ trì cho các thành viên trong bản, trong mường khoẻ mạnh; cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vật nuôi không gặp dịch bệnh, loại trừ được các mối nguy hiểm có thể gây hại. Qua nhiều năm, dần dần đồng bào người Thái đã an cư không còn giữ lối canh tác lạc hậu đó nữa nhưng tục xên bản, xên mường vẫn được nhiều nơi lưu giữ cho đến ngày hôm nay.

Để hiểu hơn về phong tục này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hà Nam Ninh, nhà nghiên cứu văn hóa Thái, sinh ra ở vùng đất Mường Ký (một Mường lớn của người Thái xưa ở Thanh Hóa), nay thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ông cho biết: “Từ thời nhà Hậu Lê, ở Thanh Hóa, các mường người Thái gắn lễ tục này với ngày quốc giỗ “Hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi”. Xên mường tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch, tức là trước quốc giỗ 1 ngày. Đây thực chất là lễ tế thần và cầu an của người dân tộc Thái. Nó giống như tục thờ thành hoàng làng của người miền xuôi”.

Theo đó, địa điểm dựng lán tổ chức lễ xên mường, xên bản là cổng làng hoặc gò đất cố định, gắn với sự tích, di tích liên quan tới bản, mường, ở đó sẽ có một cây cột chôn gọi là co lắc mương (cây trụ mường) và cây treo áo của dân bản gọi là cây Phi Xứa tượng trưng cho việc gửi linh hồn nhờ trời và thần linh che. Đây được coi là nơi hội tụ hồn bản, hồn mường, là nơi thần linh tụ hội và trú ngụ, nhà của tất cả các loại ma. Nơi đây cực kỳ linh thiêng và kiêng kỵ đối với người Thái, con gái không bao giờ được vào, đối với con trai thì hằng năm cũng chỉ được vào một lần trước hôm cúng để dọn dẹp trước khi làm lễ, không một ai dám xâm phạm vì như vậy sẽ động đến các vị thần.

Trong quan niệm của người Thái, mỗi con người bao giờ cũng có hai phần là phần người và phần ma (hồn), mỗi một bản của người Thái đều có hai nhân vật quan trọng đó là trưởng bản và thầy mo. Họ có thể coi là những người coi giữ phần ma cho bản, vì vậy trong bất kỳ cuộc lễ nào của người Thái không thể thiếu hai nhân vật quan trọng này. Trong đó, thầy mo là người trực tiếp cúng lễ, trực tiếp nói chuyện được với các vị thần và hơn nữa thầy mo còn nói chuyện được với ma - tức là tổ tiên của những người đang sống trong bản. Thầy mo Phạm Văn Xuân, bản Chiềng, xã Trung Thành, chia sẻ: “Một ngày trước khi tiến hành xên mường, xên bản, thầy mo đến nơi đặt bàn thờ: Thắp hương, cúng, báo với các thần: Ngày mai, bản sẽ tổ chức xên bản để các thần không đi ruộng, đi nương, ở nhà dự lễ xên bản”.

Thần bản, thần mường, hay còn gọi là thần hoàng làng có nhiệm vụ bảo vệ, cai quản bản làng của người Thái. Vì vậy, lễ vật để cúng thần bản là những sản vật nông nghiệp do chính tay người dân tự sản xuất, chăn nuôi. Bao gồm các sính vật, như: 1 con lợn luộc được cắt rời từng bộ phận, vịt luộc (thứ không thể thiếu để cúng thần nước), gà luộc, cá nướng, trầu cau, thổ cẩm, vòng bạc và không thể thiếu rượu cần, tùy theo điều kiện của từng gia đình để góp cúng. Nếu năm chẵn và có điều kiện hơn thì cả bản góp chung một con trâu hoặc bò, nhưng phải là con đực, đây là bắt buộc chung. Ngoài ra, trong lán nơi để bàn thờ cúng thần còn có 4 chiếc gùi sắp thành 2 gánh; 1 gánh gồm gùi đựng đất, hạt lúa đã ngâm, 1 gánh đựng vỏ trấu, gạo, tượng trưng cho việc đem giống và phân bón ra ngoài ruộng, nương trồng cấy để có vụ thu hoạch lúa đầy bản.

