(Baothanhhoa.vn) - “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa/ Mẹ về đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù, mẹ ngồi dưới cơn mưa”... Trong những ngày tháng 7, mỗi khi câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cất lên, lòng mỗi người con đất Việt lại trào dâng niềm mến thương, xót xa, cảm phục trước sự cống hiến, hy sinh lớn lao những người mẹ Việt Nam Anh hùng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Huyền thoại mẹ

“Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa/ Mẹ về đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù, mẹ ngồi dưới cơn mưa”... Trong những ngày tháng 7, mỗi khi câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cất lên, lòng mỗi người con đất Việt lại trào dâng niềm mến thương, xót xa, cảm phục trước sự cống hiến, hy sinh lớn lao những người mẹ Việt Nam Anh hùng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Huyền thoại mẹNhà lưu niệm mẹ Tơm tại xã Đa Lộc, Hậu Lộc. Ảnh: H.T

Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa...

Chuyện về mẹ Tơm, tên thật là Nguyễn Thị Quyển – người mẹ nghèo nơi vùng đất biển Hanh Cù (Hậu Lộc) đã không quản hiểm nguy, gian khó cùng gia đình nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng thời kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tháng 9–1941, chiến khu du kích Ngọc Trạo (Thạch Thành) bị đàn áp, giặc Pháp vây lùng bắt bớ các chiến sĩ cách mạng và cơ quan bí mật của Tỉnh ủy Thanh Hóa. Trước tình hình ấy, Tỉnh ủy đã quyết định chuyển nơi hoạt động và cơ quan in báo về các huyện vùng ven biển Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn để tránh sự truy lùng, vây bắt của địch. Tháng 6–1942, các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc vượt ngục về Thanh Hóa, bắt liên lạc với ông Đinh Chương Dương – một trong những người hoạt động cách mạng tiêu biểu của huyện Hậu Lộc lúc bấy giờ. Tuy nhiên, đồng chí Đinh Chương Dương vào thời điểm ấy cũng đang bị địch theo dõi gắt gao. Để đảm bảo an toàn, bí mật, các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc được sắp xếp về ở nhà mẹ Tơm. Sau đó, lần lượt có thêm một số đồng chí nữa cùng về ăn ở, sinh hoạt, hoạt động cách mạng trong túp lều nhà mẹ Tơm. Túp lều ấy bỗng trở thành căn cứ bí mật, nơi nuôi giấu những “hạt giống đỏ” của cách mạng tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung.

Gia đình mẹ Tơm khi ấy vô cùng nghèo khó, chẳng có gì ngoài túp lều rơm hai gian, một chái đứng chơ vơ giữa cồn cát chang chang nắng, lồng lộng gió. Tuy nhiên, hai người con của mẹ Tơm là Phượng và Hậu sớm có tinh thần giác ngộ, nhiệt tình tham gia cách mạng. Đón các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc về nhà, mẹ Tơm chẳng quản ngại hiểm nguy, gian khó. Mẹ nhường hẳn căn buồng của hai vợ chồng cho các đồng chí ở và làm việc. Bàn viết là chiếc chõng tre nhỏ, đặt sát vách có mở lỗ nhỏ để lấy ánh sáng bên ngoài vào. Cả nhà mười mấy miệng ăn, cuộc sống khó khăn. Thương các đồng chí hoạt động cách mạng vất vả, mẹ Tơm tất tả ngược xuôi buôn thúng bán mẹt kiếm thêm tiền, lo cơm nước, chăm sóc cả nhà.

Tại nhà mẹ Tơm, nhiều truyền đơn, báo được in ấn. Chẳng ai nghĩ được rằng, người mẹ nghèo, lam lũ, đôn hậu ấy lại dũng cảm mang theo truyền đơn dưới những gánh rau, bước chân mòn mỏi khắp các chợ: Hôm, Mành, Vích, Nghè, Choàng... có khi sang cả chợ Bạch (Nga Sơn) tuyên truyền cách mạng. Những kỷ niệm khi hoạt động cách mạng ở nhà mẹ Tơm và những tình cảm dành cho mẹ Tơm được đồng chí Lê Tất Đắc ghi lại một cách chân thực, sâu sắc trong cuốn hồi ký cách mạng “Chim vượt gió”: “Mẹ Tơm hiền lành, vui tính; mỗi lần vào buồng, thấy chúng tôi là nháy mắt, cười tủm tỉm. Có một buổi tối, anh Tố Hữu và tôi tranh thủ nói chuyện với mẹ, mới được vài câu, thì mẹ nói ngay:... Thôi mẹ hiểu cả rồi, các con đi ngủ để ngày mai còn làm việc. Mẹ thương các con lắm, vì việc nước, việc người nghèo, mà phải bỏ nhà cửa, xa cha mẹ...”. Quả thực, “mẹ Tơm và lớp người nghèo như mẹ giác ngộ cách mạng một cách thật đơn giản, thật thiết thực nhưng cũng sâu sắc”.

