(Baothanhhoa.vn) - Ở nơi thâm sơn cùng cốc giữa đại ngàn Cúc Phương, có những hang đá bí ẩn ít người biết đến. Nằm sâu trong cánh rừng già, dưới những tán cây cổ thụ, trong hoang vu và lạnh lẽo, những vòm hang, mái đá ấy lại chính là nơi trú ngụ, những “ngôi nhà” của loài người thời hồng hoang, có niên đại cách đây hàng chục ngàn năm. Chuyện cổ tích về loài người dần hé lộ, khi những “ngôi nhà giữa rừng” lần lượt được phát hiện.

Khám phá những “ngôi nhà” của người xưa

Ở nơi thâm sơn cùng cốc giữa đại ngàn Cúc Phương, có những hang đá bí ẩn ít người biết đến. Nằm sâu trong cánh rừng già, dưới những tán cây cổ thụ, trong hoang vu và lạnh lẽo, những vòm hang, mái đá ấy lại chính là nơi trú ngụ, những “ngôi nhà” của loài người thời hồng hoang, có niên đại cách đây hàng chục ngàn năm. Chuyện cổ tích về loài người dần hé lộ, khi những “ngôi nhà giữa rừng” lần lượt được phát hiện.

Khám phá những “ngôi nhà” của người xưaThám sát hang Mang Chiêng trong vùng lõi rừng Cúc Phương.

Hang Con Moong thuộc địa phận bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa được phát hiện tháng 11-1974 và khai quật lần đầu tiên năm 1976. Hang Con Moong nằm trong núi đá vôi thuộc hệ tầng Đồng Giao, khoảng 240 triệu năm; hang thông hai đầu, chiều dài khoảng 40m, trần hang cao 8,41m; có độ cao tuyệt đối là 147m, độ cao tương đối là 32m. Với địa tầng di chỉ dày 9,5m; đây là một trong số di chỉ có địa tầng dày và được bảo tồn tốt ở Việt Nam và Đông Nam Á. Di chỉ hang Con Moong đã trải qua 7 lần khai quật. Lần đầu tiên vào năm 1976, do Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện; lần thứ 2 vào năm 2008, cũng do Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện theo đề nghị của tỉnh Thanh Hóa nhằm chuẩn bị làm hồ sơ trình UNESCO. Cuộc khai quật lần 2 tuy đã làm phát lộ một số hiện vật, nhưng các nhà khoa học vẫn thấy rằng còn nhiều lớp trầm tích chưa phát hiện ra, cần tiếp tục khai quật. Đến năm 2009, Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosibersk thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga ký kết chương trình khai quật 5 năm (từ 2009-2014). Thanh Hóa đóng vai trò là cơ quan chủ quản của chương trình khai quật.

Di chỉ hang Con Moong và địa tầng của nó là chìa khóa để tìm hiểu diễn trình phát triển lịch sử văn hóa nhân loại trong mối liên hệ với hệ thống các di tích thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương và trong khu vực Đông Nam Á.

Theo các tài liệu khảo cổ học, ngoài hang Con Moong, trong khu vực vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương còn có những hang động khác mang dấu tích của người xưa. Theo dấu tích thám hiểm của các nhà khảo cổ học trước đó, chúng tôi quyết định thực hiện một chuyến điền dã để thám hiểm những hang động này, dưới sự giúp đỡ của người dẫn đường là ông Đinh Công Nghiệp, một người bản địa rất thông thạo địa hình nơi đây. Các hang động phụ cận của Di tích hang Con Moong nằm trên địa bàn xã Thành Yên là hang Mộc Long và mái đá Mộc Long, hang Diêm, hang Lai, hang Lý Chùn.

