(Baothanhhoa.vn) - Diện mạo mới ở thị trấn Nga Sơn

Tin liên quan

Đọc nhiều

Diện mạo mới ở thị trấn Nga Sơn

Tự ngàn đời, dòng sông Hưng Long lững lờ đem nguồn nước mát cho đồng ruộng tốt tươi. Nay, đoạn qua thị trấn Nga Sơn càng thêm thơ mộng hữu tình bởi hai bên bờ được kè kiên cố, thiết kế đẹp mắt. Hàng ngày, người dân địa phương coi hai bên bờ sông này là điểm giải trí, nơi dạo bộ, vui chơi sau những bộn bề công việc. Cùng với sự đổi thay nhanh chóng của các tuyến phố, khu dân cư, công trình công cộng, đã tạo cho thị trấn Nga Sơn một diện mạo mới, sức sống mới.

Diện mạo mới ở thị trấn Nga Sơn

Một góc thị trấn Nga Sơn.

Nếu chỉ nhìn về hạ tầng và sự phát triển, ít người biết rằng, thị trấn Nga Sơn thuộc hàng “trẻ” nhất trong các đô thị ở tỉnh Thanh Hóa với hơn 30 năm tuổi. Ngày 23-12-1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã có Quyết định số 188/HĐBT về việc thành lập thị trấn huyện Nga Sơn, trên cơ sở hợp nhất thôn Mậu Tài và một phần thôn Yên Hạnh, xã Nga Mỹ, một phần thôn Yên Khoái, xã Nga Yên với tổng diện tích 110 ha và 2.673 nhân khẩu. Để bảo đảm sự lãnh đạo mọi hoạt động của thị trấn, ngày 20–6–1989, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nga Sơn ra quyết định thành lập Đảng bộ thị trấn Nga Sơn gồm 74 đảng viên và ban chấp hành đảng bộ lâm thời có 9 đồng chí. Đây chính là những người đầu tiên cầm lái con thuyền cách mạng thị trấn Nga Sơn vượt qua những khó khăn thách thức, đi đúng quỹ đạo của dòng chảy phát triển. Tiếp đó, UBND và các tổ chức đoàn thể: MTTQ, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh... của thị trấn lần lượt ra đời. Xuyên suốt 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ thị trấn Nga Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và nhân dân không ngừng vươn lên, xứng đáng là trung tâm hành chính, chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Nga Sơn.

30 năm kiên định con đường phát triển, thị trấn Nga Sơn hôm nay đã gặt hái được những thành quả to lớn, trở thành vùng đất trù phú bậc nhất của huyện đồng bằng gắn với những truyền thuyết về Mai An Tiêm và trái dưa hấu, Từ Thức lấy vợ tiên này. Trên hầu khắp các tuyến phố lớn nhỏ, những ngôi nhà tầng san sát, những tuyến đường được quy hoạch xây dựng khá khoa học. Thị trấn Nga Sơn cũng chính là một trong những thị trấn đầu tiên của tỉnh hiện thực hóa được những sắp xếp và xây dựng mới các khu dân cư, tạo dựng những khu phố hiện đại, thoáng đãng. Những khu dân cư kết hợp dịch vụ ven dòng Hưng Long đã không còn lụp xụp, xây dựng tự phát như nhiều năm trước, mà nay đã được đồng bộ về mặt kiến trúc, đường sá, hệ thống nước thải ngầm... Hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ và hiện đại hóa trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Hiện nay, thế mạnh nhất của thị trấn Nga Sơn là phát triển thương mại và dịch vụ - chiếm 69,5% trong cơ cấu kinh tế. Toàn thị trấn hiện có tới 45 doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, hàng nghìn hộ kinh doanh. Riêng chợ thị trấn Nga Sơn - một trong những chợ điển hình của tỉnh sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, đã thu hút gần 900 hộ kinh doanh. Đây cũng chính là một trong những khu chợ cấp huyện có quy mô lớn nhất tại khu vực miền Bắc. Được biết, chợ thị trấn Nga Sơn được đầu tư xây dựng tháng 4-1990, đến tháng 9-2016, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của UBND tỉnh và huyện Nga Sơn về chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể thị trấn đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân, các hộ tiểu thương đồng thuận thực hiện thành công phương án chuyển đổi.

Trong nông nghiệp, tuy diện tích đất nông nghiệp của thị trấn không lớn, nhưng dưới sự định hướng, chỉ đạo của đảng ủy, chính quyền thị trấn, từ lâu, nông dân địa phương đã phát triển các vùng chuyên canh cây hàng hóa, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Cơ cấu các ngành kinh tế của địa phương chuyển dịch theo hướng ngày càng hợp lý. Nếu năm 1989, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 80%; kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp chỉ chiếm 20% trong cơ cấu kinh tế thì hiện nay, các ngành dịch vụ - thương mại chiếm 69,5%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 30%; nông nghiệp chỉ còn 0,5% trong cơ cấu kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người của thị trấn từ năm 1989 đến nay cũng tăng lên 80 lần (năm 1989 đạt 600 nghìn đồng/người, năm 2019 đạt 48 triệu đồng/người).

Thị trấn Nga Sơn cũng sớm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện phương án vệ sinh môi trường, tập trung chỉ đạo làm tốt công tác thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày, đồng thời tổ chức phát động để nhân dân tham gia ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp hàng tháng. Công tác quản lý đô thị, trồng và bảo vệ cây xanh môi trường đã mang lại những kết quả đáng kể, góp phần vào nhiệm vụ xây dựng thị trấn sớm trở thành đô thị văn minh.

Sắp tới, hai xã Nga Mỹ và Nga Hưng sẽ được sáp nhập vào thị trấn Nga Sơn, chính là điều kiện thuận lợi để đảng bộ, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phấn đấu tăng nhanh diện tích cây trồng hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Diện tích thị trấn được mở rộng cũng là cơ hội để thị trấn Nga Sơn tiếp tục lớn mạnh trên tất cả các lĩnh vực, mở ra trang mới cho phát triển của đơn vị hành chính huyện lỵ của huyện Nga Sơn.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]