(Baothanhhoa.vn) - Nhiều năm qua, cuộc sống của hàng trăm hộ dân xã Tân Phúc (Lang Chánh) gặp nhiều khó khăn vì chưa có điện lưới quốc gia. Không điện đồng nghĩa với thiếu thông tin, sản xuất bị kìm hãm, đời sống tinh thần buồn tẻ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện ở những thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia

Nhiều năm qua, cuộc sống của hàng trăm hộ dân xã Tân Phúc (Lang Chánh) gặp nhiều khó khăn vì chưa có điện lưới quốc gia. Không điện đồng nghĩa với thiếu thông tin, sản xuất bị kìm hãm, đời sống tinh thần buồn tẻ...

Chuyện ở những thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia

Những khay đá trong tủ lạnh nhà bà Phao lõng bõng nước vì điện không đủ mạnh để làm đông đá.

Tân Phúc là một xã khó khăn của huyện miền núi Lang Chánh. Xã hiện có 9 thôn; trong đó 2 thôn: Chạc Rạnh, Tân Bình và nhóm hộ thuộc thôn Tân Thủy chưa có điện lưới.

Thôn Chạc Rạnh nằm cách trung tâm xã Tân Phúc chưa đến chục cây số, thế nhưng cuộc sống của người dân ở đây dường như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi sự cách trở về đường sá và sự lạc hậu. Dẫn chúng tôi đi dạo quanh thôn, ông Hà Văn Chất, Bí thư thôn Chạc Rạnh cho biết: Hiện thôn có 135 hộ dân với 580 nhân khẩu, cuộc sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30% mà một trong những nguyên nhân chính là do không có điện. Không có điện lưới, không có tivi, cuộc sống của người dân buồn tẻ, thiếu thốn đủ bề. Buổi tối ở đây cũng đến sớm hơn, nhà cửa thưa thớt, không gian yên ắng, tĩnh mịch. Bóng tối bao trùm núi rừng, thỉnh thoảng đâu đó mới lấp ló một mái nhà, mà cũng chỉ nhận ra được ở đó có nhà bởi cái ánh sáng le lói từ những chiếc bếp củi, hay bóng điện lờ mờ sáng được phát từ turbine nước.

Chúng tôi đến nhà chị Lê Thị Hoa lúc trời mới chập choạng tối vậy mà trong nhà tối om, chiếc bóng đèn được thắp nhờ kéo điện từ máy phát turbine nhà hàng xóm phát ra nguồn ánh sáng yếu ớt, khiến chúng tôi không thể nhìn rõ mặt 2 đứa con chị đang chơi ở phía cửa sổ. Chiếc quạt có lẽ là thứ đồ giá trị của gia đình chị cũng đã bám đầy bụi, vì không có điện để sử dụng nên được cất ở góc nhà. Chị Hoa giãi bày: “Ở đây chưa có điện lưới, tối đến nhà nào cũng tù mù trong ánh sáng của bếp củi. Không có điện khổ lắm, những ngày nắng nóng đành dùng quạt tay, cũng chẳng có tivi để xem, người dân ở đây thiếu thông tin lắm, đời sống tinh thần nghèo nàn; có một vài nhà mua đài chạy pin để nghe tin tức, nhưng đài nhỏ, không dùng được cho cả nhà. Việc học hành của lũ trẻ ở nhà gần như bị bỏ quên vì thiếu ánh sáng”.

Cùng chung tâm tư của chị Hoa, là cảnh sống không điện của tất cả người dân thôn Chạc Rạnh. Nhiều nhà trong thôn đã chung nhau đầu tư hệ thống phát điện bằng turbine nước tốn cả chục triệu đồng chỉ để các thành viên trong gia đình sử dụng những thiết bị sinh hoạt tối thiểu như ánh sáng, quạt điện còn các thiết bị khác như tivi, nồi cơm điện thì không sử dụng được. Những ngày có bộ phim hay, hoặc có trận bóng đá mọi người trong thôn phải tập trung sớm tại 1 gia đình và tắt hết những bóng điện và quạt, chỉ để tập trung xem tivi. Mặc dù bỏ ra số tiền rất lớn, nhưng cũng mất điện thường xuyên do thiết bị và đường dây trục trặc, đồng thời phải bỏ ra số tiền từ 1-2 triệu đồng để tu sửa. Tốn kém là vậy, nhưng chỉ cần lũ quét qua là gần như toàn bộ hệ thống điện của một số hộ dân bị cuốn sạch, hoặc hư hỏng nặng, không sử dụng được, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ dân lắp đặt hệ thống turbine nước ở đây.

