(Baothanhhoa.vn) - Bảo tồn - phát huy giá trị văn hóa nói chung, DSVHPVT nói riêng, đó không thể là câu chuyện của riêng ngành, địa phương hay bất cứ ai. Văn hóa tồn tại trong Nhân dân, phục vụ cho Nhân dân, bởi vậy mỗi người dân đều là một “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa. Nhưng để văn hóa làm tốt “sứ mệnh” của mình trong sự phát triển chung của xã hội, rõ ràng cần đến những sự quan tâm, đầu tư chiến lược, cụ thể, rõ ràng và dài hơi.

Để di sản phát huy giá trị

Bảo tồn - phát huy giá trị văn hóa nói chung, DSVHPVT nói riêng, đó không thể là câu chuyện của riêng ngành, địa phương hay bất cứ ai. Văn hóa tồn tại trong Nhân dân, phục vụ cho Nhân dân, bởi vậy mỗi người dân đều là một “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa. Nhưng để văn hóa làm tốt “sứ mệnh” của mình trong sự phát triển chung của xã hội, rõ ràng cần đến những sự quan tâm, đầu tư chiến lược, cụ thể, rõ ràng và dài hơi.

Để di sản phát huy giá trịĐồng bào Thái trong trò diễn nhảy sạp tại Lễ hội Chá Mùn.

Cần phải đúng và trúng

Trải qua thời gian dài bị gián đoạn bởi sự chuyển tiếp của lịch sử và chiến tranh, không ít di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) trong đời sống người dân đã bị mai một, thậm chí biến mất. Bà Trịnh Thị Minh, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: “Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phục dựng được 4 DSVHPVT của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, là: mo Mường, khặp Thái, lễ hội Nàng Nga - Hai Mối, lễ hội Chá Mùn. Tất cả nguồn kinh phí cho việc phục dựng đều thụ hưởng từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Còn một dự án cụ thể với nguồn kinh phí nhất định dành cho DSVHPVT từ nguồn ngân sách của tỉnh trong thời gian qua là chưa có”.

Nếu so với hơn 1.500 di sản văn hóa vật thể (di tích) trên địa bàn tỉnh đã được kiểm kê thì số lượng hơn 750 DSVHPVT đã được nhận diện quả thực không nhỏ. Và vai trò, ý nghĩa của DSVHPVT trong đời sống Nhân dân cũng đã được khẳng định. Tuy nhiên, sự quan tâm - đầu tư cho DSVHPVT của các cấp, ngành, địa phương đến thời điểm hiện tại thực sự chưa nhiều.

Ngay với cả các địa phương sở hữu DSVHPVT quốc gia, đầu tư cho di sản cũng chủ yếu mới dừng lại ở việc xây dựng và thông qua những đề án, kế hoạch: Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT Ngũ trò Viên Khê (dân ca Đông Anh) huyện Đông Sơn, giai đoạn 2021-2025; kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa huyện Ngọc Lặc giai đoạn 2020-2025...

Đánh giá về những khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT trên địa bàn tỉnh hiện nay, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhìn nhận: “Nhiều DSVHPVT đã bị mai một do không truyền dạy được cho thế hệ sau (thất truyền) hoặc không được cộng đồng thường xuyên thực hành. Việc biểu diễn thực hành DSVHPVT cần có thời gian, đòi hỏi tâm huyết ở cả người học và người dạy. Trong khi đó chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ nhân hoạt động trong các loại hình văn hóa phi vật thể để họ yên tâm truyền dạy cho thế hệ nối tiếp, trình diễn trong cộng đồng, lan tỏa giá trị xã hội”.

