(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, Yên Định nổi lên là một trong những địa phương đạt kết quả cao trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và ngành nghề nông thôn.

Huyện Yên Định thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, ngành nghề nông thôn

Những năm gần đây, Yên Định nổi lên là một trong những địa phương đạt kết quả cao trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và ngành nghề nông thôn.

Huyện Yên Định thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, ngành nghề nông thônCông nhân Công ty TNHH Giày Alena Việt Nam, đóng trên địa bàn xã Định Liên (Yên Định) trong ca sản xuất.

Thông tin từ Phòng Kinh tế - hạ tầng, huyện Yên Định, từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt tới 39,6%. Đặc biệt, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 của địa phương tăng tới 530% so với năm 2015. Sự đột phá của kết quả này là do trong giai đoạn này, địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn vào đầu tư sản xuất, như: Nhà máy sản xuất tất và đồ lót cao cấp của Công ty TNHH JASAN Việt Nam, tổng mức đầu tư 780 tỷ đồng; Nhà máy Giày da Alena, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; Nhà máy điện năng lượng mặt trời xã Yên Thái, tổng mức đầu tư 843 tỷ đồng... Các doanh nghiệp công nghiệp này hiện đang giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động, với mức thu nhập từ 5,5 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Tại Cụm Công nghiệp (CCN) Quán Lào 2, thị trấn Yên Định, hiện đã thu hút được 2 doanh nghiệp đầu tư, với diện tích thuê đất 12,17 ha. Trong đó, riêng Công ty TNHH JASAN Việt Nam đã đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa vào sản xuất tất xuất khẩu với sản lượng 100 triệu tấn sản phẩm/năm, tạo việc làm cho 1.500 lao động. Công ty đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2021 để đưa vào sản xuất đồ lót xuất khẩu, với sản lượng dự kiến 15 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm mới cho 1.200 lao động. Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đức Thắng cũng đang gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư nhà máy sản xuất, gia công kim loại và các mặt hàng thủy tinh.

Tại CCN Yên Lâm, những năm gần đây, huyện cũng đã thu hút được thêm các doanh nghiệp có trình độ khai thác cao vào đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị này đã sử dụng công nghệ khai thác hiện đại, tăng tỷ lệ chế biến đá mỹ nghệ để gia tăng giá trị cho sản phẩm và bảo đảm an toàn cho người lao động.

Hoạt động của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn cũng phát triển mạnh. Đến nay, toàn huyện có 1.962 cơ sở thuộc các hộ cá thể sản xuất, đa dạng các ngành nghề, như: chế biến đá mỹ nghệ, sản xuất đồ mộc, mây tre đan, chế biến nông sản... thu hút khoảng 3.000 lao động làm việc, thu nhập bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Một số doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn đổi mới máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất, góp phần tăng chất lượng và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế.

Hiện nay, huyện Yên Định đã thành lập được 9 CCN, với diện tích quy hoạch 376,8 ha, gồm: CCN thị trấn Quán Lào 1 (73 ha), CCN Yên Lâm (70 ha), CCN Định Tân (19,6 ha), CCN Quý Lộc (22,9 ha), CCN thị trấn Quán Lào 2 (72,5 ha), CCN thị trấn Thống Nhất (28,6 ha), CCN Yên Thịnh (20,6 ha), CCN Kiểu (50,2 ha). Trong đó, CCN số 1 thị trấn Quán Lào đã được hình thành với quy mô lớn, tạo tiền đề thu hút đầu tư nhiều dự án sản xuất trên địa bàn. Theo đó, chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hong Fu Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư đã hoàn thành hơn 80% tiến độ đầu tư dự án.

Tháng 3-2021 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định về việc thành lập CCN thị trấn Quán Lào 2, tổng vốn đầu tư 468 tỷ đồng và diện tích khoảng 72 ha, do Công ty CP Thiết kế và Xây dựng GIZA Việt Nam làm chủ đầu tư. Ngành nghề hoạt động tại CCN bao gồm: Sản xuất chăn ga, thảm dệt, thời trang và giày da; sản xuất nội thất; sản xuất điện, điện tử; sản xuất cơ khí; sản xuất chế biến nông sản; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm... Đây sẽ là động lực mới để huyện Yên Định tiếp tục thu hút đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định, cho biết: Những năm gần đây, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang tiếp tục là lĩnh vực có đóng góp cao nhất trong tăng trưởng giá trị sản xuất của toàn huyện. Các dự án công nghiệp đi vào hoạt động đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 26.000 lao động của huyện và một số huyện lân cận, với mức thu nhập bình quân từ 5 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Từ sự phát triển đột phá của ngành công nghiệp, đã thúc đẩy cơ cấu lao động chuyển dịch rõ nét từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tích cực. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ; đầu tư phát triển CCN gắn với xây dựng đồng bộ các cơ sở dịch vụ, hạ tầng các điểm dân cư, mạng lưới giao thông, điện để tạo điều kiện sống, làm việc cho lao động ở các CCN và người dân có đất bị thu hồi chuyển sang mục đích khác, nhất là phát triển công nghiệp; đồng thời, khuyến khích thu hút cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động địa phương.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]