Khát vọng nơi rừng xanh
Đi giữa bạt ngàn màu xanh của rừng sản xuất trên địa bàn các huyện Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Thạch Thành..., chúng tôi được lắng nghe nhiều hơn những câu chuyện khát vọng làm giàu từ rừng. Trên đất cằn sỏi đá, nhờ công sức, trí tuệ của con người, màu xanh của sự sống, của bình yên nơi đại ngàn bao la càng lan tỏa...
Mô hình rừng trồng gỗ lớn tại xã Xuân Thái (Như Thanh).
Thực hiện công cuộc đổi mới nghề rừng theo hướng phát triển lâm nghiệp xã hội, từ khai thác rừng là chính, nay đã chuyển sang lấy rừng làm đối tượng tác động để phát triển kinh tế, giúp Nhân dân các dân tộc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu từ rừng. Rừng đặc dụng được đầu tư, bảo vệ nghiêm ngặt, là nơi còn giàu tài nguyên rừng với nhiều loại lâm đặc sản quý hiếm. Rừng phòng hộ được bảo vệ và phát triển ngày càng tốt hơn. Rừng trồng được mở rộng về quy mô, cơ cấu cây trồng, từng bước chuyển dịch sang sử dụng các loại giống nuôi cấy mô cho năng suất cao, trồng rừng gỗ lớn phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, đã hình thành các vùng gỗ nguyên liệu.
Thanh Hóa phấn đấu giai đoạn 2021-2025 trồng, phát triển và duy trì ổn định 56 nghìn ha rừng đạt tiêu chuẩn rừng gỗ lớn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để đạt được kết quả đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng gỗ lớn và hình thành chuỗi sản phẩm lâm nghiệp bền vững.
Men theo những con đường rợp bóng cây xanh, chúng tôi ghé thăm trang trại rừng của gia đình anh Lê Duy Hải thôn Khe Cát, xã Thanh Tân (Như Thanh), một mô hình phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn hiệu quả, sáng tạo, thể hiện được nỗ lực và tâm huyết của người làm. Đón chúng tôi trong tâm trạng phấn khởi, anh Hải hồ hởi chia sẻ: "Gia đình nhận khoán đất lâm nghiệp với diện tích 12,6ha, từ năm 2018. Đến nay gia đình đã trồng, chăm sóc 12,6ha rừng gỗ lớn, trong đó có 2,6ha keo lai mô bằng nguồn vốn gia đình tự đầu tư...".
Đưa mắt nhìn bao quát khu rừng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Như Thanh Nguyễn Văn Dũng và nhiều cán bộ, công nhân, chia sẻ: BQLRPH Như Thanh đã và đang chủ động triển khai các giải pháp hình thành các vùng trồng rừng sản xuất, lâm sản hàng hóa tập trung, chuyên canh, thâm canh với quy mô lớn, gắn trồng rừng với chế biến và thị trường tiêu thụ lâm sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng rừng, thu hút và tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động làm nghề rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Trọng tâm là trồng rừng bằng cây lâm nghiệp chất lượng cao, cây nuôi cấy mô, tăng giá trị thu nhập cho chủ rừng.
Từ năm 2015 đến tháng 3/2024,
BQLRPH Như Thanh đã hướng dẫn kỹ thuật; cung ứng cây giống; tổ chức cho các hộ nhận khoán đất sản xuất lâm nghiệp trồng mới, trồng lại rừng đã khai thác theo quy định được hơn 3.950ha rừng sản xuất. Nét mới là 3 năm (2021-2023), ban đã trồng được 168ha cây keo nuôi cấy mô, 40ha cây quế chi...
Các năm vừa qua, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng hàng chục mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn trên địa bàn các huyện Như Thanh, Như Xuân, Lang Chánh, Thường Xuân,... để tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhân ra diện rộng. Qua theo dõi đánh giá của các cơ quan chuyên môn cho thấy rừng trồng gỗ lớn đạt tốc độ tăng trưởng lớn nhất vào giai đoạn từ 8 - 12 năm tuổi. Thông qua mô hình chuyển hóa rừng keo kinh doanh gỗ lớn tổng trữ lượng rừng bình quân đạt khoảng 250m3/ha, doanh thu bình quân đạt khoảng 350 triệu đồng/ha/chu kỳ. Trong khi đó, gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy (băm dăm) hơn 1,1 triệu đồng/tấn, bình quân đạt từ 90 - 130 triệu đồng/ha/2 chu kỳ gỗ nhỏ. Trên cùng một diện tích rừng việc chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn kéo dài thêm khoảng từ 5 - 7 năm so với gỗ nhỏ nhưng giá trị kinh tế cao hơn gấp 2,5 - 3 lần so với việc thực hiện liên tục 2 chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ. Kinh doanh gỗ lớn giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, góp phần giảm xói mòn, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Đến tháng 3/2024, Thanh Hóa đã có tổng diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn 56.000ha. Các loài cây trồng chủ yếu là keo tai tượng Úc, trẩu, xoan ta, lim xanh, lát hoa,... đã và đang được chăm sóc, bảo vệ, phát triển tốt. Toàn tỉnh đã có 20.149,18ha rừng trồng (vầu, luồng) tại các huyện Thạch Thành, Quan Hóa, Quan Sơn đã được Tổ chức Quản lý rừng bền vững Quốc tế (GFA) cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), góp phần nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp. Nhiều hộ dân khu vực miền núi đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại trồng rừng gỗ lớn và BVR kết hợp cây ngắn ngày, cho thu nhập cao. Rừng trồng đến kỳ cho khai thác theo quy định sẽ được chủ rừng trồng bổ sung diện tích rừng gỗ lớn mới.
