(Baothanhhoa.vn) - “Nếu ngày ấy nghề y không chọn tôi thì có lẽ cuộc đời tôi đã không “bận rộn” với những hỉ, nộ, ái, ố nhiều đến thế. Nhưng tôi lại cảm thấy may mắn vì điều này, nó cho tôi một cuộc đời ý nghĩa và nhiều màu sắc”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về một bác sĩ từ tâm

Chuyện về một bác sĩ từ tâm

Trưởng Khoa Hồi sức tích cực 2 Lưu Văn Hùng chăm sóc cho bệnh nhân.

“Nếu ngày ấy nghề y không chọn tôi thì có lẽ cuộc đời tôi đã không “bận rộn” với những hỉ, nộ, ái, ố nhiều đến thế. Nhưng tôi lại cảm thấy may mắn vì điều này, nó cho tôi một cuộc đời ý nghĩa và nhiều màu sắc”.

Vị trưởng khoa “nông dân”, kỹ tính

Được nghe kể nhiều về Thạc sĩ - Bác sĩ CKII Lưu Ngọc Hùng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa nhưng để được gặp trực tiếp trò chuyện với anh thực sự là điều rất “vất vả” đối với cánh phóng viên chúng tôi. Bởi lẽ, anh là một người sống giản dị và khá nguyên tắc, không muốn “nổi bật” trong đám đông. Nhưng với một thầy thuốc có chuyên môn, tinh thần làm việc chuyên nghiệp và một lối sống đẹp thì tấm gương, hình ảnh của anh cần được nhân rộng để cho thế hệ trẻ noi theo. Đây là động lực đã thôi thúc tôi phải làm cách nào đấy để được anh “mở lòng”. Sau nhiều lần “năn nỉ”, thuyết phục, cuối cùng tôi cũng may mắn có một khoảng thời gian trò chuyện với con người có tính cách “lập dị” này.

Mà đúng là như vậy, bác sĩ Hùng được học trò và các đồng nghiệp thân thiết trìu mến gọi là “động vật quý hiếm”, bởi sự “bảo thủ” đến mức khó chịu của anh trong nghề. Với anh, bệnh nhân là trên hết, không gì quan trọng hơn bệnh nhân nên nếu anh đang làm việc chuyên môn thì không ai, không lý do gì có thể khiến anh bận tâm.

Bản tính đó đã “ăn sâu vào máu”, nên vừa mở đầu câu chuyện, bác sĩ Hùng khẳng định một lần nữa vai trò của một người thầy thuốc nói chung và một bác sĩ phẫu thuật nói riêng. Trong đời, điều anh ám ảnh nhất là những ánh mắt của bệnh nhân. Khi người bệnh ngủ yên, người thân âu lo ngóng vọng, bác sĩ phẫu thuật bắt đầu bước vào trận chiến với hy vọng đè nặng hai vai. Bởi khi ấy, bác sĩ là chỗ dựa, niềm tin, động lực của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong những giờ phút chiến đấu cam go nhất với tử thần. Một chút sơ sẩy, một đường dao run cũng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Có những cuộc phẫu thuật nhẹ nhàng. Có những cuộc phẫu thuật kéo dài mà đến lúc buông dao mổ, bác sĩ mới kịp thở phào nhận ra mình vừa tự bước qua những giới hạn tưởng chừng bản thân không thể vượt.

Có lẽ vì thế mà 20 năm trong nghề, bác sĩ Hùng phải mất 10 năm đầu để làm quen với các kỹ thuật cơ bản, trong đó bài học tưởng chừng như đơn giản mà lại khó khăn vô cùng là “đứng tấn”. Không chỉ cần nắm vững lý thuyết, ngành ngoại khoa đòi hỏi bác sĩ rất nhiều ở kỹ năng thực hành, phải “mắt thấy, tay làm” mới rèn được tay nghề. Từ cách rạch da cho đến đường kim khâu, kẹp cắt, bóc tách... đều đòi hỏi nét tài hoa lẫn sự khổ luyện của mỗi người bác sĩ mổ. “Nếu sai lần đầu sẽ có lần sau, lâu dần sẽ thành cái lệ khó bỏ. Nên muốn đi đường dài, phải thận trọng từng bước nhỏ. Bởi, chiếc xe máy hỏng có thể mua lại xe khác, con người hỏng phải trả giá bằng những thương tật, thậm chí là cả mạng sống”, bác sĩ Hùng tâm niệm.