Tuy nhiên, ngay cả những DSVHPVT đã được nỗ lực khôi phục thì việc bảo tồn, phát huy giá trị cũng không dễ dàng, chưa tạo được sức hút, lan tỏa cộng đồng. Như lễ hội Nàng Han (huyện Thường Xuân); lễ hội Chá Mùn (huyện Lang Chánh) sau khi phục dựng thì thực tế duy trì tổ chức còn èo uột, hình thức. Dưới góc nhìn chuyên môn, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa cho rằng: “Việc khôi phục, bảo tồn gắn với phát huy giá trị DSVHPVT cần phải đúng và trúng. Lễ hội Bà Triệu thường được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh, cấp huyện, đã vượt ra khỏi quy mô của một lễ hội truyền thống địa phương. Nhưng tại sao hàng năm đến dịp lễ hội Bà Triệu thì mỗi người dân ở Triệu Lộc đều nhận thấy mình có một phần trách nhiệm trong đó. Họ tự nguyện đóng góp, tự nguyện tham gia, không cần ai kêu gọi. Là bởi họ nhận thức được vai trò “chủ nhân” của mình trong lễ hội. Mọi nỗ lực khôi phục, bảo tồn đều phải đặt người dân vào trung tâm - chủ nhân di sản, từ đó lắng nghe nhu cầu, tâm tư của họ. Người dân chính là chủ thể và đối tượng thụ hưởng. Khi mỗi người dân đã ý thức được vai trò của mình thì sẽ tự giác nhận lấy trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa”.

Khơi dậy tình yêu - niềm tự hào với di sản

Khó khăn về nguồn kinh phí dành cho DSVHPVT là thực tế. Nhưng nhìn rộng và sâu xa, đó không phải là tất cả nguyên nhân dẫn đến hiệu quả việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT trong đời sống người dân ở nhiều địa phương còn hạn chế.

Ngọc Lặc là huyện miền núi xứ Thanh với tỷ lệ người dân tộc Mường chiếm trên 75%. 2 DSVHPVT quốc gia trên địa bàn huyện Ngọc Lặc là Xường giao duyên và trò diễn Pôồn Pôông là của người Mường. Cũng như nhiều địa phương khác, Ngọc Lặc phải đối mặt với bài toán bảo tồn - phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, thay vì kêu khó khăn, trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, huyện Ngọc Lặc đã chủ động đi tìm giải pháp. Xác định, để DSVHPVT được bảo tồn bền vững thì thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng. Họ chính là thế hệ kế cận những nghệ nhân dân gian đã có tuổi.

Bà Bùi Thị Quyên, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ngọc Lặc thẳng thắn: “Nếu phải có kinh phí mới có thể bảo tồn, thì liệu sau khi hết kinh phí hỗ trợ, việc bảo tồn sẽ đi về đâu? Khó khăn lớn nhất là làm thế nào để mọi người dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng hiểu được những giá trị văn hóa đặc sắc chỉ có của người Mường. Khi đã hiểu thì sẽ yêu, tự hào và mong muốn được góp sức bảo tồn, phát huy giá trị. Muốn cho các bạn trẻ hiểu được giá trị văn hóa của tiền nhân, việc truyền dạy giữ vai trò quan trọng. Truyền dạy từ trong nhà trường, thôn xóm, đến tổ chức các chương trình; ở đó người nghệ nhân truyền dạy phải thực sự tâm huyết, khơi dậy, “truyền lửa” được tình yêu, say mê trong lòng bạn trẻ. Hiện nay, ở Ngọc Lặc, hầu hết các xã, thị trấn đều có câu lạc bộ (CLB) biểu diễn Pôồn Pôông và hát Xường giao duyên, cùng với đó ở các nhà văn hóa được trang bị trống, cồng chiêng, là nhạc cụ - đạo cụ phục vụ cho trình diễn. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ở Ngọc Lặc dù vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn đang được tổ chức, duy trì khá tốt”.

Sinh ra trong gia đình có ông bà, cha mẹ đều biết biểu diễn hát “Ngũ trò Viên Khê”, điều đó giống như cái nôi dung dưỡng để chị Lê Thị Cảnh (làng Viên Khê 1, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn) tiếp lửa đam mê văn hóa dân gian của cha ông. Không ai nghĩ, người phụ nữ chân quê vẫn lam lũ với ruộng đồng cùng những toan lo mưu sinh cuộc sống gia đình ấy, chỉ cần có tiếng nhị, tiếng trống, tiếng phách vang lên là đã có thể “biến hình” vào trong câu hát, làm say đắm người nghe. Chị Cảnh chia sẻ: “Người dân ở Đông Khê tin rằng, DSVHPVT Ngũ trò Viên Khê có nguồn gốc ra đời cách đây trên cả nghìn năm và chúng tôi luôn tự hào về điều đó. Ngày nhỏ, tôi thường được nghe người lớn nói về giá trị của các trò diễn, rồi dạy cho biết hát, biết múa, dù chỉ gói gọn trong không gian gia đình nhưng nó quen thuộc như “cơm ăn, nước uống”. Mỗi khi đi biểu diễn hay được mời tham gia truyền dạy, tôi luôn tâm niệm đó là cơ hội để mình được chia sẻ niềm tự hào về di sản văn hóa cha ông với mọi người”. Cũng từ tình yêu với di sản văn hóa của quê hương, chị Cảnh còn tự mình bỏ tiền sắm sửa trang phục, đạo cụ. Với chị, đó là tài sản.

