(Baothanhhoa.vn) - Từ xưa, người thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ, mà còn là nhân cách. Kỳ vọng của xã hội đối với người thầy là đạo đức, tấm gương mô phạm... Sự kỳ vọng ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Giáo dục dù có thay đổi thế nào, người thầy dù có tự làm mới mình để trở thành những “người thầy công nghệ” nhằm thích ứng với những yêu cầu mới trong dạy học tới cỡ nào chăng nữa, thì vẫn có một yêu cầu bất biến, đó là phải truyền được cảm hứng cho học trò và luôn giữ đúng đạo thầy trò.

Biểu tượng của trí tuệ và nhân cách

Từ xưa, người thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ, mà còn là nhân cách. Kỳ vọng của xã hội đối với người thầy là đạo đức, tấm gương mô phạm... Sự kỳ vọng ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Giáo dục dù có thay đổi thế nào, người thầy dù có tự làm mới mình để trở thành những “người thầy công nghệ” nhằm thích ứng với những yêu cầu mới trong dạy học tới cỡ nào chăng nữa, thì vẫn có một yêu cầu bất biến, đó là phải truyền được cảm hứng cho học trò và luôn giữ đúng đạo thầy trò.

Biểu tượng của trí tuệ và nhân cáchMinh họa: ST

Còn nhớ hồi chúng tôi học phổ thông trong thời kỳ bao cấp, dù khó khăn nhưng bù lại có môi trường giáo dục rất thân thiện. Hồi đó người thầy là trung tâm của mỗi tiết học, môn học. Thầy nói, trò nghe và người thầy là chuẩn mực cho lời nói, việc học tập và ứng xử của học sinh và phụ huynh. Chuẩn bị thi đại học, thầy giáo đặt vấn đề chúng tôi đến nhà thầy học thêm một số buổi nhưng không thu tiền. Biết thầy thích hút thuốc lá, chúng tôi góp tiền mua một bao thuốc Thu Bồn, là loại thuốc sang lúc bấy giờ để biếu thầy, nhưng thầy nhất quyết không nhận. Cuối buổi chúng tôi cố tình để bao thuốc lại thì hôm sau thầy đưa cho chúng tôi số tiền bằng giá tiền bao thuốc. Chúng tôi nhìn thầy, rồi nhìn nhau, cùng chạy lại ôm thầy nức nở. Sau này đi làm nhiều bạn trong chúng tôi vẫn đều đặn về thăm thầy vào những ngày lễ, tết và khi phù hợp.

Có lần nghe tin thầy phải nằm viện, tôi về thăm thầy. Dù rất yếu, nhưng thầy vẫn ngồi dậy hỏi tôi nhiều chuyện, nhất là chuyện học hành của lũ trẻ nhà tôi. Thầy lưu ý bây giờ xã hội có nhiều cạm bẫy, bố mẹ phải chú ý đến con cái nhiều hơn, nhất là trong việc học hành. Thầy hướng tôi tới việc tìm tài liệu cho con trên mạng để chúng học thêm, không nên lệ thuộc vào những tài liệu khuôn mẫu bán tràn lan ở những hiệu sách nhưng chủ yếu sao chép lẫn nhau, cẩu thả về nội dung. Nhất là không nên cho con chạy theo và lệ thuộc vào việc học thêm tràn lan, vì kiến thức cơ bản đều giống nhau cả. Nhiều giáo viên dạy thêm một cách công nghiệp và cơ học, học sinh thì nhiều em đi học theo ý người lớn, nên chỉ đến lớp học cho phải phép, vừa tốn kém tiền bạc, lại lãng phí thời gian. Bây giờ, thầy làm trong Hội Khuyến học của huyện. Nhiệm vụ khuyến học theo thầy là rất cần thiết, nhưng trước tiên phải đem theo tinh thần tự học, khát khao tiếp cận cái mới đến cho người học, chứ không đi học theo phong trào, học một cách sao chép khuôn mẫu. Chỉ những người thầy không có tâm mới tìm mọi cách để bắt ép học sinh đi học kiểu như vào “lò ấp” như thế.

