(Baothanhhoa.vn) - Được trao cơ hội thử thách khi còn "non nớt" kinh nghiệm và tuổi đời, nhưng bằng lòng nhiệt huyết, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người trẻ, nhiều bí thư chi bộ, trưởng bản, khu phố đang góp sức mình xây dựng vùng biên Quan Sơn ngày càng ấm no.

Khi người trẻ được... cống hiến

Được trao cơ hội thử thách khi còn “non nớt” kinh nghiệm và tuổi đời, nhưng bằng lòng nhiệt huyết, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người trẻ, nhiều bí thư chi bộ, trưởng bản, khu phố đang góp sức mình xây dựng vùng biên Quan Sơn ngày càng ấm no.

Khi người trẻ được... cống hiếnNhững cánh đồng bạt ngàn cây gai xanh ở bản La, xã Trung Xuân (Quan Sơn) mang dấu ấn của bí thư chi bộ, trưởng bản Lữ Văn Phong. Ảnh: Đỗ Đức

Chuyện "con nít" ngồi “chiếu trên”

Thấm thoát hơn 2 nhiệm kỳ chi bộ đã qua, ngồi ngẫm lại, Vi Văn Chung (sinh năm 1990) vẫn toát mồ hôi hột khi nhớ những ngày đầu làm cán bộ bản. Năm 2017, anh được bầu làm bí thư chi bộ, trưởng bản trẻ tuổi nhất huyện, khi mới 27 tuổi. “Con nít” ngồi “chiếu trên” với các ông già, bà cả trong bản để lý luận, khuyên họ làm theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã là chuyện gian nan, cực nhọc. Nhưng cố gắng và cầu thị tiến bộ, Chung cũng làm được.

Gặp lại, Chung đã cứng cáp hơn cái vẻ mặt non nớt nhưng bầu bĩnh trên thân hình rắn chắc. Anh chỉ tay ra con đường bê tông chạy qua những ngôi nhà kiên cố, rồi tít xa là nhà văn hóa khang trang,... như để chứng minh với tôi về sức trẻ khi được “chọn mặt gửi vàng”. Ở nhiều huyện miền núi, dẫu được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, trong đó có hỗ trợ xi măng đến tận chân công trình, dân bản chỉ cần bỏ ngày công, hoặc hiến thêm đất, nhưng không phải bản làng nào cũng làm được đường bê tông. Còn ở khu phố Hao (trước là bản Hao), không những hoàn thành đường giao thông nội thôn, bí thư Chung đã lãnh đạo Nhân dân xây nhà văn hóa, làm khu vui chơi cho trẻ em...

Khu phố Hao trước là bản, thuộc xã Sơn Lư. Năm 2019 xã Sơn Lư và thị trấn Quan Sơn sáp nhập, thành lập thị trấn Sơn Lư, bản Hao trở thành khu phố. Đây là nơi sinh sống của 71 hộ dân với 330 nhân khẩu, trong đó có 70 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Phần nhiều bà con sinh sống dọc Quốc lộ 217, thuận lợi giao thương, nhưng đất canh tác ít, giai đoạn 2016-2020 khu phố vẫn còn 36 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 17 triệu đồng/năm. Đường đi lối lại gặp nhiều khó khăn do là đường đất, lại nhỏ hẹp, hễ mưa xuống thì trơn trượt, dân bản phải bấm chân mới đi được. Con dốc Hao khi ấy, mỗi mùa mưa có đến hàng trăm lượt người ngã xe máy, xe đạp do đường trơn trượt và rộng chưa đầy mét.

Chi ủy giới thiệu, Chung được Đại hội Chi bộ bản Hao nhiệm kỳ 2017-2020 bầu làm bí thư, rồi sau đó được Nhân dân bầu làm trưởng bản. Câu chuyện ngắn gọn có vậy, nhưng để được đảng viên và người dân tin tưởng lựa chọn lại khác. Bởi đất lề quê thói, tâm lý người dân thường chọn người cao tuổi để tin tưởng giao trọng trách. Còn Chung lại quá trẻ. Đảng ủy xã Sơn Lư khi ấy phải làm công tác tư tưởng cho đảng viên. Và Chung đã được trao một cơ hội để cống hiến.

Trình độ học vấn chưa cao, mới chỉ tốt nghiệp THPT, lại trẻ tuổi, những ngày đầu Chung gặp khó khăn trong vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ trương của chi bộ, nhất là tuyên truyền, vận động những người lớn tuổi trong bản. Nhưng Chung có lòng nhiệt huyết, năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người trẻ. “Những ngày đầu trực tiếp đi vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nội thôn, có người nói thẳng em là con nít thì nói chuyện với con nít, không được phép nói chuyện với người lớn. Em buồn, nhưng không giận, đã giải thích rằng, tuy nhỏ tuổi, vai vế trong gia đình, dòng họ là con cháu, nhưng công việc thì em là đại diện của bản. Việc em làm là vì bản, vì người dân, chứ không vì lợi ích cá nhân. Cuối cùng họ cũng nghe và làm theo. Đến nay đã có 15 hộ dân hiến hơn 150m2 đất ở để làm đường giao thông”, Chung kể.

Việc khó dần qua đi, anh suy nghĩ rồi bàn với chi bộ tập trung thực hiện các giải pháp để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Cùng với bê tông hóa đường, Chung đã bắt tay cùng với ban công tác mặt trận bản vận động Nhân dân đưa gia súc ra khỏi gầm nhà sàn đến khu chăn nuôi tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường sống; rồi huy động sức người, sức của cùng với Nhà nước xây dựng nhà văn hóa... Dường như cảm mến, tin yêu người bí thư chi bộ, trưởng bản trẻ tuổi nhiệt tình, năng nổ mà người dân đã nghe và làm theo. Và sau khi cởi bỏ tấm áo bản, khu phố Hao đã không còn tình trạng nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn, hay trong khu dân cư.

