(Baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Người từng nói: “Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”. Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực triển khai, thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho mọi trẻ em

Bài 2: Bảo đảm quyền lợi cho mọi trẻ em trong xã hội: Cộng đồng trách nhiệm

Bài 2: Bảo đảm quyền lợi cho mọi trẻ em trong xã hội: Cộng đồng trách nhiệm

Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tặng quà cho các em nhỏ xã Xuân Lẹ (Thường Xuân). Ảnh tư liệu của Hương Thảo

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Người từng nói: “Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”. Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực triển khai, thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ “Quyền trẻ em”

Được triển khai từ tháng 9–2019, với đối tượng hướng đến là các em học sinh có đội tuổi từ 12 - 16 đang học tập tại trường, có học lực khá, tốt, đạo đức, kỷ luật tốt, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường, liên đội, có năng khiếu ca hát, hội họa, thuyết trình; Câu lạc bộ (CLB) “Quyền trẻ em” do Trường THCS xã Quảng Nham (Quảng Xương) phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan ra đời với mục đích tạo một môi trường hoạt động tập thể, một sân chơi lành mạnh - nơi trẻ em được học tập, vui chơi, bồi dưỡng năng khiếu, rèn luyện kỹ năng sống, phát triển trí tuệ, tư duy, vui chơi giải trí, phòng chống tai nạn thương tích, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em ở địa phương nói riêng, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung. Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng, các em học sinh tham gia CLB sẽ được gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ với những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các anh chị tình nguyện viên đến để tuyên truyền kiến thức về: Quyền trẻ em; các nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện của trẻ và những việc trẻ em có thể làm nhằm giúp đỡ gia đình, nhà trường, bạn bè, xã hội.

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực, ngay từ những ngày đầu triển khai thành lập, ra mắt, ban chủ nhiệm CLB đã xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với kế hoạch hoạt động chung của nhà trường, liên đội; tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho học sinh và các bậc phụ huynh hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của CLB. Mặc dù là xã ven biển, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, một bộ phận phụ huynh còn chưa có sự quan tâm, nhận thức đúng đắn vấn đề; tuy nhiên, với sự cố gắng của ban giám hiệu, ban chủ nhiệm CLB và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan, CLB đã dần đi vào ổn định, hoạt động có nền nếp. Nội dung các buổi sinh hoạt theo chủ đề phong phú, đa dạng, tập trung vào các vấn đề thiết thực, gần gũi với các em học sinh như: “Kiến thức và kỹ năng phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS”; “Kiến thức và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”; “Kiến thức về giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường”...

Ngoài việc sinh hoạt theo chủ đề, CLB tích cực tổ chức các buổi học về kỹ năng ứng xử văn minh, lễ phép hằng ngày qua các hoạt động vui chơi, giải trí như: Xem phim, ca hát, đố vui, tham gia các trò chơi vận động... giúp các em phát triển hoàn thiện cả thể chất và tinh thần, trí tuệ, năng động, tự tin hơn. Đồng thời, CLB cũng thường xuyên quan tâm, tổ chức cho các em học sinh đi thăm hỏi, giao lưu với các đối tượng trẻ em kém may mắn, có hoàn cảnh đặc biệt, bệnh tật trên địa bàn xã nhằm giúp các em biết thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, thương yêu, giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội. Để tạo không khí sôi nổi, hào hứng học tập, thu hút các em học sinh tích cực tham gia sinh hoạt, gắn với hoạt động chủ đề, chủ điểm của nhà trường, liên đội, CLB tổ chức cho các em thi vẽ tranh về các chủ đề đã được học, các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống phụ nữ Việt Nam nhân Ngày 20-10, làm báo tường nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11... Trong khuôn khổ hoạt động, CLB phối hợp với trạm y tế, cán bộ y tế học đường trong nhà trường tổ chức khám sức khỏe cho các em học sinh. Qua hoạt động thăm khám, các em đã được giáo dục tự chăm sóc sức khỏe của bản thân mình cũng như người thân, rèn cho các em có tính tự lập cao.

