(Baothanhhoa.vn) - Trên đồi Pom Phai đã hiện hữu những mái nhà sàn vững chãi bên con đường bê tông rộng rãi với hàng cờ đỏ sao vàng tung bay gữa điệp trùng núi rừng biên cương của Tổ quốc. Và, những nụ cười rạng rỡ đã dần xua tan nỗi lo nơm nớp chạy lũ của những ngày xưa.

Chuyện ghi trên đồi Pom Phai

Trên đồi Pom Phai đã hiện hữu những mái nhà sàn vững chãi bên con đường bê tông rộng rãi với hàng cờ đỏ sao vàng tung bay gữa điệp trùng núi rừng biên cương của Tổ quốc. Và, những nụ cười rạng rỡ đã dần xua tan nỗi lo nơm nớp chạy lũ của những ngày xưa.

Chuyện ghi trên đồi Pom PhaiNhững ngôi nhà sàn vững chãi đã hiện hữu trên khu tái định cư tập trung cho bà con khu Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh (Quan Sơn).

Tôi trở lại xã biên giới Tam Thanh (Quan Sơn) khi cơn mưa rừng vừa ngớt hạt. Con đường dẫn từ Quốc lộ 217 qua xã Tam Lư ra lối mở Tam Thanh - Piềng Phưa thông sang nước bạn Lào sạch sẽ như không một hạt bụi, uốn lượn theo con sông Lò bung bọt trắng xóa giữa bạt ngàn xanh tươi của núi rừng, đẹp đến nao lòng. Lúc tôi đến bản Ngàm, những tia nắng mới lọt xuống đồi Pom Phai nơi có những mái nhà sàn vững chãi, chắc chắn vừa được dựng lên trên khu tái định cư tập trung phục vụ di dời khẩn cấp 36 hộ dân khu Co Hương có nguy cơ cao chịu lũ quét và sạt lở đất.

Gặp lại tôi, Bí thư, Trưởng bản Ngàm Lò Văn Piên mừng rỡ. Anh nói: “Đúng là có nằm mơ bà con cũng không thấy mình được sinh sống ở nơi khang trang, sạch đẹp thế này”. Trong mái nhà vừa mới dựng lên còn nồng nàn hương gỗ, cuộc chuyện của tôi và bí thư Piên thường xuyên bị ngắt quãng bởi tiếng đục, tiếng bào, tiếng dao chặt gạch, tiếng những người thợ nói cười rôm rả phía bên ngoài. Gần 2 tháng kể từ ngày chuyển lên nơi ở mới, bà con Co Hương hối hả hoàn thiện nhà cửa, những mong sớm ổn định cuộc sống.

Tôi nhớ lại mùa mưa của hơn 7 năm trước, trong lần xắn ống quần chống gậy lội suối, rồi bấm ngón chân mò mẫm trên con đường đất trơn trượt, lầy lội vào thăm khu Co Hương, khi anh Lò Văn Piên mới chân ướt chân ráo làm trưởng bản. Cả khu có 36 hộ dân là đồng bào dân tộc Thái, nằm lọt thỏm giữa lòng chảo 4 bề núi vây núi chắn, trước mặt là con suối Khà vắt ngang qua chảy về từ bên kia biên giới.

Con suối vào ngày thường róc rách vui tai là thế, nhưng mưa nhiều ngày khiến nước ngầu đỏ như mặt trai bản uống rượu, chảy xiết bào qua chân núi để trơ ra những hàm ếch khổng lồ, rồi tràn vào nhà dân. Nhà trưởng bản Piên cũng ở khu này, có một cái kẻng, khi cần thì đánh báo động để người dân tức tốc di dời đến nơi an toàn.

Ở đây, tiếng kẻng vừa gần gũi, nhưng cũng là một thứ âm thanh chát chúa mà không ai muốn nghe vào mùa lũ. Bởi có tiếng kẻng thì bà con phải vội vàng bỏ đồng áng, vườn tược, lũ lượt bồng bế nhau đi lánh nạn. Khi lũ về chậm, bà con Co Hương chạy men theo con đường đất ven suối thoát thân. Nhưng lúc lũ về nhanh, chạy không kịp, con đường đất kia bị ngập, bà con đành bất chấp, người lớn bế trẻ nhỏ đu trên 2 cọng dây sắt treo lơ lửng trên suối để sang phía bên kia bờ cao. Mỗi năm họ có đến 7 - 8 lần chạy lũ. Năm nhiều thì phải đến 10 lần. Thành ra, chuyện chạy lũ cứ quẩn quanh năm này qua năm khác như một điệp khúc buồn. Hễ mưa nhiều ngày, nhìn thấy dòng suối chảy xiết, quặn đỏ thì tiếng kẻng lại kêu, bà con lại bỏ của chạy lấy người.

Anh Piên kể lại: “Mỗi lần chạy lũ, bà con Co Hương được Đảng ủy, chính quyền xã hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, được bà con trong bản đùm bọc, che chở, giúp đỡ về nơi ăn chốn ở. Nhưng chạy lũ cực lắm, sau mỗi lần thoát nạn, nhìn thấy người thân của mình còn thì mới thở thào nhẹ nhõm. Không ai còn đủ sức để nghĩ xem nhà mình có còn tài sản gì hay không”.

Chưa hết nỗi lo chuyện chạy lũ, khoảng năm 2017, bà con Co Hương phát hiện có một vết nứt sâu, dài đến cả trăm mét trên đồi Pom Lóc, ngay phía sau bản. Vết nứt mỗi năm một to, cứ qua một mùa mưa lại rộng, dài thêm. Từ ngày ấy, chưa đến mùa lũ, chỉ cần mưa to, bà con đã nơm nớp lo sợ nửa quả đồi kia với cả nghìn khối đất có thể sập xuống bản mang theo chết chóc tang thương. Nhưng rồi họ cũng phải vùi chặt nỗi lo tai ương ấy, bởi cũng chẳng biết chuyển đi đâu, trong khi cả bản có 36 hộ thì có đến 31 hộ thuộc diện nghèo.

