(Baothanhhoa.vn) - Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Thanh Hóa liên tục đạt và vượt mục tiêu thành lập mới 3.000 doanh nghiệp (DN) mỗi năm. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng trưởng về số lượng, câu chuyện về chất lượng hoạt động DN cũng đang là vấn đề cần quan tâm.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Thanh Hóa liên tục đạt và vượt mục tiêu thành lập mới 3.000 doanh nghiệp (DN) mỗi năm. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng trưởng về số lượng, câu chuyện về chất lượng hoạt động DN cũng đang là vấn đề cần quan tâm.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động doanh nghiệpLãnh đạo xã Quảng Bình (Quảng Xương) nắm bắt tình hình sản xuất tại Công ty TNHH hạt giống Hana đóng trên địa bàn.

Năm 2022, trên địa bàn tỉnh thành lập mới 3.712 DN, đạt 123,7% kế hoạch và đứng thứ 6 cả nước, nâng tổng số DN có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh lên con số hơn 27.000 DN. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các ngành chức năng, số DN đang hoạt động thực tế chỉ 21.000 DN. Trong đó, số DN có phát sinh doanh thu thực tế còn thấp hơn nhiều. Cũng trong năm 2022, có tới 1.209 DN tạm ngừng hoạt động. Mặc dù con số này có giảm so với năm 2021, nhưng vẫn ở mức khá cao.

Cũng theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Phát triển DN tỉnh, năm 2022 đóng góp từ khu vực DN vào ngân sách Nhà nước đạt khoảng 13.670 tỷ đồng, chiếm 45,6% tổng thu nội địa. Mặc dù tăng so với cùng kỳ và dự toán giao, nhưng con số này vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Phát triển DN tỉnh, sở dĩ chất lượng hoạt động DN chưa cao là do quy mô của các DN trên địa bàn tỉnh đa phần là DN nhỏ và vừa. Ước tính, có tới 97% DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng. Ngoài việc hạn chế về năng lực tài chính để ứng phó với những khó khăn, biến động của thương trường, các DN nhỏ, siêu nhỏ còn yếu kém về năng lực quản trị, kỹ năng điều hành, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh và tình hình chính trị - kinh tế thế giới diễn biến phức tạp trong thời gian qua.

Điển hình như thống kê của Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong các DN tạm ngừng kinh doanh năm 2022, có 1.091 DN có quy mô đến 10 tỷ đồng (chiếm 90,2%); 44 DN có quy mô vốn từ 10 đến 20 tỷ đồng (chiếm 3,6%); 36 DN có quy mô vốn từ 20 đến 50 tỷ đồng (chiếm 3%); 17 DN có quy mô vốn từ 50 đến 100 tỷ đồng (chiếm 1,4%); 21 DN có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, chiếm 1,8%. Bên cạnh đó, trong số có 376 DN giải thể, cũng đa phần là các DN có quy mô vốn nhỏ.

Theo đánh giá của Hiệp hội DN tỉnh, một trong những khó khăn đáng kể đối với các DN nhỏ và vừa là không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, trong khi nhu cầu vay vốn cao. Bên cạnh đó, nhiều dự án qua thẩm định không bảo đảm tính khả thi; hệ thống kế toán, sổ sách, chứng từ sơ sài, thiếu độ tin cậy, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận vay vốn với các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, năng lực quản trị của nhiều DN chưa đáp ứng được yêu cầu; quá trình chuyển đổi số, đổi mới công nghệ trong các DN chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức về văn hóa kinh doanh, trách nhiệm với xã hội, cộng đồng của một bộ phận doanh nhân chưa đầy đủ, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, số DN tạm ngừng kinh doanh vẫn còn cao. Số DN có khả năng lớn mạnh, phát triển bền vững còn hạn chế.

Nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động DN, bên cạnh các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực hoạt động DN, các cấp, các ngành của tỉnh cũng đang nỗ lực cải cách hành chính, rà soát, nắm bắt và cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với quá trình đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đang chủ trì, phối hợp triển khai các nội dung, chính sách hỗ trợ đối với khu vực DN theo nội dung của Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.

Được biết, theo Nghị quyết 214/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thanh Hóa ngày 13-4-2022 về chính sách hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026, từ ngày 1-1-2023, sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ DN được triển khai. Ngoài các chính sách về đào tạo bồi dưỡng DN, doanh nhân, từ năm 2023, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực thi chính sách hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số cho DN; hỗ trợ kinh phí cho DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức ở trong nước nhưng không quá 55 triệu đồng/năm/DN. Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu cho các DN sản xuất, chế biến xuất khẩu tiếp cận thị trường xuất khẩu mới, kinh phí tối đa không quá 250 triệu đồng cho một DN với một thị trường xuất khẩu mới. Thông qua hoạt động hỗ trợ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của DN, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]