(Baothanhhoa.vn) - Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, niềm vui vô bờ lần lượt đến với 20 bản, làng xa xôi nơi miền núi tỉnh Thanh. Ánh điện lưới quốc gia đã về, mang theo niềm tin, hy vọng, thắp sáng tương lai nhiều thế hệ mai sau ở những vùng đất còn nhiều gian khó.

Điện đến bản nghèo

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, niềm vui vô bờ lần lượt đến với 20 bản, làng xa xôi nơi miền núi tỉnh Thanh. Ánh điện lưới quốc gia đã về, mang theo niềm tin, hy vọng, thắp sáng tương lai nhiều thế hệ mai sau ở những vùng đất còn nhiều gian khó.

Điện đến bản nghèoĐiện lực Quan Sơn đóng trạm biến áp, đưa lưới điện quốc gia về bản Xa Mang, xã Sơn Điện (Quan Sơn).

Cách trung tâm huyện Quan Sơn 45 km, bản Xa Mang, xã Sơn Điện là nơi sinh sống của 34 hộ dân với 170 nhân khẩu. Đồng bào nơi đây chủ yếu là người dân tộc Thái. Xa xôi, thiếu đất sản xuất, điện lưới chưa có, sóng điện thoại phập phù... là những nguyên nhân khiến 100% hộ dân nơi đây vẫn là hộ nghèo, với thu nhập bình quân chỉ 11 - 12 triệu đồng/người/năm.

Ngày 5-12-2022, Xa Mang có điện. Trên chuyến xe cùng các đơn vị thi công vào nghiệm thu công trình, một điều vô cùng bất ngờ đến với chúng tôi đó là cách bản Xa Mang chưa đầy 10 km cùng với hệ thống cột điện trung thế mới dựng lên, sóng wifi đã có. Người của đơn vị nhà thầu vui vẻ giải thích: “Chỉ mới ngày hôm qua, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã đăng ký nối dây, đưa hệ thống cấp dịch vụ viễn thông đến với bản làng”.

Trong ngày hội đón điện ở Xa Mang, khoảnh khắc ánh điện bừng sáng, niềm vui như vỡ òa trong trái tim mỗi người dân bản. Trưởng bản kiêm bí thư chi bộ Phạm Bá Tiệp không giấu nổi niềm xúc động: “28 năm rồi, điều chúng tôi mong mỏi cuối cùng cũng đã đến. Từ nay, dân bản không còn phải thắp đèn dầu, soi đèn pin để nấu cơm. Thầy cô giáo điểm trường Sơn Điện 1 tại Xa Mang cũng không phải thắp nến soạn giáo án nữa. Ánh sáng điện lưới cũng sẽ giúp 45 em học sinh cấp 1, 2 nơi này có điều kiện học tập tốt hơn, mở ra một tương lai với nhiều hứa hẹn. Rồi các thiết bị, máy móc sơ chế sản xuất lâm sản sẽ được đưa về, giúp đời sống bà con rồi sẽ ngày càng khấm khá”.

Bà Hà Thị Thắng, người dân trong thôn cũng mừng vui không kém. 57 tuổi đời, cũng là gần 30 năm bà Thắng sinh sống trong cảnh ánh đèn leo lét kể từ khi di cư lên bản. “Mỗi khi đi nương về muộn là tôi phải nấu cơm trong bóng tối. Mặc dù mới đây, gia đình có chạy tua bin nước để lấy điện, nhưng ánh sáng rất yếu và chập chờn, nhất là vào những ngày mưa. Các thiết bị điện như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện... thì hầu như không thể dùng được” - bà Thắng chia sẻ.

Lời cảm ơn chân thành của bà con Xa Mang như hòa vào cùng những giọt nước mắt. Giấc mơ đổi thay cuộc sống nhen nhóm từ lâu nay đã dần hiện hữu. Có điện rồi, đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con sẽ có nhiều thay đổi. Cùng với điện lưới quốc gia, những mô hình phát triển kinh tế sẽ được du nhập về đây mỗi ngày. Đó là cơ sở để người dân vùng cao biên giới Xa Mang nâng cao trình độ dân trí, phát triển đời sống, từng bước thoát nghèo.

Cùng niềm vui với bản Xa Mang, những ngày cuối cùng của năm 2022, trên địa bàn huyện Quan Sơn, người dân bản Khà, bản Xía Nọi thuộc xã Sơn Thủy cũng đã được đón dòng điện lưới. Vậy là, huyện Quan Sơn đã đạt được chỉ tiêu về điện lưới quốc gia. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Điện lực Quan Sơn, cho biết: Hệ thống điện lưới đến các bản vùng xa ở Quan Sơn đi qua nhiều khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ. Trong khi đó, nhận thức, hiểu biết của đồng bào vùng cao còn hạn chế. Do đó, khi nghiệm thu lưới điện từ chủ đầu tư và nhà thầu thi công, đơn vị đã đưa công tác tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm đi trước 1 bước. Đặc biệt, cùng với chính quyền địa phương, Điện lực Quan Sơn đã và đang tuyên truyền bà con chấp hành tốt các quy định về phòng ngừa sự cố, tai nạn điện, bảo vệ hành lang lưới điện để phục vụ tốt cho sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.

