(Baothanhhoa.vn) - "Chắp cánh ước mơ” cho phụ nữ trại giam là thông điệp nhân văn sâu sắc, đã và đang động viên các nữ phạm nhân vươn lên sau vấp ngã bằng sự tự tin và lòng tự trọng, để có một tương lai tốt đẹp hơn.

“Chắp cánh ước mơ” cho phụ nữ trại giam

"Chắp cánh ước mơ” cho phụ nữ trại giam là thông điệp nhân văn sâu sắc, đã và đang động viên các nữ phạm nhân vươn lên sau vấp ngã bằng sự tự tin và lòng tự trọng, để có một tương lai tốt đẹp hơn.

“Chắp cánh ước mơ” cho phụ nữ trại giamNhà Xuất bản phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN tỉnh và lãnh đạo Trại giam số 5 tặng quà cho các nữ phạm nhân.

Với mong muốn sẽ trao cơ hội cho nhiều chị em hoàn lương trở về tái hòa nhập cộng đồng, giúp chị em vượt qua mặc cảm, sớm ổn định cuộc sống và trở thành những công dân tốt, nhiều năm nay, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa đúng như thông điệp “Chắp cánh ước mơ”.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ, sau 2 năm tạm dừng do dịch bệnh COVID-19, tháng 9-2022, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tổ chức chương trình khởi nghiệp "Chắp cánh tương lai” cho 200 chị em sắp hoàn thành thời gian chấp hành án phạt tù tại Trại giam số 5, đóng tại huyện Yên Định. Chương trình thực hiện với mong muốn cung cấp cho các nữ phạm nhân một số kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, giúp chị em suy nghĩ, tìm ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch để ngày không xa, biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và thành công.

Để dẫn dắt các nữ phạm nhân hiểu rõ mục đích, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đã kể lại câu chuyện có thật ở Trung Quốc về nữ phạm nhân cao tuổi sau khi hoàn thành xong án phạt tù đã khởi nghiệp thành công. Đó là bà Ngô Thắng Minh sinh năm 1933, bị kết án tử hình và sau giảm xuống thành chung thân vì buôn bán phi pháp. Vào tù không lâu, bà Ngô nhận được đơn ly hôn của chồng. Sau đó một thời gian, con gái bà đã tự tử ở tuổi 16 vì không chịu nổi áp lực tinh thần. Với một người phụ nữ, có lẽ không còn nỗi đau nào lớn hơn. Năm 2003, bà Ngô mãn hạn tù, trở về và bắt đầu việc quét dọn nhà vệ sinh công cộng, rồi khởi nghiệp với bạn cũ bằng nghề trồng nho. Thật không may, bà bị bạn lừa. Bà liên tục kêu gọi sự giúp đỡ và cuối năm 2006, được một tổ chức đầu tư 1,2 triệu tệ để khôi phục kinh doanh. Sau hai năm, bà Ngô trả hết nợ, gây dựng vườn nho thành vườn sinh thái du lịch nổi tiếng. Sau 10 năm chăm chỉ làm việc, bà trở thành triệu phú và lập viện dưỡng lão, quỹ từ thiện, giúp đỡ trẻ em bệnh tim và trẻ em nghèo không được đến trường.

Qua câu chuyện này, nhiều người nghĩ: Bà Ngô là người có 1 không 2, nhưng thực tế tại Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng, đã có rất nhiều phụ nữ sau thời gian chấp hành án đã khởi sự thành công và có cuộc sống lương thiện, ổn định. Năm 2021, trong cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, Thanh Hóa đã có 2/21 đề án được trao giải thuộc về 2 phụ nữ đã hoàn thành án phạt tù. Đây là lý do Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức truyền thông khởi nghiệp "Chắp cánh tương lai” cho các nữ phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam trong cả nước, trong đó có các trại giam đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, giúp chị em suy nghĩ, tìm ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch để một ngày không xa biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và thành công.

Đầu năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Nhà Xuất bản phụ nữ Việt Nam, Trại giam số 5 tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề: “Chọn một con đường, chọn một lối đi” cho 800 nữ phạm nhân. Các diễn giả Nguyễn Quốc Vương và tác giả Tô Giang đã từng vướng vào vòng lao lý hoàn lương thành công đã trực tiếp chia sẻ câu chuyện của mình để truyền cảm hứng. Rất nhiều nữ phạm nhân phát biểu ý kiến bày tỏ sự cảm ơn ban tổ chức vì ý nghĩa thiết thực của chương trình và đặt câu hỏi về những tình huống khởi nghiệp cần được cơ quan chức năng địa phương giúp đỡ và được Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh, đại diện trại giam trả lời, gợi ý, giúp các nữ phạm nhân có thêm động lực, kiến thức và kỹ năng chuẩn bị cho ngày trở lại đời thường.

Để giúp nữ phạm nhân tiếp cận được kiến thức, các buổi truyền thông, buổi nói chuyện, LHPN tỉnh đều lựa chọn hình thức chia sẻ bằng câu chuyện người thật, việc thật; tổ chức các trò chơi; giao lưu văn nghệ; xử lý tình huống... để các nữ phạm nhân dễ hiểu, có thể vận dụng vào cuộc sống và đưa ra hướng xử lý tình huống của bản thân...

Ngoài ra, hàng năm vào các ngày lễ, tết, Hội LHPN tỉnh còn tặng quà cho nữ phạm nhân Trại giam Thanh Phong, đóng trên địa bàn huyện Nông Cống; kết nối với Nhà Xuất bản phụ nữ Việt Nam tặng 200 cuốn sách cho Phân Trại số 4, Trại giam số 5... giúp các nữ phạm nhân có động lực để thanh lọc tâm hồn và “chọn một con đường, chọn một lối đi” phù hợp, ý nghĩa.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]