Từ hang Con Moong đi sâu vào khoảng 8 km, ngay cạnh trục đường chính của xã Thành Yên, bên trái là hang Mộc Long và bên phải là mái đá Mộc Long. Hang Mộc Long nằm ở ngay chân núi. Đây là hang đá khá sâu và thông hai đầu nên có cảm giác gió lùa qua lòng hang, dù không nhìn thấy cửa bên kia. Những thạch nhũ trong hang khá đẹp mắt. Nằm ở phía đối diện, mái đá Mộc Long có độ cao khoảng 50m tính từ chân núi. Các nhà khảo cổ đã tổ chức khai quật nơi đây để tìm ra các dấu tích của người xưa. Các di tồn vỏ nhuyễn thể và dấu vết tro bếp cho thấy sự cư trú, sinh hoạt của người nguyên thủy khá rõ. Việc lựa chọn hang động, mái đá làm nơi trú ngụ là đặc tính của người nguyên thủy trong sơ kỳ đồ đá. Các “ngôi nhà” của họ đều ở những nơi dồi dào nguồn thức ăn và gần nguồn nước.

Rời mái đá Mộc Long, chúng tôi tìm đến hang Diêm (ở bản Sánh, xã Thành Yên). Hang này nằm ở khoảng giữa mái đá Mộc Long và hang Con Moong, cách hang Con Moong khoảng 4 km. Hang có độ dài khoảng 24m, rộng khoảng 7m. Hố khai quật tại đây đã thu được kết quả: Nền trầm tích gồm 3 lớp, dày gần 2m, chất đầy vỏ nhuyễn thể, xương động vật, công cụ đá và các lớp mộ táng. Những di vật và mộ táng này cho thấy: cư dân sống ở đây thuộc thời đại Đá mới, với nguồn thức ăn khá phong phú bao gồm chim, thú, nhuyễn thể trên núi và sông suối. Những phát hiện tại hang Diêm đã góp phần bổ sung tư liệu nghiên cứu lịch sử văn hóa cộng đồng cư dân sống trong hang động đá vôi ở vùng núi Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung.

Từ trung tâm xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, chúng tôi bắt đầu cuộc dã ngoại theo một lối mòn độc đạo vào vùng lõi Vườn Quốc gia Cúc Phương để thám sát hang Mang Chiêng. Ông Đinh Công Nghiệp cho biết, phải đi bộ 8 km thì mới tới khu vực hang, nên thỉnh thoảng lại cắt lối đi tắt cho nhanh. Chỉ có một chặng nghỉ duy nhất ở giữa rừng, người địa phương thường gọi là Quèn Cả (tức hẻm đá lớn nhất, là lối rẽ trong rừng). Người đi rừng thường nghỉ chân ở đây. Vượt Quèn Cả, chúng tôi tiếp tục đi vào khu vực trung tâm Cúc Phương. Càng đi sâu vào rừng, những cây cổ thụ càng to hơn. Ông Nghiệp giảng giải cho chúng tôi những cách thức tìm thức ăn từ rừng. Đối với những người không có chút kinh nghiệm về rừng thì không thể phân biệt được những loại cây, củ, quả rừng nào có thể ăn được. Nhưng với ông Nghiệp và những người dân chuyên đi rừng, thì họ luôn kiếm được nguồn thức ăn dồi dào và thậm chí còn gọi là đặc sản từ nơi hoang vu này. Ông Nghiệp khoe có thể sống được cả tháng trong rừng mà không bị đói. Điều đó cho thấy, người xưa chọn rừng là môi trường sống đầu tiên, bởi rừng nuôi sống họ.

Phải đi qua mấy điểm “quèn đá” nữa thì chúng tôi mới tới một sườn núi dốc, đá tai mèo lởm chởm. Vượt qua bãi đá sắc nhọn như chông, cuối cùng chúng tôi đã tới được hang Mang Chiêng. Hang nằm trong khu vực trung tâm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Tầng văn hóa xuất lộ ngay sát cửa hang, phơi bày cấu trúc lớp nhuyễn thể dày hóa thạch.