Trong chuyện vận động Nhân dân đưa giống lúa N97 vào sản xuất, hoặc vay vốn phát triển đàn trâu bò, ban đầu cũng chẳng mấy người nghe theo Chung. Nhưng rồi kiên trì vận động, thậm chí cầm tay chỉ việc nên nhiều người dân trong khu phố đã làm theo và có lãi. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở khu phố Hao đã đạt trên 25 triệu đồng/năm. Và Chung đã được đảng viên và Nhân dân tin yêu, quý trọng, tiếp tục được bầu làm bí thư chi bộ, trưởng khu phố trong 2 nhiệm kỳ tiếp theo. “Khi người dân chưa hiểu, thì họ nói rất khó nghe. Có lúc em đã phải rớm nước mắt, nhưng mình là cán bộ của dân thì không thể trách, mắng họ được. Phải tuyên truyền, vận động, thuyết phục để họ hiểu, thấy lợi ích khi làm theo. Khi người dân đã đồng thuận thì việc khó cũng thành dễ”. Chung bộc bạch.

Từ một chủ trương đúng đắn

Ở huyện vùng biên Quan Sơn, những người trẻ được trao cơ hội làm bí thư chi bộ, trưởng bản, khu phố không phải là chuyện hiếm. Theo thống kê của Huyện ủy Quan Sơn, trong số 94 bản, khu phố trên địa bàn thì có đến 76 bí thư chi bộ, trưởng bản, khu phố tuổi đời dưới 50. Được đảng tin, dân bầu, hầu hết họ đã phát huy sức trẻ, năng động, sáng tạo tổ chức lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước các cấp, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Như câu chuyện ở bản Ban, xã Sơn Điện, được bầu làm bí thư chi bộ, trưởng bản khi mới 28 tuổi, anh Vi Văn Ân (sinh năm 1992) đã vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng đường làng, ngõ xóm, làm thay đổi diện mạo bản làng. Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), giờ đây bản Ban đang nỗ lưc xây dựng NTM kiểu mẫu. Hay là câu chuyện của anh Vi Văn Piên (sinh năm 1983) làm trưởng bản Ngàm, xã Tam Thanh từ năm 2014, lúc 34 tuổi, rồi được bầu làm bí thư chi bộ, trưởng bản từ năm 2017 đến nay. Hơn 8 năm qua, anh đã cùng với chi bộ, ban công tác mặt trận bản vận động Nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế... Nhờ đó, dù xuất phát điểm thấp, nhưng bản Ngàm đã nhanh chóng về đích NTM vào năm 2019. Mới đây, anh Piên đã vận động Nhân dân khu Co Hương sinh sống ở nơi có nguy cơ cao bị sạt lở do lũ ống, lũ quét di dời đến nơi ở mới do Nhà nước đầu tư, xây dựng trên đồi Pom Phai. Đó còn là bí thư, trưởng bản La, anh Lữ Văn Phong (sinh năm 1985) xã Trung Xuân đã vận động Nhân dân trồng cây gai xanh để thay thế cây ngô, sắn hiệu quả thấp...

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những bí thư chi bộ, trưởng bản, khu phố thường xuyên được Huyện ủy Quan Sơn quan tâm bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng liên quan đến công tác quản lý Nhà nước, công tác dân vận, quy tắc ứng xử... Đồng thời Ban Thường vụ Huyện ủy cũng phân công các đồng chí Huyện ủy viên trực tiếp về bản, khu phố dự sinh hoạt chi bộ thường kỳ, cùng với chi ủy tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế...

Việc trao cơ hội cho người trẻ và tạo điều kiện để họ cống hiến đang là việc làm đúng đắn, được “sản sinh” từ Chương trình 20-CTr/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quan Sơn về “Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở, giai đoạn 2021-2025” (gọt tắt là Chương trình 20 - PV). Qua chương trình, huyện phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở các đảng bộ xã, thị trấn và các chi bộ bản, khu phố có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần sớm đưa Quan Sơn thoát khỏi huyện nghèo và đứng trong tốp khá của các huyện miền núi vào năm 2025.

Dẫu rằng trong thực hiện chương trình này, nhiều bản, khu phố còn chưa được trang bị máy tính; nhiều chỉ tiêu còn gặp khó khăn,... nhưng khi những người trẻ được tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, cống hiến sức lực, trí tuệ, tâm huyết vì quê hương thì vùng biên Quan Sơn sẽ ngày càng tươi đẹp hơn. Và Chương trình 20 đã và đang tạo nên luồng sinh khí mới cho những bản làng vùng biên khởi sắc.

Theo đánh giá của Huyện ủy Quan Sơn, sau 1 năm thực hiện Chương trình 20, người hoạt động không chuyên trách ở các bản, khu phố từng bước được nâng cao về trình độ, được trẻ hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sau đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022 và 2022-2025 đã có nhiều thay đổi rõ rệt, trình độ đội ngũ người không chuyên trách được nâng lên, có 85/94 bí thư chi bộ, trưởng bản có trình độ văn hóa 12/12, trong đó 5 người có chuyên môn đại học, 8 cao đẳng và 18 trung cấp. Đại đa số cán bộ bản, khu phố tuổi đời dưới 45.

Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]