(Baothanhhoa.vn) - Trời càng về khuya càng giá, thêm sương mù khiến không khí như đông đặc. Nhưng tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đây là quãng thời gian “nóng” nhất trong ngày – nơi những bác sĩ “chiến đấu” từng giây phút giành giật mạng sống cho bệnh nhân bên lằn ranh sống-chết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện ghi ở phòng cấp cứu

Trời càng về khuya càng giá, thêm sương mù khiến không khí như đông đặc. Nhưng tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đây là quãng thời gian “nóng” nhất trong ngày – nơi những bác sĩ “chiến đấu” từng giây phút giành giật mạng sống cho bệnh nhân bên lằn ranh sống-chết.

Chuyện ghi ở phòng cấp cứu

Bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Vân Anh

Giữ mạng người giữa lằn ranh sống - chết

Sau khi xin phép lãnh đạo bệnh viện, chúng tôi được đặc cách vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong một khoảng diện tích chừng 20m2 nhưng luôn có sự hiện diện của vài chục con người: Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, kíp trực... Tiếng băng ca đẩy hối hả, tiếng người thân than khóc, tiếng rên của bệnh nhân, tiếng gọi hỗ trợ của đồng nghiệp, tiếng máy móc dồn dập... có lúc khiến đầu óc chúng tôi quay cuồng, thậm chí lo sợ đến nghẹt thở.

23h05 ngày 1-1-2019, sau tiếng còi gấp gáp của xe cứu thương 115, cửa phòng cấp cứu bật mở, nằm trên băng ca là một bệnh nhân nam chừng 30 tuổi, hai tay ôm vết thương đang rỉ máu trên mặt, quần áo rách tả tơi và lấm lem bụi đất. Theo sát bên cạnh là người anh trai mắt đỏ hoe, hai tay run run bám chặt vào thành băng ca đẩy. Sau khi sắp đặt vị trí cho nạn nhân, điều dưỡng Cù Xuân Thiết mở sổ bệnh, gọi người nhà đến lấy thông tin ban đầu. Bệnh nhân tên Bùi Văn Tiến, xã Thạch Tượng (Thạch Thành) bị ngã xe sau khi cùng đồng nghiệp đón tết dương lịch.

Nhân viên cấp cứu nhanh chóng dùng kéo cắt bỏ lớp quần áo rách nát, đầy máu của bệnh nhân Tiến. Khi lớp quần áo được cởi ra, những vết máu văng cả vào áo blouse của y, bác sĩ xung quanh. Có lẽ đã quá quen thuộc, các y, bác sĩ nhanh chóng lau dọn những chất nhầy bám trên cơ thể người bệnh, để tiến hành băng bó, cầm máu, đặt máy thở hồi sức cho người bị nạn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, người trực tiếp thực hiện ca cấp cứu, cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở bằng máy qua đường nội khí quản. Qua vết thương vùng trán sờ thấy đường vỡ xương, lún sọ. Bệnh nhân được tiên lượng rất nặng. Sau khi giải thích, bệnh viện đã hỗ trợ gia đình ngay lập tức chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.

01h46 ngày 2-1-2019. Lần này là một thanh niên còn rất trẻ với vết thương hở bên mắt phải chảy nhiều máu, bầm tím vùng ngực, bụng... Bệnh nhân là Lê Văn Thành, sinh năm 1995, xã Thiệu Long (Thiệu Hóa). Không biết anh Thành uống rượu từ lúc nào, say nhừ rồi tự gây tai nạn. Người nhà hối hả đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nằm trên băng ca, anh Thành rên hừ hừ, máu từ những vết thương thấm đỏ chiếc băng ca trắng. Khi bác sĩ Hà Đình Thùy, Phó Khoa cấp cứu đang xử lý vết thương thì thanh niên này bật dậy, nôn thốc nôn tháo. Mùi rượu, mùi máu, mùi thức ăn trong cuộc nhậu trước đó khiến những người xung quanh cũng phải nhăn mặt, bụm miệng vì buồn nôn. Cả phòng cấp cứu trở nên ngột ngạt vì hơi men. Ấy vậy mà, bác sĩ vẫn bình thản kiểm tra vết thương vùng mắt, trên người của “ma men”. Xong xuôi, anh quay qua nhờ hộ lý dọn dẹp “bãi chiến trường” trên sàn gạch. Khi ma men đã ngủ say, anh tiếp tục công việc của mình.

Vội vã đi về cuối phòng, nơi một bệnh nhân đang nằm theo dõi, bác sĩ Thùy buồn bã nói: “Cách đây khoảng chục năm, cũng trong dịp tết, tình trạng bệnh nhân trẻ tuổi bị tai nạn giao thông rất đông. Tuy nhiên, những năm gần đây lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Hiện tại, trong Phòng Hồi sức có trường hợp rất nặng chỉ chờ chết. Làm bác sĩ, tôi thực sự không muốn chứng kiến những cảnh này”.

