(Baothanhhoa.vn) - Từ việc lựa chọn án, đến phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, xây dựng kế hoạch thời gian xét xử...,Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc đã tổ chức thành công nhiều phiên tòa trực tuyến, hoàn thành vượt chỉ tiêu cấp trên giao.

Cải cách tư pháp từ phiên tòa trực tuyến ở Ngọc Lặc

Từ việc lựa chọn án, đến phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, xây dựng kế hoạch thời gian xét xử...,Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc đã tổ chức thành công nhiều phiên tòa trực tuyến, hoàn thành vượt chỉ tiêu cấp trên giao.

Cải cách tư pháp từ phiên tòa trực tuyến ở Ngọc LặcMột phiên tòa trực tuyến ở Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc.

Tuy ở huyện miền núi, nhưng mỗi năm, số vụ, việc mà Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc thụ lý, giải quyết thuộc diện nhiều nhất của tỉnh. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, lại thiếu 2 biên chế, song đơn vị đã nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động, hoàn thành vượt chỉ tiêu về tỷ lệ án được giải quyết. Tính từ đầu năm công tác (1/10/2023) đến đầu tháng 9/2024, Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc đã thụ lý 539 vụ, việc; đã giải quyết 460 vụ, việc, trong đó có 290 việc hòa giải thành. Trong số này, tòa đã thụ lý 74 vụ án hình sự với 178 bị cáo, đã giải quyết 68 vụ với 96 bị cáo.

Đáng chú ý, dù còn gặp nhiều khó khăn, song từ đầu năm đến nay, Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc đã tổ chức thành công 7 phiên tòa xét xử trực tuyến, trong đó có 5 phiên tòa trực tuyến và 2 phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm, vượt chỉ tiêu Tòa án Nhân dân tối cao giao 4 phiên. Đây cũng là đơn vị tổ chức thành công số phiên tòa trực tuyến nhiều nhất của tỉnh, góp phần xây dựng tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời đại số.

Trên thực tế, do nhiều yếu tố, việc tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến đang là nhiệm vụ khó khăn với nhiều tòa án cấp huyện. Trong đó, việc chưa được đầu tư đường truyền viễn thông đảm bảo tiêu chuẩn cho phiên tòa trực tuyến và chưa được cấp kinh phí riêng được xem là những nguyên nhân hàng đầu. Còn chưa kể, không phải vụ án nào cũng có thể xét xử trực tuyến thành công, có thể do hồ sơ, chứng cứ chưa rõ ràng, các bị cáo bị tạm giam, tạm giữ ở nhiều nơi khác nhau, hoặc tội danh không điển hình, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật không cao...

Từ thực tiễn hoạt động, thẩm phán Lê Xuân Vinh, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc chia sẻ, mấu chốt để tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến trong điều kiện hiện nay ở nhiều tòa án khu vực miền núi của tỉnh là công tác lựa chọn án, phối hợp với các cơ quan tố tụng, cơ quan giam giữ, kế hoạch thời gian tổ chức phiên tòa và đường truyền viễn thông. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thẩm phán, thư ký tòa và bộ phận liên quan để tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Theo đó, các vụ án được Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc đưa ra xét xử đều có tính tuyên truyền, giáo dục pháp luật cao, đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm. Cụ thể, các vụ án và bị cáo được đưa ra xét xử đều liên quan đến ma túy, như: xét xử bị cáo Nguyễn Xuân Tình (SN 1992), trú tại thôn Quyết Thắng 1, xã Xuân Bái (Thọ Xuân) cùng đồng phạm bị truy tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo điểm b khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự; xét xử bị cáo Nguyễn Văn Thân (SN 1999), trú tại làng Chầm, xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc) về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự... Những phiên tòa này được tổ chức trong 1 ngày để tiết kiệm chi phí thuê đường truyền viễn thông.

Ngoài ra, đơn vị đã tổ chức thành công 2 phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm, kết nối tới 27 điểm cầu tòa án hai cấp trong tỉnh. Kết thúc các phiên tòa, Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Ngọc Lặc đã tổ chức họp đánh giá ưu nhược điểm, chỉ rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm, nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử các vụ án hình sự.

Trước khi tổ chức phiên tòa trực tuyến, Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc đã phối hợp với các cơ quan tố tụng xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, hoàn thiện các thủ tục pháp lý trong quá trình tố tụng. Đảm bảo tuyệt đối không có nguy cơ cao xảy ra tình trạng phải hoãn phiên tòa do hồ sơ thiếu chặt chẽ, nhân chứng, vật chứng không rõ ràng... Giao thẩm phán phụ trách xét xử vụ án phải xây dựng kế hoạch chặt chẽ về thời gian tổ chức phiên tòa và dự liệu để sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh. Công tác phối hợp với các cơ quan giam giữ bị cáo và đơn vị viễn thông cũng được Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc chủ động thực hiện. Do đó, các phiên tòa đã được diễn ra đảm bảo về tiến độ thời gian và chất lượng công tác xét xử. Quá trình xét xử, phiên tòa diễn ra trang nghiêm, trật tự, đúng quy định. Hệ thống đường truyền ổn định, hình ảnh, âm thanh rõ ràng; tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân theo các quy định của pháp luật.

Thẩm phán Lê Xuân Vinh khẳng định, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là hoạt động thiết thực, nhằm kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đồng thời tiết kiệm tối đa chi phí cho các bên liên quan và đảm bảo an toàn công tác quản lý bị cáo do không phải trích xuất, di lý đến cơ quan tòa án...

Bài và ảnh: Đồng Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]