(Baothanhhoa.vn) - Rối loạn phổ tự kỷ đang có chiều hướng gia tăng. Nhưng nếu được phát hiện, can thiệp sớm, trẻ tự kỷ có cơ hội phát triển tốt hơn. Trước thực tế đó, Đơn nguyên Tâm bệnh, thuộc Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã đa dạng hoạt động điều trị cho trẻ tự kỷ, tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng.

Đa dạng hoạt động điều trị rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ

Rối loạn phổ tự kỷ đang có chiều hướng gia tăng. Nhưng nếu được phát hiện, can thiệp sớm, trẻ tự kỷ có cơ hội phát triển tốt hơn. Trước thực tế đó, Đơn nguyên Tâm bệnh, thuộc Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã đa dạng hoạt động điều trị cho trẻ tự kỷ, tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng.

Đa dạng hoạt động điều trị rối loạn phổ tự kỷ ở trẻBé tham gia hoạt động ngôn ngữ trị liệu tại Đơn nguyên Tâm bệnh.

Tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn hệ thần kinh, gây ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ. Tự kỷ thường được biểu hiện với những khiếm khuyết về tương tác xã hội, người bệnh thường gặp khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ và các hành vi, sở thích, hoạt động của người bị tự kỷ thường mang tính hạn hẹp hoặc lặp đi lặp lại. Hiện nay, chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra tự kỷ. Các giả thuyết cho yếu tố gen chiếm vai trò quan trọng kết hợp với các yếu tố môi trường bất lợi khác: mẹ nhiễm khuẩn, nhiễm virus lúc mang thai; khi sinh bị ngạt, sang chấn não, can thiệp sản khoa, sinh non; tổn thương hệ thần kinh. Các yếu tố tâm lý xã hội như, gia đình ít quan tâm, trẻ xem nhiều tivi... không phải là nguyên nhân tự kỷ, mà là tác nhân làm mức độ tự kỷ nặng hơn.

Theo đánh giá của Đơn nguyên Tâm bệnh, tại Thanh Hóa, nhu cầu các gia đình đưa con đến khám, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, tư vấn tự kỷ và các rối loạn thường gặp ở trẻ nhỏ, như: chậm nói/chậm phát triển ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, rối loạn giấc ngủ, rối loạn Tic, chậm phát triển tâm thần... ngày càng tăng. Trung bình, có từ 400 - 500 trẻ/tháng khám tại Đơn nguyên Tâm bệnh. Mỗi ngày, có khoảng 90 - 100 trẻ có các chứng rối loạn khác nhau, trong đó có nhiều trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ điều trị ngoại trú tại Đơn nguyên. Để hiệu quả điều trị đạt kết quả cao, các bé cần tham gia điều trị thường xuyên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các bệnh nhân không tham gia điều trị thường xuyên được. Đây được xem là một yếu tố tăng thêm sự khó khăn trong điều trị rối loạn phổ tự kỷ thời điểm hiện nay.

Để từng bước giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng, Đơn nguyên Tâm bệnh đã triển khai nhiều hoạt động, phương pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ em một cách hiệu quả, thiết thực như, khám sàng lọc, chẩn đoán, tư vấn, điều trị rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ. Đối với các trường hợp tính tự kỷ ở trẻ và tự kỷ không điển hình, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ tư vấn gia đình nhập viện điều trị cho trẻ. Các bé sẽ được điều trị theo phương pháp can thiệp một – một với nhiều hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu. Hoạt động trị liệu được thực hiện thông qua quá trình chơi mà học với trẻ, mát xa, điều hòa các giác quan, phát triển tâm vận động... Ngôn ngữ trị liệu giúp bé phát triển ngôn ngữ, thể hiện ngôn ngữ, cải thiện khả năng giao tiếp. Ngoài ra, một số trường hợp có rối loạn kèm theo như rối loạn hành vi, tăng động, rối loạn giấc ngủ, động kinh... sẽ dùng thêm thuốc điều trị.