Trải qua một thời gian hoạt động thì nhà mẹ Tơm bị bọn mật thám đánh hơi được điều bất thường. Nhờ tinh thần cảnh giác cao và sự phán đoán nhanh nhạy, chính xác nên cơ sở cách mạng đã kịp thời, bí mật rời sang xã lân cận. Được ít hôm, lính lệ và cai đội từ huyện kéo xuống, cùng lý trưởng vây lùng khắp ngả và lục soát nhà mẹ Tơm. Không bắt được người hay tìm được manh mối gì nhưng bọn chúng vẫn bắt trói hai người con của mẹ Tơm và một số trai làng giải lên huyện. Mặc cho bị đánh đập, tra tấn, hai anh vẫn quyết không nao núng, nêu cao tinh thần, khí tiết người cộng sản. Do không khai thác được gì, sau một thời gian giam cầm, hai người con của mẹ Tơm được trả tự do.

Tháng 7–1961, trong một lần về thăm lại mảnh đất Hanh Cát, Hanh Cù xưa, về lại nhà mẹ Tơm, xúc động trước ân tình của mẹ và gia đình, hồi tưởng lại những năm tháng hoạt động cách mạng gian khó, hiểm nguy nhưng nhiệt thành, đẹp đẽ, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “mẹ Tơm” để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ độc giả: “Con đã về đây, ơi mẹ Tơm/ Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm/ Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy/ Không sợ tù gông, chấp súng gươm! [...] Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi/ Tròn đôi nắm đất trắng chân đồi/ Sống trong cát, chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”.

Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa...

Không trở thành hình tượng văn học như mẹ Tơm nhưng câu chuyện về mẹ Nguyễn Thị Muội, quê ở thôn Y Bích, xã Hải Lộc đã trở thành khúc ca đẹp về tinh thần, ý chí, nghị lực của người mẹ anh hùng, trung hậu, đảm đang trên vùng đất biển Hậu Lộc.

Mẹ Muội sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyển thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Bố là ông Nguyễn Văn Phát, từng tham gia nghĩa quân Ba Đình. Lớn lên, mẹ Muội xây dựng gia đình với nhà cách mạng Đinh Chương Dương cùng quê Hậu Lộc. Mẹ Muội tảo tần sớm khuya, gánh muối từ Hải Lộc sang Nga Sơn, lên chợ Già, Nghĩa Trang của Hoằng Hóa bán, góp nhặt từng đồng nuôi chồng, nuôi con. Cũng như nhiều người mẹ trên dải đất hình chữ S lắm đau thương, nhiều mất mát này, chiến tranh tàn ác, khốc liệt đã cướp đi những đứa con – những khúc ruột – một phần sinh mệnh của mẹ.

Chẳng những nuôi chồng, nuôi con, mẹ Muội còn nuôi dưỡng, chở che cho nhiều chiến sĩ cộng sản hoạt động cách mạng. Mẹ trở thành người canh gác, bảo vệ, liên lạc, chuyển thư từ, tài liệu. Những lần chồng, con bị giam cầm ở huyện đường, ở nhà lao Thanh Hóa, mẹ cơm đùm, cơm nắm tiếp tế, chuyển tài liệu, giữ mối liên hệ giữa chồng, con với tổ chức ở bên ngoài. Tổng đốc Thanh Hóa, tri huyện Hậu Lộc nhiều lần cho lính về khám xét nhà mẹ, bắt, tra khảo mẹ, tịch thu tài sản của nhà mẹ. Ở địa phương, bọn quan lại luôn rình mò, theo dõi, o ép, đe dọa, nhưng tất cả đều không lay chuyển được ý chí cách mạng của mẹ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mẹ Muội tiếp tục vận động các cháu nội, ngoại tham gia kháng chiến...

Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa...

Không chỉ có mẹ Tơm, mẹ Muội của mảnh đất xứ Thanh, về với dòng Nhật Lệ, trên sóng nước mênh mang, mỗi thế hệ cháu con hôm nay vẫn như đang thấy bóng dáng mẹ Suốt “một tay lái chiếc đò ngang”, gò lưng chở bộ đội qua sông trong những ngày chiến đấu ác liệt chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ: “Một tay, lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày/ Sợ chi sóng gió tàu bay/ Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!/ Kể chi tuổi tác già nua/ Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!/ Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/ Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ.../ Gan chi gan rứa, mẹ nờ?/ Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?” (Mẹ Suốt – Tố Hữu). Đến với Quảng Nam, ai ai cũng lắng lòng nghe kể về huyền thoại mẹ - mẹ Nguyễn Thị Thứ có 12 người con, cháu hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Nếu để nói về nỗi đau, mất mát, sự hy sinh, mẹ Thứ thấm thía hơn bất kỳ ai khác. Và để nói về tấm lòng, sự cao cả, vĩ đại của người mẹ, trong trái tim mỗi thế hệ người dân đất Việt lại tha thiết gọi tên – mẹ Thứ - người Mẹ Việt Nam Anh hùng...

Kể làm sao đặng sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của những người mẹ xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Họ là hình mẫu tiêu biểu, hội tụ đầy đủ phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Nỗi đau của các mẹ cũng là nỗi đau chung cả dân tộc. Hơn hết, mỗi cuộc đời, mỗi con người, mỗi sự hy sinh ấy xứng đáng là biểu tượng cao đẹp, khúc tráng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược...

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]