Vừa nhớ về những tháng ngày xa xôi, mắt Bí thư, Trưởng bản Lò Văn Piên như sáng lên. Anh hồ hởi: “Cho đến giờ, bà con trong bản vẫn nhớ ngày 25-8-2021. Đó là ngày khu Co Hương, bản Ngàm được đón đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng về thăm rồi trực tiếp leo đồi Pom Lóc thị sát vết nứt. Chưa đầy hai tháng sau, một khu tái định cư tập trung cho bà con đã được khởi công xây dựng trên đồi Pom Phai, cách nơi ở cũ khoảng 200m, lại gần ruộng, gần nương. Bà con cảm động lắm, được truyền thêm niềm hứng khởi, tin yêu vào cuộc sống”.

Khu tái định cư phục vụ di dời khẩn cấp người dân khu Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh được Nhà nước đầu tư gần 14 tỷ đồng, bắt đầu khởi công từ cuối năm 2021, san gạt hàng nghìn khối đất trên đồi Pom Phai, gia cố nền móng, tạo mặt bằng, lắp đặt điện sáng, xây đường giao thông... xuyên qua những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và giá cả vật liệu leo thang. Trong khi đó, nhà thầu đã phải thi công đường ống nước sạch dài hơn 5km, đến tận suối Cướm phía thượng nguồn để đưa nước sạch về bể tập trung. Hơn 6 tháng sau, dự án được hoàn thành với 36 lô đất ở, mỗi lô có diện tích từ 240m2 trở lên; có khu tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... đảm bảo các điều kiện cho bà con yên tâm sinh sống, lao động, sản xuất...

Sau khi khu tái định cư được hoàn thành, được các cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, cán bộ, đảng viên và người dân xã Tam Thanh đã chung tay hỗ trợ ngày công, giúp đỡ đồng bào khu Co Hương chuyển về nơi ở mới. Hộ ở sát mép nước được chuyển đi trước, hộ ở trên cao được chuyển sau. Đến ngày 20-7 (tức 22 tháng 6 âm lịch), 4 hộ dân cuối cùng đã chuyển đến dựng nhà theo phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, lấp đầy 100% khu tái định cư.

Tôi đến thăm nhà lúc mặt trời đã đứng bóng, nhưng anh Lò Văn Quyển (SN 1976) vẫn còn thoăn thoắt đôi tay đặt những hồ, gạch trên bức tường xây làm khu nhà vệ sinh. Anh mau miệng nói: “Tôi có mơ cũng không được thế này. Buổi tối khu ở mới có điện sáng lung linh, không khác gì phố thị. Khu tái định cư sẽ làm thay đổi cuộc đời con tôi cũng như những đứa trẻ ở Co Hương. Tôi không biết nói gì hơn là bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chăm lo cuộc sống cho bà con chúng tôi”.

Cách nhà anh Quyển không xa, nhà chị Lò Thị Nhung trưa nay có “khách” nên rôm rả hơn bởi những chuyện trò. Họ là những người hàng xóm đến góp gạo thổi cơm chung. Chị Nhung nói: “Nơi ở cũ chúng tôi cách xa nhau đến vài trăm mét. Chuyển đến đây, mọi người được ở gần nhau, thi thoảng chúng tôi tổ chức bữa ăn chung cho vui”.

Trên đồi Pom Phai giờ là những mái nhà sàn kiên cố, vững chãi hiện hữu bên con đường bê tông rộng rãi với hàng cờ đỏ sao vàng tung bay giữa núi rừng điệp trùng nơi biên cương của Tổ quốc. Dưới những mái nhà là nụ cười rạng rỡ của bà, của chị, của em thơ... như xua tan đi nơm nớp nỗi lo xưa cũ của tháng ngày chạy lũ. Trong khi con đường đến trường, đường về phố huyện đã có cầu treo, có đập, tràn kiên cố vượt qua sông sâu suối xiết. Trên con đường ấy, tôi gặp những xe tải tấp nập vào ra, chở theo ăm ắp nứa vầu về nơi chế biến, tiêu thụ...

Và tôi nghĩ, niềm vui trên đồi Pom Phai như khúc hoan ca dài vô tận trên đại ngàn bao la sâu thẳm, sẽ lan tỏa mạnh mẽ, cổ vũ ý chí, khát vọng, động viên đồng bào các dân tộc nơi đây thi đua phát triển kinh tế, cùng với cấp ủy, chính quyền bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc. Khúc ca ấy được viết bởi sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào có nguy cơ cao nhất bị tổn thương bởi thiên tai, lũ lụt, để không còn ai bị bỏ lại phía sau...

Ngày 8-9-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 590-KL/TU về việc sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Kết luận giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để thực hiện đầu tư 3 khu tái định cư tập trung, phục vụ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngay trong mùa mưa lũ năm 2021, theo hình thức đầu tư khẩn cấp, trong đó có khu Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh. Kết luận cũng thống nhất cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân thực hiện di chuyển đến nơi ở mới, từ vốn ngân sách, nguồn hỗ trợ từ MTTQ, các đoàn thể và xã hội hóa. Theo đó, các hộ ở nhà sàn, nhà không kiên cố được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ; hộ ở nhà cấp 4, nhà mái bằng được hỗ trợ 75 triệu đồng/hộ; hộ ở nhà 2 tầng trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ...

Ghi chép của Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]