Điện đến bản nghèoĐường điện trung thế đưa điện lưới quốc gia về thôn Khe Xanh, xã Phượng Nghi (Như Thanh).

Niềm vui đến sớm hơn một chút, ngày 29-10-2022, hơn 30 hộ dân ở thôn Khe Xanh (trước đây là thôn Tre Khe), xã Phượng Nghi (Như Thanh) cũng đã được đón ánh sáng của điện lưới. Dẫn chúng tôi “mục sở thị” cuộc sống mới của bà con thôn Tre Khe cũ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Hùng kể: Theo những người lớn tuổi kể lại, thôn Tre Khe cũ trước kia chỉ có rất ít hộ dân. Dần dà, một số hộ phát triển kinh tế đồi rừng lên lập nghiệp và sinh con đẻ cái, hình thành thôn Tre Khe với 31 hộ dân và 124 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mường. Mặc dù đa phần các hộ dân có rừng sản xuất nhưng do không có điện nên chưa có các cơ sở chế biến tại chỗ. Người dân chủ yếu bán lâm sản thô chưa qua chế biến cho thương lái nên giá trị chưa cao. Năm 2018, thôn Tre Khe được sáp nhập với thôn Khe Xanh. Tuy nhiên, điện lưới chưa có nên đời sống người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, 44 em học sinh tại khu Tre Khe cũ cũng gặp nhiều khó khăn khi không có ánh sáng điện để học bài.

Từ bao đời nay, người dân Tre Khe cũ vẫn dùng đèn dầu và nến để thắp sáng. Mới đây, một số hộ dân trong thôn đã tự đóng góp tiền để để kéo điện từ trung tâm xã vào làng. Tuy nhiên, dòng điện thường xuyên bị quá tải nên chỉ dùng được cho bóng điện sáng chỉ 5W. Không những vậy, do đường dây dài, chất lượng kém nên khấu hao lớn, tính ra, người dân phải “chịu” giá điện tới 5.000 - 6.000 đồng/Kwh.

Đi qua những cung đường khó vào thôn Tre Khe, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã “khoe” thêm: “Háo hức đợi chờ ngày có điện nên công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đưa điện về Tre Khe rất thuận lợi. Các hộ dân có diện tích bị ảnh hưởng đều sẵn sàng nhường đất để chủ đầu tư và nhà thầu triển khai thi công. Chỉ một thời gian ngắn, 2,7 km đường dây trung thế, 3 km đường dây hạ thế và trạm biến áp với giá trị đầu tư 4,7 tỷ đồng đã được dựng lên thành công, đưa điện lưới quốc gia về Tre Khe sớm hơn cả dự kiến.

Chị Lê Thị Hương, sinh năm 1993 không giấu nổi niềm vui: “Trước kia, dù nhà ở ngay đầu làng, chính là đầu nguồn điện mà các hộ dân tự kéo từ xã vào. Nhưng cảnh “đội đèn” ăn cơm vẫn diễn ra. Các thiết bị điện dù có sắm cũng không dám dùng dưới dòng điện phập phù và giá... cao ngất ngưởng. Từ khi được dùng điện lưới, không chỉ có điện phục vụ sinh hoạt với giá rẻ, mà việc kinh doanh hàng tạp hóa của gia đình cũng thuận lợi hơn nhiều vì có thể sử dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm tươi sống. Tới đây, gia đình tôi còn có ý định mua thêm máy xay xát để phục vụ nhu cầu của người dân quanh làng".

Với gia đình anh Bùi Văn Nhất và chị Quách Thị Linh, niềm vui lớn là việc học hành của 3 con nhỏ. Điện từ tua bin nước thì chỉ dùng được từ 2 - 3 giờ mỗi ngày. 3 cháu nhỏ đang lần lượt theo học lớp 4, 6, 8 trước kia không thể có ánh sáng để học bài. Từ ngày điện về rồi, không chỉ có đèn cho con học, mà các cháu cũng có thể tham khảo thêm kiến thức từ tivi, internet...

Cùng bà con các bản vùng sâu tại các huyện Quan Sơn, Như Thanh, trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, 16 thôn, bản khác tại các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát cũng đã mừng vui đón dòng điện lưới. Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương - chủ đầu tư dự án, cho biết: Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 3606/QĐ-UBND ngày 28-10-2014 và điều chỉnh tại Quyết định số 1302/QĐ-UBND ngày 20-4-2021 với tổng mức đầu tư 431,863 tỷ đồng. Dự án sẽ thực hiện cấp điện cho 4.957 hộ dân thuộc 80 thôn, bản chưa có điện của 9 huyện miền núi: Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát. Đến hết năm 2022 đã có 66 thôn, bản trên địa bàn các huyện được đón dòng lưới điện quốc gia. 14 bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh chưa có điện lưới quốc gia sẽ tiếp tục được dự án đầu tư, kéo điện về trong thời gian sớm nhất.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]