(Baothanhhoa.vn) - Cũng như cả nước, lễ hội cổ truyền ở Thanh Hóa rất phong phú song ta có thể dễ dàng nhận ra có bốn nhóm cơ bản đó là lễ hội cầu mùa; lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc (hay còn gọi là lễ hội gắn với lịch sử); lễ hội tôn giáo và lễ hội văn hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khôi phục những trò diễn dân gian gắn với lễ hội lịch sử

Cũng như cả nước, lễ hội cổ truyền ở Thanh Hóa rất phong phú song ta có thể dễ dàng nhận ra có bốn nhóm cơ bản đó là lễ hội cầu mùa; lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc (hay còn gọi là lễ hội gắn với lịch sử); lễ hội tôn giáo và lễ hội văn hóa.

Trong 4 nhóm lễ hội nói trên, lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc ở Thanh Hóa gắn liền với các di tích, các nhân vật lịch sử qua các triều đại. Loại lễ hội này thường có nhiều trò diễn thu hút khách thập phương.

Lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc trước hết phải kể đến hội ngày hội, làng tự chia ra làm hai xóm, lấy ngôi đình lớn ở giữa làng làm ranh giới, phía Bắc gọi là xóm trên, phía Nam gọi là xóm dưới. trận trong lễ hội đền Bà Triệu vào tháng 2 âm lịch hàng năm. Vào ngày hội, làng tự chia làm 2 xóm, lấy ngôi đình lớn ở giữa làng làm ranh giới, phía Bắc gọi là xóm trên, phía dưới gọi là xóm dưới. Trai tráng của hai xóm từ 18 đến 45 tuổi đều được tham gia tập trận. Mỗi người chuẩn bị sẵn một cây gậy bằng tre, dài ngắn tùy ý. Sáng ngày hội lễ, trai xóm nào tập trung ở xóm nấy dàn thành thế trận. Mở đầu, mỗi bên cho một vài người ra khiêu khích, tìm cách dụ đối phương tiến về địa phận của mình. Đội ngũ mai phục trong xóm đổ ra tấn công, phe bên kia ào ạt tràn sang tiếp ứng. Họ đánh nhau rất dữ dội, gậy gộc có khi phang cả vào nhau, nhưng theo các cụ thì từ xưa đến nay có điều lạ là chưa có ai vì thế mà bị thương tật cả. Một vài đòn đau, sau đó cũng chỉ xoa bóp hoặc chữa qua loa bằng thuốc lá trong làng là khỏi. Mọi người lại tin là có tập trận như vậy thì năm đó làng mới làm ăn sung túc hơn.

Đoạn đường rộng nhất trước cửa đình làng là “bãi chiến trường”. Hai bên lề đường, nhân dân tập trung đông đảo, reo hò cổ vũ cho đội quân của mình. Lệ của làng là xóm nào xông lên nhiều lần là quân chiến thắng, được gọi là quân Bà Triệu. Bên nào phải rút chạy nhiều lần thì bên ấy là quân Ngô. Cuộc tranh chấp diễn ra từ sáng đến trưa, rồi tất cả hòa vào với nhau để cùng đi rước kiệu Bà.

Trước Cách mạng Tháng Tám vào những ngày từ mùng 5 đến mùng 8 tháng giêng, dân làng Vệ Yên (Quảng Thắng) thường tổ chức lễ hội, trong đó đáng chú ý là trò “chạy chữ” hay còn gọi là Hội trận đền Lê. Trên một cánh đồng trước sân đình, người ta bố trí một khu đất rộng vuông vắn độ nửa sào và đem vôi rắc vào đó thành 4 chữ Hán “Thiên hạ thái bình”. Trai tráng tập trung chia làm 2 phe: Phe ta và phe quân Ngô. Tất cả sắp hàng trước bái đường, cúi lạy 4 lạy, được uống mỗi người một chén rượu. Sau đó, sắp hàng chạy đứng trên nét vôi của mỗi chữ đã vẽ trên. Trò chạy chữ này tiến hành đồng thời với việc cụ tiên chỉ và các kỳ mục lên đền vua Lê cách bãi này độ một cây số để đốt hương, rước thần về dự lễ. Phải chuẩn bị sao cho ăn khớp, khi đoàn lực sĩ chạy vừa hết chữ hết vòng thì kiệu nghênh thần cũng vừa về đến nơi. Hai đoàn lực sĩ bắt đầu dàn thế trận đánh nhau. Chủ yếu là hai viên chỉ huy giáp chiến, phía sau là cả đoàn lực sĩ hò reo, múa cờ, múa giáo mác. Bao giờ quân Ngô cũng phải thua, bỏ chạy. Quân ta đuổi sát, dồn trận lại và quay về ô chữ “Thiên hạ thái bình”. Đây là một trong những trò diễn đề cao, tụng xưng công đức của Lê Thái tổ.

