(Baothanhhoa.vn) - Không ồn ào như một số trò tiêu khiển khác, thú chơi đồ cổ từ lâu như một mạch nước ngầm trong dòng chảy văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của con người. Và, điều quý giá nhất với người chơi cổ vật chính là cái tâm và chữ nhẫn trên hành trình khám phá những đặc trưng về văn hóa của của các thời kỳ lịch sử chứ không phải là những món đồ mà họ đang có.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người thầy đam mê cổ vật

Không ồn ào như một số trò tiêu khiển khác, thú chơi đồ cổ từ lâu như một mạch nước ngầm trong dòng chảy văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của con người. Và, điều quý giá nhất với người chơi cổ vật chính là cái tâm và chữ nhẫn trên hành trình khám phá những đặc trưng về văn hóa của của các thời kỳ lịch sử chứ không phải là những món đồ mà họ đang có.

Người thầy đam mê cổ vật

Những “đứa con tinh thần” được thầy Long trân quý.

Theo lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi đến thăm gia đình thầy Từ Quang Long, nằm trên đường Tống Duy Tân, phường Bắc Sơn (TP Sầm Sơn). Nhìn bên ngoài, căn nhà 2 tầng trông cũng bình thường như bao căn nhà khác ở thành phố biển, nhưng ít ai biết bên trong nó đang chứa cả một thế giới đồ cổ. Đó là những món đồ có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm, từ những chiếc xe đạp, đồng hồ treo tường, tranh, thiết bị âm thanh đến những món đồ bằng đồng hay gốm sứ.

Vốn là một giáo viên dạy Toán tại một trường THCS trên địa bàn TP Sầm Sơn, nhưng vì đam mê cổ vật nên mỗi khi có thời gian, thầy Long lại rong ruổi trong Nam, ngoài Bắc để sưu tầm đồ cổ. Để thỏa niềm đam mê, người thầy giáo này phải chắt chiu từng đồng tiền kiếm được từ việc dạy học để mua các món đồ cổ giá trị. Ngoài việc chịu khó rong ruổi sưu tầm đồ cổ, thầy Long còn dành thời gian gặp gỡ giới sưu tầm đồ cổ khắp mọi miền để nâng cao kiến thức về cổ vật.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Long hào hứng kể về cơ duyên khiến thầy gắn bó với công việc sưu tầm đồ cổ cũng như chia sẻ về những món đồ mà thầy yêu quý. Cả những băn khoăn về một món đồ chưa giải mã thầy cũng không giấu giếm: “Kiến thức thì vô cùng, không thể một sớm một chiều mà có thể thâu tóm hết được. Bởi vậy đã trót mê cổ ngoạn thì cứ phải học hỏi suốt đời. Người xưa rất thâm thúy, những gì để lại đều là bài học quý giá cho con cháu về nhân sinh quan, về chân, thiện, mỹ. Tuy chưa hiểu tường tận nhưng tôi vẫn gìn giữ, hy vọng sẽ có ngày tìm ra được lời đáp”

Người thầy đam mê cổ vật

Những thiết bị âm thanh cổ được thầy Long lưu giữ và trân trọng.

Cơ duyên thôi thúc thầy Từ Quang Long đến với đồ cổ cũng thật tình cờ khi một lần đến một quán Cafe tại TP Thanh Hóa gặp vài người bạn. Tại đây, nhiều món đồ cổ được trưng bày trong những chiếc tủ kính và thu hút khá nhiều người tới tham quan. Cũng chính nơi này, thầy được biết đến những nhân vật có thú chơi cổ ngoạn cùng những câu chuyện về hành trình đi tìm dấu vết thời gian qua những món đồ cổ. Thầy Long nhận ra, sưu tầm đồ cổ không chỉ là một thú chơi tao nhã, nó còn giúp người chơi tìm hiểu về lịch sử, về nguồn cội cùng những nét văn hóa cổ xưa. Và hành trình săn tìm cổ vật của thầy Long bắt đầu những ngày sau đó. Đến nay, đã gần 15 năm, gia tài thầy có được là gần 500 món đồ cổ được đặt trang trọng trong phòng khách của gia đình. Những cổ vật này được thầy mua lại từ những người buôn đồ cổ, từ bạn bè hay những đồ vật nhiều gia đình còn lưu giữ lại từ thời xưa.

Thầy Long nhớ lại: “Như một người háo hức vào cuộc chơi mới, nên tâm lý cứ thấy cái gì cổ là mua. Chính vì vậy mà thời gian đầu, tôi phải trả học phí cho sự chơi của mình khá nhiều, song nhờ vậy mà có thêm bài học và kinh nghiệm để hiểu biết hơn. Hiện tại, mặc dù gia tài đồ cổ của gia đình tôi còn khiêm tốn so với nhiều người, nhưng tôi không vì thế mà cảm thấy buồn, bởi quan trọng nhất là tôi hài lòng với những cổ vật tôi đang có, cũng như hài lòng với lựa chọn của mình”.

