Chỉ thị về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Ảnh minh họa.
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 27/4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, từng bước tăng cường kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Hệ thống y tế tư nhân đã góp phần đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân; một số cơ sở đã triển khai được các kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật chuyên sâu, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng và việc chấp hành quy định pháp luật của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân (HNYDTN) trên địa bàn tỉnh.
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động HNYDTN, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và tránh chồng chéo trong hoạt động quản lý; phát huy những mặt tích cực, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Sở Y tế
- Là cơ quan chủ trì có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn toàn tỉnh; tham mưu ban hành các quyết định, chỉ thị, văn bản quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực HNYDTN theo quy định của pháp luật. Ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về HNYDTN theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và UBND tỉnh.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các cơ sở HNYDTN; vận động, nâng cao y đức, kiến thức của người hành nghề y, dược. Tăng cường công tác tập huấn các quy định của pháp luật cho các cơ sở y, dược tư nhân và cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý HNYDTN.
- Giao trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị công lập trong ngành quán triệt, kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ cán bộ, viên chức trong đơn vị chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động HNYDTN và xử lý nghiêm cán bộ, viên chức, người lao động có hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
- Đảm bảo việc cấp, cấp lại: Giấy phép hành nghề; chứng chỉ hành nghề; giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo đúng quy định. Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý HNYDTN bảo đảm tính chặt chẽ, công khai, minh bạch đúng quy định.
- Thực hiện tốt công tác kiểm nghiệm chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; bảo đảm các sản phẩm lưu hành trên thị trường đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xử lý các vi phạm theo quy định về chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm đối với hoạt động HNYDTN; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử của Sở Y tế danh sách các cơ sở vi phạm pháp luật để nhân dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm.
- Phối hợp với UBND cấp huyện và các ngành liên quan giải quyết, xử lý dứt điểm tình trạng cơ sở hành nghề y, dược không phép.
- Tổng hợp đề xuất về khen thưởng của các cơ sở y, dược tư nhân gửi Sở Nội vụ thẩm định thành tích, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Bảo hiểm xã hội tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để xác định đối tượng, cơ cấu nhóm đối tượng và số lượng người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại từng cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn phù hợp với quy mô và khả năng cung ứng dịch vụ y tế của từng cơ sở; tổ chức ký hợp đồng khám, chữa bệnh với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khi đủ điều kiện theo đúng quy định, đảm bảo phù hợp với địa giới hành chính trên địa bàn; tăng cường công tác giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; kịp thời thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tư nhân theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.
3. Sở Nội vụ
Sở Nội vụ trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố; phối hợp thẩm định nhu cầu điều chỉnh, bổ sung nhân lực của các cơ quan đơn vị thực hiện công tác quản lý nhà nước về y, dược tư nhân đảm bảo quy định, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định. Phối hợp thẩm định thành tích, tham mưu cho cấp có thẩm quyền khen thưởng các cơ sở y, dược tư nhân thực hiện tốt các quy định và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp cung cấp thông tin về hoạt động cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư về lĩnh vực y, dược theo quy định của Luật Đầu tư và các văn bản có liên quan trên cơ sở đề nghị của Sở Y tế.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
Thường xuyên kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân theo quy định của pháp luật.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các sản phẩm báo chí, xuất bản và trên môi trường mạng để ngăn chặn việc đăng tin quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn hoặc không đúng với nội dung chuyên môn đăng ký.
- Kiên quyết xử lý, xử phạt nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động quảng cáo; đồng thời, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và Trang thông tin điện tử của Sở danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có vi phạm.
7. Công an tỉnh
- Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến HNYDTN; hoạt động quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ trái quy định trên các trang mạng xã hội. Kịp thời điều tra, xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực HNYDTN.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở HNYDTN.
