(Baothanhhoa.vn) - Một trong những yếu tố quan trọng để “đi cùng nhau” trong phát triển du lịch đó là xây dựng sản phẩm liên kết dựa trên lợi thế cạnh tranh và yếu tố khác biệt của từng địa phương. Đây được xem là giải pháp mở ra cánh cửa để các địa phương tiếp cận đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời cùng nhau quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”.

Để cái “bắt tay” du lịch đi vào thực chất (Bài 2): Tránh “trùng” để đi cùng

Một trong những yếu tố quan trọng để “đi cùng nhau” trong phát triển du lịch đó là xây dựng sản phẩm liên kết dựa trên lợi thế cạnh tranh và yếu tố khác biệt của từng địa phương. Đây được xem là giải pháp mở ra cánh cửa để các địa phương tiếp cận đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời cùng nhau quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”.

Để cái “bắt tay” du lịch đi vào thực chất (Bài 2): Tránh “trùng” để đi cùngLễ hội Lam Kinh (Thọ Xuân) với những giá trị văn hóa đặc sắc góp phần định vị thương hiệu du lịch xứ Thanh. Ảnh: Hoài Anh

Lấy văn hóa bản địa làm “hồn cốt”

Được mệnh danh như một Việt Nam thu nhỏ, Thanh Hóa có đầy đủ tiềm năng phát triển du lịch bốn mùa, với 3 dòng sản phẩm chủ lực: du lịch biển; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái cộng đồng. Cùng với đó là nhiều loại hình sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm, du lịch giải trí, mua sắm... Đặc biệt, Thanh Hóa là địa phương có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú về số lượng và thể loại. Trong đó có Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và 6 di tích quốc gia đặc biệt, cùng hệ thống văn hóa phi vật thể đa dạng, độc đáo, là những “chất liệu” quý để tỉnh Thanh Hóa phát triển du lịch “Hương sắc bốn mùa”.

Để “hòa nhập” song không “hòa tan”, năm 2022 tỉnh Thanh Hóa đã công bố bộ nhận diện thương hiệu và slogan “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”. Qua đó, làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch xứ Thanh gắn với tiềm năng, lợi thế, bản sắc văn hóa truyền thống. Slogan như một lời khẳng định về sự đa dạng, phong phú của tài nguyên du lịch; đồng thời kết nối với yếu tố cảm xúc, khích lệ du khách đến xứ Thanh bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu.

Nằm trong mối liên kết bền chặt “Một hành trình - Nhiều trải nghiệm”, các địa phương: Ninh Bình - Nghệ An - Hà Tĩnh cũng đã định vị thương hiệu du lịch, thúc đẩy liên kết dựa vào chính những giá trị văn hóa cốt lõi, đặc sắc. Qua đó mang đến cho du khách những góc nhìn khác biệt từ “Ninh Bình - Điểm đến thân thiện hàng đầu thế giới”, “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”, “Nghệ An - Về miền ví giặm”, “Hà Tĩnh - Về Hà Tĩnh người ơi”.

Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành (Hiệp hội Du lịch tỉnh) Vũ Văn Bình cho biết: “Việc các địa phương chủ động xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị lữ hành khi xây dựng và khai thác sản phẩm. Nhiều tour du lịch kết nối đã được khai thác và đang tiếp tục hoàn thiện như: Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) - Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) - Khu di tích Kim Liên (Nghệ An) - Khu du lịch biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh)...; Pù Luông (Thanh Hóa) - chinh phục đỉnh Pu Xai Lai Leng (Nghệ An) - Khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông (Hà Tĩnh)...; tour du lịch tự lái xe (caravan) theo đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và nhánh Tây qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh”.

Bên cạnh một số hành trình thể hiện rõ tính liên kết, ông Vũ Văn Bình cũng chỉ rõ: Vẫn còn những mối liên kết giữa du lịch Thanh Hóa với một số tỉnh, thành du lịch trong cả nước đang có sự trùng lặp trong sản phẩm, điển hình là sản phẩm du lịch biển và du lịch sinh thái cộng đồng. Trong khi đó, tour liên kết muốn thu hút du khách trước hết sản phẩm du lịch phải đặc sắc, tránh sự trùng lặp. Bởi trong cùng một tour du lịch, không có lý do gì để du khách phải trải nghiệm cùng một sản phẩm ở hai hay nhiều điểm đến. Và tất nhiên là các tour này sẽ rất khó thu hút được khách đoàn từ các doanh nghiệp lữ hành. Trong khi đó, nếu chỉ trông chờ vào dòng khách lẻ sớm muộn sự kết nối cũng dễ “đứt gãy”.

Bám sát định hướng phát triển chung

Định hướng phát triển xuyên suốt của du lịch Việt Nam đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững là: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Nhằm phát huy tiềm năng, tạo lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch, những năm gần đây tỉnh Thanh Hóa đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí đẳng cấp. Tính đến nay, toàn tỉnh thu hút được 83 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 146 nghìn tỷ đồng. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn, có kinh nghiệm và năng lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư du lịch như Tập đoàn VinGroup, SunGroup, Flamingo, BRG, T&T, TNG... đã và đang triển khai thực hiện các dự án lớn tại Thanh Hóa như: Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường; dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En; Khu quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Quảng Yên; Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân... Đây được kỳ vọng là những dự án góp phần nâng tầm vị thế du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch quốc gia.

Bám sát định hướng phát triển chung, không chỉ Thanh Hóa mà các địa phương vùng Bắc Trung bộ và các vùng trong cả nước cũng đang có những bước tiến mới trong việc xây dựng thương hiệu, định vị điểm đến. Theo đó, vùng trung du, miền núi Bắc bộ đã tập trung phát triển du lịch văn hóa, sinh thái gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; vùng đồng bằng sông Hồng phát triển du lịch văn hóa với các giá trị của nền văn minh lúa nước; vùng Duyên hải Nam Trung bộ phát triển du lịch tìm hiểu văn hóa biển; vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển du lịch văn hóa sông nước miệt vườn... Qua đó góp phần tô thắm thêm bức tranh du lịch “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”.

Trước áp lực cạnh tranh về du lịch trong khu vực và quốc tế ngày càng tăng, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia (DLQG) Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã có những chia sẻ, định hướng cho du lịch Thanh Hóa trong việc thúc đẩy các mối liên kết, hướng đến hình thành chuỗi giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường khách. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa cần tập trung nghiên cứu, triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng chiến dịch “Người Việt du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” đang được Cục DLQG Việt Nam định hướng triển khai tại các địa phương. Đặc biệt, cần chú trọng lựa chọn sản phẩm để Thanh Hóa và các địa phương trong nước có thể mở rộng liên kết, góp phần nâng giá trị tour du lịch và hấp dẫn du khách.

Để làm được điều đó, mỗi địa phương cần đưa ra thông điệp phù hợp trong từng hành trình liên kết; tìm ra những giá trị văn hóa khác biệt từ chính những sản phẩm tương đồng giữa các địa phương để liên kết đi vào chiều sâu. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch... hướng đến thu hút đa dạng thị trường khách, trong đó có khách quốc tế.

Hoài Anh

Bài cuối: Đổi mới cùng phát triển.

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]