Căng thẳng ở Biển Đỏ khiến tình hình thương mại toàn cầu 2024 kém lạc quan hơn
Lãnh đạo WTO cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn, các căng thẳng địa chính trị xấu đi, tình hình gián đoạn mới phát sinh ở Biển Đỏ, kênh đào Suez, kênh đào Panama.
Tàu của hải quân Israel tuần tra ngoài khơi thành phố cảng Eliat, trên Biển Đỏ, ngày 26/12/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 17/1, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala nhận định thương mại toàn cầu năm 2024 kém lạc quan hơn do tác động của tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ.
Phát biểu với các phóng viên tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, lãnh đạo WTO cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn, các căng thẳng địa chính trị xấu đi, tình hình gián đoạn mới phát sinh ở Biển Đỏ, kênh đào Suez, kênh đào Panama khiến bức tranh thương mại toàn cầu kém lạc quan hơn.
Trước khi xung đột Hamas-Israel nổ ra vào tháng 10/2023, WTO dự báo thương mại toàn cầu tăng trưởng 0,8% trong năm 2023 và 3,3% trong năm 2024.
Tuy nhiên, trong phát biểu mới, bà Okonjo-Iweala cảnh báo tốc độ tăng trưởng của năm 2024 có thể sẽ thấp hơn. WTO nhận thấy có nhiều nguy cơ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 so với các dự báo trước đó. Cơ quan này sẽ đánh giá lại và điều chỉnh dự báo trong tối thiểu là hơn 1 tháng nữa.
Lực lượng Houthi ở Yemen đã tấn công các tàu hàng trên Biển Đỏ, làm gián đoạn tuyến vận tải biển quan trọng này trong khi lưu thông qua kênh đào Panama cũng gặp nhiều khó khăn do hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm khiến mực nước xuống thấp buộc nhà chức trách phải điều độ giảm lưu lượng tàu thuyền qua lại.
Lực lượng Houthi thông báo thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các tàu chở hàng liên quan Israel để bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza và sẽ không dừng lại nếu Israel vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự ở dải đất này.
Sau khi lực lượng Houthi thực hiện các cuộc tấn công trên, các lực lượng Anh và Mỹ đã tấn công nhiều mục tiêu ở Yemen, khiến tình hình tại nước này thêm căng thẳng. Hơn 20 tổ chức nhân đạo bày tỏ quan ngại sâu sắc tình trạng leo thang quân sự có thể khiến các hoạt động vận chuyển hàng hóa bị gián đạo, đẩy giá cả lên cao.
Thông báo chung từ 26 tổ chức cứu trợ tại Yemen nêu rõ nước này vẫn đang chịu một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới và tình hình tiếp tục xấu đi do căng thẳng leo thang cản trở các nỗ lực cứu trợ cho người dân nước này.
Các tổ chức cứu trợ kêu gọi các bên ưu tiên những biện pháp ngoại giao để giảm căng thẳng và bảo vệ tiến trình hòa bình ở quốc gia có tới hơn 2/3 dân số sống dựa vào cứu trợ này.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xem xét thành lập một phái bộ an ninh hàng hải tại Biển Đỏ. Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani mong muốn các nước EU đạt được đồng thuận chính trị về vấn đề này vào tuần tới để đưa phái bộ vào hoạt động càng sớm càng tốt.
Mục tiêu là thành lập phái bộ trước ngày 19/2 và đưa vào hoạt động ngay sau đó. Một số nhà ngoại giao EU hy vọng quá trình sẽ được đẩy nhanh trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực và vấn đề sẽ được các Ngoại trưởng EU thảo luận vào ngày 22/1.
Theo ông Tajani, giải pháp nhanh nhất là mở rộng phái bộ Agenor do EU dẫn đầu đang hoạt động ở eo biển Hormuz sang Biển Đỏ.
Hiện Pháp và Italy đã có tàu chiến ở khu vực trong khi Đức dự định điều tới đây tàu chiến Hesse. Đây sẽ là những tàu đầu tiên tham gia phái bộ của EU. Italy, Tây Ban Nha và Pháp không tham gia các cuộc tấn công do các lực lượng Mỹ và Anh thực hiện tại Yemen và không ký tuyên bố công nhận các cuộc tấn công này.
Tuy nhiên, phái bộ của EU sẽ phối hợp với chiến dịch hiện nay do Mỹ dẫn đầu để tuần tra tại khu vực./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-12-11 15:51:00
Tại sao Israel tấn công Syria?
-
2024-12-11 09:18:00
Kỷ nguyên mới ở Syria và vị thế của Iran
-
2024-01-17 15:24:00
Tại sao Iowa trở thành bang “nổ phát súng đầu tiên” cho năm bầu cử ở Mỹ?
Con đường tăng trưởng gập ghềnh của kinh tế Trung Quốc
Biển Đỏ ở đâu? Vì sao lực lượng Houthi lại tấn công tàu đi qua Biển Đỏ?
Vì sao Gabriel Attal được chọn làm tân Thủ tướng Pháp?
Vì sao năng suất lao động của Canada tụt hậu so với các nền kinh tế G7?
Triển vọng lạc quan cho các nền kinh tế châu Á trong năm 2024
Những yếu tố thách thức kinh tế thế giới trong năm 2024
Căng thẳng ở Biển Đỏ nhen nhóm nguy cơ về một khủng hoảng vận tải quốc tế
Sự chuyển dịch “phương trình” Mỹ-Trung trong năm 2023
Cử tri Ai Cập bỏ phiếu bầu cử Tổng thống: Cuộc đua không đối thủ?