Tuy nhiên, phát triển rừng gỗ lớn với quy mô lớn tại Thanh Hóa đang gặp nhiều khó khăn. Khu vực miền núi hạ tầng giao thông xuống cấp đã và đang cản trở việc thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp. Chu kỳ kinh doanh dài, vốn đầu tư lớn nên chỉ những hộ có đủ vốn, diện tích lớn mới có điều kiện phát triển rừng gỗ lớn. Thiên tai bão lũ, nắng hạn kéo dài... có thể gây thiệt hại cho chủ rừng...
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phát triển ổn định vùng kinh doanh gỗ lớn quy mô khoảng 56.000ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch cho đến tổ chức trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến lâm sản; tuyên truyền, vận động Nhân dân huy động mọi nguồn lực xã hội cho công tác phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn. Nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trồng rừng sản xuất bằng cây nuôi cấy mô, ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND về ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025. Theo đó, mức hỗ trợ 1.300 đồng/cây giống, tối đa không quá 2 triệu đồng/ha. Điều kiện hỗ trợ: tổ chức, gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận khoán đất rừng sản xuất để trồng rừng sản xuất. Diện tích trồng rừng sản xuất bằng cây giống nuôi cấy mô phải đảm bảo từ 1ha trở lên đối với hộ gia đình, cá nhân và từ 20ha trở lên đối với tổ chức.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa Thiều Văn Lực, cho biết: Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trồng rừng tập trung bằng cây nuôi cấy mô, kết quả trong 3 năm (2021-2023) toàn tỉnh đã trồng trên 5.000ha rừng tập trung bằng cây nuôi cấy mô. Toàn bộ diện tích rừng trồng bằng cây nuôi cấy mô đang được chăm sóc, bảo vệ, sinh trưởng, phát triển tốt. Chi cục kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị là chủ rừng nhà nước, các hạt kiểm lâm chủ động quy hoạch các nguồn giống, hệ thống vườn ươm cây giống lâm nghiệp bảo đảm chất lượng phục vụ trồng rừng; hướng dẫn kỹ thuật trồng mới rừng. Tuyên truyền, vận động người dân, chủ rừng thực hiện các mô hình kinh doanh rừng bền vững hỗn giao giữa cây gỗ lớn với các loài cây chu kỳ kinh doanh ngắn để đảm bảo thu nhập trước mắt cho chủ rừng khi rừng gỗ lớn chưa đến kỳ khai thác. Tập trung chỉ đạo các địa phương và các chủ rừng tăng cường quản lý, sử dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trong trồng rừng gỗ lớn (cây nuôi cấy mô) và áp dụng các biện pháp trồng rừng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Chỉ đạo hoàn thành tốt công tác thiết kế kỹ thuật các công trình lâm sinh; chuẩn bị hiện trường phục vụ trồng mới 10.000ha rừng tập trung năm 2024, trong đó, có 1.500ha trồng bằng cây nuôi cấy mô. Chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc UBND các huyện triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng cây nuôi cấy mô. Thu hút doanh nghiệp đầu tư dự án trồng rừng theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu thông qua hỗ trợ người trồng rừng thu mua sản phẩm.
Với quyết tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và sự “vào cuộc” của các ngành, địa phương, cùng với ý chí, nghị lực, dám nghĩ, dám làm, khát vọng làm giàu của những con người nơi rừng xanh yêu thương đã và đang nâng cao hiệu quả rừng trồng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, góp phần bảo vệ “lá phổi xanh” cho tỉnh nhà.
Thùy Dương
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-02-09 18:57:00
Hoa rơi trong gió
Hòa vào linh khí rồng thiêng
Tự hào 995 năm Danh xưng Thanh Hóa
Chuyện bà đỡ
Tết nhảy của người Dao Thanh Hóa
Sức sống trường tồn của Văn hóa Đông Sơn
Mùa xuân về nhớ Bác khôn nguôi!
TS Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế: Phát triển nguồn nhân lực y tế - đã đến lúc phải đổi mới quyết liệt từ nhận thức đến hành động
Phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế
Tiếng trống Xuân Phả