(Baothanhhoa.vn) - Một chiều cuối tháng 4, chúng tôi tìm về ngôi nhà cụ Hoàng Tiến Lực, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Cụ Lực năm nay tròn 90 tuổi, cái tuổi “xưa nay hiếm” khiến cụ đôi lúc quên đi một vài ký ức xa xưa, nhưng duy cảm xúc về một thời “mưa bom, bão đạn” ở chiến trường Điện Biên Phủ như vẫn còn vẹn nguyên một thuở.

Điện Biên Phủ trong trái tim cựu binh Hoàng Tiến Lực

Một chiều cuối tháng 4, chúng tôi tìm về ngôi nhà cụ Hoàng Tiến Lực, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Cụ Lực năm nay tròn 90 tuổi, cái tuổi “xưa nay hiếm” khiến cụ đôi lúc quên đi một vài ký ức xa xưa, nhưng duy cảm xúc về một thời “mưa bom, bão đạn” ở chiến trường Điện Biên Phủ như vẫn còn vẹn nguyên một thuở.

Điện Biên Phủ trong trái tim cựu binh Hoàng Tiến LựcDiễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ được cụ Hoàng Tiến Lực dùng để giới thiệu với các em học sinh tại các buổi nói chuyện truyền thống.

Trò chuyện cùng chúng tôi, những năm tháng không thể nào quên cứ lần lượt hiện lên như những thước phim quay chậm trong ký ức của cựu binh Hoàng Tiến Lực. Sinh ra và lớn lên tại xã Hoằng Lương cũ (nay là xã Hoằng Sơn), chàng trai trẻ Hoàng Tiến Lực tích cực tham gia các hoạt động đoàn thanh niên tại địa phương và được kết nạp vào Đảng khi mới 18 tuổi. Năm 1952, khi đang làm ở văn phòng chi bộ Võ Nguyên Giáp thì xã có đợt tuyển quân vào bộ đội, thanh niên Hoàng Tiến Lực tình nguyện đi khám và trúng tuyển. Sau 1 năm huấn luyện tại Trung đoàn 44, Quân khu IV, anh được bổ sung vào Đại đoàn 316 đóng quân ở Mộc Châu (Sơn La) và tham gia đợt 2 của chiến dịch Tây Bắc.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường Tây Bắc, Hoàng Tiến Lực cùng đơn vị trở về Thọ Xuân (Thanh Hóa) tiếp tục huấn luyện. Là người có trình độ văn hóa và trình độ chính trị nên anh được bổ sung vào chi ủy của Đại đội 506 thuộc Trung đoàn 174 và phụ trách cán sự chính trị của đại đội. Đầu năm 1953, toàn đơn vị của anh lại được lệnh hành quân lên Tây Bắc để chuẩn bị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhớ về những ngày tháng gian khổ, hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, đôi mắt người lính già rực sáng, cụ kể: Tháng 3-1954, các đơn vị được giao nhiệm vụ làm đường để phục vụ chiến dịch. Trung đoàn 174 được giao làm đường ở phía Đông Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Xung quanh Điện Biên Phủ lúc ấy bị quân địch thả bom Napan, cây cối cháy rụi hết, chỉ còn rất ít màu xanh nên việc làm đường vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Không chỉ thế, ban ngày máy bay địch thường xuyên trinh sát, ban đêm chúng thả pháo sáng liên tục nên các đơn vị phải đào hào buổi tối, trong lúc đào phải khoét sâu vào thành núi để đặt bó đuốc lấy ánh sáng, không cho địch phát hiện. Ban đêm đào hào, ban ngày lấy cây khô che lại, công việc cứ thế trôi trong gần 1 tháng liên tục mà quân địch không hề hay biết. Theo kế hoạch, lẽ ra chiến dịch Điện Biên Phủ phải được bắt đầu sớm hơn nhưng qua kiểm tra, đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy công tác chuẩn bị chưa chu đáo nên yêu cầu toàn mặt trận chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng”. Đây là quyết định đúng đắn nhưng thời gian tác chiến dài hơn, cách đánh cũng khác hơn nên có những việc ta phải chuẩn bị lại từ đầu. Với địa hình hiểm trở, những khẩu pháo hạng nặng vất vả lắm mới đưa được vào trận địa lại phải kéo trở ra vị trí ban đầu.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, quân và dân ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch. Đầu tháng 3-1954, công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã hoàn thành. Ngày 13-3-1954, các đơn vị được lệnh nổ súng đánh vào đồi Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 14-3 tiếp tục đánh vào đồi Độc Lập. Đợt tấn công thứ nhất kéo dài 5 ngày, quân ta bắt sống nhiều tên địch và phá hủy nhiều máy bay. Đợt 2 của chiến dịch bắt đầu từ ngày 30-3 đến ngày 30-4-1954, ta đánh đồng loạt các ngọn đồi phía Đông của phân khu trung tâm. Theo dòng hồi tưởng, cụ Lực kể tiếp: Đêm 30-3, đơn vị tôi được lệnh đánh vào đồi A1, trận này quân ta tổn thương khá nhiều do địch có hầm ngầm, có lỗ châu mai nhưng ta không phát hiện ra. Sư đoàn không hoàn thành nhiệm vụ nên phải giằng co với địch suốt 1 tháng trời. Tôi ở đơn vị tải thương, lúc nào cũng phải theo sát đơn vị chiến đấu. Thời gian này, ở Điện Biên mưa nhiều nên hào giao thông lầy lội, chúng tôi phải đội cáng lên đầu mới vận chuyển được thương binh và những người đã hy sinh về phía sau mặt trận. Bùn đất và máu thương binh rơi xuống mặt, xuống đầu những người tải thương. Đau xót lắm”. Nói đến đây, khuôn mặt cụ Lực chùng xuống, giọng cụ trầm tư một chút rồi cụ nói tiếp: “Mặc dù thương vong nhiều, nhưng sau đợt tấn công thứ 2 của các đơn vị chiến đấu, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ”.