Ông Phạm Văn Trịnh, 68 tuổi, bản Chiềng, xã Trung Thành, chia sẻ: “Trước kia, bản, mường nào cũng tổ chức lễ xên bản để cầu mong khỏe mạnh, làm gì cũng được, nuôi gì cũng nên, trồng cây gì cũng phát triển. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn vài bản duy trì tục này”.

Gắn kết dân bản

Ngay từ sáng sớm, bà con trong bản đã mổ lợn, gà và mang rượu, thịt cùng các lễ vật đến lán thờ của bản để chuẩn bị lễ cúng. Thầy mo mặc trang phục truyền thống đến trước bàn thờ và bắt đầu cúng, mời thần bản về dự lễ và hưởng thụ những lễ vật dân bản thành tâm dâng cúng. Thầy mo tay cầm 3 nén hương được châm, quay theo hình tròn, vừa quay vừa mời: Thần mưa, thần gió, thần sấm, thần sét, thần linh thổ địa, thần lập bản. Họ là những đấng tối cao, đấng vô hình, mà con người luôn luôn ngưỡng mộ. Tiếp theo thầy mo cúng đến mười hai hồn, mỗi hồn tương ứng một bộ phận của cơ thể con người và cũng là tượng trưng cho mười hai tháng trong một năm. Sau đó thầy mo cúng và đọc tên những người chết theo trình tự từ xưa đến nay, tức là những hồn của những người đã chết của bản ở đâu thì về vui cùng con cháu trong bản. Nói xong, thầy mo tung 2 que tre dài nếu như tung được 1 mặt trắng 1 mặt đen, tức là thần linh đã nghe thấy và xuống dự. Sau đó, thầy mo cúi lạy 3 lần và bắt đầu mời các thần xuống dự và thụ hưởng lễ vật cùng các món trong mâm mà dân bản đã chuẩn bị. Sau khi cúng thần linh xong, thầy mo sẽ ngậm nước thiêng vào miệng và phun ra 4 phía, cầu cho mưa thuận gió hoà. “Trong lời cúng thần bản của người Thái thì có nhiều bước, tuy nhiên có 3 bước chính. Trong đó, quan trọng nhất là phải xin, phải gọi tất cả các vị thần về, rồi mới đến phần mời ăn, mời uống rượu cần” – thầy mo Phạm Văn Xuân cho biết thêm.

Ông Hà Công Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Thành (Quan Hóa), chia sẻ: “Hiện nay chỉ các bản Sậy, Tang, Chiềng, Cá còn duy trì tục xên bản vào ngày 25 đến 27-12 (âm lịch), riêng xên mường đã mai một từ lâu, xã đang nghiên cứu để phục dựng lại. Bởi, đây không chỉ là lễ cầu may, cầu phúc, xên mường, xên bản còn là dịp để bà con gặp gỡ, giao lưu, ôn lại truyền thống lịch sử dân tộc, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong cộng đồng, củng cố niềm tin, tạo đà phấn khởi bước vào cuộc sống mới”.

Qua đây, chúng ta có thể thấy nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan của người Thái trong quan niệm về thiên, địa, nhân, trong đó chủ thể con người là trung tâm. Gạt bỏ những yếu tố mê tín dị đoan, xên bản, xên mường diễn ra với mục đích cầu mong cho con người luôn mạnh khỏe, sống đoàn kết với nhau, hòa đồng với thiên nhiên, với các thế lực siêu nhiên để có một cuộc sống trường tồn ấm no và hạnh phúc... Do đó, tín ngưỡng này cần được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy và khai thác những yếu tố có giá trị tích cực để xây dựng đời sống mới.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]