(Baothanhhoa.vn) - Trung tâm Điều dưỡng người có công (NCC) Thanh Hóa hiện có 97 cán bộ, công nhân viên, người lao động đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc 229 thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 73 thương binh, bệnh binh tâm thần, 41 thương binh, bệnh binh nặng. Bằng trách nhiệm và tấm lòng tri ân sâu nặng, các cán bộ, y, bác sĩ, hộ lý tại trung tâm luôn chăm sóc các thương, bệnh binh với tất cả cái tâm, góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, tiếp thêm nghị lực để thương, bệnh binh vươn lên sống vui, sống khỏe.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chăm sóc thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng từ cái tâm

Trung tâm Điều dưỡng người có công (NCC) Thanh Hóa hiện có 97 cán bộ, công nhân viên, người lao động đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc 229 thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 73 thương binh, bệnh binh tâm thần, 41 thương binh, bệnh binh nặng. Bằng trách nhiệm và tấm lòng tri ân sâu nặng, các cán bộ, y, bác sĩ, hộ lý tại trung tâm luôn chăm sóc các thương, bệnh binh với tất cả cái tâm, góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, tiếp thêm nghị lực để thương, bệnh binh vươn lên sống vui, sống khỏe.

Chăm sóc thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng từ cái tâm

Các y, bác sĩ Trung tâm Điều dưỡng NCC chăm sóc cho các thương, bệnh binh nặng.

Chăm sóc những người bình thường đã khó, chăm sóc những người có vấn đề về thần kinh còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều, thế nhưng, với tình thương và tấm lòng của mình, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên nơi đây luôn làm tròn trách nhiệm, chăm sóc các thương, bệnh binh như người thân của mình. Phần lớn cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng viên ở trung tâm đều còn trẻ và nhiệt huyết với nghề. Trong ca trực của mình, họ không chỉ làm việc theo chuyên môn, nghiệp vụ mà còn lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho các thương, bệnh binh; luôn phải theo dõi để phát hiện các hiện tượng bất thường về sức khỏe hay những vấn đề khác của các thương, bệnh binh. Y sĩ Lê Thị Tương (Khoa Quản lý, chăm sóc thương, bệnh binh tâm thần), người đã có 14 năm chăm sóc các thương, bệnh binh nơi đây luôn tự hào với công việc tuy có nhiều vất vả. Chị Tương chia sẻ: “Ở đây bệnh nhân vào ra đều gắn bó với các y, bác sĩ và điều dưỡng viên. Chúng tôi gọi bệnh nhân là bác, cô, chú... và coi như người thân của mình”. Cũng theo chị Tương, đời sống, bệnh lý của bệnh nhân mỗi người một khác nên đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng viên chăm sóc phải kiên trì theo dõi để biết được thói quen của mỗi người. Các thương, bệnh binh ở đây mỗi người đều sống trong thế giới tưởng tượng của riêng mình, họ không hề biết đến vui buồn bên ngoài. Có những bệnh nhân bị mắc bệnh hoang tưởng, họ luôn nghĩ mình đang sống trong chiến tranh, nghĩ mình bị hại... Trong những trường hợp như thế, các bác sĩ phải dùng thuốc an thần để trấn an tinh thần của bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân ở đây đều được thăm khám hàng ngày, điều trị theo phác đồ riêng để điều chỉnh trạng thái tâm lý trở về tương đối bình thường. Từ bệnh lý thần kinh, họ dần trở nên ngại hoạt động, sinh hoạt hơn bình thường, họ đi dần vào thế giới riêng của mình. Chính vì thế, các bác sĩ thường tổ chức những hoạt động phục hồi chức năng như: Lao động ngoài trời, nhổ cỏ, tập máy, xem tivi, chơi thể thao nhẹ... để các thương, bệnh binh nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, khi có bệnh nhân nặng phải lên tuyến trên điều trị, trung tâm đều cử cán bộ đi cùng chăm sóc cho đến khi các thương, bệnh binh điều trị xong.

Tại phòng y tế của khoa quản lý, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng tổng hợp của trung tâm vào mỗi buổi sáng, những bệnh nhân đặc biệt lại đến đây làm công việc quen thuộc hàng ngày: Thăm khám sức khỏe, tiêm thuốc và nhận thuốc uống trong ngày. Với đội ngũ y, bác sĩ, hộ lý ở đây luôn coi các thương, bệnh binh như cha chú của mình, họ đã giành tình cảm, sự chu đáo để chăm sóc các thương, bệnh binh, trong đó nhiều người dành trọn cả cuộc đời gắn bó với trung tâm. Cùng các y tá của trung tâm đến thăm một số thương binh nặng phải nằm một chỗ, không đi lại được, chúng tôi càng hiểu rõ hơn công việc vất vả, nặng nhọc mà các y tá, hộ lý ở đây và cũng lý giải được vì sao họ tình nguyện gắn bó với nơi này, coi trung tâm là nhà, coi các thương, bệnh binh như cha mẹ mình. Điều dưỡng Trịnh Văn Cường, Trưởng Khoa quản lý thương binh, bệnh binh nặng có thương tật tổng hợp chia sẻ: Gắn bó với các thương, bệnh binh từ sau khi tốt nghiệp đại học. Bởi nơi đây có những người đồng chí, đồng đội của cha mẹ mình, hiểu được những thiệt thòi của nhiều người không còn người thân, tôi đã tình nguyện gắn bó với nơi này để được chăm sóc các thương, bệnh binh như chăm sóc cha mẹ của mình, tình nghĩa nặng hơn cả trách nhiệm.

Anh Cường cho biết thêm: Do tính chất công việc phải chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt, có những người không đi đứng, không tự sinh hoạt được, phải ngồi xe lăn, nằm liệt một chỗ nên trung tâm rất chú trọng đến vấn đề chăm sóc sức khỏe và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ. Tất cả đội ngũ y, bác sĩ, hộ lý của trung tâm bên cạnh phải không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nắm bắt biến chứng thương tật kịp thời để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng đối tượng, còn phải có cái tâm nghề nghiệp, biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thương, bệnh binh trong cuộc sống. Hàng ngày, 24/24 giờ, các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý chăm lo từ thuốc uống đến bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân, đồng thời luôn động viên, khích lệ, sẵn sàng trợ giúp mọi công việc cho các thương, bệnh binh, thân nhân gia đình khi cần thiết.

Qua từng năm, tuổi tác của các thương, bệnh binh ngày càng cao hơn. Những bệnh về thần kinh có phần thuyên giảm sau quá trình điều trị tại trung tâm, nhưng các bác mắc thêm các bệnh nội và ngoại khoa, về huyết áp, tim, gan, thận... Vì thế, các y, bác sĩ, điều dưỡng của trung tâm cũng phải tích cực trau dồi, học tập thêm chuyên khoa nội, ngoại để phục vụ và chăm sóc các thương, bệnh binh tốt hơn. Niềm vui của các y, bác sĩ, điều dưỡng khi chăm sóc thương, bệnh binh tại trung tâm cũng rất đơn giản, nhiều khi chỉ là những nụ cười, câu nói vui, hay một hành động ý nghĩa của các thương, bệnh binh đã là động lực to lớn để các y, bác sĩ tiếp tục cố gắng. Với tình yêu thương chân thành, chăm sóc chu đáo thương, bệnh binh như người thân trong gia đình mình của các cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Điều dưỡng NCC thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]