Trước kia, mỗi lần về thăm thầy tôi chủ yếu đem theo sách, báo, khi thì lạng chè, bao thuốc lá. Với thầy, quà không quan trọng bằng sự kính trọng mà học trò dành tặng. Lần này vì thầy nằm viện nên tôi kèm theo phần tiền nhỏ để hỗ trợ thầy thuốc men, nào ngờ ít hôm sau thầy đi xe buýt lên thành phố nhất quyết bắt tôi nhận lại chiếc phong bì để trong túi quà. Thầy bảo để giữ tình nghĩa thầy trò thì không nên xen đồng tiền vào, dù dưới bất kỳ hình thức nào. Thầy có lương hưu, có vườn tược, thầy còn chủ động được về thu nhập.

Những người thầy như thế đã thành biểu tượng một thời với nhiều thế hệ học sinh. Tôi may mắn được trở thành “khách sang sông” bởi người “chèo đò” như thế. Tôi thường kể lại những câu chuyện ấy cho những đứa con mình. Tôi biết chúng không hiểu hết vì chúng đang sống trong một môi trường giáo dục khác biệt, một bộ phận không nhỏ nhà giáo có phần thực tế, thực dụng hơn.

Tại báo cáo tổng kết năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, trong đó có tình trạng một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên năng lực còn hạn chế, thiếu tinh thần vượt khó, còn vi phạm quy định pháp luật và đạo đức nhà giáo. Cùng với đó là tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Thông tin trên báo chí cho biết thời gian gần đây có rất nhiều vi phạm liên quan đến nhà giáo, từ ép học sinh học thêm trái quy định, rồi bạo hành học sinh trong trường học. Tại Thanh Hóa, ngay trước thềm năm học 2023-2024 một số giáo viên, cán bộ quản lý trường học vi phạm về đạo đức nhà giáo và trách nhiệm nêu gương đã bị cơ quan chức năng xử lý kỷ luật, tạo ra dư luận không tốt.

Có ý kiến cho rằng, đứng trước sự thay đổi của cuộc sống, có những vấn đề mới đặt ra, người thầy phải thích ứng theo. Ví dụ như phải thay đổi cách truyền thụ kiến thức. Người thầy không còn đóng vai trò trung tâm, thầy nói trò nghe và độc quyền về kiến thức trong việc dạy học nữa. Thay vào đó, giáo viên phải đóng vai trò định hướng, khơi gợi, dẫn dắt, đánh thức tư duy của học sinh. Nhất là trước những yêu cầu mới của công tác đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đòi hỏi người thầy phải có sự dịch chuyển về phương pháp, kỹ năng, nhằm chuyển tải đầy đủ những kiến thức, yêu cầu của chương trình giáo dục mới. Biết là thế, nhưng trong mọi sự vận động, có một thứ không thể thay đổi đó là đạo đức nghề nghiệp. Không thể lấy lý do đổi mới với những yêu cầu cao hơn để bắt ép học sinh học thêm tràn lan, trái quy định. Không vì áp lực thành tích mà cho phép giáo viên cáu gắt, thậm chí đụng tay chân với học sinh. Không vì sự gấp gáp, thực dụng nào đó mà xóa nhòa khoảng cách thầy trò...

Sự thay đổi nào cũng thế, có mạnh mẽ tới đâu cũng phải trong phạm vi cho phép, đặc biệt là phải đảm bảo được tính kế thừa. Người thầy trong dòng chảy đổi mới giáo dục bên cạnh việc nâng cao kiến thức, hoàn thiện phương pháp, càng cần phải hoàn thiện hơn lối sống, ứng xử, đưa biểu tượng nhân cách nhà giáo lên tầm cao hơn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, các thầy giáo, cô giáo mang trên mình nhiệm vụ nặng nề là đào tạo cán bộ cho nước nhà; là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”; thầy, cô giáo có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Từ đó, đòi hỏi người giáo viên phải có đức và có tài. Đức của nhà giáo là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm đối với nghề, với học sinh; còn tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn...

Thấm nhuần tư tưởng của Người, thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục, nhưng phải có tính kế thừa, nhất là với vai trò, vị trí của người thầy. Không vì áp lực đổi mới và những vấn đề tự đặt ra, mà nhanh chóng thoát ly những giá trị truyền thống đã trở thành biểu tượng về đạo đức xã hội...

Lam Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]