(Baothanhhoa.vn) - Cách mạng 19-8-1945 thành công, với tầm nhìn sáng suốt của một nhà cách mạng từng trải, lão luyện, trong phiên họp đầu tiên của Thường vụ Trung ương Đảng sau khi trở về Hà Nội, ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra đề nghị phải soạn thảo ngay bản Tuyên ngôn Độc lập để trình bày trước cuộc mít tinh ở Hà Nội, khi Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra mắt quốc dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh - bản tuyên ngôn lịch sử bất hủ - bản anh hùng ca cách mạng Việt Nam vĩ đại

Cách mạng 19-8-1945 thành công, với tầm nhìn sáng suốt của một nhà cách mạng từng trải, lão luyện, trong phiên họp đầu tiên của Thường vụ Trung ương Đảng sau khi trở về Hà Nội, ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra đề nghị phải soạn thảo ngay bản Tuyên ngôn Độc lập để trình bày trước cuộc mít tinh ở Hà Nội, khi Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra mắt quốc dân.

Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh - bản tuyên ngôn lịch sử bất hủ - bản anh hùng ca cách mạng Việt Nam vĩ đại

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2-9-1945. Ảnh: Tư Liệu

Dự đoán, tiên tri thắng lợi cách mạng Việt Nam đang đến gần, ngay từ giữa tháng 6-1945, để chuẩn bị cho việc soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua sĩ quan quân báo vụ của cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ (OSS) có cơ sở đặt tại căn cứ Việt Bắc, Người đề nghị Bộ Tư lệnh không đoàn số 14 của Mỹ đóng tại Côn Minh, Trung Quốc thả dù cho Người bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

Trong hai ngày 28 và 29-8-1945, Hồ Chí Minh tập trung soạn thảo bản tuyên ngôn. Ngày 30-8, Người mời một số đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng trao đổi, góp ý kiến và sau đó Người còn mời L.A Pati - một sĩ quan tình báo Mỹ phụ trách đơn vị OSS đang cộng tác với Việt Minh và khá thân thiết với Hồ Chí Minh đến 48 Hàng Ngang để cùng trao đổi. Ngày 31-8, Người bổ sung một số điểm. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình rực rỡ cờ hoa, trước hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập lịch sử.

Mở đầu bản tuyên ngôn, Người nêu những nguyên lý bất di, bất dịch về các quyền của con người, quyền của các dân tộc đã được khẳng định trong những bản tuyên ngôn nổi tiếng của nước Mỹ và nước Pháp.

Tiếp theo, Người tố cáo tội ác tày đình của thực dân Pháp về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa... trong đó có tội trong 5 năm chúng đã 2 lần bán nước ta cho Nhật, từ đó nói rõ cho thế giới và phe đồng minh biết: “Sự thật là Nhân dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ lập nên chế độ dân chủ, cộng hòa”.

Kết luận tuyên ngôn, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, trịnh trọng tuyên bố với thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên của nước Việt Nam mới, công bố sự thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mà sự ra đời đó là kết quả của quá trình hơn 80 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất, đầy anh dũng hy sinh của bao thế hệ người Việt Nam.

Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử, có giá trị về nhiều mặt chính trị, tư tưởng, pháp lý, văn hóa, đã khẳng định Nhân dân Việt Nam trước thế giới cơ sở pháp lý về quyền được hưởng tự do độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời qua đó đóng góp vào sự phát triển nền pháp lý dân chủ và tiến bộ của loài người trong thời đại ngày nay.

Có được bản Tuyên ngôn Độc lập, theo Hồ Chí Minh tiểu sử do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2010 (tr35): “Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh của bao nhiêu tác phẩm trước đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Yêu sách của Nhân dân An Nam mà Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Vécxây năm 1919, đến Chương trình Việt Minh 1941 và những văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng”. Theo Trần Dân Tiên trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” thì Tuyên ngôn Độc lập “là kết quả của những bản tuyên ngôn khác, của các cụ tiền bối như các cụ Nguyễn Khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác, của bao nhiêu sách báo, truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước từ hơn 80 năm nay”, “là hoa, là quả của máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những con người anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong những trại tập trung, trên những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường”, “là kết quả của bao nhiêu hy vọng gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu Nhân dân Việt Nam”, là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam, nó chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức, bóc lột, nó mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ, cộng hòa.