"Chơi như vậy thì thầy lợi được những gì?". Thầy đã không ngần ngại trả lời: "Kiếm lợi về tiền bạc thì không có nhiều, nhưng về tinh thần thì được rất nhiều". Nhờ nghiên cứu và sưu tầm những hiện vật của quá khứ nên vốn hiểu biết của bản thân không ngừng được bổ sung cả về chiều sâu lẫn bề rộng, đặc biệt là các lĩnh vực có liên quan đến lịch sử, văn hóa nước nhà cùng một số nước trên thế giới.

Người thầy đam mê cổ vật

Chiếc nồi đồng ra đời từ nửa đầu thế kỷ XIX là món đồ đầu tiên thầy Long được sở hữu trên hành trình sưu tầm cổ vật.

Theo kinh nghiệm của thầy Long, để tìm hiểu về đồ cổ, “trước tiên là đọc tài liệu ghi chép, quan sát kiểu dáng, màu sắc, với đồ sành sứ là nước men, dưới đáy thường có chữ và dấu mốc, rồi sau đó là trao đổi với các học giả, nhà nghiên cứu để có lời bình chính xác để lại cho người đi sau học hỏi tiếp”…

Ngoài sự am hiểu, thông tuệ sâu sắc về đồ cổ, về mỹ thuật của từng thời kỳ, từng trường phái,… điều quan trọng hơn là người chơi phải có tình hoài cổ, tri ân với cổ vật và biết “nói chuyện” với những món đồ cổ đó, khám phá ra những thông điệp thời gian được ấn ký trên những món đồ của người xưa. Để rồi như một sự đền đáp, họ là những người truyền đạt lại, giữ vai trò kết nối sợi dây văn hóa giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại, giúp cho người đương thời có thể hiểu được những gì người xưa đã để lại mà tự hào và gìn giữ.

“Đâu là cổ vật khiến thầy tâm đắc nhất?”. Giải đáp cho sự thắc mắc của chúng tôi, thầy Long chỉ về những chiếc xe đạp cổ với các thương hiệu: Aviac, Mercier, Peugeot…, được xếp ngay ngắn trong phòng khách.

Người thầy đam mê cổ vật

Để có được những chiếc xe đạp cổ, thầy Long đã mất khá nhiều thời gian và công sức.

Theo lời chia sẻ của thầy Long, để được sở hữu 8 chiếc xe đạp cổ này, thầy đã phải mất khá nhiều thời gian và công sức. Bởi với những chiếc xe có tuổi đời vài chục đến vài trăm năm thì không dễ để mua được nguyên chiếc, phần lớn những chiếc xe cổ này đã được thay rất nhiều thứ. Do vậy, người chơi phải lùng từng bộ phận, từng phụ kiện rồi lắp ráp chúng lại với nhau. Nếu mua một, hai chi tiết sẽ không ai chịu bán. Vì vậy, có lần, thầy Long đã phải bỏ cả vài triệu đồng mua chiếc xe cũ chỉ để lấy đôi phanh hay chiếc đèn.

“Trong nhiều năm, tôi đã phải chờ đợi, nhặt nhạnh từng phụ kiện để lắp ráp thành một chiếc xe hoàn chỉnh và có thể đi được như bây giờ. Tuy nhiên, mỗi ngày, nhìn thấy thành quả mình có được, tôi rất vui và hài lòng. Đó là công sức, là niềm đam mê của tôi”.

Dù sở hữu khá nhiều món đồ cổ có giá trị nhưng hai người con của thầy không ai có niềm đam mê giống cha. Tuy nhiên, thầy không nghĩ nhiều về điều này. Thầy tự nhận mình là người sống vô tư, thong thả, không có thói quen lo xa… “Khi còn sức tôi sẽ còn lên đường theo tiếng gọi của niềm đam mê, còn những chuyện sau đó thì không suy tính nhiều”. Có lẽ vì cách sống an nhiên như thế mà khi gặp thầy Từ Quang Long, không ai nghĩ thầy sắp bước vào tuổi 60 và sở hữu gia tài đồ cổ cùng những kiến thức, kinh nghiệm về nghề chơi đáng nể như vậy.

"Theo dòng chảy của thời gian, cuộc sống cũng dần thay đổi. Gắn bó với mảnh đất Sầm Sơn đã gần đời người, tôi cảm nhận được sự chuyển động trong từng nhịp đổi thay ấy. Song có lẽ vì bản thân luôn hoài niệm và yêu thích những gì xưa cũ, nên tôi đã gắn cuộc đời mình vào cái nghề “tìm cổ vật”.

Lê Tình


Lê Tình

Từ khóa:Cổ vật

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]