Cổng làng xưa và nay

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cổng làng xưa và nay

Cổng làng Phú Khê (Hoằng Hóa).

Cổng làng – từ biểu tượng văn hóa vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ...

Khi nhớ đến quê hương, nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, nhớ về cánh cổng làng đã từng gắn bó một thời, thi sĩ Mạc Trường Thiên đã viết lên những câu thơ giàu cảm xúc: Cổng làng/ Nơi người già thường kể về quá khứ/ Khách vãng lai dừng chân trú nắng trưa nồng/ Nơi những đứa trẻ trèo leo và chim về làm tổ/ Lá rơi nhiều khi gió chớm vào đông/ Cổng làng/ Nơi chứng kiến những thăng - trầm, hưng - phế/ Màu rêu phong bàng bạc tháng năm dài/ Có ai đó bước phiêu linh hoài vọng/ Giấc mơ thầm ẩn hiện cổng làng ai.

Thuở sơ khai, ở những làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, làng tương đối khép kín, chỉ để một hoặc hai lối ra vào và cổng làng có vai trò làm cột mốc phân chia địa giới hành chính giữa các làng, đồng thời mở ra khu đất thổ canh của làng đó. Cổng làng thường mở vào buổi sáng để người dân đi làm và đóng khi tối lặn mặt trời, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trải qua thời gian, cổng làng không còn là giới hạn giao lưu liên làng mà trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, cùng với cây đa, giếng nước, sân đình. Cổng làng đã trở nên thân thuộc và luôn có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt của người dân thôn quê.

Trong quan niệm truyền thống của người Việt, bên cạnh cây đa, giếng nước, sân đình thì cổng làng có ý nghĩa như một sự chào đón chân thành của người dân địa phương dành cho khách. Đối với mỗi người con xa quê được trở về sau những chuyến hành trình dài của cuộc đời, cổng làng luôn mang đến cảm giác bình yên, thân thương, tạo ra những giá trị hữu hình, vô giá và bất biến trước thời gian.

Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành, phát triển của một ngôi làng và tập trung nhiều ở những vùng trồng lúa nước, những vùng có văn hóa làng xã. Những đại tự, câu đối hay những hoa văn, hình ảnh được phác họa trên cổng có nội dung nói về truyền thống tốt đẹp, thanh cao của làng hoặc những lời răn dạy đạo lý để con cháu của làng đi về, đọc trên đấy để mà hiểu. Và đó là một phần của văn hóa làng.

Về mặt kiến trúc và trang trí, cổng làng lưu giữ một kho báu văn hóa vô giá. Chúng được xây dựng bằng những bàn tay tài tình của cha ông. Cổng làng xưa không cầu kỳ, phô trương mà toát lên vẻ tôn nghiêm, trang trọng, thể hiện sự nền nếp, kỷ cương của văn hóa làng xã. Có những cổng làng làm hai tầng (cổng thượng gia hạ môn), có những cổng làng một tầng (gọi là cổng một gian). Cổng làng xưa thường có một cửa chính, hoặc một cửa chính và kế hai bên có hai cửa phụ thấp và nhỏ hơn, được trang trí hài hòa với cửa chính, tạo thành một tổng thể kiến trúc thống nhất tựa như những ngôi tam quan của chùa hay những bức cửa mã ở đình làng. Làng quê xưa, mỗi làng có thể chỉ có một cổng duy nhất nhưng cũng có nhiều làng dựng hai cổng, gồm có cổng tiền và cổng hậu (cổng trước và cổng sau). Cổng tiền thường hướng về phía Đông Nam, hướng của mặt trời mọc, hướng của gió lành, thể hiện ước vọng về sự sinh sôi, tươi tốt. Còn cổng hậu, thường hướng về phía Tây, hướng mặt trời lặn nhằm tiễn đưa những vướng bận, u sầu, không may mắn. Cánh cửa ấy mở ra mỗi sớm, với hy vọng mang về phúc lộc và niềm vui.

Cổng làng, đối với người xưa có sự gắn bó sâu sắc, thể hiện tình cảm thiêng liêng với quê hương xứ sở. Nó không chỉ ẩn chứa hồn quê đất Việt mà qua dáng vẻ kiến trúc còn thể hiện chiều sâu văn hóa mỗi ngôi làng.