Với bệnh nhân, bác sĩ Hùng luôn tự nhủ phải cố gắng làm những gì tốt nhất có thể. Tốt nhất đôi khi là quyết tâm đi đến cùng để cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá hay dừng đúng lúc để có cái kết ít đau đớn nhất. Anh vẫn thường dặn dò thế hệ đàn em nên biết tiến và lùi đúng lúc. Có những ca bệnh bác sĩ phải cân não giữa việc tiếp tục phẫu thuật hay nên đưa bệnh nhân sang chăm sóc giảm nhẹ cuối đời. Không ít trường hợp, quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân tức là bác sĩ đang đặt cược bản thân vào chỗ một mất - một còn trong nghề nghiệp của chính mình. Nếu bệnh nhân có mệnh hệ nào, bác sĩ phải đối diện với vô vàn áp lực từ cấp trên, đồng nghiệp, gia đình người bệnh cũng như chính những tranh đấu, dằn vặt nội tâm. Anh quan niệm: “Trong nhiều tình huống, nếu không mạnh dạn ra biển lớn thì người bác sĩ chỉ mãi quẩn quanh trong ao làng của những giới hạn, không thể làm được điều tốt hơn cho bệnh nhân”.

Trong nghề y, bệnh - tử là chuyện thường ngày, bác sĩ không phải lúc nào cũng rơi nước mắt nhưng không có nghĩa là tâm hồn họ chai sạn. Họ vẫn động lòng trắc ẩn trước những đau thương, mất mát. Bởi nếu không biết đặt mình vào hoàn cảnh người bệnh, đau đáu nỗi đau của bệnh nhân, người bác sĩ khó đi trọn vẹn với nghề. “Bác sĩ cũng là người thường, cũng cô đơn, yếu đuối nhưng nghề nghiệp không cho phép mình thể hiện nó quá rõ. Bề ngoài tay dao, tay kéo nhìn ghê gớm lắm, lúc nào cũng động viên bệnh nhân nhưng nhiều lúc chỉ biết tự ngồi lại với chính mình, không phải ai cũng hiểu để chia sẻ mọi thứ”, bác sĩ Hùng trầm giọng.

Đội ngũ y, bác sĩ làm việc ở khoa cấp cứu đều rất quen với cảnh vị trưởng khoa với dáng người gầy nhom, nước da ngăm đen, gương mặt khắc khổ như bác nông dân thường xuyên đi, lại để thăm khám cho những bệnh nhân đặc biệt nặng, dẫu chẳng phải ca trực của anh. Bác sĩ phân trần: “Tất cả vì bệnh nhân” là truyền thống tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, chính vì điều đó tôi không bao giờ cho phép mình chủ quan. Có những ca bệnh nặng theo tôi vào giấc ngủ, khiến tôi giật mình thức giấc và tự hỏi liệu có còn cách nào làm cho phác đồ đang điều trị cho bệnh nhân tốt hơn không”.

Tự hào vì làm nghề chân chính

Có ai đó đã từng nói: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Trong ngành y, ở một góc khuất nào đó, câu nói này không sai.

Bác sĩ Hùng không phủ nhận thực trạng này nhưng anh thẳng thắn lên án hành động đưa và nhận phong bì trong các bệnh viện. Anh chia sẻ: “Đi khám bệnh, điều trị, người Việt Nam rất thích thể hiện lòng biết ơn, nhất là lúc xong việc, cảm ơn xong mới yên tâm. Nhưng trong môi trường bệnh viện, việc làm này để lại khá nhiều hệ lụy. Lấy một ví dụ thực tế là trong quá trình chữa bệnh, những người bệnh không có điều kiện, người ta chỉ cần nhìn vào bệnh nhân bên cạnh có phong bì được gọi vào khám trước, được bác sĩ nhẹ nhàng ân cần. Trong khi đó với người ta thì ngược lại. Như vậy nó tạo ra một thứ rào cản ngăn cách và tự người bệnh sẽ cảm thấy bị kỳ thị. Hệ lụy nghiêm trọng hơn nữa đó là khi các nhân viên y tế cầm được đồng tiền rồi, bắt đầu bị đồng tiền chi phối, chi phối tới mức có khi bệnh người ta phải đi mổ mà không cho đi mổ, bởi người đó đã nhận ca khác rồi, nên cố chữa lại sinh ra tai biến, hoặc trường hợp cầm tiền để mổ rồi thì ngược lại cứ cố lôi ra mổ, tư vấn cho người ta mổ vừa nhanh gọn vừa được cầm phong bì...”.

