(Baothanhhoa.vn) - Thanh xuân mà mẹ, chừng nào chân chưa mỏi, chừng đó con còn đi. Con đã ích kỷ quá nhiều lần rồi, mẹ ạ...

Hoa Lềnh Si

Thanh xuân mà mẹ, chừng nào chân chưa mỏi, chừng đó con còn đi. Con đã ích kỷ quá nhiều lần rồi, mẹ ạ...

Đang làm giáo viên tiếng Anh tại một trường chuyên danh tiếng của thành phố, Di lại tự nguyện đệ đơn chuyển công tác lên vùng cao Tả Sùa. Mẹ Di thừa hiểu con gái mình không phải là người nông nổi.

- Nhưng mà mẹ lo lắm...

Khẽ vuốt những sợi tóc mai lòa xòa trước gương mặt hằn sâu nỗi âu lo của mẹ, Di dìu dịu vỗ về:

- Mỗi tháng, con sẽ về thăm gia đình một lần mà. Rồi lâu lâu bố mẹ và hai anh lên thăm con nữa lại càng vui. Cứ xa nhau chút mới thương nhau nhiều hơn, mẹ nhỉ?

Lý do quan trọng nhất, Di vẫn cất kín trong lòng...

****

Tả Sùa dày đặc sương mù. Sương vấn khăn trắng cheo leo đỉnh núi. Sương mắc kẹt hun hút thung sâu. Sương bóp nghẹt sắc đỏ của những đóa lềnh si hé nở bung biêng. Sương va vào mắt kính ướt nhòe khiến Di phải xuống xe dắt bộ. Qua mấy con dốc chênh vênh, sương mới tản ra một chút. Một cô bé chừng mười ba tuổi với mái tóc hoe vàng, mặc chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ, giới thiệu tên Chia, đi theo chỉ đường cho Di đến nhà Pó. Vừa đi, nó vừa kể chuyện, giọng lơ lớ:

- Thầy Pó tốt bụng lắm. Hôm đó, vì chạy đến cứu một bạn nhỏ mà thầy bị ô tô đâm trúng. Máu ra nhiều lắm!

Di cố giữ bình tĩnh:

- Thế bây giờ thầy Pó thế nào rồi, con? - Di hỏi một câu mà chính cô đã nhận được câu trả lời từ hơn mấy tháng trước, vào cái ngày mưa giăng trắng đường thành phố, Di đã khóc cùng mưa mà chẳng cách nào rửa trôi những day dứt, đớn đau chất đầy khoang ngực.

- Thầy Pó nằm ở nhà. Người trong bản cho ngô thì ăn ngô, cho sắn thì ăn sắn.

Tim Di nhói lên một nhịp. Tiếng con chim voan nắng thánh thót gọi nắng lên e ấp buông lơi và thơm tho như mảnh khăn vừa giặt bằng vỏ cây lềnh si ủ than hồng góc bếp. Di biết rõ về loài chim voan nắng và cây lềnh si từ lần vác ba lô con cóc lặn lội theo chân Pó lên vùng cao này đi “phượt”. Hơn bao giờ hết, Di cần nắng hong khô làn tóc ướt như con chim non vừa chui ra khỏi vỏ trứng. Mặt trời ló qua đỉnh núi cao chất ngất đằng đông, màn sương nhè nhẹ tan. Hai bên đường, màu hoa lềnh si lóe lên, đỏ chói lọi. Di nhận ra, cô đang đứng chỗ gốc cây lềnh si to nhất, chúa cây cả vùng Tả Sùa, nơi có thể nhìn rõ nét cung đường hình trái tim khuyết lẹm. Sau chuyến đi ấy, Di càng yêu Pó hơn. Pó mồ côi bố mẹ từ hồi còn lẫm chẫm. Anh lớn lên bằng khúc sắn, bắp ngô của tình người trong bản. Sương gió Tả Sùa nhào nặn cho anh vẻ từng trải, thâm trầm. Trở về thành phố, Di khẳng định chắc nịch: “Sau này, chúng ta sẽ xây nhà cạnh trái tim đèo ấy”. Câu nói ngỡ còn văng vẳng đâu đây trong vách núi mà thoáng chốc đã là gió bay...

****

- Thầy Pó ơi, bạn của thầy đến thăm này. - Bé Chia í ới gọi.

