(Baothanhhoa.vn) - Những ngày cuối tháng Chạp, khi mai, đào bắt đầu đua nhau khoe sắc, những cây quất trĩu quả chín mọng thì cũng là lúc sắc xuân hiện rõ. Tại nhiều khu chợ quê, thời điểm này, các mặt hàng trưng tết bắt đầu được bày bán khá đa dạng về chủng loại, màu sắc bắt mắt.

Chợ quê những ngày giáp tết

Những ngày cuối tháng Chạp, khi mai, đào bắt đầu đua nhau khoe sắc, những cây quất trĩu quả chín mọng thì cũng là lúc sắc xuân hiện rõ. Tại nhiều khu chợ quê, thời điểm này, các mặt hàng trưng tết bắt đầu được bày bán khá đa dạng về chủng loại, màu sắc bắt mắt.

Chợ quê những ngày giáp tếtSản phẩm mứt, ô mai được bày bán tại chợ Sơn, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc).

Chợ Sơn, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) những ngày này tấp nập người mua, kẻ bán. Nhiều loại hàng hóa như: lương thực, thực phẩm, hoa, cây cảnh và nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân được bày bán khá phong phú, với nhiều chủng loại và mẫu mã đẹp bắt mắt thị hiếu người tiêu dùng. Dạo một vòng quanh chợ, chúng tôi thấy không khí mua bán diễn ra tất bật, các tiểu thương tại chợ cho biết: Khoảng giữa tháng Chạp âm lịch, chủ các gian hàng đã chủ động dự trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, hạn chế tình trạng tăng giá trong những ngày cận tết. Ngoài các gian hàng ổn định còn có thêm nhiều gian hàng mới chỉ bán thời vụ trong dịp tết.

Ông Kiều Văn Thanh, quản lý chợ Sơn, cho biết: Ngày thường chợ duy trì khoảng hơn 200 gian hàng các loại, song từ ngày 15 tháng Chạp, các gian hàng tại chợ tăng gấp đôi. Còn từ ngày 23 tháng Chạp đến tết, số gian hàng liên tục tăng thêm gấp 4-5 lần so với ngày thường.

Khảo sát thêm một số khu chợ quê tại các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, chúng tôi thấy, thời điểm này, các mặt hàng được bán chủ yếu là bánh mứt, nước giải khát, hoa nhựa, đồ gia dụng hay các loại gia vị. Nhìn chung lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thời điểm cận tết tương đối ổn định về giá cả, đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã. Ngoài ra, các điểm bán hoa, cây cảnh trưng tết cũng bắt đầu xuất hiện, với nhiều chủng loại, rực rỡ sắc màu, như: đào, quất, đồng tiền, thược dược, cúc... giá từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng/chậu.

Theo anh Trần Văn Dũng, người có kinh nghiệm bán hoa, cây cảnh nhiều năm tại chợ Già, xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa), cho biết: Năm nay đào, quất khá đẹp cả về kiểu dáng và màu sắc. Tuy nhiên, giá cao hơn khoảng 20-30% so với năm trước. Người tiêu dùng năm nay có xu hướng chọn các loại hoa, cây cảnh dáng bonsai, nên anh cho nhập về nhiều loại này với nhiều kích cỡ khác nhau, đáp ứng nhu cầu và điều kiện của từng hộ dân.

Ngoài các mặt hàng được các tiểu thương nhập về bán, ở các khu chợ quê còn xuất hiện nhiều các mặt hàng thực phẩm do chính người dân tự sản xuất, như: buồng cau, nải chuối hay những con gà, con ngan... Những sản phẩm này đã và đang tạo nên nét bình dị, mộc mạc của những phiên chợ quê.

Những ngày này, người dân đã bắt đầu mua sắm những vật dụng cần thiết để trang trí nhà cửa và sử dụng trong dịp tết. Bà Hoàng Thị Tôn, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Tết năm nay, các con, cháu của bà đều có lịch về quê ăn tết. Vì vậy, hiện tại bà đã đi chợ sắm dần một số vật dụng, như: chăn, gối và một số nhu yếu phẩm cần thiết. Bà đánh giá, hàng hóa năm nay khá phong phú, đa dạng về mẫu mã. Nhiều mặt hàng của Việt Nam chất lượng tốt mà giá thành vừa phải, phù hợp với người tiêu dùng khu vực nông thôn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong việc mua sắm trong dịp Tết Quý Mão 2023, hầu hết ban quản lý các chợ đã bố trí các mặt hàng theo qui định, sắp xếp nơi kinh doanh hợp lý. Đồng thời, vận động tiểu thương thực hiện việc niêm yết giá, bán đúng giá, thực hiện văn minh thương mại trong việc cân, đong, đo, đếm, bảo đảm đúng số lượng và chủng loại, hạn chế gian lận trong thương mại. Bên cạnh đó, các ban quản lý còn tổ chức điểm giữ xe, không để các loại xe ra vào khu vực chợ cản trở giao thông. Đội bảo vệ cũng thường xuyên tuần tra giữ gìn an ninh trật tự không để kẻ gian lợi dụng chỗ đông người móc túi. Công tác vệ sinh tại các chợ cũng được quan tâm.

Được biết, ngoài việc tổ chức, sắp xếp hoạt động buôn, bán tại chợ, ban quản lý các chợ cũng đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Trên cơ sở nhận định nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh vào những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nên lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tăng đột biến. Vì vậy, tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và gian lận thương mại có những diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng, với những phương thức hoạt động, thủ đoạn kinh doanh khác nhau gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân. Để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các đơn vị đã và đang chủ động xây dựng kế hoạch và đồng loạt triển khai nhiều biện pháp đấu tranh chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vận chuyển và kinh doanh hàng nhập lậu, hàng quá hạn sử dụng hay gian lận thương mại về đo lường. Đồng thời, kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật hay kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]