(Baothanhhoa.vn) - Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thanh Hóa gồm 6 dân tộc chủ yếu là Mông, Dao, Khơ Mú, Mường, Thái, Thổ. Cùng với tiếng nói, chữ viết thì trang phục truyền thống là biểu trưng của văn hóa, góp phần phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của mỗi tộc người, đã và đang được các cấp, các ngành, địa phương và đồng bào DTTS xứ Thanh gìn giữ, phát huy.

Giữ gìn bản sắc văn hóa qua trang phục truyền thống

Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thanh Hóa gồm 6 dân tộc chủ yếu là Mông, Dao, Khơ Mú, Mường, Thái, Thổ. Cùng với tiếng nói, chữ viết thì trang phục truyền thống là biểu trưng của văn hóa, góp phần phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của mỗi tộc người, đã và đang được các cấp, các ngành, địa phương và đồng bào DTTS xứ Thanh gìn giữ, phát huy.

Giữ gìn bản sắc văn hóa qua trang phục truyền thốngPhụ nữ dân tộc Mông, bản Nà Ón, xã Trung Lý, huyện Mường Lát thêu thùa trang phục truyền thống.

Rực rỡ sắc màu thổ cẩm

Nà Ón là một trong những bản tái định cư của xã Trung Lý, huyện Mường Lát sau ảnh hưởng của đợt bão lũ năm 2019. Nơi đây, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Người dân Nà Ón thuộc nhóm Mông Hoa di cư từ các tỉnh phía Bắc về Mường Lát vào những năm 1995.

Ở Nà Ón, hầu như chị em phụ nữ độ từ tuổi trung niên trở lên đều biết đến thêu thùa, may vá. Năm nay đã 65 tuổi, bà Vàng Thị Dánh vẫn miệt mài thêu những đường nét, hoa văn trên tấm vải. Theo bà Dánh, trang phục đồng bào dân tộc Mông, đặc biệt là trang phục của phụ nữ có nhiều đường nét hoa văn sặc sỡ. Trước đây chất liệu trang phục chủ yếu được dệt từ sợi lanh, thêu hoa văn, còn ngày nay được thay thế bằng chất liệu vải mới, thêu bằng sợi chỉ với nhiều loại màu khác nhau. Để làm nên một bộ váy trang phục của đồng bào dân tộc Mông phải mất từ 2 - 3 tháng. Ở bản Nà Ón, có nhiều người thêu thùa giỏi như bà Giàng Thị Cá, Giàng Thị Tùng, lớp trẻ còn có Thào Thị Chư, Thào Thị Pàng... Không chỉ may, thêu để sử dụng, chị em phụ nữ bản Nà Ón còn nhận thêu những tấm vải sặc sỡ rồi bán cho các đầu mối ở các tỉnh phía Bắc, góp phần đem lại thu nhập phụ bà con.

Ngược cầu Chiềng Nưa, chúng tôi lên bản Suối Tút, xã Quang Chiểu - đây là một trong những bản có đồng bào dân tộc Dao sinh sống ở huyện Mường Lát. Ở Mường Lát, hiện có hơn 800 người Dao đỏ sinh sống tại các bản Suối Tút, Con Dao (Quang Chiểu), Pù Quăn, Hạ Sơn (Pù Nhi). Nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào Dao được bà con gìn giữ, trong đó nổi bật chính là trang phục truyền thống. Đặc biệt là trang phục rực rỡ của người phụ nữ, với áo dài yếm, quần, khăn đội đầu, màu chủ đạo là đen, đỏ, trắng.

Từ khi 10 tuổi, chị Tặng Thị Pham (năm nay 33 tuổi) ở bản Suối Tút đã bắt đầu học thêu thùa từ bà, từ mẹ với những họa tiết, hoa văn đơn giản trên quần, áo. Nay chị đã khéo léo và có thêm nhiều kinh nghiệm trong cách thêu thùa hoa văn khó. Không những vậy, chị còn dạy thêu thùa cho các em gái ở bản. Đang là ngày nghỉ nên em Tặng Thị Lựu và Tặng Thị Chuộng, bản Suối Tút là học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc về thăm nhà. Hai em đang được các mẹ, các chị em bản Suối Tút giới thiệu, hướng dẫn cách thêu những tấm vải rực rỡ. Tặng Thị Lựu cho biết: “Em rất yêu bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, học thêu rất khó và đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì. Ở trường học, các em thường xuyên mặc trang phục của đồng bào dân tộc Dao, vừa là niềm tự hào vừa là cách để giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình với bạn bè”.

Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống

Mỗi dân tộc có nét đẹp riêng làm nên bức tranh đa màu sắc của trang phục truyền thống của đồng bào DTTS xứ Thanh nói riêng, của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Để làm nên bộ trang phục truyền thống của mỗi dân tộc có vai trò, đóng góp quan trọng của những người phụ nữ. Họ không chỉ làm nên những trang phục, đồ dùng phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày, để mặc trong các dịp lễ, tết mà còn mạnh dạn đưa các sản phẩm váy áo truyền thống của dân tộc mình giới thiệu, bày bán trên thị trường, đem lại thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn sinh sống.

Giữ gìn bản sắc văn hóa qua trang phục truyền thốngPhụ nữ dân tộc Dao, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát trong trang phục truyền thống.

Ở làng Nhỏi, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, ai cũng biết đến bà Phạm Thị Bảo, là chủ cơ sở sản xuất thêu dệt thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng. Từ khi 15 tuổi, bà Bảo đã theo mẹ lên nương trồng dâu, hái lá về cho tằm ăn và được mẹ truyền dạy những đường chỉ đầu tiên. Đến năm 16 tuổi, bà có thể ngồi vào khung cửi, dệt thuần thục hoa văn truyền thống của người Mường. Theo bà Bảo, nghề dệt thổ cẩm đang dần bị mai một, những người biết dệt chủ yếu là ở độ trung niên và cao tuổi. Những năm qua, cơ sở sản xuất do bà Bảo làm chủ đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều phụ nữ trong làng, thu nhập từ 3.500.000 đồng đến 4.500.000 đồng/người/tháng.

Ở xã Lũng Niêm (Bá Thước), bà Hà Thị Dung là một trong những người tâm huyết gìn giữ sắc màu thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái. Từ năm 2006, bà Hà Thị Dung ở phố Đoàn (phố Đòn) đã mạnh dạn vay vốn, mua thêm khung cửi để truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ trong xã, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bà còn mở cơ sở may, dệt tạo nên việc làm, thu nhập cho bà con. Cửa hàng trưng bày, bán các sản phẩm thổ cẩm của gia đình bà Hà Thị Dung luôn thu hút người dân và khách du lịch ghé thăm, nhất là du khách nước ngoài. Họ thích thú khi được xem chị em phụ nữ dân tộc Thái chăm chỉ, khéo léo bên khung cửi dệt nên những tấm thổ cẩm vừa đẹp vừa kỳ công.

Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của trang phục dân tộc được các cấp, các ngành, địa phương và đồng bào các DTTS xứ Thanh quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng. Ngoài việc tăng cường, chú trọng mở các lớp dạy nghề truyền thống về thổ cẩm, may thêu váy áo cho đồng bào, ngành văn hóa định kỳ tổ chức các liên hoan, hội diễn văn hóa các DTTS, tổ chức các lễ hội đầu xuân, trong đó có nội dung thi biểu diễn trang phục dân tộc. Nhà nước tôn vinh các nghệ nhân là những người giữ và “truyền lửa” cho thế hệ mai sau; tổ chức hội thảo khoa học về bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh... Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, trang phục truyền thống của đồng bào DTTS đang dần bị mai một. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra đó là do tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự du nhập mạnh mẽ của các yếu tố văn hóa ngoại lai.

Nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4795/QĐ-UBND ngày 21-12-2022 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” và Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 20-3-2023 về triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025”, với những mục tiêu cụ thể là: 100% các huyện miền núi tổ chức tuyên truyền người dân tự làm, sản xuất y phục và duy trì mặc trang phục trong ngày lễ tết, trong hoạt động học tập. Tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn; trưng bày triển lãm về trang phục truyền thống trong ngày hội văn hóa các dân tộc. Tổ chức được các chương trình quảng bá, giới thiệu nét đẹp trong trang phục, nghề truyền thống của đồng bào DTTS phục vụ phát triển du lịch. Hình thành một số sản phẩm du lịch từ trang phục và nghề truyền thống để giới thiệu, bày bán phục vụ khách tại một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh... Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa tộc người, thúc đẩy sinh kế đa dạng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]