Di chầm chậm bước vào căn nhà gỗ lợp cỏ tranh ẩm thấp, một mùi khai nồng chen vào mũi cô, sặc sụa. Lũ ruồi nhặng ù ù lượn qua lượn lại đen đặc. Trước mặt cô, Pó trông xanh xao, teo tóp như quả táo khô. Hai má hõm sâu khắc khổ. Mắt Pó long lanh nước:

- Em...

- Di “động” đến thăm anh đây. - Di lôi luôn cái biệt danh của mình ra đáp lại như một cách giảm bớt sự ảm đạm trong căn nhà vốn dĩ thiếu ánh sáng.

Ngay hôm đó, Di quét dọn nhà cửa sạch sẽ để bắt đầu làm quen với cuộc sống mới. Chỗ củi mùn ướt nhẹp khiến Di loay hoay mãi mới nhóm nổi lửa. Lửa lèo xèo cháy, rồi bừng lên đượm rực, vừa như muốn đốt ký ức thành tàn tro, vừa như muốn thắp sáng những kỷ niệm ngày xưa cũ. Chẳng mấy chốc, nồi cháo đã đội vung sôi ùng ục. Di múc cháo ra tô, thả thêm chút tía tô thái mỏng, bê lên hí hửng khoe với Pó. Khói thơm bay nghi ngút át đi mùi khai nồng vẫn đang còn váng vất. Khum khum cầm thìa múc cháo, Di thổi nguội rồi bón vào miệng Pó, vụng về như bà mẹ lần đầu sinh nở, nuôi con. Pó mới ăn nửa tô đã bảo no. Di hối anh ăn thêm được mấy thìa nữa. Cuối cùng còn thừa một ít, chẳng hề câu nệ, Di xúc ăn luôn. Lúc này đây Di mới nhận ra món cháo mặn quá.

- Em định ở chơi mấy ngày? - Giọng Pó trầm đục.

- Chưa gì đã muốn đuổi khách. - Di xơi xởi. - Em nhận được quyết định về trường cấp hai Tả Sùa rồi. Ngày mai đi dạy.

Bấu chặt ngón tay vào thành giường, Pó sửng sốt:

- Em đã biên chế dưới thành phố rồi cơ mà?

****

Nhiều năm về trước, Pó và Di đã nhổ tóc, nối vào nhau rồi chôn chặt dưới gốc cây lềnh si to nhất Tả Sùa, đánh dấu một tình yêu mãi mãi. Pó bảo rằng, sợi tóc nhắc đôi chân dù có đi qua chín núi, mười đèo thì cái đầu cũng không được phép quên về nơi hẹn ước. Ngày ấy, mới đôi mươi nhưng người ta cứ thích nói về những điều miên viễn. Để một ngày chợt vỡ ra, chân trời nào cũng ngập đầy nắng mới. Chỉ là nắng không trong như tưởng tượng buổi ban đầu. Sợi tóc vốn dĩ quá mong manh để níu giữ một cuộc tình. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, đứa về núi cao, đứa xuôi thành phố. Không mâu thuẫn, cũng chẳng có người thứ ba chen ngang, chỉ là khoảng cách địa lý khiến mọi thứ nhạt dần rồi đứt quãng. Giá mà có một lý do nặng nề hơn, hẳn cuộc chia tay sẽ trở nên dứt khoát. Đằng này...

Mấy năm sau, Pó lấy vợ rồi, Di vẫn không mở lòng yêu thêm một ai khác. Chẳng có vết thương nào trong Di để thời gian tìm cách chữa lành. Chỉ có những mảnh ký ức, thi thoảng nhói, thi thoảng đau, thi thoảng nhắc nhớ những sợi tóc chôn dưới gốc lềnh si thuở ấy. Ngày biết tin vợ Pó bỏ anh theo một người đàn ông giàu có trốn sang bên kia biên giới, Di đã từng nghĩ sẽ bất chấp tất cả để níu anh trở lại bên cô. Nhưng anh đã nói một câu khiến Di nghẹn bứ nơi cổ họng:

- Anh phải ở lại đây. Dù vợ anh không cần anh nữa, nhưng những đứa trẻ ở đây cần anh hơn bất cứ nơi nào.

