(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, biên giới thông qua các chương trình, dự án cụ thể, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; một số tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội của đồng bào đã dần được xóa bỏ. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra, chủ yếu tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Mông, Thái, Khơ Mú cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, làm giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng cao biên giới

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, biên giới thông qua các chương trình, dự án cụ thể, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; một số tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội của đồng bào đã dần được xóa bỏ. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra, chủ yếu tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Mông, Thái, Khơ Mú cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, làm giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng cao biên giới

Và Thị Chá sau 3 năm kết hôn chỉ quanh quẩn ở nhà lo việc bếp núc và lên nương rẫy.

Huyện Mường Lát có 6 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 95%, riêng đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 40%. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế huyện, giai đoạn 2014-2018, toàn huyện có 50 trường hợp tảo hôn và 14 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, tập trung chủ yếu trong đồng bào dân tộc Mông. “Cuộc chiến” đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn không hề đơn giản, bởi nó đã ăn sâu bám rễ qua nhiều thế hệ.

Và Thị Chá, sinh năm 2001 ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi kết hôn từ năm 2016, là người cùng bản, chồng Chá lại là con trai của em gái mẹ đẻ mình. Trong ngày hội vui của bản làng mình, hai người ưng nhau rồi “chồng bắt mình về làm vợ thôi” – Chá nói. Vì ưng cái bụng rồi lấy nhau chứ cũng chẳng biết như thế là tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Từ cái ngày bị “bắt” về, Chá chỉ quanh quẩn trên nương rẫy cùng bố mẹ và bên bếp lửa. Cuộc sống đi qua nhọc nhằn, không ước mơ. Chồng thì đang theo học đại học. Tôi hỏi, sao lại kết hôn sớm thế? Có biết tác hại, hệ lụy tiêu cực của tảo hôn và hôn nhân cận huyết không? Và tôi thật sự ngỡ ngàng trước cái lý lẽ rất hồn nhiên của Chá và chồng: Từ bao đời nay trên địa bàn vẫn có nhiều người kết hôn như thế, vẫn sinh con đẻ cái bình thường, có làm sao đâu.

Ông Ly Văn Mai, chuyên trách dân số xã Pù Nhi (Mường Lát) chia sẻ: Để giúp người dân hiểu và bài trừ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong những năm qua, xã đã tổ chức nhiều cuộc vận động, tuyên truyền xuống từng bản làng, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi họp thôn bản. Cán bộ cơ sở đã tích cực tư vấn, truyền thông trực tiếp, đến từng nhà vận động, thay đổi tư duy, cách nghĩ của chị em về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Thế nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Toàn xã có 11 bản thì có tới 7 bản người Mông, trình độ dân trí thấp. Vì vậy để xóa bỏ hủ tục thì phải giải quyết từ gốc rễ của vấn đề, đó là thay đổi nhận thức cho người dân. Và nhiệm vụ này không phải chỉ riêng nhiệm vụ của chính quyền địa phương mà còn từ nhận thức của mỗi người dân cần được thay đổi tích cực hơn.

Từ đầu năm 2017, triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, huyện Mường Lát đã ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền; lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các hội nghị ở thôn, bản; các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền giữa các tổ chức đoàn thể; tranh thủ vai trò của những người có uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Sau hơn 2 năm triển khai đã từng bước xóa bỏ hủ tục, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể, đặc biệt từ đầu năm 2019 đến nay không còn xảy ra hôn nhân cận huyết thống.

Ông Lê Quốc Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát cho biết thêm: Có được kết quả đó, biện pháp ưu tiên hàng đầu vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Thông qua việc tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ để người dân được tiếp cận những nét văn hóa mới, tiến bộ. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng nhằm tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tự giác xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Thành công bước đầu trong “cuộc chiến” loại bỏ hủ tục ở Mường Lát đó là nhận thức của phần lớn người dân đã được nâng lên, đặc biệt nhiều chị em phụ nữ đã ý thức được mặt trái của các hủ tục. Tuy nhiên tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện vẫn đang ở mức cao. Đây là thực trạng đáng báo động, bởi việc lập gia đình sớm sẽ ảnh hưởng đến thể chất của các em, nhất là đối với các em gái, nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề, thậm chí có trường hợp tử vong.

Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2011 đến tháng 6-2015, toàn vùng dân tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa có 1.207 cặp tảo hôn; 86 cặp hôn nhân cận huyết thống, bình quân hằng năm có từ hơn 250 cặp đến gần 400 cặp tảo hôn và có hơn 20 cặp kết hôn cận huyết thống, tập trung nhiều ở các huyện như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Ngày 25-9-2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 3715/QĐ-UBND triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020” với kinh phí hơn 9,974 tỷ đồng. Theo đó, đề án được triển khai thực hiện tại 223 xã thuộc 11 huyện miền núi và 7 huyện, thị xã giáp ranh có xã, phường miền núi tỉnh Thanh Hóa. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ ngăn chặn và đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và trình độ nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Trong năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh đã hoàn thành việc biên soạn, phát hành và cấp phát đến 223 xã miền núi với tổng số 33.450 tờ gấp, 11.150 cuốn sổ tay, 7.805 tờ áp phích, hoàn thành 232 panô có nội dung liên quan đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phối hợp với Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 3 hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền thực hiện đề án cho cán bộ của 3 huyện có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa). Trong năm 2018, các huyện đã tổ chức được 103 hội nghị tuyên truyền cho 7.955 người; tổ chức 1 hội thi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện Như Thanh; lồng ghép giảng dạy và tổ chức 27 buổi nói chuyện chuyên đề tại các trường phổ thông trên địa bàn các huyện; xây dựng được 8 mô hình điểm tại các huyện Như Thanh, Ngọc Lặc, Bá Thước, Quan Sơn... Qua đó, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến rõ rệt, góp phần đưa tỷ lệ tảo hôn giảm xuống so với trước khi triển khai thực hiện đề án. Điển hình, tại huyện Lang Chánh tỷ lệ tảo hôn giảm 2,22%; huyện Ngọc Lặc giảm 5,59%; tình trạng hôn nhân cận huyết thống chỉ còn xảy ra với số lượng rất ít trên địa bàn vùng sâu, vùng xa ở một số huyện vùng cao biên giới.

Để tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm thiểu một cách bền vững, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính quyền cơ sở, phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe; phấn đấu từ nay đến hết năm 2020, sẽ xây dựng 9 mô hình về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về hôn nhân, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]