Trước kia, khi thực hiện hai hố khai quật rộng 10m² tại hang Mang Chiêng, giới khảo cổ học phát hiện thêm các tầng văn hóa cùng hàng trăm di vật, gồm các vết tích bếp lửa, cụm chế tác đá, các di tích động vật, đặc biệt là lớp chứa di tồn văn hóa của người tiền sử. Trong hố khai quật năm 2011 có tới 10 vết tích mộ táng với di cốt gãy vụn và nhiều mảnh bị đốt cháy... cho thấy táng thức, táng tục ở đây còn nhiều điều phải nghiên cứu để giải mã. Độ dày tầng văn hóa của hang Mang Chiêng chỉ có 3 lớp, khá mỏng so với những di tích khác, vết tích cư trú không thường xuyên liên tục, phản ánh hình thái di động tìm kiếm thức ăn và cư trú theo mùa của cư dân tiền sử. Di chỉ hang Mang Chiêng về mặt hình thái cư trú, kiếm sống và kỹ nghệ đá mang tính chất văn hóa Hòa Bình.

Những kết quả thu thập được từ hang Con Moong và các di chỉ phụ cận hang Diêm, hang Lai, hang Lý Chùn, hang và mái đá Mộc Long, hang Mang Chiêng... đã được báo cáo trong các hội thảo khoa học. Qua tham luận, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã làm rõ không gian sinh tồn của người Việt cổ ở Thanh Hóa. Giá trị lịch sử văn hóa nổi bật ở hang Con Moong là sự thích nghi của con người với môi trường trong suốt hàng vạn năm. Tại không gian sinh tồn rừng Cúc Phương, người Con Moong đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: Từ hái lượm, săn bắt tiến dần đến trồng trọt, chăn nuôi. Những dấu tích lớp văn hóa trên cùng ở Con Moong gồm những chiếc rìu mài bộ phận và gốm văn dập thô tương thích với lớp sớm nhất của văn hóa Đa Bút cho thấy sự chuyển cư của cư dân hang Con Moong đã tiến dần xuống đồng bằng ven biển, lập nên văn hóa Đa Bút.

Với những giá trị độc đáo, mang tính toàn cầu, năm 2006, Chính phủ đã đồng ý lập hồ sơ đề cử hang Con Moong là di sản văn hóa thế giới. Tháng 8-2007, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký quyết định công nhận hang Con Moong là di tích lịch sử quốc gia. Ngày 23-12-2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng Di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận là di tích quốc gia đặc biệt.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có văn bản gửi Cục Di sản văn hóa và Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xin ý kiến và hướng dẫn mời Trung tâm Di sản thế giới thuộc UNESCO và Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế cử chuyên gia hỗ trợ khảo sát, đánh giá khả năng đề cử Di tích hang Con Moong là di sản văn hóa thế giới. Việc đệ trình hồ sơ đề cử hang Con Moong là di sản văn hóa thế giới sẽ giúp cho huyện Thạch Thành phát huy được tiềm năng du lịch để phục vụ đời sống dân sinh. Trên địa bàn huyện Thạch Thành có khá nhiều thắng cảnh đẹp tự nhiên, chưa được nhiều người biết đến như thác Mây, thác Voi; suối nước nóng Thành Minh. Và ngay gần hang Con Moong có thác Đẹn - hồ Đẹn, một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp chưa có nhiều du khách biết đến. Kết hợp với những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú ở Thạch Thành, hy vọng rằng trong tương lai gần, những “ngôi nhà của người xưa” ẩn trong rừng già Cúc Phương sẽ được du khách thường xuyên đến tham quan, thám hiểm.

Dưới những “mái nhà cổ tích” ẩn sâu giữa rừng già Cúc Phương, tổ tiên chúng ta đã có một giấc mơ vĩ đại: Từ rừng già vươn tới chinh phục vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn, mở rộng không gian sinh tồn, duy trì và phát triển loài người đến muôn đời sau. Ngày nay những cư dân thời đương đại cũng có một giấc mơ to lớn: Phấn đấu đưa di sản của cha ông sớm trở thành di sản văn hóa thế giới, thành những điểm đến của loại hình du lịch về nguồn và khám phá thiên nhiên hoang dã.

Mai Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]