Ngày 1-5-1954, ta mở đợt tiến công thứ ba. Sau khi phát hiện quân địch có hầm ngầm ở đồi A1, đơn vị cụ Lực cùng 1 đơn vị công binh nữa được giao nhiệm vụ đào hầm ngầm sát với hầm ngầm quân địch. Cụ Lực nhớ lại: Việc đào hầm vô cùng vất vả nhưng chúng tôi đã nỗ lực hoàn thành. Khi đào sát đến đáy hầm ngầm của quân địch, quân ta chuẩn bị sẵn 1 tấn bộc phá. Các đơn vị được phổ biến, khi nào nghe tiếng bộc phá nổ đó chính là hiệu lệnh bắt đầu cuộc tổng tiến công. Đúng 17 giờ ngày 6-5, khối bộc phá đặt ở cuối đường hầm trên đồi A1 vang lên, cuộc tổng tiến công bắt đầu. Quân ta từ các hướng lần lượt đánh chiếm những cứ điểm còn lại, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch. Ngày 7-5-1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, tướng De Castries và toàn bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch, kết thúc cuộc chiến gian khổ ác liệt, tạo nên “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trong suốt quá trình trò chuyện cùng chúng tôi, cụ Lực luôn nở nụ cười hiền lành, điềm đạm. Không chỉ tự hào khi được tham gia từ đầu đến cuối chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cụ Lực còn rất vinh dự được gặp Bác Hồ vào ngày 13-11-1962, lúc cụ đang làm phân đội trưởng tàu phóng lôi Tiểu đoàn 135 tại cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh). Ngoài gặp Bác, nghe Bác căn dặn nhiều điều, cụ Lực còn là một trong số ít cán bộ được cử đi làm cơm và đưa cơm xuống tàu cho Bác. Rồi khi Bác Hồ mất, cụ Hoàng Tiến Lực là một trong số 200 cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu của lực lượng hải quân vinh dự được về dự lễ tang của Người tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).

Sau 10 năm công tác dưới tàu, cụ Lực về làm công tác tác chiến ở Phòng tác chiến Bộ Tham mưu hải quân. Năm 1984, cụ Hoàng Tiến Lực nghỉ chế độ và trở về địa phương và tham gia các hoạt động của xã như phó chủ tịch hội cựu chiến binh xã, ủy viên ủy ban kiểm tra đảng ủy xã, bí thư chi bộ. Khắc ghi lời Bác dạy, trong suốt cuộc đời đi theo Đảng, cụ Lực luôn phấn đấu và đạt nhiều thành tích dù công tác ở bất cứ vị trí nào. Cụ Lực chia sẻ: “Về hưu rồi, tôi vẫn say sưa kể về Điện Biên, về lần được gặp Bác Hồ cho các em học sinh với mong muốn trang sử vàng chói lọi của dân tộc tiếp tục được thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy”.

Bài và ảnh: Thu Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]