“Chưa kể, bệnh nhân khi vào viện đã phải đóng biết bao nhiêu khoản phí giờ lại phải lo thêm vài trăm đến vài triệu tiền phong bì thì rất khổ. Ngược lại, về phía các nhân viên y tế cũng đã được chi trả để thực hiện công tác chuyên môn. Trên thực tế, đời sống của các cán bộ ngành y ở mức ổn định, có thể nói là thu nhập khá so với mặt bằng chung của xã hội. Nhân viên ngành y hoàn toàn có thể sống bằng nghề, đó là điều rất hạnh phúc, rất tự hào. Vậy vì sao phải nhận thêm phong bì?”, bác sĩ Hùng bỏ ngỏ câu hỏi của chính mình.

Cố biện minh cho hành động sai trái của mình vẫn thường làm và mặc định xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ, tôi lấp liếm “bệnh nhân biếu bác sĩ phong bì, quà cáp là cách để họ cảm ơn người đã cứu giúp mình”. Không để tôi nói hết câu, bác sĩ Hùng gay gắt: “Con người ta thường nhờ nhau điều gì thì nên cảm ơn người giúp mình, đó là điều bình thường và thực sự đó là đạo lý. Nhưng điều này không thể áp dụng trong y tế được. Vì khi người dân vào viện đã trả đủ tiền rồi. Vậy có lý do gì mà lại bắt bệnh nhân trả thêm một lần nữa. Trước đây, lương của nhân viên y tế rất thấp không thể sống ổn định thì mới lấy lý do là “đói thì đầu gối phải quỳ”. Nhưng hiện nay, lương bác sĩ khá cao và được chi trả rất sòng phẳng. Vậy nên đừng lấy cái cớ là giúp nhau, cảm ơn nhau để đánh tráo khái niệm”.

Vượt qua bao thăng trầm cùng nghề, khóc cười cùng bệnh nhân, hạnh phúc của người bác sĩ gói gọn trong hai chữ “cứu người”. Bác sĩ Hùng luôn cố gắng tìm cách mới, hướng riêng để mở ra con đường rộng nhất cho người bệnh trở về với gia đình, xã hội. Anh vui khi nhận về lời cảm ơn của gia đình hay bệnh nhân mà mình đã hết lòng cứu chữa. Vị trưởng khoa hay tự nhận mình may mắn khi nắm trong tay niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được trong đời. Đó là hạnh phúc của sự cho đi, của cách tận tụy cứu người bằng những đường mổ, mũi khâu đầy nhân văn giữa lằn sinh tử. Đó là hạnh phúc từ sự đồng hành của các đồng nghiệp, học trò trên bàn mổ, trong đời thường để cùng nhau đưa ra những phương án tối ưu nhất. Đó là hạnh phúc khi được hỗ trợ thế hệ bác sĩ kế thừa thực hiện sứ mệnh của người cầm dao mổ cứu người. Anh nói, vậy thôi mà đủ thấy mình có ích cho đời, bởi làm nghề y thì ở đâu cũng là cứu người, vậy nên phải tận sức, tận tâm.

Chuyện về một bác sĩ từ tâm

Vị trưởng khoa hay tự nhận mình may mắn khi nắm trong tay niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được trong đời. Đó là hạnh phúc của sự cho đi, của cách tận tụy cứu người bằng những đường mổ, mũi khâu đầy nhân văn giữa lằn sinh tử.

Năm 2019, bác sĩ Lưu Ngọc Hùng được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Cũng trong năm này, anh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế. Ngoài làm công tác chuyên môn, bác sĩ Hùng còn nghiên cứu, sáng tạo khoa học - công nghệ. Năm 2018, anh đoạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]