(Baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh nổi danh là vùng đất cổ về địa lý - địa chất và lịch sử - văn hóa, là cái nôi của người Việt cổ với chứng tích tìm thấy được là các di chỉ khảo cổ học thuộc hầu hết các thời đại khảo cổ học lớn của nước ta thời tiền sử và sơ sử.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi lưu giữ văn hóa vùng miền xứ Thanh

Xứ Thanh nổi danh là vùng đất cổ về địa lý - địa chất và lịch sử - văn hóa, là cái nôi của người Việt cổ với chứng tích tìm thấy được là các di chỉ khảo cổ học thuộc hầu hết các thời đại khảo cổ học lớn của nước ta thời tiền sử và sơ sử.

Nhà truyền thống huyện Quảng Xương. Ảnh: Hương Thảo

Con sông Mã, sông Chu mang những hạt phù sa màu mỡ không chỉ bồi đắp cho những cánh đồng quê Thanh thêm phì nhiêu, tươi tốt mà hơn hết, đó còn là mạch nguồn văn hóa thấm đẫm tự bao đời, hình thành nên xóm nên làng như ta có hôm nay. Với địa hình núi non chiếm 2/3 diện tích cả tỉnh, một số mạch núi kế tiếp mạch núi vùng Tây Bắc chạy sát ra biển, nên ở Thanh Hóa, cảnh quan đồng bằng, biển và rừng núi nối kết và cận kề nhau hơn, làm tăng tính chất rừng và biển của đồng bằng, chứ không “xa rừng, nhạt biển” như đồng bằng châu thổ Bắc bộ. Thanh Hóa hiện hữu trên bản đồ Việt Nam như một bức tranh đa sắc, đa màu nhưng hòa quyện, thống nhất trong các vùng địa – văn hóa: Văn hóa vùng núi, văn hóa đồng bằng, văn hóa vùng biển. Trên nền văn hóa độc đáo cùng với một vị thế đặc biệt về địa - chính trị như thế, bao đời nay, những chủ nhân sinh sống trong các vùng sinh thái tự nhiên khác nhau đó của vùng đất xứ Thanh đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền và tộc người. Đặc sắc văn hóa vùng miền chính là một dạng thức thuộc khái niệm không gian văn hóa mà theo GS. Ngô Đức Thịnh định nghĩa, đó chính là “một vùng lãnh thổ có những tương đồng về mặt hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống ở đó từ lâu đã có những mối quan hệ nguồn gốc và lịch sử, có những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, giữa họ đã diễn ra những giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại, nên trong vùng đã hình thành những đặc trưng chung thể hiện trong sinh hoạt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của cư dân, có thể phân biệt với vùng văn hóa khác”. Những giá trị văn hóa vùng miền đặc trưng ấy của xứ Thanh được thể hiện rất rõ ràng thông qua hệ thống các bảo tàng, phòng truyền thống của từng địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có hàng chục bảo tàng, nhà truyền thống cơ sở ở thành phố, các huyện, thị và các cơ quan, đơn vị, ngành. Bên cạnh Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hoạt động như một đơn vị trung tâm, các bảo tàng, nhà truyền thống cơ sở này đều đảm nhận chức năng, nhiệm vụ chính là sưu tầm, lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tư liệu, hình ảnh thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, của ngành qua các thời kỳ lịch sử và giới thiệu chúng đến đông đảo quần chúng nhân dân. Ở cấp thành phố, huyện, thị có bảo tàng huyện Hoằng Hóa; nhà truyền thống có huyện Yên Định, huyện Quảng Xương; các phòng truyền thống huyện Đông Sơn, Thọ Xuân, Như Xuân, Nông Cống, Thiệu Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc... Cấp xã, phường có các phòng truyền thống xã Thiệu Toán (Thiệu Hóa), các xã Ba Đình, Nga Thắng, Nga An (Nga Sơn); xã Yên Trường, xã Yên Thịnh (Yên Định); phòng truyền thống Ngọc Trạo (Thạch Thành); phòng truyền thống làng Phù Nhi (xã Hưng Lộc), làng Trần Phú (xã Mỹ Lộc, Hậu Lộc); phòng truyền thống Lạch Trường (Hoằng Hóa); phòng truyền thống phường Nam Ngạn, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)... Trưng bày bổ sung khu di tích, văn hóa có Phòng trưng bày bổ sung Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), phòng trưng bày Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), phòng trưng bày Khu Văn hoá tưởng niệm Bác Hồ (TP Thanh Hóa), Phòng trưng bày Cổ vật di tích Am Tiên (Triệu Sơn)... Bảo tàng ngoài công lập có Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long. Bức tranh văn hóa vùng miền đặc sắc của xứ Thanh đã góp phần hình thành nên hệ thống bảo tàng, các phòng, nhà truyền thống địa phương đa dạng, phong phú. Và ngược lại, thông qua những bảo tàng, phòng truyền thống địa phương này, văn hóa vùng miền xứ Thanh được khái quát hơn, được gìn giữ và tô đậm thêm những sắc màu rực rỡ.