Để di sản “nuôi” di sản

Khôi phục - bảo tồn - phát huy giá trị DSVHPVT giống như một hành trình. Ở đấy, khôi phục những giá trị đã mai một, phai mờ chỉ là khởi đầu quan trọng. Sau khôi phục là bảo tồn. Nhưng văn hóa phi vật thể không phải là viên kim cương để người ta cất giữ vào trong chiếc hộp lộng lẫy, thi thoảng mang ra ngắm chơi để khoe khoang. Nó chỉ thực sự “sống” khi đặt trong không gian văn hóa của cộng đồng. Và, thay vì trông chờ vào nguồn kinh phí eo hẹp của Nhà nước, cách phát huy giá trị di sản tốt nhất, phải chăng là lấy di sản “nuôi” di sản?.

Năm 2016, trò Xuân Phả vinh dự là DSVHPVT quốc gia đầu tiên của Thanh Hóa được đưa vào danh mục. Đó thực sự là niềm vui, tự hào với không chỉ người dân ở vùng đất hai vua. Trò diễn Xuân Phả cũng nhiều lần đại diện cho xứ Thanh tham gia các sự kiện văn hóa lớn (Festival Huế; đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội...). Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng, người đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục trò Xuân Phả trải lòng: “Để có một “diện mạo” của trò Xuân Phả như ngày hôm nay, là hành trình của chặng đường suốt 30 năm qua. Nhưng trò Xuân Phả không nên chỉ dừng lại ở đây. Nếu như cha ông xưa đã từng đi bộ vào tận kinh đô Phú Xuân biểu diễn trò Xuân Phả cho vua Nguyễn xem, thì ngày nay chúng ta cũng có quyền mong muốn du khách về với xứ Thanh, với Thọ Xuân biết đến trò Xuân Phả. Trò Xuân Phả đến một ngày phải đem lại tiền cho chính những nghệ nhân tham gia biểu diễn, chứ không chỉ là kinh phí hỗ trợ của Nhà nước”.

Sau khi được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia, hàng năm huyện Thọ Xuân đã đầu tư kinh phí nhất định (200 triệu) cho việc bảo tồn, phát huy giá trị (mua sắm trang phục, đạo cụ, hoạt động truyền dạy). Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân nhìn nhận: “Nếu dừng lại ở việc bảo tồn, Thọ Xuân đã và đang làm khá tốt. Tuy nhiên, xét trong tổng thể lợi thế về tiềm năng di sản văn hóa (vật thể, phi vật thể)... thì bỏ tiền duy trì, “nuôi” di sản không phải cách làm lâu dài. Hiện nay, huyện Thọ Xuân đang xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, các yếu tố về di sản văn hóa giữ vai trò quan trọng. Khi kinh tế du lịch phát triển, thu hút khách đến thăm, làm việc ở Thọ Xuân, việc thành lập một CLB biểu diễn trò Xuân Phả hoạt động tự chủ, mang lại nguồn thu là hoàn toàn khả quan. Nhưng khách quan mà nói, để đến khi di sản có thể nuôi di sản thì vai trò “bà đỡ” của Nhà nước là quan trọng”.

Bảo tồn - phát huy giá trị văn hóa nói chung, DSVHPVT nói riêng, đó không thể là câu chuyện của riêng ngành, địa phương hay bất cứ ai. Văn hóa tồn tại trong Nhân dân, phục vụ cho Nhân dân, bởi vậy mỗi người dân đều là một “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa. Nhưng để văn hóa làm tốt “sứ mệnh” của mình trong sự phát triển chung của xã hội, rõ ràng cần đến những sự quan tâm, đầu tư chiến lược, cụ thể, rõ ràng và dài hơi.

Kiều Huyền - Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]