...đến phong trào xây dựng cổng làng trong quá trình đô thị hóa

Trong nhịp sống hiện đại hôm nay, những chiếc cổng xưa cũ chứa đựng tinh thần, hồn cốt làng quê Việt dần bị lãng quên. Hiện, trên địa bàn tỉnh, hầu hết những chiếc cổng làng được xây dựng từ thời xưa đã bị phá bỏ và chìm sâu vào ký ức xa xăm. Cổng làng hôm nay đã dần mất đi vẻ nguyên thủy vì đà phát triển không gian của thôn làng nay đã hướng theo xu thế hội nhập. Bởi, nhu cầu giao thông ngày một lớn, cổng nhỏ, ngõ nhỏ sẽ cản trở phương tiện giao thông qua lại. Ngay tại ngôi làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), hình ảnh về chiếc cổng làng rêu phong, cổ kính cũng đã trở nên vắng bóng. Hiện, trong làng cổ này chỉ còn lại cổng ngõ Trí, phía trong cổng là những bức tường, những ngôi nhà cổ đã nhuốm màu thời gian.

Chương trình xây dựng nông thôn mới những năm gần đây đã và đang phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều nơi đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác xây dựng, tôn tạo cổng làng để đảm bảo tiêu chí về giao thông, như một số xã ở các huyện: Hoằng Hóa, Hà Trung, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Nông Cống... Về cơ bản, nhiều cổng làng hiện nay vẫn mang những nét kiến trúc của cổng làng xưa. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu thực tế, hầu hết các cổng làng được xây dựng trên nền diện tích lớn hơn nhằm thuận lợi cho người dân trong việc đi lại. Nhưng, nét văn hóa cổ xưa của dân tộc từng được in dấu trong những cổng làng đang từng ngày bị mai một. Để có cái nhìn đa chiều, chúng tôi đã đến nhiều địa phương trong tỉnh và ngỡ ngàng trước những cổng làng được xây mới với vẻ đồ sộ, quy mô nhưng lại không biểu hiện được chiều sâu văn hóa, không thể hiện được đặc trưng của biểu tượng văn hóa vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ xưa. Ví như cổng làng Đông Cao (xã Trung Chính, huyện Nông Cống). Một người dân địa phương nói với vẻ tự hào: “Cổng này xây dựng ngót nửa tỷ đấy”. Được biết, cổng làng Đông Cao được xây năm 2008. Theo quan sát, được thiết kế 3 tầng với 2 mái trên cao cong cong như đình, chùa, họa tiết hoa văn. Điều đáng chú ý, cặp câu đối hai bên cổng làng và đại tự trên mái cổng được ghi bằng chữ Hán, bên cạnh là bản dịch sang chữ Nôm. Tuy nhiên, nhìn tổng thể cổng làng văn hóa này quá hoành tráng, không hài hòa với cảnh quan.

Tương tự, cổng làng Phú Khê cũng được xem là một trong những cổng làng được xây dựng bề thế vào bậc nhất của tỉnh. Kinh phí xây cổng làng này lấy từ tiền quyên góp của người dân địa phương và những người con xa quê thành đạt. “Chúng tôi phải cất công đi tìm hiểu rất nhiều địa phương trong cả nước mới xây được chiếc cổng làng như thế. Cổng làng khi mới xây thuộc diện bề thế nhất trên cả nước đấy” – một người địa phương tự mãn. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài có vẻ đẹp, nhưng dường như còn mang nặng tính phô trương.

Điều bất cập nữa trong việc xây dựng cổng làng là một làng nhưng xây dựng quá nhiều cổng. Đến xã Thiệu Dương (Thiệu Hóa), chúng tôi ngạc nhiên khi cùng một làng nhưng xây dựng nhiều cổng làng và cổng làng ở đây được xây dựng sơ sài, gần giống với cổng chào, khô cứng và vô hồn.

Xây dựng cổng làng như thế nào phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, đặc trưng văn hóa từng địa phương. Nhưng với việc đua nhau xây dựng cổng làng, xã ồ ạt trên địa bàn tỉnh hiện nay, hơn lúc nào hết, các cấp chính quyền địa phương và ban, ngành chức năng cần có hướng dẫn, quy định cụ thể để các công trình này thật sự mang giá trị văn hóa và hạn chế lãng phí, tốn kém.


Bài và ảnh: Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]