(Baothanhhoa.vn) - Sáng 18/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

ĐBQH Mai Văn Hải tham gia góp ý về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Sáng 18/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

ĐBQH Mai Văn Hải tham gia góp ý về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn, đã có đầy đủ về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn thực hiện Luật 2012. Qua hơn 10 năm thực hiện Luật đã góp phần làm cho vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn ngày càng được nâng cao, chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đơn vị công đoàn, người lao động ngày càng có hiệu quả. Song cũng còn có nhiều vướng mắc, bất cập từ thực tiễn cần phải sửa để đáp ứng yêu cầu hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.

Để góp phần hoàn thiện dự án luật, ĐBQH Mai Văn Hải có một số ý kiến đó là: Điều 5- Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Theo đó, phương án 1, có 2 điểm mới mở rộng đoàn viên công đoàn đó là, Khoản 1. Người lao động không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức công đoàn; Khoản 2. Người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức công đoàn Việt Nam.

Đây là những vấn đề mới liên quan đến người lao động không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam (tự do) và người lao động nước ngoài, mở rộng đối tượng người lao động tham gia tổ chức công đoàn vừa để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn vừa để bảo vệ quyền lợi của người lao động được tốt hơn. Nhưng đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần phải thận trọng, cân nhắc và làm rõ một số vấn đề trước khi xem xét quyết định phương án này: Cần phải đánh giá tác động cụ thể khi mở rộng đối tượng tham gia công đoàn là người nước ngoài có ảnh hưởng như thế nào tới an ninh quốc gia, cũng như sự đóng góp của lao động người nước ngoài cho hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.

Cần đánh giá rất cụ thể nhu cầu tham gia công đoàn của đối tượng là người không có hợp đồng lao động. Trên thực tế, phần lớn người lao động làm việc không có quan hệ lao động ở các địa phương là ít có thời gian để tham gia các tổ chức đoàn thể ở địa phương.

Cần phải làm rõ nhu cầu tham gia tổ chức công đoàn của lao động là người nước ngoài trong các doanh nghiệp FDI cũng như các doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước; người lao động nước ngoài phần lớn là quản lý doanh nghiệp, lao động là chuyên gia, lao động chất lượng cao; thực tế tại một số địa phương, một số chủ doanh nghiệp chưa thực sự tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động, về thời gian, nợ quỹ công đoàn, cũng như điều kiện khác cho hoạt động công đoàn.

Đề nghị cần nghiên cứu, quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chuẩn để người lao động làm việc không có quan hệ lao động, người lao động nước ngoài tham gia tổ chức công đoàn. Đặc biệt là phải làm rõ tính khả thi của quy định khi gặp phải một số “rào cản” như: Chủ doanh nghiệp không tạo điều kiện; khó khăn bất đồng, khác biệt về văn hóa,nhất là bất đồng về ngôn ngữ... Hơn nữa cần làm rõ Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam, như thế tập hợp cả người nước ngoài thì có phù hợp không?

Về Điều 8- Hệ thống tổ chức của công đoàn Việt Nam, theo đại biểu Mai Văn Hải cơ bản thống nhất hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam như dự thảo, nhưng đề nghị bổ sung thêm ở điểm c, khoản 1 công đoàn trên cơ sở được lập ở khu công nghệ cao. Bởi vì, nghị quyết 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới có nêu phải nâng cao chất lượng của công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở, trong đó có xác định là công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao... Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị bổ sung công đoàn trên cơ sở bao gồm cả công đoàn ở khu công nghệ cao.

Tại Điều 17 về “Phản biện xã hội của công đoàn”, theo đại biểu Mai Văn Hải đây cũng là nội dung mới được quy định, quy định những văn bản cần phản biện, nội dung phản biện. Nhưng chưa quy định rõ cụ thể cơ chế phản biện như thế nào?

Chưa quy định mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan xin ý kiến có liên quan đến quyền và lợi ích của đoàn viên công đoàn và người lao động có yêu cầu hoặc đề nghị với công đoàn chủ trì phản biện như thế nào? Nếu không có quy định cụ thể thì tổ chức công đoàn sẽ không chủ động thực hiện được, tình trạng có văn bản thì yêu cầu phản biện; có văn bản sẽ không yêu cầu mà công đoàn cũng khó biết được.

Cần quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước xin ý kiến phản biện trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện của công đoàn.

Tại Điều 29 về “Tài chính công đoàn”, đại biểu Mai Văn Hải thống nhất kinh phí công đoàn do cơ quan tổ chức doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng đề nghị Khoản 2: Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng góp kinh phí công đoàn thì được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng.

Theo đại biểu Mai Văn Hải, quy định không có khả năng đóng kinh phí mới xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng là không kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, mà nên xem xét quy định cho các doanh nghiệp khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh mà phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm đơn hàng, sa thải lao động, nên quy định mức độ khó khăn để xem xét miễn, giảm hay tạm dừng đóng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Quốc Hương


Quốc Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]