Ông Trần Thanh Kỳ, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Nham hào hứng chia sẻ: “Tuy chỉ mới triển khai, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng mô hình CLB “Quyền trẻ em” đã cho thấy những hiệu quả rõ nét, nhất là việc tạo ra được môi trường học tập, rèn luyện, vui chơi lành mạnh, an toàn để các em phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần”. Từ khi tham gia CLB, ý thức và kết quả học tập của các em học sinh được cải thiện, thực sự trở thành những “hạt nhân” trong phong trào thi đua học tốt của nhà trường. Hơn hết, phần lớn các em đã mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi với cha mẹ, người thân về quyền, bổn phận của mình hay đơn giản là những ước mơ về nghề nghiệp, tương lai của các em sau này. CLB có tác động trực tiếp đến các em thông qua hoạt động tìm hiểu về quyền, nghĩa vụ, trau dồi kỹ năng sống, phát triển năng lực bản thân, kỹ năng tự bảo vệ mình. Đồng thời, hiệu quả hoạt động của CLB đã gián tiếp tác động tới gia đình và cộng đồng nơi các em sinh sống về ý thức, trách nhiệm trong việc cùng nhau xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho sự phát triển của con trẻ.

Để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 5-2020, toàn tỉnh Thanh Hóa có 896.873 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25% tổng dân số. Số trẻ em nam là 479.363 trẻ, số trẻ em nữ là 417.510 trẻ; trẻ em dưới 6 tuổi là 455.611 trẻ, chiếm tỷ lệ 50,8% so với tổng số trẻ em. Số trẻ em đang theo học mầm non, mẫu giáo và các cấp học phổ thông năm học 2019-2020 là 772.333 trẻ. Số lượng trẻ em đang trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường phải tham gia lao động 65 trẻ; trong đó số lượng trẻ em bỏ nhà đi lang thang, không có nơi cư trú ổn định 13 trẻ. Số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 40.357 trẻ. Số lượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 86.099 trẻ. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị tai nạn thương tích vẫn xảy ra với tính chất phức tạp. Ông Lê Minh Hành, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Để đảm bảo cho trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần; trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, chú trọng, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong công tác triển khai, thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em”.

Trong đó, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách, chương trình, đề án về trẻ em ngày càng được tăng cường. Việc thực hiện quyền trẻ em trên cơ sở ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được đảm bảo. Thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Diễn đàn; hộp thư góp ý; sinh hoạt đoàn, đội, tổ chức các mô hình CLB... đã huy động được đông đảo trẻ em tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng văn bản luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em, môi trường giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, phòng chống tai nạn thương tích. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) triển khai thí điểm mô hình hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại 2 xã Quảng Nham và Quảng Trạch thuộc huyện Quảng Xương; mô hình sinh hoạt CLB “Quyền trẻ em” tại huyện Bá Thước và huyện Yên Định. Tỉnh đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn 27/27 đơn vị cấp huyện thành lập CLB “Quyền trẻ em”.

Đặc biệt, công tác phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em được các cấp, các ngành đặt lên hàng đầu. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em diễn ra thường xuyên với sự tham gia, phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành, đoàn thể... Công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích được các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm thực hiện kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em nhanh chóng, kịp thời, trong thời hạn luật định; kết quả đảm bảo đúng người, đúng tội, không để tình trạng kết án oan người không phạm tội hoặc bỏ lọt tội phạm đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em.

Tuy đạt được những kết quả đáng kể nhưng trong quá trình triển khai, thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh còn có một số khó khăn, hạn chế, nhất là vấn đề nhận thức của một số gia đình, cộng đồng về thực hiện Luật Trẻ em, về công tác phòng, chống bạo lực xâm hại và phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em còn chưa đầy đủ nên một số địa phương vẫn để xảy ra một số vụ việc bạo lực, xâm hại, đuối nước trẻ em nghiêm trọng. Sự thiếu hụt về nguồn lực đầu tư, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, các điểm vui chơi công cộng đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cho trẻ em...

Để bảo đảm quyền lợi cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh; trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em và các chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tới mọi tầng lớp Nhân dân để nâng cao hơn nữa nhận thức trong việc thực hiện quyền trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em để hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các sở, ban, ngành có liên quan đẩy mạnh công tác phối hợp, lồng ghép các chương trình dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích. Đặc biệt, công tác bảo vệ trẻ em cần tăng cường mạng lưới từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban bảo vệ trẻ em cấp xã, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã để can thiệp, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài ra, các cấp, các ngành cần có sự quan tâm bố trí kinh phí cho các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đủ điều kiện, tiêu chuẩn công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em nhằm xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ phát triển một cách toàn diện.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]