17:06 10/10/2023 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Chiều 10/10, Ban Dân vận Tỉnh ủy tọa đàm kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2023); 50 năm thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy (26/6/1973 - 26/6/2023) và biểu dương điền hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2023. Tại buổi tọa đàm đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, mọi công chức, viên chức (*)

Chiều 10/10, Ban Dân vận Tỉnh ủy tọa đàm kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2023); 50 năm thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy (26/6/1973 - 26/6/2023) và biểu dương điền hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2023. Tại buổi tọa đàm đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, mọi công chức, viên chức (*)

Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh!

Thưa các vị đại biểu, khách quý!

Thưa các bác, các anh, các chị, các đồng chí cán bộ, công chức Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa qua các thời kỳ thân mến!

"Tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc" là bài học lớn được đúc rút qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhiều bậc minh quân và các nhà tư tưởng lớn luôn xem “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Thấm nhuần tư tưởng của ông cha, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Bác Hồ muôn vàn kính yêu luôn đề cao vai trò to lớn của Nhân dân, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ, máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Xem mục đích chăm lo lợi ích, hạnh phúc của Nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng; đồng thời, làm tốt công tác dân vận và liên hệ mật thiết với Nhân dân là truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh vô tận của Đảng ta. Và chính nhờ vậy, mà Đảng ta đủ sức mạnh để lãnh đạo cách mạng vượt qua muôn vàn khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù nguy hiểm và hung bạo nhất.

Trong không khí hào hùng của những ngày mùa thu lịch sử, hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống các ban của Đảng; hôm nay, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh và các quý vị đại biểu, khách quý rất vui mừng tới dự Tọa đàm kỷ niệm 93 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2023); 50 năm thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy (26/6/1973 - 26/6/2023) và biểu dương điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2023 do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu khách quý và qua các đồng chí gửi tới toàn thể cán bộ làm công tác dân vận tỉnh nhà lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, mọi công chức, viên chức (*)

Các đại biểu dự tọa đàm.

Thưa các đồng chí!

Như chúng ta đều biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của Nhân dân và khẳng định vị trí to lớn của công tác dân vận đối với sự nghiệp cách mạng. Trong tác phẩm “Dân vận” đăng trên báo Sự thật, ngày 15/10/1949, Người nhấn mạnh “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”, “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”... Đây được xem là cương lĩnh về công tác dân vận của Đảng ta. Với tầm vóc và giá trị lớn lao của tác phẩm, vào tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận”, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và lấy ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để cùng nhau học tập và thực hiện những lời Bác dạy về công tác dân vận.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt chặng đường lịch sử, công tác dân vận đã phát huy vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, vận động, không ngừng củng cố và bồi đắp mối quan hệ máu thịt giữa Đảng - Nhà nước với Nhân dân, tập hợp các tầng lớp Nhân dân để tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, động viên sức người, sức của và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc, công tác dân vận là đỉnh cao của nghệ thuật vận động và tập hợp quần chúng đứng lên giải phóng dân tộc, tạo nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, với sức mạnh cuồn cuộn như “triều dâng thác đổ”, đập tan ách thống trị thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay Nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, công tác dân vận là khúc tráng ca yêu nước, là sự cống hiến, hy sinh quên mình, hết thảy của biết bao chiến sĩ, đồng chí, đồng bào, để làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ hòa bình, công tác dân vận góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng; vận động Nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Đối với tỉnh ta, nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân vận, ngay khi mới ra đời, Đảng bộ tỉnh đã thành lập các tổ chức công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, Mặt trận phản đế để làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng. Đặc biệt, trước yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngày 26/6/1973, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy. Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, trong mỗi thời kỳ cách mạng, Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận các cấp đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc, vùng đồng bào có đạo; triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương cấp đất ở, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông. Công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được quan tâm; đã phát huy vai trò của lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào có đạo, người có uy tín, già làng, trưởng bản trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở...

Nhiều phong trào thi đua được phát động, biến thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi, tự giác, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia; trong đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh hưởng ứng, thực hiện hiệu quả. Giai đoạn 2021-2023 vừa qua, phong trào đã nảy nở, phát triển ở khắp các vùng miền, địa phương trong tỉnh; trong từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể đã xuất hiện hàng ngàn, hàng vạn mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, với những việc làm thiết thực, hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được nhân rộng trong xã hội. Nhiều tấm gương “Dân vận khéo” đã thể hiện tinh thần vượt khó vươn lên, không sờn lòng, không lùi bước, làm việc vô tư, quên mình, hết lòng thương yêu Nhân dân và gắn bó với tập thể, miệt mài học tập và trau dồi đạo đức, âm thầm hy sinh quên mình vì lợi ích tập thể, vì người lao động, vì hạnh phúc của Nhân dân, lập nên những thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực.

Thực tiễn lịch sử vẻ vang 93 năm qua của Đảng ta cho thấy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng đều là những cán bộ giỏi làm công tác dân vận, đều trải qua thực tiễn phong trào cách mạng của quần chúng mà trưởng thành. Qua mỗi thời kỳ, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận, Mặt trận và các đoàn thể đã thực sự trở thành nhân tố quan trọng trong công tác dân vận của Đảng. Nhiều đồng chí trưởng thành được giao nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cán bộ làm công tác dân vận tỉnh nhà.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, hệ thống dân vận các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vào sự phát triển chung của tỉnh; nhiệt liệt biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” được vinh danh khen thưởng hôm nay.

