(Baothanhhoa.vn) - Theo tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ thì: Từ tháng 11-1961 giặc Mỹ đã đề cập đến việc ném bom Bắc Việt Nam, nơi giặc Mỹ cho là “Nguồn gốc của mọi vấn đề”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàm Rồng - sự lựa chọn của lịch sử

Theo tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ thì: Từ tháng 11-1961 giặc Mỹ đã đề cập đến việc ném bom Bắc Việt Nam, nơi giặc Mỹ cho là “Nguồn gốc của mọi vấn đề”.

Hàm Rồng - sự lựa chọn của lịch sử

Đại đội I pháo cao xạ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Ảnh tư liệu của Bảo tàng tỉnh

Như­ng rồi phải đến ngày 5-8-1964, giặc Mỹ chính thức mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc theo thuyết: “Ăn miếng trả miếng” hay còn gọi là “Ném bom trả đũa”, có nghĩa là hễ quân giải phóng tấn công vào căn cứ quân sự của quân Mỹ ở miền Nam thì ngay lập tức Mỹ ném bom miền Bắc.

Cứ thế ròng rã suốt mấy tháng trời, giặc Mỹ đã tiến hành trên 30 cuộc ném bom kiểu trả đũa như­ vậy ra miền Bắc Việt Nam. Nhưng những cuộc tấn công của quân giải phóng vào các căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam không hề giảm đi mà ngư­ợc lại ngày càng gia tăng.

Ngày 1-4-1965, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ buộc phải họp khẩn cấp ở Oa Sinh Tơn để bàn định chiến cuộc ở Việt Nam. Tại cuộc họp này Mỹ quyết định chuyển cuộc chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân ra miền Bắc từ mục đích “Trả đũa” sang mục đích “Ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam Việt Nam”.

Sự thay đổi có ý nghĩa chiến lư­ợc này của Mỹ đã đư­a hệ thống giao thông ở Bắc Việt Nam thành mục tiêu chủ yếu trong các cuộc oanh kích của không quân Mỹ. Giới quân sự Mỹ xác định, có 60 điểm tắc trên hệ thống giao thông ở Bắc Việt Nam và theo chúng điểm tắc lý tưởng nhất là những chiếc cầu. Cầu Hàm Rồng nằm trên vĩ tuyến 20 được giới quân sự Mỹ lựa chọn làm mục tiêu đầu tiên để thực hiện chiến l­ược ném bom ngăn chặn này.

Nói Hàm Rồng là sự lựa chọn của lịch sử vì duyên cớ ấy.

Và kỳ diệu thay ngay trận đụng độ đầu tiên ở Hàm Rồng, giặc Mỹ đã thất bại thảm hại. Trong hai ngày mùng 3 và 4 tháng tư năm 1965 quân và dân Thanh Hóa bắn rơi tới 47 máy bay giặc Mỹ, một kỷ lục bắn rơi nhiều máy bay nhất trong một trận đánh mà sau này không ở đâu đạt đến được. Chả thế mà giặc Mỹ đã phải thừa nhận đây là “hai ngày đen tối” của không lực Hoa Kỳ.

Từ chiến công mở đầu này, Hàm Rồng còn liên tiếp lập những chiến công hiển hách khác được nhân dân cả nước và bè bạn trên thế giới hết lời ca ngợi.

Ngày 18-7-1965, Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay A6A đầu tiên trên miền Bắc, bắt sống Trung tá Đen Tơn và Trung úy Chu Đi. Ngày 5-6-1967, Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Mỹ thứ hai nghìn trên miền Bắc, bắt sống 1 tên giặc lái. Ngày 26-12-1971, Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay thứ một trăm tại Hàm Rồng. Ngày 7-5-1972, Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Mỹ thứ ba trăm trên đất Thanh Hóa.

Tôi may mắn sau chiến tranh chống Mỹ được Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân điều về viết lịch sử cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc. Do yêu cầu công việc, tôi có dịp đi hầu hết những chiếc cầu lớn ở miền Bắc như: Đò Lèn, Ninh Bình, Phủ Lý trên đường 1 Nam; Lai Vu, Phú Lương, Thượng Lý trên đường 5; cầu Đuống, Đáp Cầu, Phủ Lạng Thương trên đường 1 Bắc. Những chiếc cầu ấy đến tháng 6-1966 gần như bị đánh sập hết. Đến cầu Long Biên nằm giữa lòng Hà Nội, trong trận 11-8-1967 cũng bị giặc Mỹ đánh sập nhịp 11. Vậy mà cầu Hàm Rồng, chiếc cầu chịu trận đầu tiên, bị giặc Mỹ công kích sớm nhất trong những chiếc cầu thì vẫn còn đó, hiên ngang vắt qua đôi bờ sông Mã.

Lại nữa, cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai do Ních-xơn phát động năm 1972. Chỉ trong vòng 2 tháng tư và năm, tất cả những chiếc cầu Giôn xơn đã đánh đổ xuống, Ních-xơn lại đánh đổ một lần nữa. Riêng cầu Hàm Rồng thì vẫn sừng sững đứng đó như một thách đố với không lực Hoa Kỳ.

Phải nói thêm rằng trước khi Ních-xơn mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai vào tháng 4-1972, thì ngày 26-12-1971, Hàm Rồng đã đánh trận đầu tiên với giặc Mỹ rồi. Đó là trận đánh đã đi vào lịch sử, Hàm Rồng bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của giặc Mỹ.

