(Baothanhhoa.vn) - Sinh ra trên đất Mường Khô (xã Điền Trung, huyện Bá Thước) Hà Văn Mao (Hà Công Mao) được biết đến là vị thủ lĩnh văn võ toàn tài đã lãnh đạo người dân khu vực miền núi xứ Thanh hưởng ứng mạnh mẽ phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19.

Lên đất Mường Khô nghe chuyện thủ lĩnh Hà Văn Mao đánh giặc ngoại xâm

Sinh ra trên đất Mường Khô (xã Điền Trung, huyện Bá Thước) Hà Văn Mao (Hà Công Mao) được biết đến là vị thủ lĩnh văn võ toàn tài đã lãnh đạo người dân khu vực miền núi xứ Thanh hưởng ứng mạnh mẽ phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19.

Lên đất Mường Khô nghe chuyện thủ lĩnh Hà Văn Mao đánh giặc ngoại xâmLễ hội Mường Khô là dịp để người dân tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn với các bậc tiền nhân như Quận công Hà Công Thái, thủ lĩnh Hà Văn Mao và những tướng sĩ đã hy sinh vì quê hương, đất nước. Ảnh: K.L

Theo tài liệu lưu giữ tại địa phương, Hà Văn Mao là người Mường, sinh ra trong gia tộc bề thế trên đất Mường Khô. Ông nội ông là Hà Công Thái - võ tướng có nhiều công trạng trong việc trấn ải miền biên viễn, được triều đình nhà Nguyễn phong đến tước Quận công, đồng thời cho quyền cai quản cả một vùng rộng lớn. Cha Hà Văn Mao là Hà Công Quỳnh giữ chức Thổ ty đất Mường Khô. Từ nhỏ cậu bé Hà Văn Mao đã bộc lộ tư chất hơn người, lại được gia đình chú trọng dạy dỗ, bồi đắp nên lớn lên không chỉ giỏi văn, thạo võ mà còn có tài thao lược. Ông kế thừa chức thổ ty của cha mình, được người dân quý trọng.

Khi chiếu Cần Vương được ban bố rộng rãi, tại Thanh Hóa phong trào kháng Pháp dưới sự lãnh đạo của nhiều sĩ phu, thủ lĩnh như: Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước... diễn ra mạnh mẽ. Và tại đất Mường Khô, lúc bấy giờ Hà Văn Mao đã liên hệ với các hào trưởng có tiếng nói trong vùng cùng nhau chiêu mộ quân sĩ, tổ chức khởi nghĩa. Ông gấp rút tập hợp lực lượng, xây dựng trung tâm căn cứ ở Mường Khô và hàng loạt đồn chốt từ Yên Định qua Ngọc Lặc đến Bá Thước.

Khi thực dân Pháp đánh vào thành Thanh Hóa, chia quân đóng đồn nhiều nơi thì ngay trong tháng 11-1885, thủ lĩnh Hà Văn Mao đã dẫn quân từ đất Mường Khô xuống đánh đồn Bái Thượng (Thọ Xuân). Đây cũng được xem là trận đánh đồn Pháp đầu tiên của nghĩa quân Hà Văn Mao. Theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh: “Cuối năm 1885, Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Tả quân Đô thống Trần Xuân Soạn được vua Hàm Nghi phái ra miền Bắc chỉ đạo phong trào Cần Vương kháng Pháp. Các thủ lĩnh Cần Vương được phong chức Tán lý quân vụ. Ông Hà Văn Mao được giữ chức Tán lý Bá Thước, nhưng với tầm nhìn của mình, ông không bó hẹp không gian hoạt động mà còn liên kết với các thủ lĩnh ở các vùng khác như Tống Duy Tân (Vĩnh Lộc), Cầm Bá Thước (Thường Xuân), Lê Ngọc Toản (Nông Cống)... để hỗ trợ lẫn nhau”.

Lên đất Mường Khô nghe chuyện thủ lĩnh Hà Văn Mao đánh giặc ngoại xâm

Sang đầu năm 1886, theo lệnh điều động của Tả quân Đô thống Trần Xuân Soạn, từ đất Mường Khô thủ lĩnh Hà Văn Mao cùng với Cầm Bá Thước (Thường Xuân) đem quân xuống đồng bằng phối hợp với nghĩa quân ở các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Đông Sơn... tấn công vào đồn giặc ở Hạc Thành nhằm ngăn chặn sự càn quét của kẻ địch. Tuy nhiên, phải đến khi xây dựng căn cứ quân sự Mã Cao thì tài năng quân sự của vị thủ lĩnh người Mường Hà Văn Mao mới thực sự tỏa sáng.