Một trò khác khá đặc sắc là trò múa rối “Lam Sơn khởi nghĩa” ở làng Chuộc (nay là thôn Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, Thiệu Hóa). Trò “Lam Sơn khởi nghĩa” gồm các tích Lê Lợi đi cày, Lê Lợi đánh Liễu Thăng, Lê Lợi dạo chơi trên hồ Hoàn Kiếm... Trong làng có 4 giáp. Mỗi dịp diễn trò chỉ có một giáp được chỉ định diễn trò này, các nghệ nhân làm những con rối người to bằng em bé 10 – 11 tuổi, con rối ngựa cũng to bằng con dê. Các giáp còn lại đều biểu diễn các trò khác như Phụng nghi đình, Đào viên kết nghĩa...

Ở đoạn “Lê Lợi đánh giặc” trong trò múa rối “Lam Sơn khởi nghĩa”, bà con vẫn thường gọi là trò Đấu Mã. Trên sân rối, nghệ nhân đưa ra các nhân vật Lê Lợi và Liễu Thăng. Hai bên xưng danh rồi hỏi đáp nhau, thách thức. Đoạn xông vào giáp chiến, Liễu Thăng bị chém đứt đầu. Lê Lợi thắng trận...

Tại làng Xuân Phả, những di tích lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay như nghè Đệ Nhất, đền Đệ Nhị, đền Đệ Tam, chùa Tạu đều gắn với từng giai đoạn phát triển của lịch sử vùng đất.

Người Xuân Phả không chỉ tự hào là vùng đất cổ có lịch sử phát triển lâu đời mà còn tự hào với kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, một hệ thống trò diễn dân gian nổi tiếng ở xứ Thanh đó là trò Xuân Phả, gồm 5 trò diễn: Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Lục Hồn Nhung. Trò được biểu diễn vào dịp hội làng (10 tháng 2 âm lịch) cùng với các trò diễn truyền thống như trò Chạy giải, Chèo thuyền múa mạn...

Về nội dung các trò diễn này tương truyền mô tả việc sứ thần các nước đến tiến cống vua Nam Việt và nghinh bái Thành hoàng nước Nam. Những lời ca như:

Thuyền tôi ở nước Hoa Lang

Tôi nghe đức chính tôi sang chèo chầu...

Chúc mừng đại đức Thánh minh

Lịch triều phong tặng tối linh đại từ...

Chúc mừng tuổi vua vạn niên

Ngai rồng ngự trị dân yên thái hòa

được hát múa trong trò Hoa Lang ở Xuân Phả đã biểu hiện rõ nội dung này.

Trò Chiêm Thành, trò Ai Lao là những trò diễn không có lời ca, chỉ sử dụng nghệ thuật múa và âm nhạc để thể hiện nội dung. Trò Tú Huần có lời hát nhưng nội dung không gắn bó với nghi lễ nghinh bái Thành hoàng.

Qua nội dung của trò, ta thấy làng Xuân Phả đã hình thành, bảo lưu một hệ thống trò diễn và trở thành một trung tâm diễn xướng ở lưu vực sông Mã.

Trong lịch sử văn học nghệ thuật nước ta vào thời Lê có hai sáng tác vũ nhạc được ghi vào chính sử, đó là vũ khúc “Bình Ngô phá trận” và “Chư hầu lai triều”. Sách “Đại Việt Sử ký Toàn thư” đã hai lần nhắc đến các vũ khúc này:

Lần thứ nhất, sách cho biết vào năm Kỷ Tỵ (1449) triều Lê Nhân tông đã múa khúc nhạc “Bình Ngô phá trận”, công thần có người nghe cảm động đến phát khóc”.

Lần thứ hai sách ghi rằng: Năm Bính Tý (1456) triều vua Lê Nhân tông, nhà vua về Lam Sơn bái yết sơn lăng “đánh trống đồng, quân lính hò reo ứng theo... quan vũ múa nhạc Bình Ngô phá trận, quan văn múa nhạc “Chư hầu lai triều”. Hai điệu vũ nhạc này đã thất truyền nhưng những ghi chép trong chính sử này là bằng chứng hùng hồn nhất về nghệ thuật diễn xướng thời Lê. Từ cứ liệu lịch sử này, các nhà nghiên cứu cho rằng sau khi diễn xướng không được duy trì ở cung đình đã bị “vỡ ra” từng mảnh rồi lại trở về với dân gian còn nội dung “Chư hầu lai triều” (các nước chư hầu đến tiến cống vua Đại Việt) thì vẫn được bảo lưu ở các trò diễn dân gian.

Hệ thống ngũ trò ở Bôn gồm có Thủy Phường, Lan Phường, Tiên Phường, Ngô Phường và trò Lăng Ba Khúc được tổ chức diễn để cung nghinh Thành hoàng, cầu mong Thành hoàng phù hộ cho dân làng được nhân khang, vật thịnh. Thành hoàng ở làng này là Đăng quận công Nguyễn Khải - ông là Binh bộ Thượng thư Thái phó triều Hậu Lê. Khi mất ông được phong là Phúc thần. Nội dung các trò diễn ở đây cũng nói về việc sứ thần nước ngoài đến cúng tiến Thành hoàng nước Nam.

Lễ hội thường gắn bó với di tích lịch sử địa phương nên thường được tổ chức ở các đình, chùa, đền, miếu, phủ, điện; tùy vào tầm cỡ nhân vật được cử lễ mà có quy mô lễ hội lớn hay nhỏ. Với những đặc điểm nêu trên, các di tích danh thắng nằm trong hành trình du lịch thường kéo theo cả một hệ thống lễ hội. Thế nhưng thực trạng ở tỉnh ta tình hình phát triển du lịch những năm trước đây chưa mấy khởi sắc, ít cuốn hút khách thập phương. Thông thường du khách đến Sầm Sơn là để nghỉ ngơi, tắm biển chứ chưa có sinh hoạt văn hóa tinh thần nào thực sự níu chân du khách. Còn ở các điểm di tích lịch sử khác, trừ những di tích trọng điểm như di tích lịch sử đền Bà Triệu, đền thờ Hoàng đế Lê Đại Hành hoặc khu di tích lịch sử Lam Kinh gắn với vua Lê Thái tổ và triều Lê thì được các cấp, các ngành tổ chức long trọng vào những dịp kỷ niệm năm chẵn còn lại du khách đến vãn cảnh, dâng hương là chủ yếu, chưa có hoạt động văn hóa tinh thần để phục vụ du khách.

Để nâng cao chất lượng du lịch hơn nữa, chúng ta cần nghĩ tới việc khôi phục các trò diễn dân gian trong lễ hội cổ truyền, đưa vào nội dung phục vụ các tua du lịch, giúp cho du khách có một cái nhìn toàn diện hơn về vùng đất xứ Thanh có chiều sâu lịch sử như các trò múa Đèn, Hội trận đền Bà Triệu, trò Xuân Phả, Hội trận đền Lê, hát múa Đông Anh, múa rối “Lam Sơn khởi nghĩa”... để phục vụ khách tham quan các vùng thắng tích; tổ chức các chuyến đò xuôi, ngược trên dòng sông Mã để du khách tìm hiểu và thưởng thức các làn điệu của hò sông Mã đặc sắc cùng các động tác chèo giậm, chèo bay...

Đương nhiên “vạn sự khởi đầu nan” việc làm nào ban đầu cũng khó. Vấn đề kinh phí, vấn đề nghệ nhân rồi diễn viên... tất cả đều không đơn giản. Song nếu chúng ta không mạnh dạn thì việc bắt đầu vẫn không biết từ đâu?

Ở quy mô của bài viết này, tôi xin mạo muội đưa ra vài suy nghĩ hy vọng đóng góp một phần nhỏ bé vào việc phát triển văn hóa du lịch xứ Thanh.


Trần Thị Liên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]