Còn Di thì không thể đánh đổi cuộc sống đủ đầy hiện tại để lựa chọn một nơi đói nghèo, thiếu thốn. Sự nhộn nhịp nơi phố thị đã níu chân Di khiến cô mắc kẹt giữa những dùng dằng toan tính. Ký ức và những mùa hoa lềnh si nhung nhớ không đủ sức kéo Di về phía Pó...

***

Ngôi trường cấp hai Tả Sùa xiêu vẹo nằm co ro bên sườn đồi mọc đầy lềnh si, nom như chiếc tổ chim chấp chới trong dông lốc. Đang là mùa đông, gió rét sắc như sợi cật nứa cứa trên da thịt, qua kẽ nứt vách tường, mang theo mùi hoa thổn thức, nôn nao, lùa vào từng cơn buôn buốt. Những đứa trẻ chẳng có đủ quần áo ấm để mặc. Mặt đứa nào đứa nấy tái nhợt, xanh xám. Mấy cô trò gom củi lềnh si vào một chiếc chậu nhôm thủng lỗ chỗ, vừa đốt sưởi, vừa học bài. Khói ngun ngún cay nhòe khóe mắt. Tiếng củi khô lách tách, tiếng gió rít cồn cào hòa cùng lời giảng của Di xốn xang, khắc khoải. Những đôi mắt trong veo và sự hồn nhiên của lũ trẻ đã đánh thức tâm hồn Di. Di thương chúng đến rát lòng. Giờ thì Di đã thấm thía tại sao ngày đó, Pó nhất quyết trở về và ở lại nơi đây...

Di đã quen với những công việc lặng thầm ấy. Một buổi đi dạy, một buổi về nhà chăm Pó, đọc sách cho Pó nghe. Pó dạy Di học tiếng Mông và những nét văn hóa nơi đây. Chiều chiều, đám trẻ chăn trâu hay những người dân bản lại tất tả mang đến cho Di khi thì bó rau rừng xanh mướt, lúc thì chùm cá suối tươi nguyên, dặn nấu cháo cho thầy Pó nhanh khỏi bệnh. Nhưng bệnh tình của Pó không có dấu hiệu thuyên giảm. Từ phần ngực của Pó trở xuống đã hoàn toàn bị tê liệt. Pó không điều khiển được hoạt động vệ sinh cá nhân nữa rồi. Nhiều đêm, Pó đái dầm. Di lại lọ mọ mò dậy, bật đèn, thay quần, đổ nước sôi ấm trong cái phích giữ nhiệt vào chậu, hòa với nước lã rồi giặt khăn lau chùi khắp cơ thể Pó. Da Pó mềm như trái cây chín nẫu. Pó ngượng ngùng đỏ mặt. Di đã làm việc này cho Pó đến cả trăm lần. Ban đầu còn e ngại. Nhưng rồi cũng quen hết...

***

Mấy ngày nay, hoa lềnh si nở đỏ nhức nhối báo hiệu một đợt rét đậm, rét hại sắp tràn về. Pó hay nói nhiều về cái chết. Pó không tiếc đời mình mà chỉ lo vì Pó mà đời Di lận đận. Và thương cả những đứa học trò ngày ngày vẫn đến thăm, đợi chờ ngày thầy Pó trở lại trường, đứng trên bục giảng. Di cố dùng những câu bông đùa hóm hỉnh chặn lời Pó lại mà đầu cô nóng như có hòn than ủ nhiệt. Rồi mắt Di chạm vào mắt Pó, rưng rưng. Họ im lặng hồi lâu. Khoảng cách giữa sự sống và cái chết chỉ là một lần khép mắt. Pó run run:

- Khi anh chết, em hãy về lại thành phố đi nhé! Ở đó, em sẽ phát huy hết năng khiếu của mình.

- Anh tệ lắm! Em đã từ bỏ tất cả để lên đây với anh, lẽ nào anh định bỏ em mà đi thật sao? Em sẽ không đi đâu hết, chỉ có ở đây, em mới thực sự biết yêu và được yêu từ anh và những đứa trẻ.

- Anh... Anh...

Pó bật khóc khùng khục. Lần đầu tiên Di thấy Pó khóc thành tiếng. Ngoài kia, cây lềnh si xào xạc trở mình. Và nước mắt Di cũng đầm đìa chảy ra hai hàng dài. Pó tháo chiếc vòng bạc có khắc hình hoa lềnh si đeo trong cổ ra, đặt gọn vào lòng bàn tay Di:

- Giữ lấy! Anh sẽ luôn dõi theo em.