Cùng với các phương pháp, hoạt động điều trị trực tiếp cho trẻ, bác sĩ và điều dưỡng tại Đơn nguyên Tâm bệnh đã đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình trẻ và cộng đồng thông qua các hình thức: tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho gia đình khi đưa trẻ đi khám; giới thiệu các tài liệu hướng dẫn cách chăm sóc, phòng tránh rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em... Đồng thời, khuyến khích cha mẹ quan sát và tham gia cùng điều dưỡng hướng dẫn, hỗ trợ trẻ trong các hoạt động. Từ đó, để gia đình trẻ nhận thức đầy đủ về vấn đề của con em mình; thực hành được các phương pháp can thiệp và tiếp cận, chăm sóc trẻ một cách hiệu quả ngay tại nhà. Điều dưỡng Lê Thị Lan, tổ trưởng phụ trách kỹ thuật viên tại Đơn nguyên Tâm bệnh, cho biết: Việc bố mẹ có thể thực hành đúng các phương pháp can thiệp, tiếp cận trẻ là một điều rất quan trọng. Nó tạo thành sự liên hoàn, thống nhất trong việc can thiệp cho trẻ. Bởi, ngoài các cô điều dưỡng, bố mẹ chính là những người gần gũi, bên cạnh bé nhiều nhất.

Nhờ triển khai nhiều hoạt động điều trị, nên nhiều trẻ khi vào viện chưa biết nói, chưa biết thể hiện cảm xúc, nhưng sau 2 - 3 tháng điều trị bé có thể nói được vài từ đơn, nhận biết được một số đồ vật. Ngoài ra, để có được hiệu quả điều trị, các bác sĩ, điều dưỡng tại Đơn nguyên Tâm bệnh đã xây dựng kế hoạch và phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp sau khám sàng lọc. Tư vấn, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng cho các bậc phụ huynh các bài tập, phương pháp giáo dục hiệu quả để can thiệp trị liệu cho trẻ tại gia đình. Đồng thời, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại Đơn nguyên Tâm bệnh thường xuyên chủ động nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Đơn nguyên Tâm bệnh, thuộc Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa hiện có 17 cán bộ, nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ CKI, 16 điều dưỡng. Không như điều dưỡng tại các khoa khác, tại Đơn nguyên Tâm bệnh điều dưỡng cũng là những cán bộ tâm lý hay những giáo viên. Đặc biệt, những bác sĩ, điều dưỡng ở đây đều có lòng yêu trẻ, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ đồng hành cùng với trẻ, giúp đỡ các bé nói, tập vận động những động tác đơn giản nhất.

Bác sĩ CKI Trần Thị Minh Anh cho biết: Hiện tự kỷ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng tình trạng của trẻ có thể cải thiện khi thực hiện các phương pháp can thiệp sớm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không phải cha, mẹ nào cũng hiểu đúng về chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nhiều gia đình khi cho con đến can thiệp thì đã qua “giai đoạn vàng” – giai đoạn can thiệp tốt nhất. Có gia đình không đủ kiên nhẫn đồng hành cùng con và bác sĩ, mới điều trị một hai tháng đã đòi hỏi phải có kết quả tốt ngay. Thậm chí, nhiều bố, mẹ không chấp nhận việc con mình bị mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ và các rối loạn khác, dẫn đến việc trốn tránh đưa con đi điều trị hoặc không kiên nhẫn theo đuổi các biện pháp can thiệp. Do đó, việc điều trị cho trẻ tự kỷ còn gặp nhiều khó khăn.

Để trẻ tự kỷ có thể hòa nhập cộng đồng, ngoài các phương pháp can thiệp và sự hỗ trợ của bác sĩ, điều dưỡng, sự quan tâm, nỗ lực từ phía gia đình và xã hội cũng là một mắt xích quan trọng trong việc chăm sóc trẻ tự kỷ, giúp các em có thể học tập, hòa nhập, phát triển những khả năng của trẻ tốt hơn.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]