Sau này, có dịp được đọc bản cung của một trong những tên giặc lái đi ném bom Hàm Rồng sáng ngày 26-12-1971, tôi mới biết. Thì ra đó là trận đầu tiên giặc Mỹ sử dụng bom laze ở miền Bắc. Theo lời tên giặc lái ấy khai: Năm 70 giặc Mỹ trang bị bom laze cho không quân Mỹ. Chúng đã ném bom này trong cuộc chiến tranh ở Lào năm 1970 - 1971 và dự kiến sẽ dùng vào cuộc chiến ở Bắc Việt Nam nếu Ních-xơn ném bom trở lại.

Vẫn theo lời tên giặc lái ấy kể: Ở Lào không có mục tiêu nào bằng bê tông cốt sắt kiên cố để thể nghiệm sức công phá của bom laze. Vì vậy chúng phải chọn cầu Hàm Rồng để thử nghiệm.

Như vậy, Hàm Rồng là nơi đầu tiên ở miền Bắc đụng độ với bom laze của giặc Mỹ và đã đánh thắng chúng. Điều đặc biệt ở đây, Hàm Rồng không chỉ thắng một trận mà từ tháng 4-1972 khi Ních-xơn cho ném bom trở lại miền Bắc, địch đánh phá liên tục bằng laze, Hàm Rồng vẫn đánh thắng.

Những ngày mùa hè nóng bỏng của năm 1972, trên khắp các trận địa Hàm Rồng sôi sục không khí chiến đấu với khẩu hiệu: “Đánh bằng cánh, đánh bổ nhào”. Khi máy bay bổ nhào bằng cánh là lúc nó rọi tia laze vào cầu để ném bom. Chỉ có đánh vào lúc ấy mới làm thất bại được thủ đoạn dùng tia laze đánh cầu của giặc Mỹ. Bộ đội cao xạ Hàm Rồng gọi cách “đánh bằng cánh, đánh bổ nhào” là cách “đánh vỗ mặt” quân thù. Hàm Rồng đã chiến thắng bom laze của giặc Mỹ bằng cách đánh dũng cảm như vậy đó.

Hàm Rồng còn trải qua những đêm máy bay B52 rải từng thảm bom trùm lên cả một khu vực rộng đến gần một cây số vuông. Trong ký ức của những người Hàm Rồng ngày đó chưa ai quên được cái đêm 21-4-1972 đầy ắp tiếng bom ấy. Lúc đó lính Hàm Rồng chúng tôi chưa biết B52 đánh mình vì thế dẫu là pháo 57 ly hay 37 ly, tầm bắn không tới được B52 thì lính vẫn nổ súng liên hồi kỳ trận. Đến rạng sáng hôm sau, nhìn quanh trận địa chỉ thấy rặt một màu đất đỏ au. Lúc ấy mới biết B52 đánh mình.

Những lần sau khi biết có B52 ném bom, loại pháo 57 của chúng tôi được lệnh ẩn nấp để dành đạn ban ngày chọi với bọn cường kích.

Ngày đó tôi đang làm chính trị viên Phó đại đội Bốn anh hùng. Việc trụ lại giữa bãi bom B52 quả là một thử thách không nhỏ. Chúng tôi hì hục đào hầm sâu xuống lòng đất. Cũng vẫn là hầm chữ A theo kiểu được gọi là hầm Quảng Bình, nhưng chúng tôi dựng theo hình của một tam giác đều. Những đêm nằm chờ B52 dưới hầm chữ A ấy tôi lại nhớ về bài hóa học thầy giáo giảng cho cánh học sinh chúng tôi về than và kim cương. Cũng vẫn là các-bon cả thôi nhưng khi các-bon được cấu trúc dưới dạng tinh thể là những khối có diện tích bề mặt bằng những tam giác đều thì các-bon trở thành kim cương, có độ rắn đến vô cùng. Những hầm chữ A trên đồi Xê Bốn của chúng tôi hồi cuối năm 1972 là những hầm kim cương như vậy. Nếu bom có nổ ở bên cạnh cũng không việc gì.

Ngày 6-10-1972, trong một trận đánh khốc liệt với hơn 30 máy bay A7 của giặc Mỹ, một quả bom đã rơi trúng cầu Hàm Rồng, hất nhịp cầu phía Nam đổ nghiêng về phía thượng nguồn. Tôi nhớ rất rõ, khói của quả bom này lạ lắm, không đen kịt như các loại bom thông thường khác mà là màu vàng ruộm như màu đồng. Mãi những năm sau này, khi tìm tài liệu viết lịch sử cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tôi mới biết: Đó là loại bom vô tuyến truyền hình, đầu bom được trang bị máy thu hình. Khi máy thu hình đã nhận được tín hiệu phản xạ từ mục tiêu thì phi công cố định lại rồi thả bom. Bom sẽ tự tìm đến mục tiêu.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 117 máy bay giặc Mỹ, nhiều chiếc rơi tại chỗ, bắt sống nhiều giặc lái. Tính từ trận đầu mùng 3 và 4-4-1965 đến ngày 6-10-1972 cầu Hàm Rồng được bảo vệ an toàn 7 năm 6 tháng, là chiếc cầu được bảo vệ vững chắc và lâu dài nhất ở miền Bắc. Hàm Rồng xứng đáng là địa danh được lịch sử lựa chọn trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc.

Tháng 3-2020

Lê Xuân Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]