Chợ truyền thống bắt nhịp chuyển đổi số
Không phải chỉ ở những chợ điểm triển khai mô hình chợ 4.0, nhanh nhạy bắt nhịp chuyển đổi số, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng đã áp dụng số hóa trong thanh toán các giao dịch, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Khách hàng quét mã QR thanh toán giao dịch tại chợ Hôm Sung (xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa).
Chợ Hôm Sung (xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa) hiện có trên 60 hộ tiểu thương đang buôn bán. Vài năm trở lại đây, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến, hầu hết các hộ tiểu thương đều đã có bảng quét QR để khách hàng thuận lợi thanh toán khi mua hàng.
Kinh doanh hoa quả tại chợ Hôm Sung đã nhiều năm nay, chị Lê Thị Huế chia sẻ: Trước đây, khi mua bán, khách hàng có thể trả tiền mặt hoặc nếu khách chuyển khoản qua số tài khoản thì tôi phải đọc số tài khoản, nhưng gần một năm nay tôi đã sử dụng bảng mã quét QR để khách hàng thuận tiện hơn khi thanh toán. Hình thức thanh toán này rất tiện lợi cho cả người mua và người bán, chính vì thế ngày càng nhiều khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, UBND xã Hoằng Đồng đã phối hợp với các ngân hàng đến tận chợ để hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng và cung cấp mã QR miễn phí cho tiểu thương, hướng dẫn các hộ tiểu thương sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến... Hiện nay, hầu hết các tiểu thương tại chợ đã có bảng mã QR, thậm chí một quầy còn có 2 - 3 mã của các ngân hàng khác nhau. Ngoài ra, UBND xã cũng tích cực tuyên truyền với tiểu thương về công tác chuyển đổi số, mô hình chợ 4.0, phối hợp với các đơn vị để từng bước số hóa hoạt động kinh doanh, bắt kịp xu hướng số.
Tại huyện miền núi Như Thanh, việc đẩy mạnh ứng dụng số hóa đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và đưa chợ truyền thống trở nên hiện đại hơn. Hiện nay, ở hầu hết các chợ, tiểu thương đã ứng dụng số hóa vào hoạt động kinh doanh như thanh toán không dùng tiền mặt; khai thác tiện ích từ công nghệ và mạng xã hội để phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh bằng việc bán hàng qua zalo, facebook, sàn thương mại điện tử...
Xã Yên Thọ (Như Thanh) hiện có 2 chợ truyền thống là chợ Đập và chợ Mới họp luân phiên nhau. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Đại cho biết: UBND xã đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng thương mại hướng dẫn các hộ kinh doanh mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt, cài đặt ứng dụng thanh toán, làm bảng mã QR... UBND xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về tiện ích của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt góp phần làm giảm rủi ro tiền giả, tiền rách, dễ dàng quản lý thu chi, thanh toán nhanh chóng, tiết kiệm thời gian đối với cả người bán và người mua.
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, tình hình kinh tế và hoạt động kinh doanh tại chợ truyền thống gặp khó khăn, khách hàng dần tiếp cận với các hình thức mua hàng online, giao hàng tại nhà... Do đó, cùng với thay đổi hình thức thanh toán, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống đã nhanh nhạy ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội trong hoạt động bán hàng để thúc đẩy kinh doanh.
"Ngoài bán trực tiếp, tôi cũng thường xuyên đăng các sản phẩm nem chua của gia đình lên facebook, zalo để khách hàng biết đến và đặt hàng. Do tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng ở nhiều nơi khác nhau nên lượng khách mua hàng trực tuyến cũng khá đông, nhờ vậy thời gian gần đây việc kinh doanh của tôi khá thuận lợi. Số khách hàng có nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, chiếm từ 30 - 40% trong tổng số các giao dịch mua bán”, bà Lê Thị Thanh, tiểu thương tại thị trấn Bến Sung (Như Thanh) chia sẻ.
Ông Nguyễn Sỹ Thử, công chức văn hóa thị trấn Bến Sung cho biết: Thị trấn đã triển khai đến toàn dân về phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và đã có khoảng 80% hộ dân tiếp cận được với phương thức thanh toán này. Trong đó, 100% các tiểu thương tại chợ thị trấn Bến Sung đã có bảng quét mã QR để đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân, góp phần giúp hoạt động giao thương tại chợ truyền thống thời gian qua diễn ra sôi động.
Có thể thấy, nhờ nhanh chóng bắt nhịp chuyển đổi số đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh từ các chợ truyền thống, đáp ứng nhu cầu của người dân... Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh, tránh nguy cơ tụt hậu, góp phần đưa hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển sôi động, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2024-11-21 08:54:00
Sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách thuận lợi cho người bệnh BHYT
-
2024-11-21 06:10:00
Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025
-
2024-01-12 15:12:00
Chuyển đổi số giúp nông sản mở rộng thị trường tiêu thụ
Xã Quảng Bình: Chuyển đổi số hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thông minh và hiện đại
Thúc đẩy chuyển đổi số
Tuổi trẻ Đông Sơn xung kích, tình nguyện vì cộng đồng
Dấu ấn chuyển đổi số ở Như Thanh
Đẩy mạnh cài đặt chữ ký số cho người dân
Khẳng định vai trò dẫn dắt chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
Dấu ấn ở Quảng Thắng
Thúc đẩy chuyển đổi số để trở thành đô thị thông minh
Đoàn thanh niên tham gia chuyển đổi số