****

Tối đến, gió quăng quật, gầm gào như con hổ cái trúng mũi tên tẩm độc. Bé Chia lũn cũn cõng sang một lù cở đựng đầy than lềnh si và xin ngủ cùng Di để canh thầy Pó. Nửa đêm về sáng, con chim cú lợn kêu thảng thốt làm lòng dạ Di nóng ran. Cô không sao chợp mắt nổi. Di sợ chỉ cần mình lơ là ngủ quên một giây, một phút thôi, khi tỉnh lại sẽ không còn được gặp Pó. Nằm bên cạnh, bé Chia vờ khép mắt nhưng cũng chưa vào giấc. Bóng tối quánh đặc trong từng nếp nghĩ của Di. Số phận của Pó giờ cũng mỏng manh như một cánh lềnh si chao nghiêng trong gió... Di biết. Và Di sợ. Nỗi sợ theo từng mao mạch thấm sâu vào tâm khảm. Di vẫn còn bao nhiêu dự định đẹp đẽ phía trước. Gom đủ tiền, Di sẽ xây một căn nhà cạnh con đường hình trái tim, đón Pó đến ở cùng. Căn nhà này mục nát quá rồi. Pó phải sống! Pó nhất định phải sống! Đầu óc Di cứ lảo đảo quay tít như chiếc quạt gió cho đến khi những tia nắng yếu ớt chạm vào ô cửa.

- Pó sẽ không qua nổi.

Câu nói sắc lạnh của vị bác sĩ già như một lời phản bác khiến tim Di như bị lưỡi dao lam rạch ngang, xa xót. Di đến bên giường, đan những ngón tay mình vào tay Pó rồi cứ thế úp mặt vào ngực Pó, khóc như mưa. Di nghe nhịp tim Pó đang đập chậm dần. Pó nhoẻn cười mà gò má nhăn lại, rúm ró. Âu yếm nhìn Di, anh thều thào yếu ớt:

- Anh xin lỗi. Anh yêu em.

Pó dồn sức gượng đầu dậy, đặt một nụ hôn lên má Di rồi nhắm mắt...

****

Nấm mộ của Pó nằm âm thầm dưới gốc lềnh si chúa. Già làng bảo, Pó không chết, anh sẽ sống bằng màu xanh của lá, màu đỏ của hoa. Chừng nào hoa lềnh si còn thắp lửa Tả Sùa, chừng đó dân bản chưa quên được Pó. Ai đi xa về bản sẽ gặp anh đầu tiên. Và Di tin, cũng từ đây, anh sẽ nhìn thấy con đường hình trái tim, nhìn thấy những ký ức của tuổi hai mươi trong trẻo, nhìn thấy những đứa trẻ tung tăng đi học và nhìn thấy Di ngày hai buổi tới trường. Di nuốt nước mắt vào trong và cùng lũ trò nhỏ đứng lặng lẽ đứng bên mộ Pó hồi lâu. Bé Chia khẽ lay tay áo Di, mắt ngân ngấn nước:

- Thầy Pó đi rồi, cô đừng bỏ chúng em trở về thành phố, cô nhé.

Một đứa khác ấp úng thêm vào:

- Chim mẹ mà đi thì cái tổ bỏ hoang mất thôi.

Di nhổ một sợi tóc dài, chìa ra trước lũ trẻ:

- Mỗi bạn cho cô xin một sợi tóc được không?

Rồi Di nối những sợi tóc của mình và của lũ trò nhỏ lại thành một vòng tròn, chôn dưới gốc lềnh si thật chặt. Một đợt gió nhẹ dào qua làm những đợt cánh hoa sẽ sàng rụng xuống, đỏ rực như những đốm lửa sưởi ấm tâm hồn Di và cả những đứa trẻ. Và Di chợt nghe thấy đâu đây tiếng kèn cánh hoa Pó thổi nhiều năm về trước: “Thương thương anh ngóng ngóng/ Nhớ nhớ em mong mong/ Kèn lềnh si đêm ấy/ Trong lòng nhau vòng vòng...”.

Truyện ngắn của Phan Đức Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]