Trước đó, vào tháng 6-1886, dưới sự chủ trì của Tả quân Đô thống Trần Xuân Soạn tại đất Bồng Trung (Vĩnh Lộc) đã diễn ra hội nghị các thủ lĩnh Cần Vương và sĩ phu yêu nước. Cùng với quyết tâm đẩy mạnh phong trào kháng Pháp, hội nghị còn quyết định xây dựng hai căn cứ đánh giặc mới: Căn cứ Ba Đình (Nga Sơn) do Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt phụ trách; và căn cứ Mã Cao (Yên Định) do Trần Xuân Soạn và Hà Văn Mao phụ trách. Sách Văn tài võ lược xứ Thanh viết: “Với sự am hiểu quân sự và địa hình, chính Hà Văn Mao đã đề xuất ý kiến xây dựng căn cứ Mã Cao nhằm nối liền hoạt động của nghĩa quân giữa hai miền đồng bằng và miền núi. Và sau này, Mã Cao đã trở thành hậu cứ tiếp vận và hỗ trợ cho căn cứ Ba Đình ở vùng biển Nga Sơn chống trả cuộc tiến công ác liệt của quân Pháp. Chính quân Pháp cũng phải thừa nhận căn cứ Mã Cao còn lợi hại hơn căn cứ Ba Đình nhiều”. Tại căn cứ Mã Cao, Hà Văn Mao đã xây dựng các cứ điểm theo thế liên hoàn để có thể hỗ trợ đắc lực cho nhau khi xảy ra chiến sự.

Nhận thấy vai trò quan trọng cùng tài thao lược của Hà Văn Mao, thực dân Pháp đã tìm mọi cách để bắt ông. “Trong thời gian tấn công vào căn cứ Ba Đình, quân Pháp ở châu Quan Hóa cũng tấn công vào Điền Lư hòng bắt Hà Văn Mao. Không bắt được ông, chúng đã bắt mẹ già và con trai ông đem về giam ở đồn La Hán rồi gửi thư dụ hàng ông. Tương kế tựu kế, Hà Văn Mao đã hẹn quân giặc đem trả mẹ và con ông tại đình La Hán. Khi quân giặc đến chỗ hẹn, bất ngờ ông cho quân mai phục tấn công, tiêu diệt toàn bộ toán quân Pháp” (sách Văn tài võ lược xứ Thanh).

Sau khi rút quân khỏi căn cứ Mã Cao, Hà Văn Mao đưa quân trở lại đất Mường Khô củng cố lực lượng. Sau đó ông lại rút quân lên hang Niên Kỷ (hang Dong) ở Mường Kỷ. Tại đây, lợi dụng địa hình hiểm trở, ông đã chỉ huy nghĩa quân tổ chức các trận giao tranh gây cho kẻ địch nhiều tổn hại.

Bởi vậy, tháng 11-1887 thực dân Pháp đã tập trung lực lượng tấn công vào hang Niên Kỷ lần thứ hai. Do chênh lệch tương quan lực lượng lớn, kẻ địch lại được trang bị vũ khí hiện đại, không muốn rơi vào tay giặc Pháp, thủ lĩnh Hà Văn Mao đã tự sát nhằm giữ trọn khí tiết.

Dù phong trào Cần Vương kháng Pháp về sau không đi tới thắng lợi cuối cùng song vẫn luôn là “dấu son” khẳng định tinh thần quật cường, khát vọng độc lập của Nhân dân ta. Vì thế, những thủ lĩnh, sĩ phu, nghĩa quân tham gia đánh giặc vẫn luôn được người đời và hậu thế tưởng nhớ. Với người dân Mường Khô, dù hơn 130 năm trôi qua, song thủ lĩnh Hà Văn Mao luôn là vị dũng tướng tài tiếp nối truyền thống vẻ vang của dòng họ Hà Công.

Ông Trương Đình Thi - công chức văn hóa xã hội xã Điền Trung cho biết: “Sau khi thủ lĩnh phong trào Cần Vương Hà Văn Mao qua đời, ông vẫn luôn được con cháu dòng họ và người dân Mường Khô tưởng nhớ. Ngày nay, ông đang được phụng thờ tại di tích lịch sử đền thờ Quận công Hà Công Thái. Hàng năm vào ngày mùng 10 tháng Giêng, người dân trong vùng lại cùng nhau về đền thờ Quận công Hà Công Thái tham dự lễ hội Mường Khô để bày tỏ sự ngưỡng vọng với các thế hệ tiền nhân đã góp sức mình cho quê hương, đất nước; đồng thời cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với cộng đồng, dân cư. Lễ hội Mường Khô là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân trong vùng”.

Khánh Lộc

(Bài viết có tham khảo, sử dụng một số tư liệu lưu giữ tại địa phương và sách Văn tài võ lược xứ Thanh).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]