“Không có điện, việc truyền tải thông tin đến cho người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, đầy đủ các thiết bị như điện, quạt, loa... nhưng mỗi lần họp chi bộ tôi vẫn phải nói tay bo đến khản cổ vì các thiết bị điện không sử dụng được. Những năm trước chúng tôi thấy cán bộ về khảo sát thực địa, bà con trong thôn ai cũng hân hoan, phấn khởi vì nghĩ điện về sẽ được thắp sáng, đầu tư các trang thiết bị phục vụ sản xuất. Nhưng đến giờ vẫn vô vọng bởi không có điện thì bà con muốn làm ăn, phát triển kinh tế cũng khó lắm, cái nghèo đói cứ đeo đẳng mãi thôi. Nếu có điện lưới quốc gia, chúng tôi có thể tiếp cận các phương tiện thông tin hiện đại, qua đó nâng cao nhận thức, nắm được kinh nghiệm, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống” - ông Chất cho biết thêm.

Chia tay bà con thôn Chạc Rạnh, chúng tôi đến thôn Tân Thủy, nơi có một nhóm hộ vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Ở đây, muốn có điện sáng phục vụ cuộc sống, họ phải tự bỏ tiền kéo tạm điện từ nơi khác về sử dụng với giá rất cao, gần 4.000 đồng/số điện. Thế nhưng do khoảng cách khá xa và dây điện không đảm bảo nên nguồn điện dẫn về rất yếu. Vì vậy, người dân nơi đây chỉ có thể sử dụng một số thiết bị điện có công suất nhỏ. Bữa cơm trưa nhà bà Lê Thị Phao nửa sống nửa chín, lý do dòng điện yếu không đủ mạnh để cơm chín đều. Bà Phao cho biết, gia đình bà và nhiều hộ dân thôn Tân Thủy sống trong cảnh sử dụng “điện chui” đã rất nhiều năm mà vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Điện ở đây vào giờ cao điểm rất yếu, chỉ sử dụng bình thường từ 17h – 23h. Nếu muốn cắm cơm chín, buổi sáng bà phải nấu từ 8h hoặc buổi chiều phải nấu từ lúc 15h. Mở ngăn đá của chiếc tủ lạnh, bà nói: “Đấy cô xem, đá nhà tôi làm từ chiều qua, đến trưa nay vẫn không đông nổi, chỉ bỏ cho mát để uống thôi”. Cùng chung cảnh ngộ với gia đình bà Phao là 88 hộ dân khác của thôn Tân Thủy.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phúc Lê Văn Phú cho biết, hiện tại các thôn Chạc Rạnh, Tân Bình và một nhóm hộ thôn Tân Thủy có 372 hộ với 1.543 nhân khẩu đang sinh sống tại đây không có điện lưới, nên đời sống sinh hoạt của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Một số hộ dân có điều kiện tự lắp đặt hệ thống điện nước tại các dòng suối thì lại nảy sinh nhiều rủi ro, nguy hiểm do chính người dân tại đây không có biển cảnh báo, dây điện chằng chịt, rất dễ chập và hở điện. Đã có nhiều trường hợp người dân đi làm đồng và bắt cá ở các con suối bị điện giật gây thương tích. Còn một số hộ dân tự kéo điện từ thôn khác về sử dụng thì dòng điện rất yếu, mà các thiết bị điện lại có công suất lớn dẫn đến việc chập điện và cháy nổ nhiều, gây thiệt hại về người và của.

Không riêng gì xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh hiện còn 8 thôn, bản và 1 nhóm hộ với 743 hộ dân, gần 3.147 nhân khẩu ở những vùng đặc biệt khó khăn vẫn chưa có điện lưới quốc gia để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Mang những mong muốn chính đáng của bà con trao đổi với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Lang Chánh, ông Nghị Thanh Nghị, phó trưởng phòng cho hay: Huyện cũng đã nhận được ý kiến, kiến nghị của người dân và đã đề xuất với tỉnh để sớm đưa điện lưới quốc gia về phục vụ bà con. Tuy nhiên, đây đều là những thôn đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi cách trở, dân cư sống không tập trung nên chi phí đầu tư để kéo điện lưới về các thôn này rất lớn. Do đó, huyện mong muốn trong thời gian tới tỉnh và ngành điện hỗ trợ đầu tư, xây dựng các công trình điện, để sớm đưa điện lưới quốc gia về các thôn, bản chưa có điện. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu về điện cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở địa phương.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]