- Tổ chức công tác nắm tình hình trên không gian mạng, kịp thời phát hiện và xử lý các cá nhân, tổ chức sử dụng không gian mạng lợi dụng hoạt động quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ y tế để vi phạm pháp luật; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các sản phẩm báo chí, xuất bản và môi trường mạng để ngăn chặn, xử lý việc đăng tin sai sự thật, tin giả, hoạt động lừa đảo.
8. Cục Quản lý thị trường tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng cấm, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và vật tư y tế trên địa bàn tỉnh.
9. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; Báo Thanh Hóa
Tăng cường thời lượng các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân, tuyên truyền về tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe khi sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở không phép, không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định; tuyên truyền các quy định của pháp luật về hoạt động HNYDTN nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người hành nghề.
10. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở HNYDTN và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về hoạt động HNYDTN trên địa bàn quản lý; có các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý theo đặc thù từng địa bàn.
- Thường xuyên tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định, điều kiện về hành nghề y, dược tư nhân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; quyết liệt tập trung giải quyết dứt điểm những cơ sở hành nghề y, dược không phép (đặc biệt lưu ý phòng khám răng hàm mặt, các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, spa). Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu trên địa bàn quản lý để xảy ra trường hợp cơ sở HNYDTN không phép hoạt động; các cơ sở cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ, spa thực hiện các dịch vụ trái quy định.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về HNYDTN cho các tổ chức, cá nhân hành nghề và nhân dân trên địa bàn. Vận động nhân dân phát hiện, tố giác các cơ sở HNYDTN hoạt động không phép, sai phép, quảng cáo sai sự thật; hoặc xử lý chất thải, nước thải y tế không đúng quy định,... kịp thời phản ánh cho các cơ quan chức năng xử lý.
- Giao Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh và dược trên địa bàn; thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở hành nghề trên địa bàn theo quy định; xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố nếu để xảy ra tình trạng HNYDTN không phép, cơ sở thẩm mỹ, spa hoạt động trái quy định trên địa bàn quản lý.
- Công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của huyện, thị xã, thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương về các tổ chức, cá nhân có vi phạm quy định pháp luật về HNYDTN để người dân theo dõi, giám sát; nâng cao hiểu biết và lựa chọn dịch vụ y tế của người dân.
11. Các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân
- Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về HNYDTN; chỉ được hành nghề khi có đủ điều kiện theo các quy định của pháp luật. Khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng các kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Hoạt động trong phạm vi chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền cho phép; không quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá khả năng của mình.
- Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí khám, chữa bệnh BHYT; không để tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ kỹ thuật đông y, phục hồi chức năng không cần thiết; tuyệt đối không chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú khi tình trạng bệnh chưa đến mức phải nằm viện.
-Khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh tự đánh giá chất lượng và công bố kết quả tự đánh giá công khai trên Trang thông tin điện tử của đơn vị (nếu có) và của Sở Y tế. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 27/4/2018 của Chủ tịchUBND tỉnh về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc nội dung trên. Giao Sở Y tế theo dõi, kiểm tra, giám sát, định kỳ 6 tháng và cuối năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Theo TTV
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:11:00
Tập huấn kiến thức y học gia đình, quản lý bệnh mạn tính cho quân y đơn vị và cán bộ trạm y tế khu vực biên giới
-
2024-11-21 16:06:00
Quốc hội thông qua Luật Dược sửa đổi với 7 nhóm điểm mới cơ bản
-
2024-07-13 14:00:00
Ký kết thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh các giải pháp công nghệ toàn diện tại Tổng Công ty CP Hợp Lực
Bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, người dân hoang mang tự tiêm vắc xin
Nâng cao năng lực giám sát, phòng và điều trị bệnh bạch hầu cho cán bộ y tế
Bộ Y tế thông tin gì về chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu?
Phát hiện thêm một ca bệnh bạch hầu từng tiếp xúc gần với F0
Bộ Y tế: Ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu
Việt Nam có bao nhiêu người mắc bệnh bạch hầu từ đầu năm 2024 đến nay?
Bộ Y tế: Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đang có xu hướng gia tăng
Bàn các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh?