(Baothanhhoa.vn) - Đời người làm báo, ai chẳng một lần mong “đứa con tinh thần” của mình được xướng tên trong các giải thưởng báo chí như một dấu mốc cho thấy bước trưởng thành với nghề. Tuy nhiên, chẳng có con đường nào trải đầy hoa hồng, vinh quang nào mà không phải bước qua chông gai, thử thách. Phía sau các tác phẩm báo chí chất lượng cao, đạt giải báo chí luôn có những câu chuyện nghề đáng học hỏi, suy ngẫm.

Những câu chuyện nghề phía sau con chữ…

Đời người làm báo, ai chẳng một lần mong “đứa con tinh thần” của mình được xướng tên trong các giải thưởng báo chí như một dấu mốc cho thấy bước trưởng thành với nghề. Tuy nhiên, chẳng có con đường nào trải đầy hoa hồng, vinh quang nào mà không phải bước qua chông gai, thử thách. Phía sau các tác phẩm báo chí chất lượng cao, đạt giải báo chí luôn có những câu chuyện nghề đáng học hỏi, suy ngẫm.

Nhà báo Lê Dung (Trưởng Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính, Báo Thanh Hóa): Hãy cầm bút có trách nhiệm để hạn chế “thương tích” với nghề

Những câu chuyện nghề phía sau con chữ…

Gần 15 năm theo nghề với nhiều năm liên tiếp xuất sắc giành giải A – Giải báo chí Trần Mai Ninh, nhà báo Lê Dung chân thành chia sẻ: “Tôi không dám nói nghề báo là nghề phải bỏ nhiều công sức, trí tuệ hay tâm huyết hơn những nghề khác. Với tôi, đó là hành trình nhiều trải nghiệm, đủ đầy cung bậc cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn. Tất cả dường như đã trở thành “gia vị” cho cuộc sống của riêng tôi vậy. Hơn nữa, nghề báo mở ra cho tôi những cánh cửa mới của nhận thức, giúp tôi khám phá những khả năng của bản thân, điều mà có lẽ nếu theo nghề khác tôi sẽ chẳng thể biết nó có tồn tại trong mình”.

Nghề báo luôn được xem là một trong những nghề gian nan, vất vả và có cả những hiểm nguy, cám dỗ. Nam giới làm báo đã vất vả; phụ nữ làm báo lại càng khó khăn, vất vả hơn. Nhà báo Lê Dung cho biết: “Bản thân tôi mới bước được một chặng chưa dài của đường nghề nên càng không dám cho rằng đây là “nghề nguy hiểm”. Duy có điều, tôi tin mình sẽ gặp được nhiều người có cùng quan điểm, ở cùng nhận định: nghề báo thực sự vất vả, nó đòi hỏi sự “dẻo dai” không chỉ của sức lực, trí tuệ mà còn cả bản lĩnh, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm”.

Người làm báo, hạnh phúc có thể đến từ những phần thưởng, những giải thưởng cho những tác phẩm hay; có thể là cái tên sau mỗi bài viết đã trở thành “thương hiệu”; có thể với tuổi đời và tuổi nghề được tích lũy qua năm tháng, người cầm bút ấy trở thành một nhà báo – chuyên gia; có thể là nhà báo có danh tiếng được bạn đọc tin tưởng, đón nhận và ủng hộ... Song, dưới mỗi lớp đá đắp nên cái nền của hạnh phúc, niềm tự hào hay cái bục vinh quang, chí ít phải có một lớp được kết bằng tinh thần trách nhiệm.

Ấp ủ đề tài, đau đáu với nó, rồi hạnh phúc khi thấy mỗi con chữ được “bày biện” trên trang báo và được bạn đọc quan tâm, đón nhận, phản hồi tích cực. Đó là những khoảnh khắc hạnh phúc, điều cốt lõi mà mỗi người làm báo theo đuổi. Và, cũng chính những lúc như vậy mới thấy giá trị của những chuyến đi xuyên rừng, những lúc gió bụi lẫn với bữa cơm đường ăn vội, những trận mưa rừng cào nát mặt đường đất như thách thức người lữ khách, những khi đôi chân phù nề, đau nhức vì cái lạnh giá khắc nghiệt của miền sơn cước... “Tất cả đều trở thành kỷ niệm, thành vốn sống, vốn nghề và giúp tôi “tích cóp” được một vài giải thưởng - tuy không đáng kể nhưng với tôi nó thật sự quý giá” – nhà báo Lê Dung trải lòng.

Khi quả quyết sống và gắn bó với nghề, mỗi người làm báo đã có cho riêng mình một quan niệm, một cách hành nghề, cách ứng xử riêng. Lương tâm và trách nhiệm với nghề, thiết nghĩ mỗi người cũng có cách nghĩ và cách thực hành riêng. Trong mỗi bước đường gắn bó với nghề của nhà báo Lê Dung, đó là hai khái niệm không tách rời. Nhà báo Lê Dung thẳng thắn nhìn nhận: “Lương tâm gắn với trách nhiệm để mỗi khi cầm bút cố gắng không viết ra những điều vô nghĩa. Đôi khi, lương tâm có thể là cái gì đó hơi mơ hồ khi va vào cái cạnh sắc nhọn của thực tế, của cám dỗ. Tuy nhiên, khi mỗi người làm báo cầm bút có trách nhiệm thì hẳn là sẽ đỡ được phần nào “thương tích” cho mình, cho nghề”.

Nhà báo Minh Thúy (Phòng Chuyên đề - Chuyên mục, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa - TTV): Bí quyết của thành công là tình yêu và niềm đam mê với nghề

Những câu chuyện nghề phía sau con chữ…

Từ “cơ duyên” được tham dự một gameshow do Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa tổ chức, nhà báo Nguyễn Thị Minh Thúy (bút danh An Thư) đâu hay biết rằng cái lần đầu tiên “chạm mặt” với nghề đã gieo vào lòng chị nhiều thích thú, say mê với nghề báo đến thế. Chính nó đã trở thành nguồn động lực, mở cánh cửa đưa chị đến với “ngôi nhà” TTV và dần trưởng thành, gặt hái nhiều “trái ngọt” trong hơn 12 năm làm báo với khoảng 30 giải báo chí Trung ương và địa phương, trong đó có: giải C - Giải báo chí quốc gia về HIV/AIDS năm 2013; 2 giải vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc các năm 2016, 2020; Bằng khen Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2017; giải C Giải báo chí quốc gia năm 2020; giải A Giải báo chí Trần Mai Ninh các năm: 2017, 2018, 2019, 2021; giải A – Giải Búa liềm vàng tỉnh Thanh Hóa năm 2021.

Khi xem những tác phẩm truyền hình hay đọc những trang văn của nhà báo An Thư, khán giả/độc giả thường bị “chinh phục” bởi những chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ rất “đắt”, chân thực mà tinh tế, đầy sức gợi. Đó không chỉ là năng lực của trí tuệ, rung cảm con tim mà còn thể hiện tinh thần, thái độ, trách nhiệm, nhiệt huyết với nghề của người làm báo. Nhà báo An Thư chia sẻ: “Tôi hiện công tác ở Phòng Chuyên đề - Chuyên mục, chuyên sản xuất phim tài liệu, phóng sự, ký sự có thời lượng dài. Chuyến công tác xa nhà lâu nhất của tôi kéo dài cả tháng”. Với những người làm truyền hình, nếu không trực tiếp xuống cơ sở ghi hình, phỏng vấn, thì không thể nào có những thước phim lên sóng. Chính bởi vậy, tác nghiệp ngoài trời, giữa trưa nắng, giữa đêm, hay giữa trời mưa to gió lớn, với người làm báo nói chung đã xem như chuyện rất bình thường. Hoặc nhiều khi, chỉ để có một vài phút hình trên sóng, nhà báo An Thư cùng đồng nghiệp phải ôm máy, cuốc bộ nhiều giờ đồng hồ leo lên đỉnh núi; ngồi xe máy vượt qua những con đường núi chênh vênh”...

Dẫu ở lĩnh vực báo chí hay văn chương Thanh Hóa, cái tên An Thư đã dần ghi dấu ấn trong lòng khán giả/độc giả. Hỏi An Thư về bí quyết của những thành công ấy, chị chỉ cười nói: “Tôi không dám nhận mình là người thành công trong sự nghiệp. Những thành tích bước đầu mà tôi có được còn rất khiêm tốn. Tôi nghĩ, bản thân mình phải học hỏi nhiều từ các đồng nghiệp đi trước để trưởng thành, tiến bộ hơn trong nghề. Quan trọng hơn hết, đó là tình yêu và niềm đam mê với nghề. Tất cả chỉ có vậy”.

Nhà báo Lê Dương – Báo VietNamNet: Vượt khó khăn, thử thách để kiếm tìm lối đi riêng

Những câu chuyện nghề phía sau con chữ…

Trước khi về với “ngôi nhà” VietNamNet, trở thành phóng viên thường trú tại Thanh Hóa, nhà báo Lê Dương đã lăn lộn, bươn trải với nghề từ những ngày còn “mài đũng quần” trên ghế giảng đường. Cũng từ “cái thuở ban đầu lưu luyến” ấy, nhà báo Lê Dương đã lựa chọn dấn thân vào các đề tài thuộc thể loại phóng sự xã hội, phóng sự điều tra.

Ngoài khả năng tư duy, xây dựng tốt các tuyến bài, phát hiện đề tài, nhạy bén với các vấn đề xã hội, Lê Dương luôn nỗ lực tìm cho mình hướng đi riêng. Đó là “bí quyết” để Lê Dương có những loạt bài đạt giải cao tại các giải báo chí ở Trung ương và địa phương như: giải B Cuộc thi phóng sự “Bút trẻ” năm 2012 do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức (không có giải A) với loạt bài “Theo chân trâu, bò lậu”; hai lần giải A Giải báo chí Trần Mai Ninh là: “Phía sau “thành tích” xã đạt chuẩn nông thôn mới” (2015); “Sự bất cập trong bình xét hộ nghèo, cận nghèo dẫn đến chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 không đúng đối tượng” (2020)...

Ý tưởng thực hiện loạt bài “Sự bất cập trong bình xét hộ nghèo, cận nghèo dẫn đến chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 không đúng đối tượng” – đạt giải A Giải báo chí Trần Mai Ninh (2020) xuất phát từ việc hàng loạt hộ nghèo, cận nghèo ở một số xã, huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa viết đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ COVID-19 của Chính phủ. Nhà báo Lê Dương là một trong những người đầu tiên điều tra và phản ánh thực trạng “ưu ái” trong bình xét hộ nghèo, cận nghèo tại một số xã, huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khi nhiều gia đình xây nhà tiền tỷ, đi xe ô tô... lại lọt vào danh sách hộ cận nghèo. Từ những bất cập trong việc bình xét ấy đã dẫn đến nhiều hệ lụy, bất cập, “dở khóc dở cười” trong việc chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 lúc bấy giờ.

Loạt bài gây được hiệu ứng xã hội to lớn, đóng góp thêm vào “bộ sưu tập” giải thưởng báo chí của nhà báo Lê Dương. Tuy nhiên, cũng từ loạt bài viết này, anh đã phải nhận lời “nhắn gửi” đầy hằn học: Tao mà gặp nó ở đâu tao chém nó chết. Mỗi lần nhớ đến câu nói ấy, nhà báo Lê Dương lại tủm tỉm cười. Trong quá trình làm nghề, anh nhiều khi phải “đối mặt” với khó khăn, thử thách, có cả những cám dỗ, tác động từ nhiều phía. Nhưng Lê Dương đều thẳng thắn thể hiện quan điểm: “Một khi đã quyết tâm làm là làm đến cùng. Vì mình chấp nhận thỏa hiệp với những cái không tốt là tiếp tay cho sai phạm”.

Joseph Pulitzer đã đưa ra một định nghĩa về nhà báo, hay nói đúng hơn là một quan niệm về sứ mệnh của nghề làm báo rằng: "Một nhà báo là một người đứng canh trên đài chỉ huy của con thuyền quốc gia. Anh ghi nhận mỗi cánh buồm lướt qua, những dấu hiệu nhỏ nhoi cần phải chú ý ở chân trời trong khi thời tiết tốt... Anh nhìn chăm chú vào sương mù và bão tố để báo trước những hiểm nguy ở phía trước... Anh ở đó để canh chừng cho an ninh và hạnh phúc của Nhân dân vốn đang tín nhiệm ở nơi anh”. Vì lẽ đó, làm báo không chỉ là nghề nghiệp đơn thuần mà là sứ mệnh. Ở đó, tình yêu, niềm đam mê, nhiệt huyết, trách nhiệm và lý tưởng đã quyện hòa, thắp lửa, trở thành động lực giúp mỗi người làm báo không nản chí, đầu hàng trước những khó khăn. Họ vẫn luôn nỗ lực, sáng tạo trong công việc của mình để có những tác phẩm báo chí đáp ứng được nhu cầu thông tin của công chúng, góp phần rất nhỏ bé vào sự nghiệp báo chí cách mạng vinh quang và đầy tự hào.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]