(Baothanhhoa.vn) - Ngày 26-12-2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, trong đó điều chỉnh cơ cấu lại một số môn học, bổ sung một số môn học mới, cấu trúc một số môn học theo hướng tích hợp, do đó dẫn đến thay đổi về cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học. Chương trình đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới

Ngày 26-12-2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, trong đó điều chỉnh cơ cấu lại một số môn học, bổ sung một số môn học mới, cấu trúc một số môn học theo hướng tích hợp, do đó dẫn đến thay đổi về cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học. Chương trình đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mớiGiám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 4 trường THPT đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Thanh Hóa hiện có gần 29.000 giáo viên phổ thông, so với định mức quy định của tỉnh còn thiếu 4.953 người. Giáo viên có trình độ đạt chuẩn (đại học) trở lên chiếm 90,63%, trong đó có 5,4% đạt trình độ trên chuẩn (thạc sĩ, tiến sĩ).

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông tỉnh Thanh Hóa có tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực vượt khó, tích cực đổi mới phương pháp dạy. Đội ngũ nhà giáo phát triển qua từng năm, cơ cấu ngày càng hợp lý, việc tuyển dụng, luân chuyển được thực hiện linh hoạt, phù hợp với thực tiễn giáo dục phổ thông tại các địa phương. Cơ quan quản lý giáo dục đã quan tâm, triển khai kịp thời các chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo theo quy định.

Thanh Hóa cũng là địa phương có truyền thống hiếu học, truyền thống sư phạm nên những năm qua đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo hùng hậu. Tỷ lệ giáo viên có thâm niên trong nghề từ 10 năm trở lên chiếm phần lớn, là lực lượng nòng cốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh những mặt tích cực, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông ở Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Hiện nay vẫn còn 8,55% cán bộ, giáo viên phổ thông chưa có trình độ đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019; đội ngũ giáo viên chất lượng không đồng đều do được đào tạo từ nhiều loại hình khác nhau; một bộ phận giáo viên cao tuổi có trình độ đào tạo ban đầu thấp, chậm thích nghi với đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin. Chất lượng giáo viên giữa các môn học cũng chưa đồng đều, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh vừa thiếu số lượng, vừa yếu về chất lượng. Một số cán bộ quản lý giáo dục năng lực hạn chế, làm việc bằng kinh nghiệm, thiếu kiến thức về pháp luật, quản lý, tài chính dẫn đến lúng túng trong thực thi nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung.

Số lượng và cơ cấu giáo viên theo từng cấp học, môn học, từng địa phương còn nhiều bất cập. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường trên cùng địa bàn. Lương, phụ cấp của giáo viên nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Điều kiện làm việc, đời sống của giáo viên khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác đánh giá, xếp loại có lúc, có nơi còn hình thức, chưa khích lệ được tinh thần của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Một số quy định về bổ nhiệm hạng, chuyển hạng chức danh nghề nghiệp, yêu cầu về chứng chỉ còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tâm lý, gây lãng phí thời gian, kinh phí đối với giáo viên...

Xuất phát từ thực tiễn đó, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững và phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm dẫn đầu cả nước, hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đề án được xây dựng dựa trên quan điểm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nhiệm vụ then chốt nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nâng cao nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông gắn liền với bố trí, sử dụng và phát huy có hiệu quả năng lực cá nhân; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội để huy động nguồn lực nhằm phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Mục tiêu của đề án trong giai đoạn 2021-2025 là 100% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, 96% giáo viên tiểu học, 98% giáo viên THCS, 100% giáo viên THPT có trình độ đạt chuẩn trở lên. Định hướng đến năm 2030 đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng sau:

Một là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cần tuyên truyền, khuyến khích, động viên, đặc biệt là học sinh khá, giỏi, học sinh vùng sâu, vùng xa theo học ngành sư phạm để tạo nguồn giáo viên gắn bó lâu dài với khu vực khó khăn của tỉnh.

Hai là: Đảm bảo số lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông theo định mức quy định và theo cơ cấu môn học, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình từng năm học. Thường xuyên rà soát, đánh giá đúng thực trạng số lượng, chất lượng, cơ cấu của đội ngũ giáo viên phổ thông để bố trí, sắp xếp phù hợp. Ưu tiên tuyển dụng giáo viên đối với những môn học còn thiếu. Trong trường hợp chưa kịp tuyển dụng được thì ký hợp đồng với giáo viên, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương: “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”. Bên cạnh đó, ngành giáo dục - đào tạo sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đặt hàng để đào tạo sinh viên sư phạm bằng chính sách hỗ trợ đóng học phí, chi phí sinh hoạt...

Ba là: Đổi mới công tác đánh giá, phân loại đội ngũ nhà giáo theo hướng lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu. Việc đánh giá, xếp loại giáo viên phải thực chất, đảm bảo khách quan, công bằng, tránh bệnh thành tích; tạo không khí thi đua sôi nổi để đội ngũ nhà giáo cống hiến, nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bốn là: Quan tâm đảm bảo chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho họ nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh. Có chính sách thu hút giáo viên giỏi có trình độ chuyên môn cao đang công tác tại các địa phương khác; các sinh viên sư phạm tốt nghiệp xuất sắc, giỏi về công tác lâu dài tại Thanh Hóa. Chú trọng đến đội ngũ những người quê Thanh Hóa đang là giáo viên có trình độ cao hoặc sinh viên sư phạm xuất sắc để có chính sách kêu gọi, thu hút gắn với tình cảm, trách nhiệm với quê hương.

Năm là: Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, cập nhật thông tin về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà giáo nhằm chấn chỉnh thực hiện đúng quy định.

Trong những năm qua việc xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cơ bản vững về chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước được chuẩn hóa, tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp dạy học... Tuy nhiên số lượng, cơ cấu giáo viên phổ thông còn nhiều bất cập. Tình trạng thiếu giáo viên tiểu học, giáo viên dạy môn đặc thù... vẫn tiếp tục là thách thức lớn đối với giáo dục - đào tạo Thanh Hóa.

Kinh nghiệm cho thấy, để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới cần các giải pháp đồng bộ từ chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ; tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp; quan tâm đời sống giáo viên... đến sự đồng hành của cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân.

PGS. TS. NGƯT Trần Văn Thức

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]