Chúng tôi ghé thăm Bảo tàng huyện Hoằng Hóa trong một ngày nắng tháng 5 tươi rói. Bảo tàng đang trong quá trình được nâng cấp, tu sửa. Mặc cho khuôn viên còn ngổn ngang gạch đá với những âm thanh đục đẽo ồn ã, từng dấu mốc lịch sử hào hùng gắn liền với tên tuổi những địa danh, con người của mảnh đất nơi đây lần lượt hiện lên thật chân thực, sống động thông qua các hiện vật, tư liệu, hình ảnh được trưng bày tại bảo tàng. Bóng dáng huyện Hoằng Hóa lả lơi đâu đó trong những bóng dừa xanh mát, trong những di tích lịch sử - văn hóa lâu đời. Các thế hệ người dân huyện Hoằng Hóa đã sống và chiến đấu anh dũng qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với những dấu mốc đã thành lịch sử, từ ngày thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên cho đến ngày khởi nghĩa Hoằng Hóa diễn ra, Hoằng Hóa giành chính quyền (24-7-1945). Bản đồ ghi lại tội ác của thực dân Pháp, trống lệnh khởi nghĩa của tự vệ xã Hoằng Đạo, những vũ khí chiến đấu thô sơ như bàn chông, dao, quắm... vẫn còn đây, tại Bảo tàng Hoằng Hóa này để cháu con biết được thế hệ cha ông mình đã đi qua những ngày gian khó như thế. Tượng lão dân quân Hoằng Trường với tư thế hiên ngang ngẩng cao đầu được trưng bày tại bảo tàng sẽ mãi là biểu tượng đẹp của huyện Hoằng Hóa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đúng như câu nói: “Núi Ngọc kiên cường/ Lạch Trường dậy sóng”.