Như vậy rõ ràng, đối với Nhân dân Việt Nam, Tuyên ngôn Độc lập 1945 là một áng văn lập quốc vĩ đại, là bản anh hùng ca mới đầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở nước ta, là một văn kiện lịch sử có giá trị về nhiều mặt: Chính trị, pháp lý, văn hóa, tư tưởng... đồng thời là tác phẩm chính luận lớn, có một không hai về giá trị ngôn từ và văn học, xứng đáng được xếp vào hàng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc và nhân loại tiến bộ.

Trong bối cảnh quốc tế và Việt Nam sau thế chiến thứ 2, khi mà trật tự pháp lý quốc tế chỉ nhằm phục vụ quyền lợi ích kỷ của các nước lớn tư bản, đế quốc, Tuyên ngôn Độc lập chính là lời tuyên bố cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức, đồng thời là lời báo hiệu mở đầu thời đại vùng lên của các dân tộc thuộc địa, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, minh chứng cho một tư tưởng lớn, bao trùm cho mọi hoạt động “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó là cống hiến vô cùng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào văn hóa chính trị và văn hóa pháp lý của Nhân dân các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh chống lại pháp lý “ăn cướp”, pháp lý nô lệ của các thế lực xâm lược cũ và mới trong thời đại chúng ta. Nhiều nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, đặc biệt các nước đã và đang là thuộc địa phụ thuộc vào các nước đế quốc, tư bản đã thừa nhận đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự xác lập một nền công pháp quốc tế mới, một nền công pháp đảm bảo cho các quyền tự do, bình đẳng của con người và quyền tự quyết, quyền bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc trong việc lựa chọn con đường phát triển độc lập, tự do về chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước mình.

Đánh giá ý nghĩa quốc tế, ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn Độc lập trong lễ trao bằng tiến sĩ luật khoa danh dự cho Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959, Giám đốc Trường Đại học Băng-đung (Indonesia) nói: “Đó là một đạo luật mới của Nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập, bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức”.

Báo Mainichi sinbun của Nhật, ngày 5-2-1989 nhận xét: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra và thực tế đã để lại tư tưởng và một mẫu mực trong thời đại giải phóng thuộc địa. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện, có lẽ là sự kiện quan trọng nhất trong quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân sau chiến tranh thế giới II”.

Bà Lady Borton, một nhà nghiên cứu Hoa Kỳ gọi bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước Nhân dân Việt Nam và thế giới là “Cuộc cách mạng một chữ”. Theo bà, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thay một chữ thì đã cùng một lúc làm hai cuộc cách mạng: “Cách mạng giải phóng dân tộc” (đã thành công) và “Cách mạng giải phóng phụ nữ”. Ở Việt Nam, ngày 6-1-1946, chỉ 4 tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, phụ nữ Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đã được thực hiện quyền chính trị cao nhất, đó là quyền bầu cử, để bầu ra Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Còn ở Mỹ, đến năm 1930, tức là phải đến 154 năm sau (hơn một thế kỷ rưỡi) bản tuyên ngôn bất hủ năm 1776 ra đời, phụ nữ Mỹ mới được thực hiện quyền chính trị đó.

Một số nhà nghiên cứu trên thế giới sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt câu hỏi: Vì sao Hồ Chí Minh lại trích dẫn hai bản tuyên ngôn của hai quốc gia Âu, Mỹ, trong đó có cả nước Pháp mới đây đô hộ nước mình? Hoàn toàn không phải là sách lược để ứng phó với hai cường quốc lớn, tiềm tàng những mưu đồ thực dân cũ và mới. Việc sử dụng những trích dẫn ấy là Chủ tịch của Nhà nước Việt Nam độc lập muốn khẳng định rõ ràng trước thế giới rằng: Cách mạng Việt Nam là sự nối tiếp của con đường tiến hóa của nhân loại đã và sẽ đi. Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 là những mốc son của sự nghiệp giải phóng con người, thì Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam chính là bước đi tiếp theo của quá trình giải phóng con người.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức vào tối ngày 14-5-2010 và 20 năm UNESCO công nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, Phó Tổng giám đốc UNESCO phát biểu đánh giá về Tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt đánh giá về bản Tuyên ngôn Độc lập của Người: “Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chính những từ được trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Quan điểm của Người đã nói trước được điều mà 15 năm sau, vào năm 1960, Liên hợp quốc đã đưa vào Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa. Đó chính là thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc.

Chu Mã Giang


Chu Mã Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]