Thưa các đồng chí!

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thuận lợi đan xen không ít khó khăn, thách thức. Bảo đảm tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với không ngừng nâng cao mức sống của Nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những tác động mặt trái rất ghê gớm, xâm nhập ngay vào trong tư tưởng, tình cảm, làm hư hỏng con người, thoái hóa, biến chất, mất cán bộ. Cùng với đó, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, gia tăng các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta, kích động, chia rẽ, cô lập chúng ta.

Cùng với đó, Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông, nhiều đầu mối đơn vị hành chính, với hơn 1 triệu người sống ở khu vực miền núi, trên 7% số người theo các tôn giáo. Thực tiễn vô cùng phong phú đó đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó đòi hỏi những cán bộ làm công tác vận động quần chúng phải không ngừng đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn và thước đo để đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác. Không thể có hiệu quả hoặc kết quả cao nếu chúng ta tách rời thực tiễn, không nắm tình hình, không nắm vững địa bàn, xa Nhân dân. Phát triển kinh tế phải đi đôi với an sinh xã hội; xây dựng chính sách chăm lo cho dân, không để một bộ phận nào bị thiệt thòi, kém phát triển, tạo ra công bằng xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân.

Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, mọi công chức, viên chức (*)

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại tọa đàm.

Để công tác dân vận tiếp tục phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”, tôi đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận các cấp cần tập trung thực hiện thắng lợi một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các địa phương, tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận.

Công tác tham mưu của hệ thống dân vận phải chủ động; nội dung tham mưu phải chính xác, kịp thời, sáng tạo, không được chung chung dập khuôn, máy móc, khắc phục phương pháp làm việc hành chính hoá, thiếu sâu sát cơ sở và thực tiễn. Muốn vậy, cán bộ làm công tác dân vận phải thường xuyên học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, kỹ năng vận động quần chúng, nắm vững các chủ trương, nghị quyết, các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, của địa phương, và đặc biệt là phải nắm chắc tình hình nhân dân, tình hình cơ sở, để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đúng, trúng và đạt kết quả.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị với công tác dân vận, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng'' nhằm phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo và vai trò làm chủ của Nhân dân để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng. Phải luôn ý thức rằng trong các mối quan hệ của Đảng thì mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân là cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn. Sức mạnh mà ta có được để làm nên sự nghiệp cách mạng là nhờ Đảng ta xây dựng được mối quan hệ gắn bó máu thịt với Nhân dân; tăng cường quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, phải làm thật tốt công tác dân vận theo yêu cầu mới. Gắn công tác dân vận với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khắc sâu lời dạy của Người ''Việc dân vận rất quan trọng'', ''Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công''; mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện mình theo tấm gương của Bác, thực sự gương mẫu trước Nhân dân; chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Thứ ba, tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo thực hiện tốt Kết luận số 610-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVIII) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Thanh Hóa. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của dân vận, Mặt trận, các đoàn thể và các hội quần chúng, nhất là khối dân vận xã, phường, thị trấn, tổ dân vận, ban công tác dân vận ở thôn bản, khu phố; thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân. Thực hiện nghiêm Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm. Công tác dân vận phải được tiến hành thường xuyên, bền bỉ, không mệt mỏi, làm công tác dân vận theo phong cách trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với Nhân dân.

Thứ tư, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát động. Phong trào thi đua "Dân vận khéo" phải được rà soát, bổ sung thêm những tiêu chí mới, cách làm mới, phải thật cụ thể, thiết thực, gắn với tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” trên mọi lĩnh vực; phát huy tinh thần yêu nước, thực hành dân chủ, tạo nên phong trào hành động cách mạng sâu rộng của toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vững về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn, gần dân, sâu sát cơ sở, thực sự là những cán bộ “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác vận động quần chúng trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, triển khai hiệu quả cơ chế phối hợp hoạt động giữa chính quyền với Ban dân vận các cấp, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác dân vận của Đảng. Tăng cường cải cách hành chính, thực hiện nghiêm chế độ công khai theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, mọi công chức, viên chức, tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm làm tốt công tác dân vận; tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống dân vận các cấp tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn mới; đồng thời, tạo điều kiện cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia làm công tác dân vận, vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thưa các đồng chí!

Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng; 50 năm thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy và biểu dương điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2023 là dịp để chúng ta ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của ngành Dân vận, bồi đắp thêm niềm tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng, về truyền thống 93 năm vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và 50 năm phát triển của Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và những thành tích đã đạt được trong thời gian qua; tôi tin tưởng chắc chắn rằng công tác dân vận tỉnh ta sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần xây dựng Thanh Hoá sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh văn minh và hiện đại, tỉnh giàu đẹp và kiểu mẫu của cả nước.

Với trách nhiệm, tình cảm và sự tin tưởng, kỳ vọng vào sự phát triển của công tác dân vận tỉnh nhà, một lần nữa, tôi chúc các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công. Chúc Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận tỉnh nhà lập được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trong giai đoạn mới.

Xin trân trọng cảm ơn.

-----

(*) Tít đầu đề là của Tòa soạn

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]