Cũng với ý tưởng nhằm tái hiện lại từng giai đoạn phát triển của lịch sử địa phương, đề cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, năm 2011, nhà truyền thống huyện Quảng Xương được khởi công xây dựng. Tổng diện tích công trình lên tới 10.440 m2 với không gian trưng bày gồm 2 tầng khang trang, đẹp đẽ, chia thành 5 phân khu theo từng chủ đề cụ thể. Không gian trưng bày ở tầng 1 tập trung tái hiện lại hình ảnh Quảng Xương trong lao động sản xuất với việc trưng bày các nông cụ sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề truyền thống, như: Mây tre đan, dệt chiếu, trồng thuốc lào, gia công chiếu cói, xe cọi đay, làm nón lá, thêu ren, nghề mộc, nghề làm muối... Thông qua các bức ảnh và các hiện vật như áo the, khăn xếp, các loại nhạc cụ dân tộc, đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân nơi đây hiện lên một cách tươi mới với đầy đủ các loại hình: Võ thuật, bơi chải, đấu vật, hát bội (tuồng cổ), các trò diễn (tú huần, diễn quân thuyền). Các hiện vật cổ đại diện cho các thời đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam cũng được trưng bày một cách trang trọng, khoa học tại nhà truyền thống huyện Quảng Xương. Phần còn lại của nhà truyền thống đi vào khắc họa những dấu mốc quan trọng của huyện Quảng Xương qua các thời kỳ kháng chiến, thể hiện được ý chí chiến đấu kiên cường, tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân. Nhìn quy mô và khối lượng các hiện vật, tư liệu, hình ảnh ở nhà truyền thống huyện Quảng Xương ít ai có thể ngờ rằng hầu hết đều được con cháu của huyện trên mọi miền đất nước chung tay quyên góp, hiến tặng. Những kỷ vật gắn với cả một đời người, có khi là cả một thế hệ nay tụ họp về nhà truyền thống này, cùng nhau kể câu chuyện dài kỳ về những đặc sắc văn hóa của đất và người Quảng Xương. Chia sẻ về cảm xúc của mình khi ghé thăm nhà truyền thống của huyện, được sống trong từng khoảnh khắc lịch sử của huyện nhà, ông Hoàng Văn Điệp cho biết: “Tôi rất tự hào về truyền thống quê hương Quảng Xương. Truyền thống đó luôn tỏa sáng trong lao động sản xuất và đấu tranh cách mạng. Chúng tôi, những người con của huyện nguyện cố gắng hết sức rèn luyện, học tập và công tác để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của quê hương”. Em Lê Minh Khuê (cựu học sinh Trường THPT Quảng Xương I) không giấu nổi niềm tự hào trong ánh mắt: “Khi đến với nhà truyền thống huyện Quảng Xương, em được hiểu biết thêm nhiều về lịch sử quê hương mình. Những đồ dùng sinh hoạt gợi lên cho chúng em cuộc sống lao động bình dị, vất vả mà thanh bình của nhân dân. Những hiện vật lịch sử cũng gợi lên quá khứ oanh liệt, hào hùng trong kháng chiến gian khó ở nơi đây. Những gương mặt ưu tú như: Những người đảng viên đầu tiên của huyện, anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được lưu danh tại nhà truyền thống khiến em cảm phục và tạo nguồn động lực to lớn để chúng em nỗ lực phấn đấu trên con đường xây dựng tương lai của mình”.

Bảo tàng huyện Hoằng Hóa, nhà truyền thống huyện Quảng Xương chỉ là những địa điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến trên con đường tìm hiểu về đặc sắc văn hóa vùng miền xứ Thanh. Nhắc đến bảo tàng và các nhà truyền thống là nhắc đến thiết chế văn hóa đặc biệt. Nó không đơn thuần chỉ là nơi trưng bày các hiện vật mà vượt lên trên tất cả, bảo tàng, các nhà truyền thống được xem như chiếc cầu nối xóa nhòa ranh giới giữa quá khứ và hiện tại nhằm mang lại cho người xem cái nhìn tổng quát nhất về lịch sử hình thành, phát triển cũng như những đặc trưng tiêu biểu nhất của vùng đất đó qua các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử. Với ý nghĩa như thế, bảo tàng và các nhà truyền thống thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là đối với một “tiểu vùng văn hóa xứ Thanh” đa sắc, đa thanh, đa tộc người vốn đã trở thành nét quyến rũ riêng nhất. Những giá trị văn hóa vùng miền ấy đã trở thành “đặc sản” trong diện mạo văn hóa xứ Thanh và cấp thiết đặt ra nhu cầu cần phải được lưu giữ lại, phát huy hơn nữa nếu muốn biến những “đặc sản” ấy trở thành thế mạnh trong các chiến lược phát triển du lịch bền vững của tỉnh nhà, nhất là trong bối cảnh hệ thống các bảo tàng, nhà truyền thống đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, cả về nguồn nhân lực và vật lực.


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]