Khi chưa bước chân vào viện, chúng tôi vẫn thường xét nét, thường đánh giá và đặt những trách nhiệm nặng nề lên vai các y, bác sĩ. Còn người trong nghề y thường nói với nhau, là bác sĩ phải “luôn giữ cái đầu lạnh và trái tim nóng”. Rốt cuộc, chúng tôi cũng chứng kiến và cảm nhận được câu nói ấy. Họ - những y, bác sĩ quên đi giấc ngủ để luôn giữ sự tỉnh táo, bình tĩnh chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị chính xác. Họ, bỏ qua mọi khó khăn vất vả, đôi chân cứ thoăn thoắt, đôi tay không ngơi nghỉ giây phút nào. Chỉ trái tim và đôi mắt luôn nóng rực và chỉ hướng tới một nhiệm vụ duy nhất - cứu người.

Những chiến sĩ âm thầm

Trung bình mỗi đêm, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận khoảng 30-40 ca, chủ yếu là các ca nặng từ khắp nơi chuyển về. Một kíp trực cấp cứu sẽ có hơn chục người tham gia. Họ bắt đầu nhận nhiệm vụ ở Khoa Cấp cứu từ 17h30 chiều ngày hôm trước tới 7h30 sáng ngày hôm sau. Vậy có nghĩa là mỗi y, bác sĩ đều như nhau, họ làm việc cứu người đến cật lực trong vòng hơn 12 giờ đồng hồ. Điều đặc biệt, trước và sau ca trực họ vẫn phải làm việc bình thường ở bệnh viện, bất kể đó là ngày nghỉ lễ hay ngày tết.

Tôi đặt câu hỏi về cái sự có phần vô lý này, bác sĩ Thùy cho biết: “Điều này thì chúng tôi phải tự xoay xở và thích nghi thôi. Trên mạng internet có rất nhiều hình ảnh bác sĩ ngủ dưới gầm bàn, góc phòng..., đó không phải là chế giễu đâu mà chính là sự thật. Chúng tôi không ít lần mệt mỏi đến kiệt sức và thèm ngủ kinh khủng. Nhiều lúc nhìn người nhà bệnh nhân ngủ lại trong bệnh viện, trong đầu tôi bỗng xuất hiện suy nghĩ ao ước được lăn kềnh ra, chui vào cái chăn đó ngủ một giấc cho thật đã. Thật tiếc lại không được. Ở khía cạnh khác, đối với chúng tôi, kỳ nghỉ phải dùng từ là xa xỉ. Bởi, áp lực số lượng bệnh nhân đông. Nếu chỉ thiếu một bác sĩ sẽ làm ảnh hưởng tới những người còn lại”.

Bác sĩ Thùy tâm sự, nếu “hậu phương” không thông cảm thì bác sĩ khó lòng toàn tâm với nghề. “Vợ tôi cũng là bác sĩ nên dễ thông cảm với công việc của chồng. Điều khiến tôi áy náy nhất là không đủ thời gian để chăm sóc dạy dỗ con cái. Con trai lớn của chúng tôi đã hơn 10 tuổi. Đây là tuổi... “dở dở ương ương”, rất cần sự quan tâm sâu sát của bố, thế nhưng khi về nhà là lúc cháu ở trường. Tối tôi vào ca trực, cháu lại bận học bài. Một tháng đi trực ít cũng 8 đêm ngày, hai vợ chồng phải bố trí luân phiên ca trực để tránh cháu phải ở nhà một mình”.

Ấy vậy mà, những năm gần đây, hành vi hành hung, lăng mạ bác sĩ, nhân viên y tế không còn là chuyện lạ, thậm chí người ta còn dửng dưng với việc đó. Và cũng như chuyện thiếu ngủ, trong phòng cấp cứu này, các bác sĩ cũng phải tự thích nghi với điều đó để không bị tổn thương. Bác sĩ Thùy tâm sự: “Phần lớn người nhà và bệnh nhân đe dọa, chửi bới, chứ ít khi xảy ra hành hung. Chúng tôi đã quen với điều đó, vì họ xót người thân nên không kiềm chế được”.

Sau những đêm thức trắng trong phòng bệnh, dù không làm gì, chỉ theo dõi và quan sát, chúng tôi cũng cảm thấy mệt nhoài. Nhưng, những người bác sĩ trực đêm đó vẫn miệt mài chạy đi chạy lại từ giường bệnh nọ sang giường bệnh kia. Đôi chân của họ vẫn thoăn thoắt, gấp gáp như giây phút đầu chúng tôi bước chân tới đây. Một đêm trắng để thêm thấu hiểu và biết yêu thương, cảm thông với những người làm ngành y.

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]