(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thị xã Bỉm Sơn đã thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các DN; đồng thời, triển khai thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ DN, người lao động và các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều DN trên địa bàn cũng đã chủ động xây dựng những giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Các doanh nghiệp ở thị xã Bỉm Sơn chủ động thực hiện “mục tiêu kép”

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thị xã Bỉm Sơn đã thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các DN; đồng thời, triển khai thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ DN, người lao động và các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều DN trên địa bàn cũng đã chủ động xây dựng những giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Các doanh nghiệp ở thị xã Bỉm Sơn chủ động thực hiện “mục tiêu kép”Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH L.Y International, thị xã Bỉm Sơn.

Tại Tổng Công ty CP Tiên Sơn Thanh Hóa, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh đã tác động không nhỏ lên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, kịp thời triển khai các phương án phòng dịch và sản xuất, đến nay toàn bộ hệ thống 10 nhà máy may, với 8.500 lao động của đơn vị vẫn hoạt động ổn định. Đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh tăng cường công tác phòng dịch trong toàn hệ thống nhà máy. Bên cạnh việc liên tục cập nhật thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh đến người lao động, hướng dẫn người lao động các phương pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm quy định “5K” trong nhà máy, đơn vị cũng dừng tất cả các hoạt động tập trung đông người và thường xuyên tiến hành khử khuẩn tại khu vực nhà máy. Tại khu vực nhà ăn, công ty thực hiện giám sát chặt chẽ nguồn cung thực phẩm, đồng thời thực hiện bố trí giãn cách để bảo đảm an toàn nhằm hạn chế tiếp xúc gần giữa người lao động trong khi ăn ca.

Cùng với triển khai triệt để công tác phòng, chống dịch, DN cũng tăng cường tìm kiếm, đa dạng các đơn hàng và nguồn nguyên liệu, đa dạng cơ cấu sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Với nhận định nhu cầu tiêu thụ khẩu trang tăng cao, công ty đã đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền để sản xuất khẩu trang y tế tại Nhà máy may Tatsu, thị xã Bỉm Sơn. Bên cạnh đó, nhiều DN trong tổng công ty chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và các mặt hàng phục vụ thị trường nội địa, như: túi xách, chăn, ga, đệm. Đến nay, đơn vị đã cung ứng ra thị trường hàng chục triệu khẩu trang và giải quyết việc làm thêm cho hơn 200 lao động. Doanh thu 8 tháng đầu năm của đơn vị đạt 373 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch sản xuất năm 2021.

Ông Trịnh Xuân Lượng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Tiên Sơn Thanh Hóa, cho biết: Để chủ động hơn trong sản xuất, thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất sản phẩm từ may gia công chuyển sang sản xuất FOB (tự thiết kế, may thành phẩm), tiến tới sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Tiên Sơn. Đồng thời, tập trung đầu tư mua thêm máy móc, thiết bị tự động, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất để đáp ứng với thời kỳ công nghệ 4.0, tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất. DN cũng dự định xây dựng thêm Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà tại thị xã Bỉm Sơn và phát triển thêm các khu kinh doanh thương mại ở các nhà máy có đủ điều kiện, phục vụ nhu cầu cho người lao động trong đơn vị.

Với các DN trong Khu Công nghiệp Bỉm Sơn, thực hiện chỉ đạo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp về bảo đảm an toàn phòng dịch, các DN cũng đã triệt để thực hiện các biện pháp như yêu cầu người lao động thực hiện giãn cách, “5K” và khai báo y tế đầy đủ, thường xuyên. Cùng với đó, chủ động xây dựng giải pháp thích ứng trong sản xuất. Tại Công ty May KH Vina, là môi trường lao động đông công nhân, để bảo đảm công tác phòng dịch, đơn vị đã chủ động dự trữ khẩu trang, thiết bị y tế phòng dịch. Khách ra vào làm việc đều phải thực hiện ghi chép thông tin, sát khuẩn, kiểm tra nhiệt độ trước khi vào khu vực nhà máy. Toàn bộ công nhân vào khu vực làm việc được phân luồng các cửa ra vào và kiểm tra nhiệt độ, sát khuẩn phòng dịch ngày 2 lần. Người lao động có biểu hiện sốt, ho đều phải thực hiện cách ly tại nhà. Trong sản xuất, với công suất 150.000 sản phẩm mỗi tháng, đơn vị liên tục có những giải pháp và chiến lược tháo gỡ khó khăn phù hợp với từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh. Công ty đã phân tích thị trường, chủ động trong triển khai đồng bộ các giải pháp duy trì sản xuất. Ông Lê Đình Linh, phó giám đốc công ty, cho biết: Bên cạnh việc chủ động hơn về nguồn nguyên liệu, một giải pháp khác là công ty đã chủ động chuyển đổi, cắt giảm đơn hàng may đồ công sở khi nhu cầu tiêu thụ áo sơ mi giảm. Thay vào đó, đơn vị tập trung điều chỉnh sang sản xuất nhiều hơn các sản phẩm đồ mặc ở nhà, hàng thể thao cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện tại, thu nhập bình quân của người lao động công ty vẫn ổn định ở mức hơn 6 triệu đồng/người/tháng.

Một số DN khác trong và ngoài Khu Công nghiệp Bỉm Sơn, hiện cũng đang duy trì sản xuất ổn định, như: Công ty CP Bánh kẹo Tràng An 3 - Việt Nam, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông với Nhà máy dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông - Bỉm Sơn, Nhà máy ô tô VEAM Bỉm Sơn, các nhà máy sản xuất xi măng... Hoạt động ổn định của các DN trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn đã đưa giá trị sản xuất trong 8 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp – xây dựng chiếm tới 76,3% cơ cấu kinh tế.

Xác định vai trò quan trọng của DN trong thực hiện “mục tiêu kép”, thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội, hiện nay, thị xã Bỉm Sơn đang triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư kinh doanh. Trong đó, địa phương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, dự án đầu tư nhằm sớm đưa vào hoạt động, khai thác tạo năng lực sản xuất tăng thêm cho nền kinh tế. Tiếp tục rà soát, niêm yết, công khai, minh bạch thủ tục hành chính. Đặc biệt, thị xã cùng đồng hành với DN trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án; thực hiện công khai các đồ án quy hoạch xây dựng; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tạo điều kiện thuận lợi để các DN, nhà đầu tư tiếp cận thông tin về đất đai, quy hoạch để nghiên cứu đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh. Từng bước tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh cho các ngành, sản phẩm lợi thế của địa phương trong bối cảnh này.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]